Thứ Năm, 05/12/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

06/12/2017 23:23 23419
Điểm: 2.23/5 (606 đánh giá)
Chiếc thạp nổi tiếng này được phong Bảo vật Quốc gia ngay đợt đầu cùng với 30 Bảo vật khác. Đây là chiếc thạp lớn nhất Việt Nam và có lẽ là lớn nhất thế giới nữa, vì chỉ có nước ta mới có…thạp đồng, hiện vật độc đáo của văn hóa Đông Sơn.

Chiếc thạp nổi tiếng này được phong Bảo vật Quốc gia ngay đợt đầu cùng với 30 Bảo vật khác. Đây là chiếc thạp lớn nhất Việt Nam và có lẽ là lớn nhất thế giới nữa, vì chỉ có nước ta mới có…thạp đồng, hiện vật độc đáo của văn hóa Đông Sơn.

Chiếc thạp có tên gọi Đào Thịnh là tên của một xã của huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái. Sự phát hiện chiếc thạp này hoàn toàn ngẫu nhiên. Vào một ngày đẹp trời tháng 9 năm 1961, một người dân xã Đào Thịnh ra câu cá ở sông Hồng thì thấy bờ sông bị lở, lộ ra một chiếc thạp đồng khá lớn. Sau đó thạp được mang về lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc Gia cho đến tận hôm nay. Hiện thạp được trưng bày ở phòng đại sảnh cùng với các trống đồng Đông Sơn quý nhất.

Thạp Đào Thịnh đang được trưng bày ở Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.

Một trong những cặp tượng trai gái đang giao duyên trên nắp thạp Đào Thịnh.

Hoa văn trang trí trên thạp đồng Đào Thịnh.

Chúng tôi có lên lại nơi phát hiện thạp Đào Thịnh. Người dân chỉ tay ra giữa dòng sông Hồng là vị trí tìm thấy thạp. Thì ra, qua nửa thế kỷ, vật đổi sao dời mà bờ sông cứ lở cho đến tận hôm nay. Đoạn phát hiện thạp lại là chỗ nước sông Hồng xối vào mạnh nhất hàng năm. Cũng may mà đúng lúc sông Hồng lở vách đất thì là lúc có người…đi câu phát hiện. Nếu không thì đồ cổ độc đáo này hẳn cũng nằm dưới lòng sông từ bấy giờ rồi. Mà cũng may ở cái đầu thập niên 60 ấy, dân tình còn ý thức được đấy là tài sản chung và báo lại cho chính quyền. Chứ còn bây giờ thì chẳng biết thế nào, khi mà ngay tại khu vực Đào Thịnh đã có nhiều cánh “đi sứ” nói theo cách gọi của dân buôn đồ cổ, đã dùng máy rà quét đi quét lại nhiều lần, ắt hẳn những đồ quý như thế chẳng còn vào được tay nhà nước.

Hai bờ sông Hồng, đoạn qua tỉnh Yên Bái là nơi tìm được hàng chục chiếc thạp đồng. Cũng có chiếc tìm được ở ngay bờ sông như chiếc thạp Hợp Thịnh, đẹp vì nhiều hoa văn trang trí, nhưng kích thước nhỏ. Chỉ có thạp Đào Thịnh là vừa đẹp lại có kích thước lớn nhất, xứng là bảo vật quốc gia.

Thạp có hình trụ, có nắp đậy. Đường kính miệng 61cm, đường kính đáy 60cm, chiều cao 98cm. Trang trí hoa văn trên thạp gần gũi với cách trang trí trên trống đồng Ngọc Lũ. Giữa nắp thạp có hoa văn hình ngôi sao 12 cánh tượng trưng cho hình mặt trời. Xung quanh ngôi sao là các vành hoa văn hình học điển hình của văn hóa Đông Sơn. Đáng chú ý có đàn chim xòe cánh, mỏ dài bay ngược chiều kim đồng hồ. Điểm nhấn của nắp thạp chính là những khối tượng người. Hiện tại, có thể thấy 4 khối tượng đối xứng qua tâm nắp thạp. Tuy nhiên, theo nhân dân địa phương thì không chỉ có 4 khối tượng này mà còn 1 khối tượng nữa nằm chính giữa ngôi sao ở đỉnh nắp thạp. Khi mới đào lên, thì khối tượng này bị gãy, chỉ còn dấu tích gãy. Nếu vậy thì thạp phải có đến 5 khối tượng người.

Cái đặc sắc của các cặp tượng trên thạp Đào Thịnh là miêu tả từng cặp trai gái đang giao duyên. Có lẽ không có một khối tượng nào trong nền văn hóa Đông Sơn lại được miêu tả chân thực và sinh động như thế.

Cách đây hơn 2000 năm, người Việt cổ đã đúc tượng chính mình trong tư thế phồn thực tự nhiên: nam cởi trần, tóc xõa, đóng khố mà dây khố còn thấy vương hai vòng quanh eo. Trong lúc giao hoan mà bên hông người nam vẫn còn đeo dao găm kiểu Đông Sơn. Cơn hứng tình đột khởi hoặc chỉ là làm chuyện giao phối mà vẫn có tinh thần cảnh giác cao, luôn mang vũ khí bên mình? Chân đối chân, đôi cánh tay xoắn xuýt lấy nhau và vòng qua vai đã biểu tả được cái nét khá động của các cặp tượng. Đáng chú ý là hình tượng dương vật được khắc họa khá to, cắm thẳng xuống, rất mạnh mẽ, thể hiện điểm nhấn phồn thực, giao hòa âm dương.

Thạp đồng thường là dụng cụ để đựng thóc giống. Phải chăng, đặc tả hình tượng nam nữ đang giao hoan, cũng là mong cho thóc lúa bắt chước để sinh sôi, nảy nở. Đó là một quan niệm khá xưa, “vạn vật hữu linh”, lúa cũng có linh hồn mà hiểu được động tác của người để bắt chước làm theo như vậy.

Trang trí vòng quanh thân thạp là những băng hoa văn. Đó là những băng hoa văn giống như hoa văn trang trí trên trống đồng. Băng hoa văn rộng nhất được khắc họa hình 6 chiếc thuyền lớn. Trên thuyền có người trong trang phục hóa trang đang cầm mái chèo, cầm vũ khí và đang nhảy múa. Phía trên thuyền có chim bay. Giữa các thuyền còn có hình giao long đang châu đầu vào nhau. Đây là những chiếc thuyền trong ngày hội đua thuyền như nhiều nhà khoa học phân tích. Quai thạp ở hai bên thân và mép nắp thạp, được trang trí hoa văn bông lúa quen thuộc của cư dân làm nông nghiệp trồng lúa nước.

Thạp Đào Thịnh đẹp như vậy ắt hẳn không phải là đồ của các gia đình làm nông bình thường ở một làng quê bình thường mà ắt phải là đồ quý của thủ lĩnh một vùng lớn. Xét về độ tinh xảo thì thạp Đào Thịnh có hoa văn đẹp không kém hoa văn của những trống đẹp nhất. Trình độ đúc đồng cũng thể hiện kỹ thuật cao như đúc trống mà kích thước lại to hơn, có phần khó đúc hơn. Vì thế, đi tìm “thân phận” của chiếc thạp Đào Thịnh là một điều thú vị.

