Chủ Nhật, 03/11/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

04/11/2017 00:47 3893
Điểm: 2/5 (1 đánh giá)
Chuông Vân Bản, đồng, thời Trần, thế kỉ 13-14, phát hiện năm 1958, biển Đồ Sơn, thành phố Hải Phòng

Quai chuông trang trí hình bồ lao (dưới dạng đôi rồng đấu lưng vào nhau), nơi tiếp giáp ở vị trí cao nhất trang trí hình búp sen. Chuông có 6 núm gõ tròn hình hoa sen nở “mãn khai”. Miệng chuông loe, vành miệng đúc nổi 52 cánh sen với lớp cánh to, cánh nhỏ xen kẽ nhau.

Trên thân chuông khắc minh văn chữ Hán nói về nhà sư tu khổ hạnh và Cư sĩ Đại Ổ đã có công khai phá sơn lâm, mở mang đất đai dựng chùa Vân Bản và những người cúng dường đất đai cho chùa là Thị vệ nhân dũng thủ Nguyễn Văn Kịp và vợ Chu Thị Trãi cùng anh vợ là Chu Lâm. Đặc biệt, minh văn cho biết, lai lịch chuông do vị quan Tả bộc xạ cung tiến vào chùa. Minh văn còn là lời dặn gửi đời sau phát tâm công đức giữ gìn chùa, không để bị hủy hoại, không được khuyết thiếu việc hương hỏa. Hoa lợi từ ruộng đất cúng dường thì dành cho cúng lễ, giỗ chạp.

Đặc biệt, các chức quan được khắc trên chuông… mà theo Quan chức chí trong Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú thì “tả bộc xạ” là chức quan chỉ có ở triều Trần hay “thị vệ nhân dũng thủ” cũng là chức quan chỉ gặp trong bia ký thời Trần; cùng với đó còn có chữ “Nam” (được viết là chữ “Bính”) là 1 trong 10 chữ húy được quy định bởi vua Trần Anh Tông cũng được khắc trên chuông hay trang trí hình rồng có vảy đã cho thấy đây là chiếc chuông được đúc dưới thời Trần. Chuông Vân Bản không chỉ phản ánh trình độ đúc chuông của ông cha ta mà còn mang giá trị nghiên cứu về mỹ thuật, sự phát triển văn hóa và tôn giáo tại Đồ Sơn (Hải Phòng) - một trong những trung tâm Phật giáo quan trọng thời Trần thế kỷ 13 - 14.


Chia sẻ: