Thứ Bảy, 09/11/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

30/03/2017 00:00 559
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Sinh thời, đồng chí Lê Duẩn thường nói, con người sống là phải lao động, có tình thương và lẽ phải. Đó là đạo lý cuộc sống. Ước mong của đồng chí là xây dựng một xã hội chủ nghĩa giàu mạnh, nhân dân no đủ, hạnh phúc, trong đó con người giàu tình thương yêu đối với nhau.

Sinh thời, đồng chí Lê Duẩn thường nói, con người sống là phải lao động, có tình thương và lẽ phải. Đó là đạo lý cuộc sống. Ước mong của đồng chí là xây dựng một xã hội chủ nghĩa giàu mạnh, nhân dân no đủ, hạnh phúc, trong đó con người giàu tình thương yêu đối với nhau.

Vì vậy, trong quá trình lãnh đạo công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, đồng chí Lê Duẩn luôn coi việc xây dựng và phát triển văn hóa và con người là nhiệm vụ quan trọng. Cuộc cách mạng văn hóa và tư tưởng phải nhằm xây dựng cho mỗi người có nhân sinh quan mới, phù hợp với điều kiện kinh tế mới, quan hệ sản xuất mới. Đó là nhân sinh quan xã hội chủ nghĩa. Đồng chí cho rằng: con người ta không chỉ sống với miếng cơm và manh áo, mà còn là đời sống tình cảm, đời sống văn hóa, những cái đó gắn liền với truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Đồng chí giành nhiều thời gian nghiên cứu về con người, văn hóa, lịch sử Việt Nam và truyền thống dân tộc Việt Nam. Đồng chí đã khái quát được một trong những phẩm chất tốt đẹp nhất của con người Việt Nam là: “Thương nước, thương nhà, thương người, thương mình”.

Đồng chí Lê Duẩn cùng đồng chí Trường Chinh và đồng chí Phạm Văn Đồng.

Theo đồng chí Lê Duẩn, làm cách mạng văn hóa và tư tưởng là nhằm cải tạo lý trí đồng thời cải tạo cả tình cảm, xây dựng hệ thống lý trí và tình cảm mới. Để hiểu được sự việc gì, con người phải dùng lý trí, nhưng khi hành động con người phải có tình cảm nữa. Có những lúc lý trí đúng mà tình cảm sai thì cuối cùng lý trí cũng sai. Khi tình cảm cách mạng ít đi, ý thức cầu an tăng lên thì con người ta cũng nguội dần lý tưởng và không còn hành động cách mạng. Vì vậy, công tác tư tưởng không phải chỉ nhằm bồi dưỡng lập trường, quan điểm - trên lý trí - mà phải không ngừng chăm lo xây dựng tình cảm mới cho người lao động.

Nói đến xây dựng, bồi dưỡng tình cảm cho con người, đồng chí Lê Duẩn nhấn mạnh trước hết đến giáo dục lòng nhân ái, vì theo đồng chí, “lòng thương người là đạo lý của cuộc sống, là đạo lý làm người”, “cái gốc của đạo đức, của lý luận là lòng nhân ái”. Sức mạnh của người cách mạng là ở lý tưởng của mình đồng thời còn ở khát vọng về tình thương đối với đồng bào mình, nghĩa là yêu nước phải gắn với thương dân, phải có tình thươngtrách nhiệm đối với dân. Đối với thanh niên, đồng chí Lê Duẩn yêu cầu phải rèn luyện lối sống nhân nghĩa, biết trọng tình thương và lẽ phải. Nói chuyện với các đảng viên trong ngành giáo dục, đồng chí Lê Duẩn nhắc nhở: muốn dạy học sinh nên người thì các thầy cô phải thực sự yêu con người, “càng yêu người bao nhiêu, càng yêu nghề bấy nhiêu”.

Đồng chí Lê Duẩn thăm trường PTCS K’Long, Đức Trọng, Lâm Đồng, ngày 29-10-1984.

Những ý kiến của đồng chí Lê Duẩn về chủ nghĩa nhân đạo của con người Việt Nam trong lịch sử, về tấm gương của các bà mẹ Việt Nam anh hùng, về lòng từ bi, bác ái của đạo Phật đã thấm sâu vào truyền thống dân tộc..v.v... là những ý kiến mới mẻ sâu sắc.

Những điều tâm huyết đồng chí Lê Duẩn nói về con ngườitình thươngtrách nhiệm cũng là những điều đã được đồng chí thể hiện nhất quán trong cuộc sống của mình. Về trí tuệ, đồng chí từng được mệnh danh là “con người hai trăm ngọn nến”. Về nhân cách, Lê Duẩn là một tấm gương lớn về lòng tận tụy, trung thành, hy sinh, xả thân vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, vì lý tưởng xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa. Phẩm chất cách mạng cao quý của đồng chí được thể hiện ở tinh thần cách mạng tiến công không ngừng, luôn xông pha nơi đầu sóng ngọn gió, đối mặt với quân thù, bất chấp mọi thử thách khốc liệt của nhà tù đế quốc, của cuộc sống gian khổ kéo dài ở các chiến khu, của những năm tháng hoạt động bí mật trong vùng địch kiểm soát; nêu cao nghị lực kiên cường, sẵn sàng hy sinh cả tính mạng vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Về tình cảm, đồng chí sống trung thực, giản dị, không ham danh lợi địa vị, ghét bệnh phô trương hình thức, ghét thói quan liêu. Đồng chí là người giàu lòng nhân ái, cởi mở, luôn gần gũi với đồng bào, đồng chí, dễ hòa mình với nhân dân lao động. Đồng chí đến với mọi người bằng tình thân yêu tha thiết, chân thành, bằng lòng nhân hậu khoan dung, cảm hóa thuyết phục họ bằng tình thương và lẽ phải. Trong quan hệ người với người, với bạn chiến đấu cũng như những người giúp việc, với đồng chí trong Đảng cũng như với những người dân bình thường, đồng chí Lê Duẩn luôn trọn nghĩa vẹn tình.

Đồng chí Lê Duẩn gặp lại ông Mười Trác ở xã Hiệp Hưng, Giồng Trôm, Bến Tre – người đã nuôi dấu đồng chí năm 1956 (6-1975).

Khi hoạt động bí mật tại Sài Gòn, năm 1940, trong một lần bị địch vây ráp, cả đồng chí Lê Duẩn và đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai cùng trốn trong một ngôi chùa ở ngoại ô. Trong tình thế cực kỳ gieo neo lúc bấy giờ, có biết bao điều phải suy tính để tìm cách đối phó với địch, đồng chí Lê Duẩn lắng nghe đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai kể chuyện về bé Hồng Minh, đứa con gái đầu vừa lọt lòng mẹ mà trong lúc chạy trốn chính đồng chí cũng không nhớ nổi ai là người đã nhận nuôi cháu. Thấm thía nỗi đau tình mẫu tử của đồng chí Minh Khai, cảm thông sâu sắc nỗi đau mất con và sự hi sinh cao cả của vợ chồng Lê Hồng Phong – Nguyễn Thị Minh Khai (cùng bị kết án tử hình), Lê Duẩn thấy có trách nhiệm phải tìm cho được bé Hồng Minh để nuôi dạy thay cho hai bạn chiến đấu của mình. Mười mấy năm sau, khi ra hoạt động ở miền Bắc năm 1957, trong một chuyến công tác tại Nghệ An, đồng chí Lê Duẩn đã nhờ Tỉnh ủy Nghệ An tìm cho được bé Hồng Minh đứa con duy nhất của Lê Hồng Phong và Nguyễn Thị Minh Khai để đưa ra Hà Nội. Khi Hồng Minh ra đến Hà Nội, đồng chí Lê Duẩn đã đưa cháu đến sống tại nhà số 6 Hoàng Diệu. Tại đây, Hồng Minh được lớn lên trong sự yêu thương, đùm bọc của các thành viên trong gia đình đồng chí Lê Duẩn, cho đến khi học xong bậc đại học, có việc làm và lập gia đình riêng. Chúng ta càng cái hiểu nghĩa tình Lê Duẩn dành cho Lê Hồng Phong và Nguyễn Thị Minh Khai sâu nặng và cao cả đến mức nào khi biết rằng trong những năm 50, 60, 70 của thế kỷ XX, Hồng Minh vẫn còn bà ngoại và các cậu, dì ở Hà Nội.

Đồng chí Lê Duẩn cùng bà con quê hương Hậu Kiên, năm 1985.

Đồng chí Lê Duẩn họat động cách mạng ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam sống dài ngày ở các chiến khu nên có rất đông người giúp việc. Đồng chí sống với những người giúp việc đầy tình nghĩa, đối xử bình đẳng với mọi người, không phân biệt đó là thư ký, cần vụ, bảo vệ lái xe, bác sĩ. Đồng chí thường nói “năng lực khác nhau nên công tác và trách nhiệm khác nhau, nhưng chúng ta đều là đồng chí. Nếu hoàn thành được nhiệm vụ do cách mạng và Đảng giao phó thì ai cũng như ai, đều vẻ vang cả”.

Đồng chí Lê Duẩn cùng các cán bộ bảo vệ trong kháng chiến chống Pháp, năm 1979.

Trong khi ở Nam, thời kháng chiến chống Pháp, Lê Duẩn có một người chủ thuyền tên là Mai Tấn Của. Khi đồng chí từ Nam Bộ ra Việt Bắc năm 1952, Mai Tấn Của được đi cùng. Năm 1954, Lê Duẩn trở về Nam, Mai Tấn Của được ở lại, tham gia cải cách ruộng đất rồi lập gia đình, định cư tại huyện Yên Lạc, Vĩnh Phúc. Khoảng cuối năm 1973 đầu năm 1974, Mai Tấn Của viết thư thăm đồng chí Lê Duẩn. Anh Ba nhận được thư, mừng lắm. Anh giao cho bảo vệ nhiệm vụ đi tìm nhà Mai Tấn Của và trinh sát đường đi. Vào một ngày chủ nhật, Lê Duẩn rời Hà Nội lên Vĩnh Yên đến tận nhà Mai Tấn Của, người chèo xuồng hơn 30 năm trước đã từng đưa đồng chí dọc ngang sông rạch vùng đồng Tháp Mười, rồi từ Đồng Tháp qua khu IV, xuống tận Năm Căn, đến chiến khu U Minh, U Minh Thượng sát bờ biển Tây Nam của Tổ quốc. Mai Tấn Của vui mừng khôn xiết, hồ hởi kể lại sự phấn đấu của mình sau khi ở lại miền Bắc và nói về cuộc sống gia đình hiện nay trên miền đất trung du. Câu chuyện nói chưa đủ, anh Ba đã giục vợi chồng Mai Tấn Của và bốn đứa con lên Hà Nội. Anh dặn chị Ba nuôi dưỡng cả nhà Mai Tấn Của ở chơi Hà Nội suốt cả tuần, sắm sửa cho cả vợ chồng, con cái có đủ chăn màn, quần áo nhất là quần áo chống rét, mũ giày, đồ dùng học tập, đồ chơi cho trẻ em. Đến năm 1975, miền Nam được giải phóng, đất nước thống nhất, gia đình Mai Tấn Của xin về Nam, đã được anh Ba đồng ý cho đi cùng chuyên cơ vào Sài Gòn, sau đó về Bến Tre an toàn, vui vẻ.

Đống Ngạc (Nguyên Trợ lý TBT Lê Duẩn)

Nguồn: Đồng chí Lê Duẩn nhà lãnh đạo kiệt xuất của cách mạng Việt Nam

Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Chia sẻ: