Thứ Năm, 16/01/2025
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

18/04/2017 00:00 870
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Sau ngày đất nước thống nhất, một hôm, tôi thấy mạ tôi ngồi gấp những chiếc áo dài, bỏ vào đó những hột long não, rồi gói lại bằng mấy tờ báo cũ và xếp gọn ghẽ dưới đáy chiếc rương gỗ cũ kỹ.

Sau ngày đất nước thống nhất, một hôm, tôi thấy mạ tôi ngồi gấp những chiếc áo dài, bỏ vào đó những hột long não, rồi gói lại bằng mấy tờ báo cũ và xếp gọn ghẽ dưới đáy chiếc rương gỗ cũ kỹ.

Mạ nói: “Phụ nữ Huế, hễ ra đường là phải mặc áo dài, nhưng chừ giải phóng rồi, phải dẹp mấy món này lại để ăn mặc cho giống người ta. Nếu không, sẽ bị người ta quy cho là tiểu tư sản”. Tôi chẳng biết tiểu tư sản là gì? và vì sao mặc áo dài lại bị quy là tiểu tư sản? chỉ nhớ rằng, từ dạo đó mạ tôi luôn mặc áo cụt, quần đen đi làm và dường như bỏ quên những chiếc áo dài ở nơi đáy rương.

Sau này tôi nghe nhiều người kể lại rằng áo dài là thứ trang phục gần như bắt buộc của phụ nữ Huế mỗi khi họ tham gia vào các hoạt đồng cộng đồng. Mỗi khi bước chân ra khỏi nhà, bao giờ phụ nữ Huế cũng mặc áo dài, bất kể là đi học, đi chơi hay đi chợ. Cả những cô gái đang chèo đò trên sông Hương, thậm chí, cả người đàn bà lam lũ chốn sơn tràng khi gánh than về bán ở chợ kinh cũng mặc áo dài. Có người còn nói rằng: “Huế không chỉ là kinh đô của nhà Nguyễn mà còn là kinh đô của áo dài Việt Nam”. Tôi nghe vậy thì biết vậy nhưng không quan tâm đến chuyện áo dài, áo cụt của mấy bà cho lắm.

Thế rồi, sau khi về làm việc ở Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế (nay là Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế), tôi thấy có món cổ vật, liên quan đến những chiếc áo dài, đang trưng bày trong điện Long An và rất được du khách quan tâm. Đó là bức trấn phong gồm 10 phiến gỗ ghép lại, mỗi phiến dài 170cm, rộng 30cm.

Hai mặt trấn phong là hai bức tranh liên hoàn, diễn tả cảnh sinh hoạt ở xứ Huế và xứ Bắc. Cảnh phía trước là một hồ sen có chiếc cầu đá và chiếc cầu gỗ vắt ngang, nối với dãy lầu tạ kiến trúc theo lối Huế, với các bộ mái kép đặc trưng có dải cổ diềm và các ô hộc trang trí theo lối nhất thi, nhất họa.

Xen giữa cảnh trí thơ mộng ấy là hình vẽ 78 thiếu nữ Huế mặc áo dài, đang tham dự nhiều sinh hoạt khác nhau: nhóm đang chèo thuyền hái sen giữa hồ có vài cô đứng trên cầu đưa tay đón những đóa sen vừa hái; nhóm khác đang với tay hái quả của một cây cổ thụ; xa xa vài cô cầm quạt đứng trò chuyện trên lan can nhà thủy tạ; trong đình tạ có mấy cô đang ướm thử dải lụa màu xanh hay đang đánh cờ; vài cô khác đang đùa giỡn giữa vườn hoa; và trong một tòa lầu có hai cô đang ngồi chải tóc… Các cô được thể hiện ở nhiều tư thế, dáng vẻ khác nhau. Màu sắc, hoa văn trên những tà áo dài họ đang mặc cũng không như nhau. Mỗi người một vẻ, tạo thành một bức tranh quyến rũ, một “vũ hội áo dài” trong khung cảnh trữ tình ở xứ thần kinh.

