Thứ Hai, 04/11/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

24/01/2018 00:54 12752
Điểm: 5/5 (2 đánh giá)
Trong số 24 Bảo vật Quốc gia vừa được Thủ tướng Chính phủ công nhận đợt 6 (2017) có Ấn ngọc Đại Nam thụ thiên vĩnh mệnh truyền quốc tỷ. Đây là ngọc tỷ quan trọng bậc nhất trong bộ sưu tập Bảo vật của triều Nguyễn hiện lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.

Trong số 24 Bảo vật Quốc gia vừa được Thủ tướng Chính phủ công nhận đợt 6 (2017) có Ấn ngọc Đại Nam thụ thiên vĩnh mệnh truyền quốc tỷ. Đây là ngọc tỷ quan trọng bậc nhất trong bộ sưu tập Bảo vật của triều Nguyễn hiện lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.

Theo hồ sơ tài liệu của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, bộ sưu tập Bảo vật này đã được Bộ trưởng Bộ Lao động thay mặt Chính phủ Cách mạng Lâm thời tiếp nhận từ Đổng lý Ngự tiền Văn phòng Phạm Khắc Hòe bàn giao vào ngày 27 và 28 tháng 8 năm 1945 tại Kinh đô Huế ( Phạm Khắc Hòe, 1983, tr.74). Trong đó có Ấn ngọc Đại Nam thụ thiên vĩnh mệnh truyền quốc tỷ. Sau lễ thoái vị của vua Bảo Đại, bộ sưu tập bảo vật này đã được chuyển ra Hà Nội.

Ấn ngọc: Đại Nam thụ thiên vĩnh mệnh truyền quốc tỷ.

Tháng 12 năm 1946, toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ, sưu tập bảo vật này được đem đi bảo quản, cất giữ ở Liên khu 5. Trải qua 9 năm kháng chiến với vô vàn khó khăn gian khổ, nhưng số bảo vật này vẫn được giữ gìn đầy đủ. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, sưu tập được đưa về Bộ Tài chính quản lý. Đến ngày 17 tháng 12 năm 1959 Bộ Tài chính bàn giao cho Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (nay là bảo tàng Lịch sử Quốc gia) lưu giữ.

Năm 1962 để đảm bảo an ninh an toàn cho bộ sưu tập, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam đã gửi bộ sưu tập này sang Ngân hàng Nhà nước lưu giữ theo chế độ đặc biệt. Các bảo vật được đựng trong các hòm tôn rồi đóng trong thùng gỗ kèm theo danh mục hiện vật tương ứng. Chìa khóa niêm phong do bảo tàng giữ. Trong suốt gần nửa thế kỷ, sưu tập hoàn toàn bị đóng kín, rất ít người biết đến sự tồn tại của chúng. Tới năm 2007, sau khi Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (nay là Bảo tàng Lịch sử Quốc) gia xây dựng kho bảo quản đặc biệt, lắp đặt trang thiết bị đảm bảo an ninh, an toàn thì sưu tập này đã được bàn giao trở lại để bảo tàng lưu giữ, bảo quản và phát huy. Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đã tập trung nghiên cứu Bộ sưu tập này và tổ chức nhiều cuộc trưng bày giới thiệu với công chúng. Đáng chú ý là cuộc trưng bày Bảo vật Hoàng cung nhân Lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội rất được đông đảo công chúng hoan nghênh. Nhiều bài báo và ấn phẩm giới thiệu về Bộ sưu tập đã được công bố như sách Kim ngọc bảo tỷ của Hoàng đế và Vương triều Nguyễn Việt Nam; Cổ ngọc Việt Nam; Bảo vật Hoàng cung triều Nguyễn. năm 2015, đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ: Giải mã minh văn trên các bảo vật triều Nguyễn lưu trữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đã được nghiệm thu với kết quả xuất sắc. Từ bộ sưu tập bảo vật này, năm 2015, Kim bảo / Ấn Sắc mệnh chi bảo đúc năm 1827 dưới đời vua Minh Mệnh và năm 2016, Kim bảo / Ấn vàng Đại Việt quốc Nguyễn chúa vĩnh trấn chi bảo đúc năm 1079 dưới đời vua Lê Dụ Tông đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận Bảo vật Quốc gia.