Khi mới được phát hiện năm 1961, trong lòng thạp Đào Thịnh còn có dấu tích của than tro và răng của người quá cố. Một thạp đồng nhỏ hơn có đậy một mảnh gỗ bên trên và một số cục xỉ đồng cũng có ở bên trong thạp Đào Thịnh. Vì thế có thể khẳng định lúc chôn xuống đất, thạp Đào Thịnh có chức năng là một quan tài. Với cư dân Đông Sơn, khi chết, thường được chôn trong quan tài gỗ bằng thân cây khoét rỗng. Trường hợp lấy trống đồng, thạp đồng để làm quan tài mai táng người quá cố là trường hợp ít gặp, phản ánh thân phận người chết phải là thủ lĩnh một vùng và rất giàu có. Có thể chiếc thạp Đào Thịnh đã được dùng làm quan tài chôn thủ lĩnh như vậy. Dấu vết than tro có thể gợi ý về tục hỏa táng chăng? Xong vẫn còn là vấn đề cần phải nghiên cứu sâu thêm vì nhiều ngôi mộ thời này không thấy có tục lệ đốt xác.

Đấy là chuyện biến thạp Đào Thịnh thành quan tài chôn người chết. Còn thì bình thường, thạp Đào Thịnh nói riêng và các loại thạp đồng Đông Sơn nói riêng có công dụng khác. Đúc được một chiếc thạp quý đã tốn nhiều công sức, nhiều nguyên liệu đồng và kỹ thuật cao. Vì thế, thạp phải là đồ đựng bằng đồng quý giá, ít ra là hơn các đồ đụng như gùi, thúng, mủng… chỉ làm bằng mây tre. Có lẽ người xưa tạo ra thạp đồng là để một thứ khá quý mà nay không còn, đó có thể là hạt thóc giống. Với cư dân trồng lúa thì câu tục ngữ cửa miệng là “nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”. Giống lúa mà được bảo quản tốt, trong thạp đồng thì sẽ không bị mối mọt chờ đến vụ mùa gieo hạt sau. Mà có lẽ chính vì am hiểu cái giống lúa là then chốt của mùa vụ, người Đông Sơn mới đúc các cặp tượng trai gái đang giao hoan để mong cho giống lúa cũng sinh sôi như người chăng?

Qua bao sự sàng lọc của các hội đồng thẩm định, việc vinh danh thạp Đào Thịnh là bảo vật Quốc gia quả là chính xác. Không những thạp đẹp ở dáng hình, ở hoa văn mà còn chứa đựng cái tâm linh phồn thực hồn nhiên của người xưa, cũng là một nét truyền thống Việt tồn tại dai dẳng sau cả thời Đông Sơn nhiều ngàn năm, mà chúng ta vẫn còn thấy nét phồn thực này ở các hội làng, ở tục thờ nõ nường (hình tượng dương vật và âm vật), ở tục sau khi hát đám, trai gái rủ nhau vô tư vào rừng tìm hiểu…

Qúy độc giả muốn biết thêm thông tin vui lòng truy cập vào đường link sau"

https://www.youtube.com/watch?v=gM68XmJ9_e4&index=3&list

PGS.TS Trịnh Sinh

Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Chia sẻ:

Bài viết khác

Bảo vật quốc gia được lưu giữ tại BTLSQG

Bảo vật quốc gia được lưu giữ tại BTLSQG

  • 06/12/2017 23:17
  • 6469

(Phần 3 và hết)Ở mỗi một đất nước, mỗi dân tộc thì bảo vật là đại diện cho những giá trị văn hóa, mỹ thuật đặc sắc, kỹ thuật đặc trưng hay sự đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong quá trình phát triển của mỗi dân tộc, và được xem như diện mạo văn hóa của mỗi quốc gia, bởi đó là những thành tựu đặc trưng của cả đất nước trong suốt chiều dài dựng nước và giữ nước của dân tộc ấy. Bảo vật đó chính là nguyên khí, là linh hồn văn hóa của dân tộc. Hiện nay Bảo tàng Lịch sử quốc gia hiện đang lưu giữ một số lượng lớn các quốc bảo đặc sắc nhất, ưu tú nhất trong cả nước. Mỗi một quốc bảo được lưu truyền lại cho thế hệ mai sau đều mang được đầy đủ những giá trị đại diện cho những tư tưởng lớn, thẩm mỹ tiêu biểu, chứng minh cho các giai đoạn hình thành và phát triển lịch sử đất nước và con người Việt Nam.