Chủ Nhật, 06/10/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

16/08/2022 11:32 4739
Điểm: 5/5 (2 đánh giá)
Mỗi hiện vật tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia đều mang trong mình những câu chuyện lịch sử, đó là câu chuyện phản ánh con người, phản ánh xã hội. Tuy nhiên ít ai biết, hành trình để những hiện vật đó trở về với bảo tàng cũng là một câu chuyện không kém phần thú vị, cuốn sách “Bản án chế độ Thực dân Pháp” (Le Procès de la colonisation Francaise) hiện đang trưng bày tại triển lãm “Quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam” là hiện vật chứa đựng câu chuyện như thế.

 

Trang bìa trước cuốn sách
 
Trang bìa sau cuốn sách
Lần giở những trang ghi chép trong hồ sơ hiện vật sách “Bản án chế độ Thực dân Pháp” có số đăng ký BTCM.2043/Gy.704, lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia, người đọc sẽ cảm nhận được không chỉ là giá trị thời đại xuyên suốt của hiện vật; cái tâm, cái tầm của người lưu giữ mà đâu đó còn là những mối nhân duyên dẫn dắt để hiện vật về với Bảo tàng.
Về lai lịch của cuốn sách đến với Bảo tàng, trong hồ sơ ghi chép về hiện vật của Bảo tàng Lịch sử quốc gia cho biết: Trong một ngày đầu tháng 5 năm 1970, GS Ngụy Như Kon Tum, khi đó là Phó hiệu trưởng Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, được cử sang Pháp công tác, nhân dịp này, GS Hoàng Xuân Hãn đã mời GS Ngụy Như Kon Tum đến nhà ăn bữa cơm thân mật. Hôm GS Ngụy Như Kon Tum đến nhà đã được GS Hoàng Xuân Hãn cho xem cuốn “Le Procès de la Colonisation Francaise”, đồng thời có ý định nhờ GS Ngụy Như Kon Tum đem về nước tặng lại cho cơ quan nào thì do trong nước quyết định. Chuyến công tác kết thúc, GS Ngụy Như Kon Tum đã đem cuốn sách về và nhắc lại đề nghị của GS Hoàng Xuân Hãn với Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung cấp chuyên nghiệp - Tạ Quang Bửu. Ngay sau đó, Bộ trưởng đã đem cuốn sách đến báo cáo với Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trường Chinh. Xem xong, Chủ tịch Quốc hội Trường Chinh cho rằng, cuốn sách này là một vật kỷ niệm rất quý nên giao cho Bảo tàng Cách mạng Việt Nam (nay là Bảo tàng Lịch sử quốc gia) lưu giữ. Thực hiện ý kiến của Chủ tịch Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên đề nghị GS Ngụy Như Kon Tum chuyển giao cuốn sách cho ông Phạm Văn Hảo - Viện trưởng Viện Bảo tàng Cách mạng Việt Nam lưu giữ vào ngày 14/8/1970.
 
  Ghi chú của GS Hoàng Xuân Hãn ở trang 3 của cuốn sách
Trở lại với nguồn gốc của cuốn sách, theo bản ghi chép hồ sơ cho biết: cuốn sách được GS Hoàng Xuân Hãn mua tại một hiệu mua bán sách cũ bên bờ sông Seine, ngoại ô thành phố Pari (Pháp) vào mùa hè 1954. Cuốn sách dày 128 trang, khổ 12x19cm, bên ngoài bọc bóng kính, bìa trước có tên tác giả ở phía trên, tên sách được viết ở giữa bìa bằng 3 thứ tiếng: A rập, Hán, Pháp. Dưới cùng có ghi nhà xuất bản. Góc phải trang thứ ba của cuốn sách được GS Hoàng Xuân Hãn ghi chú “Mua tại hàng sách cũ ở Paris năm 1954” rồi đóng đấu đỏ, bên dưới viết tắt chữ “H.X.Hãn”. GS. Hoàng Xuân Hãn đọc đi đọc lại nhiều lần và ước đoán cuốn sách được xuất bản năm 1924, dòng chữ Hán ở trang bìa cũng có lẽ là do Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thảo lúc bấy giờ, người sở hữu cuốn sách trước đó có lẽ tên là Thắng như lời bình luận của GS. Hoàng Xuân Hãn ghi ở trang thứ tư cuốn sách.
 