Đó cũng chính là chủ đề mà tác giả bức tranh muốn bày tỏ. Tôi đoán rằng bức tranh này diễn tả là cảnh hồ Tịnh Tâm, một thắng cảnh nổi danh của xứ Huế, vào mùa hạ. Ngoài 78 hình thiếu nữ mặc áo dài, các họa sĩ còn thể hiện hình 4 cụ bà mặc áo tứ thân màu nâu, đầu chít khăn đang đi trên một chiếc cầu vắt ngang hồ sen và hình một bé gái tham gia nô đùa cùng các thiếu nữ.

Cảnh phía sau của bức trấn phong diễn tả hình ảnh một đêm Trung thu ở miền Bắc. 33 đứa trẻ tóc để chỏm, chia làm 7 nhóm đang chơi Tết: nhóm đang múa sư tử, nhóm rước đèn kéo quân; nhóm rước đèn ông cá, ông sao; nhóm đang phá cỗ trông trăng; nhóm đang chơi trò phóng đăng trong một chiếc ao làng... Làm nền cho cảnh chính là những hình khắc các món đồ chơi của trẻ em trong dịp tết trung thu: tiến sĩ giấy, voi giấy, ngựa giấy, các loại đèn lồng, đèn kéo quân, đèn ông sao...

Bức trấn phong có kiểu thức và phong cách sáng tác tương tự loại trấn phong trang trí trong các phòng khách của người Nhật vào thời kỳ Edo và thời kỳ Meiji và hoàn toàn khác với phong cách tranh sơn mài truyền thống của Việt Nam. Mặc dù bức trấn phong này được trưng bày ở điện Long An từ những năm 1980 nhưng không ai chú ý tìm hiểu xuất xứ của nó. Năm 1990, một nhóm chuyên viên của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam vào Huế nghiên cứu văn hóa và mỹ thuật thời Nguyễn. Khi đến tham quan điện Long An, anh Nguyễn Đăng Khoa (nay đã mất), một thành viên trong đoàn, thấy bức trấn phong được thể hiện theo một thủ pháp khác lạ, nên đã chụp ảnh đưa về Hà Nội nghiên cứu. Chính anh là người đã tìm ra và thông báo cho tôi về các tác giả và nguồn cơn của bức tranh đặc biệt này. Theo anh, điều thú vị của bức tranh tôn vinh “áo dài Huế” này là các tác giả không phải là họa sĩ gốc Huế. Năm 1936, có một nhóm sinh viên của trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, gồm 6 người, trong đó có hai người sau này trở thành những “cây đa, cây đề” trong làng hội họa Việt Nam là Nguyễn Gia Trí và Nguyễn Đức Nùng, cùng rủ nhau đi thăm Huế. Sau một tuần vãn cảnh cố đô, sáu sinh viên “trường họa Bắc Kỳ” đã hợp sức làm nên tuyệt tác này và mang vào Huế tặng cho vua Bảo Đại vào năm 1937. Đây cũng là lần đầu tiên, một nghệ thuật vẽ tranh mới xuất hiện ở Huế - nghệ thuật sơn khắc. Các họa tiết được tạo thành từ các nét khắc trên gỗ, theo kiểu khắc ván để in tranh mộc bản Đông Hồ, nhưng lại có nét ảnh hưởng từ nghệ thuật phong cách trấn phong Nhật Bản.

Từ các họa tiết khắc nền ấy, người họa sĩ đã sơn các lớp màu khác nhau để tạo thành một bức trấn phong rực rỡ và hài hòa màu sắc. Và cũng vì là những chàng trai gốc Bắc nên các tác giả bức trấn phong không chỉ thể hiện cảnh áo dài xứ Huế ở mặt trước, mà còn gửi gắm hình ảnh quê hương mình lên mặt sau bức trấn phong.

TS.Trần Đức Anh Sơn

Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Chia sẻ: