Bia Linh Xứng, đá, dựng năm Thiên Phù Duệ Vũ 7 (1126), chùa Linh Xứng, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa
Đây là tấm bia quý hiếm thời Lý còn lại nguyên vẹn đến ngày nay. Bia cao 134cm, rộng 70cm. Trán bia hình bán nguyệt khắc chữ Hán: “Ngưỡng Sơn Linh Xứng tự bi ký” (Bia chùa Linh Xứng ở núi Ngưỡng). Bia được dựng trên rùa với quan niệm những công lao to lớn đó sẽ được truyền tới muôn đời sau. Thân bia khắc chìm bài minh văn chữ Hán, nét chữ chân phương, phần đầu nội dung nói về sự du nhập và phát triển của Phật giáo ở nước ta, làm tượng Phật để truyền đạo thống, dựng tháp miếu để có chỗ quy tâm cho nên những nơi danh lam thắng cảnh người ta đều dựng chùa, lập miếu; phần tiếp theo nội dung nói về quá trình xây chùa Linh Xứng, sự góp công của các tín đồ phật giáo và nhân dân quanh vùng, đặc biệt là sự quan tâm, công lao của Lý Thường Kiệt trong việc tìm đất, công đức tiền của để xây dựng chùa Linh Xứng cũng như công lao của ông trong cuộc kháng chiến chống quân Chiêm Thành (Champa) năm 1069 và chống quân Tống năm 1075 - 1077. Bia Linh Xứng không chỉ minh chứng cho sự phát triển hưng thịnh của Phật giáo dưới triều Lý mà còn giúp chúng ta hiểu rõ hơn về anh hùng kiệt xuất Lý Thường Kiệt trong lịch sử dân tộc Việt Nam.