Ghi chép của GS Hoàng Xuân Hãn về cuốn sách ở trang thứ tư.
Theo GS Hoàng Xuân Hãn, cuốn sách đã có người sử dụng và cất giữ từ năm 1925 đến năm 1954 mới đem bán và được ông mua lại rồi cất giữ từ đó đến năm 1970. Từ năm 1970 đến nay, cuốn sách được Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, tiếp đó là Bảo tàng Lịch sử quốc gia lưu giữ, bảo quản và phát huy giá trị. Như vậy, trước khi về với Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, cuốn sách đã được lưu hành tại Pháp suốt 45 năm.
Trước khi giao lại cho GS Ngụy Như Kon Tum, GS Hoàng Xuân Hãn có nói “rất tiếc đã ghi nhỡ mấy dòng vào cuốn sách trước khi có ý định gửi về tặng trong nước, nếu trong nước thấy những dòng ghi của tôi không cần thiết có thể xé hoặc xoá bỏ nó đi"1.
 
Trang 65 sách “Bản án chế độ thực dân Pháp” (Le Procès de la colonisation Francaise) trưng bày tại triển lãm chuyên đề "Quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam", tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia, tháng 8/2022
 “Bản án chế độ thực dân Pháp” là tác phẩm tập hợp một số bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong khoảng thời gian từ năm 1921 đến 1924. Tác phẩm được một số đồng chí của Người xuất bản lần đầu tiên, do Thư quán Lao động (Librairie du Travail) ấn hành tại Paris, Pháp vào năm 1925. Năm 1946, tác phẩm này được xuất bản bằng tiếng Pháp tại Hà Nội. Năm 1960, Nhà xuất bản Sự thật lần đầu tiên xuất bản bằng tiếng Việt. Bản án là một bản cáo trạng, tố cáo tội ác của thực dân Pháp không chỉ ở Đông Dương, ở Việt Nam mà ở khắp các thuộc địa: An-giê-ri, Tuy-ni-di, Tây-Phi…
Tác phẩm gồm 12 chương và phần phụ lục, chú thích với cách hành văn ngắn gọn, súc tích, cùng với những sự kiện đầy sức thuyết phục, tác phẩm tố cáo thực dân Pháp dùng mọi thủ đoạn khốc liệt bắt “dân bản xứ” phải đóng “thuế máu” cho chính quốc… để “phơi thây trên chính trường Châu Âu”, đày đọa phụ nữ, trẻ em “thuộc địa”. Trang 65 sách “Le Procès de la colonisation Francaise” tố cáo tội ác của thực dân Pháp đối với các dân tộc Đông Dương nói riêng và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới nói chung: “Ở Luông-pha-bang, nhiều phụ nữ nghèo khổ, thảm thương phải mang xiềng xích đi quét đường vì chỉ một tội không nộp nổi thuế.…”.
Tác phẩm đã gây được tiếng vang lớn ngay từ khi ra đời, thức tỉnh lương tri của những con người yêu tự do, bình đẳng, bác ái, hướng các dân tộc bị áp bức đi theo con đường Cách mạng Tháng Mười Nga và Chủ nghĩa Mác - Lênin, thắp lên ngọn lửa đấu tranh cho độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội của dân tộc Việt Nam.

Thu Nhuần

Nguồn tham khảo:

1. Hồ sơ hiện vật SĐK: BTCM.2043/Gy.704

Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Chiếc gầu Chủ tịch Hồ Chí Minh dùng để tát nước chống hạn lưu giữ tại BTLSQG

Chiếc gầu Chủ tịch Hồ Chí Minh dùng để tát nước chống hạn lưu giữ tại BTLSQG

  • 21/06/2019 09:04
  • 7755

BTLSQG hiện đang lưu giữ rất nhiều tài liệu, hiện vật về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Mỗi tài liệu, hiện vật, hình ảnh, là một câu chuyện sống động, chân thực về cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh - một cuộc đời đã đi vào huyền thoại, gắn liền với cuộc sống chiến đấu và thắng lợi vẻ vang của nhân dân Việt Nam vì hòa bình, độc lập dân tộc và tiến bộ xã hội.

Bài viết khác

Vở học bằng mo tre lưu giữ tại BTLSQG

Vở học bằng mo tre lưu giữ tại BTLSQG

  • 02/06/2022 09:41
  • 3205

Trưng bày chuyên đề “Việt Bắc - Thủ đô gió ngàn” tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia nhân dịp kỷ niệm 75 năm ngày toàn quốc kháng chiến 19/12/1946 - 19/12/2021 với nhiều tài liệu, hiện vật được lựa chọn là những tài liệu, hiện vật tiểu biểu làm nổi bật thông điệp, ý nghĩa của trưng bày, đặc biệt là những thông tin, câu chuyện từ hiện vật đã làm cho nội dung trưng bày càng trở nên có ý nghĩa sâu sắc hơn không chỉ trong bối cảnh xã hội đương thời mà còn là bài học quý giá về tầm quan trọng của giáo dục truyền thống lịch sử ngày hôm nay, trong số đó không thể không kể đến hiện vật là những quyển vở bằng mo tre của học sinh trường Hàn Thuyên (Bắc Ninh) dùng trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp.