Thứ Năm, 07/11/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

17/04/2017 00:00 429
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Ngày 30/3/2017, tại Bảo tàng Quốc gia Khảo cổ học Chemnitz, trưng bày đặc biệt có tên gọi “Từ đất nước rồng bay lên - Báu vật khảo cổ học Việt Nam” với hơn trên 400 hiện vật đặc sắc đã được khai mạc trọng thể. Đây là điểm dừng chân thứ hai trong hành trình quảng bá lịch sử, văn hóa Việt Nam kéo dài gần ba năm. Trước đó, các báu vật khảo cổ Việt Nam đã được trưng bày tại Viện bảo tàng Khảo cổ LWL ở thành phố Herne, thu hút hơn 52.500 lượt khách tham quan trong khoảng thời gian từ 7/10/2016 đến 26/2/2017.

Ngày 30/3/2017, tại Bảo tàng Quốc gia Khảo cổ học Chemnitz, trưng bày đặc biệt có tên gọi “Từ đất nước rồng bay lên - Báu vật khảo cổ học Việt Nam” với hơn trên 400 hiện vật đặc sắc đã được khai mạc trọng thể. Đây là điểm dừng chân thứ hai trong hành trình quảng bá lịch sử, văn hóa Việt Nam kéo dài gần ba năm. Trước đó, các báu vật khảo cổ Việt Nam đã được trưng bày tại Viện bảo tàng Khảo cổ LWL ở thành phố Herne, thu hút hơn 52.500 lượt khách tham quan trong khoảng thời gian từ 7/10/2016 đến 26/2/2017.

Bảo tàng Quốc gia Khảo cổ học Chemnitz đã dành trọn tầng 4, không gian lớn nhất của bảo tàng, nơi thường tổ chức các buổi triển lãm đặc biệt, để trưng bày báu vật khảo cổ của Việt Nam. Với quy mô lớn nhất so với các cuộc trưng bài tại nước ngoài từ trước tớinay, số lượng hiện vật phong phú được tuyển lựa từ các bảo tàng trải dài từ miền Bắc đến miền Nam Việt Nam, trưng bày gồm 5 chủ đề chính:

  1. Báu vật khảo cổ học thời tiền sử Việt Nam.

Giới thiệu những hiện vật điển hình của một số di tích khảo cổ học Tiền sử tiêu biểu thuộc các loại hình như: công cụ lao động, đồ trang sức bằng đá, đồ gốm…được tìm thấy tại các di chỉ thuộc nhiều vùng khác nhau ở Việt Nam.

Hiện vật:

- Rìu tay bằng đá di chỉ Núi Đọ (Thanh hóa), thuộc thời đại Đá cũ;

- Những công cụ đá điển hình của văn hóa Hòa Bình như: công cụ hình đĩa, rìu ngắn, công cụ ¼ cuội tìm thấy tại hang Muối - Hòa Bình năm 1965;

- Phác vật rìu di chỉ Núi Voi (Đông Sơn -Thanh Hóa), sưu tầm năm 1965.

- Công cụ chặt đập di chỉ Gò Rừng Sậu (Sơn Vi - Phú Thọ), Bảo tàng Lịch sử khai quật năm 1969.

Trung tâm của phần trưng bày này là tổ hợp những phương tiện phục vụ cho cuộc khai quật tại Hang Hùm (Yên Bái) năm 1964, (nhiều tư liệu phim, ảnh). Đây là cuộc khai quật lớn đánh dấu mốc đầu tiên trong quan hệ hợp tác nghiên cứu Khảo cổ học giữa Việt Nam và CHDC Đức. Tại Hang Hùm các chuyên gia khảo cổ học người Đức và Viện khảo cổ học Việt Nam đã tìm thấy những dấu vết, những hiện vật thuộc hậu kỳ đồ đá cũ- văn hóa Sơn Vi.

  1. Báu vật khảo cổ học thời kỳ kim khí Việt Nam.

Bước vào thời kỳ kim khí, ở Việt Nam đã hình thành 3 trung tâm văn hóa lớn: Văn hóa Đông Sơn ở miền Bắc, văn hóa Sa Huỳnh ở miền Trung, văn hóa Đồng Nai ở miền Nam .

2.1. Văn hóa Đông Sơn.

Công cuộc khảo cổ thời đại kim khí, trong đó có văn hóa Đông Sơn được mở đầu từ những năm 20 – 30 của thế kỷ 20, do các học giả trường Viễn Đông Bác Cổ đã được tiến hành. Kế thừa thành tựu của các nhà khảo cổ học phương Tây, các nhà khảo cổ học Việt Nam đã đạt được nhiều bước phát triển mạnh mẽ trong nghiên cứu về văn hóa Đông Sơn.

Hiện vật :

- Vòng tay, hạt chuỗi, khuyên tai chất liệu đá thuộc văn hóa Phùng Nguyên, Đồng Đậu.

- Trống đồng Sao vàng- Thanh Hóa, thạp đồng, chuông đồng thuộc văn hóa Đông Sơn.

- Vũ khí như: rìu đồng gót vuông, qua đồng , mũi tên đồng (Cổ Loa- Đông Anh-Hà Nội)

- Công cụ làm nông nghiệp như: lưỡi cày đồng, mai, cuốc, lưỡi hái…

2.2. Văn hóa Sa Huỳnh.

Văn hóa Sa Huỳnh đư­ợc nhà khảo cổ ng­ười Pháp M.Vinet phát hiện lần đầu tiên vào năm 1909. Các nhà khảo cổ học Việt Nam ở Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Viện khảo cổ học, Trường ĐHKH Xã hội và Nhân văn quốc gia… đã tiến hành công việc điền dã văn hóa Sa Huỳnh trên khắp các nẻo đường miền Trung. đặc biệt đã phát hiện và khai quật lớn và hệ thống nhiều địa điểm văn hoá Sa Huỳnh ở những lưu vực sông lớn, vùng trước núi và đảo ven bờ. Thành tựu này có sự đóng góp công sức của Đức hợp tác với các nhà khảo cổ học khoa Lịch sử của Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, trong mùa khảo cứu 2004 - 2005 tại một số vùng thuộc tỉnh Quảng Ngãi.

Hiện vật:

- Chuỗi hạt bằng thủy tinh tìm thấy tại Sa Huỳnh, Quảng Ngãi.

- Mộ chum có nắp khai quật tại di chỉ Đồng Cườm - Bình Định năm 2003.

- Một số hiện vật do Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam khai quật tại Hòa Diêm - Khánh Hòa năm 2011: Đèn gốm, hạt chuỗi bằng thủy tinh…

2.3. Văn hóa Đồng Nai

Sau năm 1975, khảo cổ học Miền Nam Việt Nam đã phát triển vượt bậc, đạt được nhiều thành tựu rực rỡ bởi sự tập trung nghiên cứu, khai quật khảo cổ học của các nhà khảo cổ học Việt Nam, trong đó có đóng góp không nhỏ của Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam, Viện Khảo cổ học, Trung tâm Khảo cổ học Nam bộ. Qua đó, bức tranh thời tiền – sơ sử ở Nam Bộ đã hiện lên ngày càng rõ nét.

Trưng bày tập trung giới thiệu những hiện vật ở một số di tích do Bảo tàng Lịch sử quốc gia tham gia nghiên cứu khai quật:

- Nhóm hiện vật di tích Giồng Cá Vồ năm 1994: Vòng tay, khuyên tai hai đầu thú bằng đá, mã não và thủy tinh; cá loại hạt chuỗi, nhẫn, lá vàng là những hiện vật bằng vàng sớm nhất ở Việt Nam; các loại đồ gốm như nồi, cà ràng (chân kiềng).

- Nhóm hiện vật di tích Long Sơn (Bà Rịa – Vũng Tàu);

- Nhóm hiện vật di chỉ Gò Ô Chùa (Long An), là di chỉ khảo cổ học tiền sử ở Nam bộ, do chính các nhà khảo cổ học Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam phát hiện và khai quật năm 1997. Sau đó, di tích tiếp tục được khai quật, nghiên cứu với sự phối hợp của các nhà khảo cổ học Đức.

- Trưng bày cũng giới thiệu một số trống đồng Đông Sơn phát hiện tại Phú Chánh - Bình Dương, thể hiện sự giao lưu rộng rãi giữa các trung tâm văn hóa thời đại kim khí ở Việt Nam.

  1. Khảo cổ học lịch sử

3.1. Báu vật khảo cổ học Việt Nam 10 thế kỷ đầu Công nguyên.

Giới thiệu một số hiện vật được tìm thấy trong những ngôi mộ gạch thế kỷ 1 - 3, những chứng tích của các cuộc nổi dậy chống phong kiến phương Bắc. Tiêu biểu mô hình nhà, mô hình bếp lò bằng đất nung, được tìm thấy tại Thiệu Dương - Thanh Hóa, Nghi Vệ - Bắc Ninh, Cầu Giấy – Hà Nội.

3.2. Chăm pa và di sản vản hóa thế giới Mỹ Sơn.

Vương quốc Champa (192-1471) với nền văn hóa Champa đã để lại mộtkhối lượng di tích và di vật rất lớn về kiến trúc, điêu khắc đá, các loại đồ đồng, đồ gốm, đồ thờ cúng bằng vàng, bạc, các loại đồ trang sức… các loại hiện vật này phản ánh những nét sinh hoạt trong xã hội Champa xưa, từ đời thường đến tôn giáo và cung đình, chúng có giá trị về nhiều mặt, nhất là về nghệ thuật. Đặc biệt có một quần thể kiến trúc đền tháp thuộc tôn giáo của Chămpa ở Mỹ Sơn (Quảng Nam) còn gọi là “thánh địa Mỹ Sơn” được UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới vào tháng 12 năm 1999.

Hiện vật:

- Tập trung giới thiệu những tác phẩm điêu khác đá với thể khối lớn thuộc các phong cách Trà Kiệu- Quảng Nam, Tháp Mẫm- Bình Định như: Sư tử đá, Garuda, asura sinh ra từ miệng Makara, Phù điêu tu sĩ, bia Ponaga,… trong đó có những hiện vật đặc sắc do Bảo tàng Lịch sử quốc gia phối hợp cùng Bảo tàng Bình Định khai quật;

- Nhóm hiện vật thuộc di tích Cấm Mít - Đà Nẵng do Bảo tàng Lịch sử quốc gia khai quật năm 2012: mảnh vàng hình voi, hạt chuỗi thủy tinh.

- Đặc biệt đại diện cho những phát hiện mới của khảo cổ học Việt Nam là tượng Mukhalinga đá sa thạch phát hiện năm 2012 tại Mỹ Sơn- Quảng Nam.

3.3. Văn hóa Óc Eo - Phù Nam.

Nền văn hóa Óc Eo là một nền văn hóa cổ trên châu thổ sông Cửu Long từ thế kỷ I đến thế kỷ VII. Trong các di tích còn thu thập một khối lượng lớn cổ vật mang đặc trưng phát triển các ngành nghề sản xuất thủ công nghiệp như: nghề làm gốm, luyện đồng, luyện sắt, luyện thiếc và nghề kim hoàn với nghệ thuật khắc mịn trên đá, ngọc rất tinh tế; nghệ thuật tạc tượng cũng khá tinh xảo. Ngoài ra còn có số lượng lớn các loại hạt chuỗi, vật đeo bằng đá quý, thủy tinh, mã não, vàng, thiếc.... Đáng chú ý là tìm thấy những bản bia đá, những bản minh văn, những hiện vật nhỏ như con dấu, đồ trang sức, bùa đeo bằng đồng, thiếc, vàng, mã não khắc nhiều thứ chữ Hán, Mã Lai, La Tinh, Phạn. Trong đó chữ Phạn (Sanskrit) chiếm đa số với văn tự được dùng ở Ấn Độ từ thế kỷ II- thế kỷ V.

Hiện vật:

- Một số nhẫn vàng, mảnh vàng trang trí vishu, mảnh vàng trang trí mặt trời… có niên đại thế kỷ III - thế kỷVI. Khai quật tại Gò Tháp (Đồng Tháp) năm 1993.

- Tượng phật bằng gỗ, tượng vishu bằng đá niên đại khoảng thế kỷ V, khai quật tại Gò Tháp (Đồng Tháp) năm 1997.

  1. Báu vật khảo cổ học thời kỳ phong kiến Việt Nam.

Việt Nam là một quốc gia có lịch sử xây dựng nhà nước phong kiến lâu đời. Trải qua quá trình đấu tranh liên tục chống các thế lực ngoại bang phương Bắc đến thế kỷ 10 bằng trận chiến lịch sử trên sông Bạch Đằng của Ngô Quyền năm 938, cư dân Việt đã chính thức giành lại độc lập và dần xây dựng những kinh đô riêng của mình như Cổ Loa, Hoa Lư, Thăng Long, Nam Kinh,…. Những di tích thành quách đền đài đã được các nhà khảo cổ học Việt Nam phát hiện, nghiên cứu suốt hơn 60 năm qua.

