Trong điển tích Phật giáo, có nhiều thuật ngữ thể hiện sự kiện ra đời của Đức Phật Thích-ca Mâu-ni như: Thánh đản, Giáng sinh, Hạ sinh, Hạ phàm, Giáng phàm, Giáng trần, Giáng thần, Thị hiện, Ứng tích, Phật đản…, trong đó, ở Việt Nam phần lớn được định hóa bằng từ “Phật đản”, còn các từ khác ít khi xuất hiện hoặc vẫn được dùng nhưng không đặc chỉ sự kiện Đản sinh của Đức Thích-ca nữa. Và trong pháp tượng Đức Phật đản sinh cũng thể hiện rất đa dạng về thụy tướng, dạng thức, chất liệu… Nét khác biệt đó liên quan đến đặc điểm văn hóa, phong tục, tập tục tín ngưỡng của từng quốc gia, vùng, miền khác nhau; đồng thời qua đó chúng ta phần nào thấy được nét đồng - dị trong miêu tả sự kiện Đản sinh giữa kinh điển Phật giáo Nguyên thủy và kinh điển Phật giáo Phát triển. Đặc biệt, có một đặc điểm thụy tướng Đức Phật đản sinh được rất nhiều người quan tâm, đó là: khi Đức Thích Ca sinh ra và bước đi 7 bước, mỗi bước đi nở ra bông hoa sen và một tay chỉ lên trời, một tay chỉ xuống đất mà nói rằng “Thiên thượng, thiên hạ, duy ngã độc tôn (Trên trời, dưới trời chỉ có duy nhất mình ta được tôn kính)”. Nhưng tay nào chỉ lên trời, tay nào chỉ xuống đất? và nó có ý nghĩa gì, gắn với Phật giáo như thế nào?