Trong những năm gần đây, công chúng đến tham quan, trải nghiệm tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia ngày càng đông. Bảo tàng đã trở thành một điểm đến quen thuộc của đông đảo công chúng trong và ngoài nước.
Trong những năm gần đây, công chúng đến tham quan, trải nghiệm tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia ngày càng đông. Bảo tàng đã trở thành một điểm đến quen thuộc của đông đảo công chúng trong và ngoài nước.
Để tăng cường các hoạt động trải nghiệm, đa dạng hóa hoạt động bảo tàng thu hút công chúng, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã triển khai nhiều hoạt động như: tổ chức trưng bày chuyên đề và nhiều hoạt động giáo dục, nhiều chương trình trải nghiệm tương tác như: Câu lạc bộ “Em yêu lịch sử”, Giờ học lịch sử, đặc biệt là Phòng Khám phá với những không gian trải nghiệm thú vị… Những hoạt động đó đã ngày càng đưa Bảo tàng Lịch sử quốc gia trở thành một trong những địa chỉ tin cậy, gắn bó với đông đảo công chúng đặc biệt là giới trẻ học đường.
Phòng Khám Phá đã được xây dựng và đưa vào hoạt động, phục vụ công chúng từ năm 2016 tại Tầng 2, nhà trưng bày cơ sở 1 Bảo tàng Lịch sử quốc gia gồm 4 chủ đề: Khám phá, sáng tạo; Hồi sinh; Hóa thân; Trưng bày với thông điệp (slogan): “Không ngừng sáng tạo - không ngừng ước mơ” (hãy trải nghiệm, khám phá để sáng tạo, để ước mơ và biến ước mơ thành hiện thực).
Cùng với tham quan tìm hiểu lịch sử văn hóa tại hệ thống trưng bày thường trực, trưng bày chuyên đề tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia, đến với Phòng Khám phá của Bảo tàng, khách có thể trải nghiệm các hoạt động thú vị tại đây. Chẳng hạn, góc Trải nghiệm khám phá với những hoạt động tương tác cụ thể như: in hoa văn trên mặt trống đồng (sử dụng chì tô trên giấy) hay dập hoa văn lá đề hình rồng triều Lý (sử dụng mực dập trên giấy dó) với sản phẩm là những bản dập hoa văn và đó cũng là những món quà lưu niệm do chính bàn tay của khách trải nghiệm tại bảo tàng hay hoạt động xâu hạt chuỗi thời Tiền - sơ sử (sử dụng những hạt chuỗi xâu lại thành đồ trang sức như của cư dân văn hóa Sa Huỳnh, Đồng Nai cách ngày nay khoảng hơn 2.000 năm) không chỉ giúp khách hiểu sâu sắc hơn về tư duy thẩm mỹ, trình độ chế tác đồ trang sức của cư dân cổ cách nay hơn 2000 năm mà còn có tác dụng giáo dục thẩm mỹ cũng như rèn luyện kỹ năng khéo léo, tư duy sáng tạo cho trẻ em. Góc Hóa thân (hóa thân thành người tiền sử) lại đem lại cho khách một cảm xúc như được sống lại thời kỳ xa xưa của ông cha cách ngày nay hàng trăm ngàn năm lịch sử đồng thời khách cũng được ghi lại những hình ảnh trải nghiệm làm kỷ niệm cho mình. Đến với góc Hồi sinh: từ những mảnh gốm vỡ (tái hiện lại những đồ gốm trong các di tích đã bị sập, vỡ), khách sẽ được tự mình đóng vai là những cán bộ bảo quản, phục chế của bảo tàng để ghép những mảnh gốm đó (phục dựng lại được hình dạng vốn có ban đầu của hiện vật thành những hiện vật hoàn chỉnh…) Để làm được việc đó, khách tham gia trải nghiệm cần tư duy về hình dáng đồ gốm, định hình các phần (miệng, cổ, thân, chân…) của đồ gốm cũng như hiểu biết về quy luật sắp xếp các đồ án hoa văn… Qua hoạt động này, khách không chỉ hiểu biết, nhận biết về hiện vật lịch sử mà còn hiểu hơn về các hoạt động nghiệp vụ của bảo tàng và biết trân quý những giá trị của hiện vật trưng bày mà khách được tham quan, trải nghiệm. Có thể nói, trong công tác nghiệp vụ của Bảo tàng, trưng bày là một hoạt động có vai trò quan trọng, chính vì thế, tại phòng Khám phá, góc Trưng bày được dành cho khách có thể giới thiệu với công chúng về những sản phẩm độc đáo, đặc sắc tự mình trải nghiệm. Nhu cầu lưu giữ kỷ niệm là nhu cầu bản năng, tất yếu của con người, cùng với việc mang sản phẩm trải nghiệm về như món quà kỷ niệm thì góc lưu giữ sản phẩm trải nghiệm và thực hiện trưng bày trong góc Trưng bày tại bảo tàng cũng phần nào đáp ứng được nhu cầu đó của công chúng. Đồng thời, đây cũng là hoạt động góp phần giáo dục, nâng cao ý thức gìn giữ di sản cho công chúng đồng thời giúp công chúng hiểu hơn về hoạt động nghiệp vụ của bảo tàng, từ đó, công chúng tham gia vào phát huy giá trị di sản hiệu quả hơn.
Không gian trải nghiệm với nhiều hoạt động khác nhau.
Trong xu thế phát triển hiện nay, công nghệ thông tin là một phần quan trọng trong cuộc sống của con người, đặc biệt là thế hệ trẻ. Chính vì vậy, ngoài những hoạt động trải nghiệm tương tác thực thì Phòng Khám phá còn dành một không gian trải nghiệm bằng thiết bị kỹ thuật số bằng màn hình điện tử. Tại đây, công chúng được đồng hành cùng những câu chuyện, những sự kiện lịch sử với các chủ đề: Nhà Lý dời đô ra Thăng Long; Phố cổ Hà Nội qua nhà sử học; Bảo vật quốc gia (tại Bảo tàng lịch sử quốc gia) qua đánh giá của các chuyên gia; Tìm hiểu hoa văn trống đồng Đông Sơn… Tham gia hoạt động này, công chúng được khám phá, trải nghiệm, mở rộng thông tin cùng các sự kiện, các nhân vật lịch sử một cách sinh động để hiểu biết sâu sắc hơn những giá trị tài liệu, hiện vật trưng bày cũng như lịch sử, văn hóa trong tiến trình lịch sử dân tộc.
Trẻ em tham gia hoat động In hoa văn mặt trống đồng Đông Sơn
Qua đó cho thấy, với những hoạt động thú vị, bổ ích tại Phòng Khám phá thì công chúng, đặc biệt là trẻ em được bổ sung kiến thức tổng hợp về sử học, khảo cổ học, bảo tàng học, mỹ thuật... Từ đó, không chỉ giúp các em hiểu hơn về các hiện vật trưng bày Bảo tàng, về giáo dục truyền thống lịch sử, lòng tự hào dân tộc mà còn góp phần rèn luyện kỹ năng logic, kỹ năng tư duy sáng tạo, khả năng quan sát, trí tượng tượng phong phú đồng thời rèn luyện tính cần cù, cẩn thận, khéo léo, nhanh mắt, nhanh tay khi tham gia các hoạt động trải nghiệm. Sau mỗi buổi tham quan, học tập, nhiều em bày tỏ mong muốn sẽ được tiếp tục tham gia các hoạt động trải nghiệm, tương tác lịch sử tại không gian Khám phá của Bảo tàng Lịch sử quốc gia và thể hiện những suy nghĩ, cảm xúc rất chân thật. Chẳng hạn, bạn Nguyễn Phương Anh (13 tuổi) nói “ Sau khi được tham gia trải nghiệm dập hoa văn trên mặt trống đồng Đông Sơn, em học được những điều thật thú vị: em biết cách để dập hoa văn, em biết hơn, hiểu hơn về các hình ảnh, họa tiết về đời sống vật chất và tinh thần của người Đông Sơn xưa…Em rất yêu thích nơi này và em sẽ rủ bạn bè của em cùng quay lại nơi đây!”. Còn em Trần Đức Tuấn (10 tuổi) thì thật thà chia sẻ: “Phòng khám phá tuy bé thật nhưng các hoạt động ở đây rất thú vị, em hết chạy ra chụp ảnh hóa thân thành người vượn cổ, lại chay sang dập hoa văn lá đề hình rồng triều Lý và cả tìm hiểu về Phố cổ Hà Nội trên thiết bị điện tử nữa… Hoạt động nào em cũng thấy hay cả…”.
Chính những suy nghĩ, những chia sẻ của các em giúp cho các cán bộ Bảo tàng Lịch sử quốc gia thấy vui hơn vì đã cố gắng tạo được một không gian, một sân chơi bổ ích giúp các bạn trẻ thích trải nghiệm về lịch sử hơn và thích đến bảo tàng hơn so với sự cuốn hút hấp dẫn của những trung tâm thương mại, những khu vui chơi, giải trí hiện đại.
Du khách quốc tế tham gia trải nghiệm In hoa văn mặt trống đồng
Tuy không gian trải nghiệm, khám phá của Bảo tàng Lịch sử quốc gia mới ra đời, còn nhỏ hẹp với một số ít nội dung hoạt động thử nghiệm nhưng cũng đã hấp dẫn được công chúng, nhất là đối tượng học sinh và du khách nước ngoài đi lẻ. Điều đó cũng thể hiện nỗ lực của Bảo tàng trong việc đa dạng hóa các hoạt động phục vụ tốt hơn nhu cầu của công chúng. Trong thời gian tới, trên cơ sở hoạt động thực tiễn và đánh giá nhu cầu công chúng, Bảo tàng sẽ tiếp tục nghiên cứu, xây dựng bổ sung các nội dung cũng như mở rộng không gian, đổi mới hình thức các hoạt động trải nghiệm trong không gian này để đáp ứng nhu cầu và thu hút nhiều khách tham quan hơn nữa.
Hoạt động xâu hạt chuỗi không chỉ giúp khách hiểu sâu sắc hơn về tư duy thẩm mỹ, trình độ chế tác đồ trang sức của cư dân cổ cách nay hơn 2000 năm mà còn có tác dụng giáo dục thẩm mỹ cũng như rèn luyện kỹ năng khéo léo, tư duy sáng tạo cho trẻ em.
Ths. Nguyễn Thị Thu Hoan (Trưởng Phòng Giáo dục, Công chúng BTLSQG)