- Phần trưng bày giới thiệu những hiện vật là những dấu tích thành cổ như: ngói trang trí uyên ương (Hoa Lư - Ninh Bình), gạch xây thành…..

Đặc biệt giới thiệu những hiện vật tìm thấy tại Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội)….

- Giới thiệu những hiện vật gốm Chu Đậu (thế kỷ XV-XVI), đồ thủy thủ đoàn … khai quật từ con tàu đắm tại vùng biển Cù Lao Chàm năm 1997-1999…

  1. Việt Nam tiếp xúc với phương Tây

Trưng bày giới thiệu những tài liệu, hiện vật thể hiện sự tiếp xúc, giao lưu đầu tiên của Việt Nam với phương Tây cho đến các phong trào phản chiến ủng hộ Việt Nam và những hình ảnh Việt Nam ngày hôm nay đổi mới, trên đường hội nhập.

Cùng với trưng bày,một cuốn catalogue công phu với những bài chuyên khảo đặc sắc của các chuyên gia khảo cổ học hàng đầu thế giới và hàng nghìn bức ảnh tư liệu quý giá đã được hai bên phối hợp biên soạn, xuất bản.

Cataloge Báu vật Khảo cổ học Việt Nam.

Ts.Andreas Reinecke - Giám tuyển chính của triển lãm đặc biệt này cho biết: “Cuốn Cataloge của triển lãm đặc biệt này dầy tới 600 trang. Tác phẩm này ẩn chứa nội dung rất lớn hướng dẫn về ngành khảo cổ học và lịch sử Việt Nam bằng tiếng Đức. Có lẽ nó vẫn còn có giá trị cho 20 năm tiếp theo. Riêng phần hiện vật đã có nhiều cái mới mà người ta không tìm thấy trong các tài liệu tiếng Việt và tiếng Anh, hứa hẹn những tranh luận hấp dẫn trong tương lai”.

Bên cạnh việc hợp tác về trưng bày, xuất bản các đối tác Đức còn hỗ trợ Bảo tàng Lịch sử quốc gia trong việc bảo quản toàn bộ 104 hiện vật thuộc sưu tập Bảo vật Quốc gia mộ cổ Việt Khê song song với quá trình đó là việc đào tạo các cán bộ bảo quản của bảo tàng tiếp cận với những phương pháp bảo quản hiện vật tiên tiến nhất trên thế giới; Tài trợ một sốmáy móc, trang thiết bị bảo quản chuyên dụng.

Cuộc trưng bày lần này là một bước tiến mới trong sự hợp tác hữu nghị giữa ngành bảo tàng của hai nước, góp phần giúp nhân dân hai nước hiểu, đồng cảm và gần gũi nhau hơn, tiến tới cùng nhau vì sự phát triển bề vững, thịnh vượng chung của hai quốc gia trong cộng đồng văn hóa thế giới.

Một số hình ảnh tại triển lãm:

Kiểm tra công tác chuẩn bị trưng bày trước khi khai mạc.

Phòng trưng bày “Báu vật khảo cổ học Việt Nam” trước giờ khai mạc.

Không gian trưng bày về thời Đại Việt.

Không gian trưng bày về văn hóa Champa.

Không gian trưng bày Bảo vật Quốc gia mộ thuyền Việt Khê.

Họp báo giới thiệu về trưng bày.

Ban nhạc Lao Xao Trio biểu diễn phục vụ khai mạc trưng bày.

Đại biểu tham dự lễ khai mạc trưng bày “Báu vật khảo cổ học Việt Nam".

Đông đảo kiều bào tại Chemmitz đến tham dự lễ khai mạc.

Ts.Sabine Wolfram - Giám đốc Bảo tàng Quốc gia khảo cổ tại Chemnitz phát biểu tại lễ khai mạc.

Ts. Nguyễn Văn Đoàn – Phó giám đốc BTLSQG phát biểu tại lễ khai mạc.

Ts. Josef Mühlenbrock – Giám đốc Viện bảo tàng khảo cổ LWL ở thành phố Herne đại diện đối tác Đức phát biểu tại lễ khai mạc.

Mặt tiền Bảo tàng Quốc gia khảo cổ học Chemnitz ngày khai mạc trưng bày.

Hải Vân – Quốc Bình

Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Chia sẻ: