Thứ Bảy, 09/11/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

09/06/2017 00:00 486
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Cố đô Huế nổi tiếng với những thành quách, lăng tẩm, di tích lịch sử, phong cảnh hữu tình bên sông Hương, núi Ngự và một đời sống văn hóa phong phú… đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới.

Cố đô Huế nổi tiếng với những thành quách, lăng tẩm, di tích lịch sử, phong cảnh hữu tình bên sông Hương, núi Ngự và một đời sống văn hóa phong phú… đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới.

Bên cạnh những địa điểm du lịch đã trở nên quen thuộc, tỉnh Thừa Thiên- Huế đã và đang phục dựng lại những di tích lịch sử cách mạng ghi nhớ công ơn các chiến sĩ, đồng bào đã hy sinh cho Tổ quốc.

Khu di tích lịch sử Chín Hầm thuộc thôn Ngũ Tây, xã Thủy An (nay là phường An Tây), thành phố Huế, cách trung tâm thành phố khoảng 6km về phía Tây Nam, dưới chân núi Thiên Thai.

1

Toàn cảnh khu du lịch Chín Hầm.

Gọi là Chín Hầm nhưng thực ra khu vực này chỉ có 8 hầm và 1 căn nhà lính gác nằm trên đỉnh đồi. Năm 1941, thực dân Pháp xây dựng khu Chín Hầm để làm kho chứa vật liệu, vũ khí. Năm 1945, sau sự kiện Nhật đảo chính Pháp (9/3/1945), phát xít Nhật lấy toàn bộ vũ khí ở đây, khu Chín Hầm bị bỏ trống.

Thực hiện chính sách bạo tàn của chế độ độc tài Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Cẩn với vai trò “Chúa tể miền Trung” đã cải tạo Chín Hầm trở thành những chuồng cọp giam giữ các chiến sĩ cách mạng, những người tham gia phong trào yêu nước…

Khu Chín Hầm nằm trên một ngọn đồi thông xa dân cư. Diện tích toàn bộ khu vực nhà giam là 4ha. Nhà tù Chín Hầm gồm có tất cả 9 căn hầm, mỗi hầm có chiều dài khoảng 10m, bề ngang khoảng 6m, độ cao khoảng 4m được ngăn thành 2 dãy xà lim chuồng cọp ở 2 bên, mỗi bên có khoảng 10 “chuồng”. Mỗi chuồng cọp dài khoảng 2m, rộng khoảng 90cm, chiều cao 2m, phía trên các chuồng cọp được gia cố bằng 16 thanh sắt ngang và 2 thanh sắt dọc. Căn hầm lớn nhất có diện tích 85m2, căn nhỏ nhất 41m2. Ngô Đình Cẩn cho sửa lại các căn hầm này làm trại giam. Cấu trúc bề ngoài căn hầm không thay đổi, chỉ gia cố lại cửa thép, lưới sắt nắp hầm. Trừ hầm số 5, các hầm khác ngăn thành xà lim nhỏ. Theo lời kể của các nhân chứng, các căn hầm này khi trời mưa, nước ngập đến thắt lưng; ngày nắng, nóng hầm hập như trong lò than; trời rét, lạnh cắt da cắt thịt. Người bị giam sống chung với chuột, dòi, muỗi mòng…

Có thể gọi nhà giam Chín Hầm là hầm xay thịt vì có hàng trăm sinh mệnh đã bị bức tử trong đó. Tất cả các hầm của nhà giam đều nằm xung quanh khu vực núi Thiên Thai. Trong đó, hầm số 1, 2, 3 ở phía trước đỉnh đồi. Hầm số 4, 9 trên đỉnh đồi. Sau đỉnh đồi là hầm số 5, 6, 7, 8. Các hầm có hình chữ nhật, chiều rộng bằng 2/3 chiều dài. Trừ hầm số 1 chìm sâu xuống lòng đất, các hầm còn lại đều nổi lên mặt đất từ 1/3 đến 2/3 chiều cao của hầm. Hầm được xây dựng kiên cố bằng bê tông cốt sắt, trần hầm có độ dày 0,5m, mỗi hầm có duy nhất một lỗ thông hơi nhỏ, sâu hun hút, cả đêm lẫn ngày đều đen tối.

2

Hầm số 8 được gọi là “Địa ngục trần gian”.