Ấn ngọc được chạm khắc bằng loại đá ngọc màu trắng đục hay gọi là bạch ngọc. Mặt ấn gần vuông, giật hai cấp. Ấn có chiều cao: 14,5 cm; cạnh 12,8 cm x 13,2 cm. Quai ấn chạm khắc hình tượng rồng. Đây là mẫu rồng cuộn, đầu ngẩng cao, chân 5 móng, đuôi xoắn. Trên lưng ấn, phía bên trái khắc một dòng 9 chữ Hán Đắc thượng lễ cát thành phụng chỉ cung tuyên, có nghĩa là: Được ngày lành lễ Đại tự đã làm xong phụng chỉ khắc. Phía bên phải khắc một dòng 9 chữ Hán Thiệu Trị thất niên tam nguyệt thập ngũ nhật có nghĩa là: Ngày 15 (rằm) tháng 3 năm Thiệu Trị thứ 7, 1847. Đặc biệt ở phía trên, trước đầu rồng còn khắc một dòng 6 chữ Hán Nam Giao đại lễ để cáo (Để tế cáo Đại lễ Đàn Nam Giao). Mặt ấn khắc nổi 9 chữ triện, dàn đều theo 3 hàng dọc và ngang Đại Nam thụ thiên vĩnh mệnh truyền quốc tỷ (Ngọc tỷ truyền quốc của nước Đại Nam nhận mệnh lâu dài từ Trời).

Dưới đời vua Thiệu Trị hiện còn 3 quả Ấn ngọc. Vào năm Thiệu Trị 4 (1844), nhân có người dân trong nước dâng biếu 2 viên ngọc lớn, nhà vua liền sai Hữu tư chạm khắc 2 ngọc tỷ mới. Trên 2 ngọc tỷ đều có khắc dòng chữ Hán: Thiệu Trị tứ niên tam nguyệt cát nhật tạo. Nghĩa là khắc vào ngày lành tháng 3 năm Thiệu Trị 4 (1844). Ngọc tỷ thứ nhất là Thần hàn chi tỷ (Văn từ ở cung vua Thiệu Trị). Những văn thư, chỉ dụ của nhà Vua viết bằng chữ son đều dùng đóng ngọc tỷ này. Ngọc tỷ thứ 2 là Đại Nam Hoàng đế chi tỷ (Ngọc tỷ của Hoàng đế nước Đại Nam). Ngọc tỷ này dùng đóng trên các văn kiện ban sắc thư cho người nước ngoài và khi nhà Vua đi tuần thú xem xét các địa phương. Theo sử cũ ghi chép lại, vào năm Thiệu Trị 6 (1846) có người dân làng dâng lên Vua một viên ngọc cực lớn, vốn là sản phẩm của núi ngọc huyện Hòa Điền vùng đất Quảng Nam. Nhà Vua vô cùng mừng rỡ liền sai quân Hữu tư giũa mài thành Ngọc tỷ, một năm sau thì xong. Đó chính là Đại Nam thụ thiên vĩnh mệnh truyền quốc tỷ.

Đây là Ngọc tỷ thứ ba của Vua Thiệu Trị, cũng là ngọc tỷ quý và lớn nhất trong sưu tập Bảo vật triều Nguyễn. Bản thân nhà Vua làm lễ Đại tự cho khắc chữ trên mặt ấn Ngọc tỷ này không chỉ dùng trong Đại lễ Tế Giao hàng năm ở Đàn Nam Giao (Kinh đô Huế) mà còn dùng đóng trên những bản sắc mệnh ban cho các chư hầu, những việc ban bố cho thiên hạ, được bảo vệ và quý trọng như Kim bảo truyền quốc Đại Việt quốc Nguyễn chúa vĩnh trấn chi bảo.

Ấn ngọc .

Ấn ngọc Đại Nam thụ thiên vĩnh mệnh truyền quốc tỷ không chỉ có giá trị đặc biệt với Bộ sưu tập Bảo vật triều Nguyễn mà còn là nguồn sử liệu vô cùng quan trọng ghi lại dấu ấn lịch sử gắn liền với vương triều nhà Nguyễn và lịch sử văn hóa dân tộc Việt Nam ở cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX.

TS.Nguyễn Đình Chiến

Tài liệu tham khảo:

Phạm Khắc Hòe, 1983. Từ triều đình Huế đến chiến khu Việt Bắc, Nxb. Hà Nội.

Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Chia sẻ: