Thứ Hai, 09/09/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

07/12/2017 20:41 10265
Điểm: 5/5 (2 đánh giá)
Mộ thuyền là một trong những táng tục đặc trưng của văn hóa Đông Sơn. Cho đến nay, mộ thuyền đã được phát hiện trong nhiều di tích Đông Sơn, cung cấp những tư liệu quý báu cho chúng ta tìm hiểu về tính chất cũng như các mối quan hệ của văn hóa nổi tiếng này. Một trong những phát hiện sớm nhất và quan trọng nhất về mộ thuyền trong văn hóa Đông Sơn đó là ngôi mộ Việt Khê (mộ số 2 - M2).

Mộ thuyền là một trong những táng tục đặc trưng của văn hóa Đông Sơn. Cho đến nay, mộ thuyền đã được phát hiện trong nhiều di tích Đông Sơn, cung cấp những tư liệu quý báu cho chúng ta tìm hiểu về tính chất cũng như các mối quan hệ của văn hóa nổi tiếng này. Một trong những phát hiện sớm nhất và quan trọng nhất về mộ thuyền trong văn hóa Đông Sơn đó là ngôi mộ Việt Khê (mộ số 2 - M2).

Mộ Việt Khê M2 được phát hiện vào năm 1961 cùng với 4 mộ thuyền khác tại một cánh đồng ven sông Hàn, thuộc thôn Ngọc Khê, xã Phù Ninh, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng. Trong 5 ngôi mộ, mộ Việt Khê M2 là quý giá nhất bởi còn khá nguyên vẹn và có nhiều đồ tùy táng, với hơn 100 hiện vật chôn theo.

1

Mộ Việt Khê được phát hiện tại công trường đào đất Việt Khê, xã Phù Ninh, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng năm 1961.

Đây là ngôi mộ thuyền lớn nhất của văn hóa Đông Sơn, làm từ thân cây khoét rỗng, có hình dáng như một chiếc thuyền độc mộc với một đầu to, một đầu nhỏ. Quan tài có tiết diện hình tròn, gồm có phần thân và phần nắp, dài khoảng 4,76 m, cao khoảng 0,6 m. Mặt trong của quan tài được khoét rất đều và đẹp, nhưng mặt bên ngoài chỉ được bóc lớp vỏ cây chứ không có vết chế tác.

2

Mộ thuyền Việt Khê, Văn hóa Đông Sơn, cách ngày nay khoảng 2.500 - 2.000 năm.Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật quốc gia năm 2013.

Đây cũng là ngôi mộ thuyền có nhiều đồ tùy táng nhất trong văn hóa Đông Sơn, với hơn 100 hiện vật, bao gồm đồ đồng, đồ sơn, một số đồ tre gỗ và da, nhưng không thấy có đồ sắt và đồ gốm. Những đồ tùy táng này được sắp xếp như sau: ở đầu to xếp những hiện vật cỡ lớn như trống, thạp, bình, đỉnh; ở đầu nhỏ đặt các công vụ và vũ khí như rìu, đục, dao găm; ở giữa có chuông, khay, thố và một mảnh da có sơn, dọc hai bên đặt các loại giáo có cán và bơi chèo bằng gỗ; dưới đáy quan tài còn có nhiều đồ đan, vải đã bị mục nát. Trong những đồ tùy táng này, bên cạnh các hiện vật đặc trưng của văn hóa Đông Sơn còn có các hiện vật phản ánh sự giao lưu, giao thoa văn hóa như kiếm, chuông, dao gọt hay khay.

Một số đồ tùy táng mộ thuyền Việt Khê:

3_0

Muôi đồng trang trí hình người thổi khèn.

3

Muôi đồng hình tẩu.

4

Đỉnh đồng.

5

Bình đồng.

6

Thạp đồng.

7

Thố đồng.

8

Âu đồng.

9

Rìu đồng.

10

Dao đồng.

11

Giáo đồng.

12

Trống đồng.

13

Mặt trống đồng.

Dựa trên kĩ thuật chế tác quan tài và đặc trưng đồ tùy táng, có thể định niên đại mộ Việt Khê M2 ở vào khoảng thế kỷ 3 - 2 trước Công nguyên.

Việc phát hiện mộ thuyền Việt Khê có ý nghĩa vô cùng to lớn. Nó không chỉ là nguồn tài liệu quý giá để nghiên cứu về táng tục và táng thức của cư dân Đông Sơn, mà còn là cơ sở để nghiên cứu về lịch sử hình thành giai cấp trong xã hội Đông Sơn, về mối quan hệ văn hóa giữa khu vực Bắc Việt Nam và Nam Trung Quốc, hay về các ngành nghề thủ công truyền thống.

Với những ý nghĩa đó, mộ Việt Khê M2 đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật Quốc gia vào năm 2013. Hiện nay mộ Việt Khê M2 đang được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia (Hà Nội) và luôn là một điểm dừng thú vị, hấp dẫn đối với khách tham quan trong và ngoài nước./.

Nguyễn Văn Đoàn

Bảo tàng lịch sử quốc gia

Chia sẻ:

Bài viết khác

Bảo vật Quốc gia: Tượng người cõng nhau thổi khèn

Bảo vật Quốc gia: Tượng người cõng nhau thổi khèn

  • 07/12/2017 00:23
  • 8933

Không phải ngẫu nhiên mà đợt phong tặng danh hiệu Bảo vật quốc gia lần đầu cho 30 hiện vật, có 2 trống đồng và 2 tượng đồng của văn hóa Đông Sơn. Hai trống đồng là Ngọc Lũ và Hoàng Hạ, đã quá nổi tiếng. Tượng đồng người cầm đĩa đèn phát hiện ở Lạch Trường cũng xứng đáng là bảo vật và được nói đến nhiều. Thế còn bức tượng còn lại?