Mỗi hầm có một chức năng riêng, tùy vào thành phần phạm tội khác nhau mà bị giam giữ ở các hầm khác nhau. Các căn hầm số 1, số 6, số 7, số 8 giam giữ những tù nhân chúng gọi là cộng sản, Việt cộng nằm vùng. Hầm số 8 là căn hầm điển hình nhất của “địa ngục trần gian”.

Căn số 2 giam cầm những thương gia giàu có; chúng vu oan cho họ, bắt giữ tra tấn, buộc gia đình phải bỏ tiền, vàng để chuộc thân.

Căn số 3, 4 nhốt những người đối lập, những quan chức sĩ quan của chính quyền đương nhiệm không tuân theo lệnh Ngô Đình Cẩn.

Căn số 5 giam giữ các tăng ni, phật tử, học sinh sinh viên phản kháng chế độ độc tài gia đình trị họ Ngô. Căn này không ngăn thành xà lim, có thời điểm, chúng dồn hàng trăm người vào đây, đến nỗi họ chỉ có thể đứng sắp lớp với nhau. Vì thế, nhiều người đã chết vì ngộp thở.

Căn số 9 là bốt gác đồng thời cũng là nơi tra tấn, khảo cung những người chúng cho là có tội.

Ngày nay, các căn hầm chỉ còn lưu lại các bức tường bê tông cốt thép để làm chứng tích tội ác. Ban quản lý khu di tích lịch sử đã dựng lại nguyên dạng căn hầm số 8 để khách tham quan có thể hình dung phần nào tội ác “trời không dung, đất không tha” của “tập đoàn phản động” Diệm - Nhu - Cẩn.

3

Một phòng giam tại hầm số 8, Nhà tù Chín Hầm ở Huế.

Nhà giam Chín Hầm tồn tại từ năm 1954 đến 1963. Ngay ngày gia đình họ Ngô bị đảo chính, Ngô Đình Cẩn bị bắt, người dân xứ Huế đã lên nhà giam Chín Hầm đập phá tan hoang. Nửa thế kỉ đã trôi qua, nhà giam Chín Hầm ngày nay vẫn còn lại dấu tích minh chứng cho tinh thần yêu nước, sức mạnh quật cường của đồng bào ta, của những chiến sĩ cách mạng khi đối mặt với sự tàn độc vô độ của bạo chúa khét tiếng Ngô Đình Cẩn.

Theo hồi ức của những người sống sót, phần lớn những người vào đây là cầm chắc cái chết. Ngoài những ngón đòn tra khảo của kẻ thù, tù nhân khó có thể chịu đựng được cái nóng bức của mùa khô và cái lạnh thấu xương khi mùa Đông đến.

Trong địa ngục trần gian đó, những chiến sĩ cách mạng vẫn giữ một lòng trung kiên với Đảng, với lý tưởng cách mạng, nỗ lực vượt qua những thiếu thốn về vật chất, những đày ải, hà khắc tàn bạo để sống, để mong ngày trở về với đội ngũ. Với những giá trị tố cáo tội ác của một nhà tù điển hình của đế quốc Mỹ và tay sai đối với các chiến sĩ cách mạng, các tầng lớp nhân dân, cũng như tinh thần của người cộng sản trước kẻ thù tàn bạo. Theo quyết định số 2015/VH-QĐ ngày 16/12/1993, Chín Hầm và ngôi biệt thự của Ngô Đình Cẩn (cách đó 1 km) đã được Nhà nước Việt Nam công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia với tên gọi “Di tích lịch sử lưu niệm tội ác khu vực Chín Hầm và nhà Ngô Đình Cẩn”.

Hà Bách

btlsqsvn.org.vn

Chia sẻ:

Bài viết khác

Người dân Bình Phước tìm thấy cổ vật thời tiền sử

Người dân Bình Phước tìm thấy cổ vật thời tiền sử

  • 08/06/2017 00:00
  • 481

Vào cuối tháng 4/2017, trong quá trình đào đất đổ nền nhà, ông Lê Minh Khai (sinh năm 1943, ngụ tại thôn 8, xã Nghĩa Trung, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước) phát hiện nhiều đá có hình dạng như lưỡi rìu nghi lưỡi tầm sét. Sau khi phát hiện, gia đình ông Khai đã trình báo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Phước. Đại diện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đề nghị gia đình hiến tặng, làm thủ tục giao, nhận ba hiện vật. \