Thứ Bảy, 09/11/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

27/04/2017 00:00 624
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Sau khi hiệp định Paris được ký kết, tình hình chính trị, quân sự trong nước và thế giới đã tác động nhiều đến cách mạng miền Nam. Để phù hợp với tình hình cách mạng mới, tháng 7/1973, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa III) họp Hội nghị lần thứ 21.

Sau khi hiệp định Paris được ký kết, tình hình chính trị, quân sự trong nước và thế giới đã tác động nhiều đến cách mạng miền Nam. Để phù hợp với tình hình cách mạng mới, tháng 7/1973, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa III) họp Hội nghị lần thứ 21.

Hội nghị đã phân tích những thành quả của cách mạng miền Nam trong 18 năm kháng chiến, đồng thời khẳng định con đường cách mạng miền Nam là con đường bạo lực cách mạng. Bất kể trong tình hình nào cũng phải nắm vững thời cơ, giữ vững đường lối chiến lược tiến công và chỉ đạo linh hoạt để đưa cách mạng miền Nam tiến lên.

Sau hội nghị, các cơ quan chiến lược tập trung giúp Quân ủy Trung ương chuẩn bị chủ trương và gải pháp lớn về quân sự, mà trọng tâm là xây dựng kế hoạch chiến lược giải phóng miền Nam. Một Tổ trung tâm gồm các đồng chí: Vũ Lăng, Võ Quang Hồ, Lê Hữu Đức, Lê Trọng Tấn được thành lập. Tổ có nhiệm vụ soạn thảo, chỉnh lý, hoàn thiện kế hoạch chiến lược giải phóng miền Nam trình Bộ chính trị.

1

Ban Quân ủy Trung ương theo dõi diễn biến của chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng Sài Gòn, Hà Nội, tháng 4-1975.

Công tác soạn thảo, chỉnh lý, hoàn thiện kế hoạch giải phóng miền Nam là một quá trình nắm bắt kịp thời mọi diễn biến chiến trường, trong nước và trên thế giới trực tiếp hoặc gián tiếp liên quan tới cuộc chiến tranh; là quá trình bàn bạc, tính toán, cân nhắc, chọn lựa các giải pháp giữa cơ quan chỉ đạo chiến lược với lãnh đạo chỉ huy các chiến trường. Trong suốt quá trình đó nhiều vấn đề lớn như: Đánh giá tương quan lực lượng, Mỹ có trở lại không?; chọn hướng tiến công chủ yếu, mục tiêu chủ yếu; cách đánh chiến lược; những khó khăn cần khắc phục; thời gian bắt đầu tiến công vào tháng, năm nào?; “Cần làm gì để "chớp" thời cơ, không được để lỡ? Hướng chiến lược là đâu? Đánh như thế nào để tiêu diệt chiến đoàn và sư đoàn quân ngụy?”(1) được Bộ Chính trị phân tích, nghiên cứu kỹ lưỡng. Để trả lời được những câu hỏi trên, Tổ trung tâm đặc biệt nhấn mạnh về việc cần thiết phải có những đòn quyết định, tiêu diệt những tập đoàn chủ lực lớn của địch để nhanh chóng làm thay đổi cục diện chiến trường, tạo thế và bước nhảy vọt về thời cơ.

Tháng 7/1974, Bí thư thứ Nhất BCH Trung ương Đảng Lê Duẩn làm việc với Tổ Trung tâm, đồng chí Hoàng Văn Thái và Lê Trọng Tấn báo cáo tóm tắt dự thảo chiến lược, tình hình chính trị, quân sự ở miền Nam, những công việc lớn đang được tiến hành trong đó có việc đánh Thượng Đức…

Ngày 29/7/1974, ta bắt đầu triển khai tiến đánh chi khu Thượng Đức, qua 10 ngày chiến đấu liên tục ta đã làm chủ hoàn toàn chi khu Thượng Đức. Một bộ phận sinh lực địch bị tiêu diệt, vùng giải phóng Quảng - Đà được mở rộng, tạo nên một bàn đạp tiến công quan trọng uy hiếp Đà Nẵng từ hướng Tây nam.

Tại Hội nghị Bộ Chính trị ngày 30/9/1974, Đại tướng Võ Nguyễn Giáp đã đánh giá cao ý nghĩa của chiến thắng Thượng Đức: “Tôi đặc biệt lưu ý hội nghị về trận Thượng Đức, qua đó thấy rõ khi không dựa được vào sự chi viện lớn của không quân Mỹ, khi không còn nhiều đạn pháo để sử dụng thì sức chiến đấu của quân ngụy rất yếu cả trong tiến công cũng như trong phòng ngự. Cuối cùng, tôi khẳng định thời cơ chiến lược đã đến, cần khẩn trương chuẩn bị mọi mặt, đi đôi với đẩy mạnh đấu tranh chính trị, cần có những trận quyết chiến chiến lược tiêu diệt lớn quân địch để giành toàn thắng”(2).

Phân tích cục diện, so sánh lực lượng trên chiến trường, hội nghị khẳng định: khó khăn của địch là thuận lợi của ta, cách mạng miền Nam đang chuyển mạnh theo hướng đi lên và thông qua kế hoạch quyết tâm hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam trong hai năm 1975-1976, trên hai hướng chiến lược Tây Nguyên và miền Đông Nam bộ.

2

Quân giải phóng hoàn toàn làm chủ thành phố Đà Nẵng, ngày 19-3-1975.

Sau Hội nghị Bộ Chính trị tháng 9/1974 thế và lực của cách mạng miền Nam mạnh thêm nhiều. Cùng với sự ra đời của các quân đoàn, khối chủ lực của các quân khu phát triển nhanh chóng. Bộ đội địa phương và dân quân du kích cũng được xây dựng mạnh hơn. Các chiến thắng dồn dập ở Quân khu V, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ đã tạo ra diễn biến so sánh lực lượng trên chiến trường. Quân Ủy Trung ương nhận định “chiến tranh đã bước vào giai đoạn cuối, so sánh lực lượng đã thay đổi, ta mạnh lên địch yếu đi”.

Từ ngày 18/12/1974 đến ngày 8/1/1975, Ban Chấp hành Trung ương Đảng tiếp tục mở hội nghị Bộ Chính trị mở rộng. Hội nghị đang diễn ra thì nhận được tin của đồng chí Lê Đức Anh, Phó Tư lệnh Miền: "... Trên đường 14, ta giải phóng hoàn toàn đoạn từ cầu 11 gần Đồng Xoài, đến khỏi Bù Đăng giáp ranh giới chi khu Kiến Đức... ở Bù Đăng, Vĩnh Thiện, Bù Na... Sẽ tiếp tục truy lùng..."(3), thị xã Phước Long bị cô lập. Trước những thông tin báo về, ngay tại hội nghị “các anh Phạm Hùng và Trần Văn Trà kịp thời xin ý kiến của đồng chí Bí thư thứ Nhất và Quân ủy Trung ương cho phép giải phóng luôn Phước Long”(4). Trải qua 26 ngày chiến đấu liên tục, chiến dịch đường 14 - Phước Long kết thúc thắng lợi. Chiến thắng Phước Long mang ý nghĩa như một đòn trinh sát chiến lược rất quan trọng. Lần đầu tiên ở miền Nam, một tỉnh được hoàn toàn giải phóng. Tỉnh đó lại ở gần Sài Gòn. Vùng căn cứ quan trọng của ta ở miền Đông Nam bộ được mở rộng. Chiến thắng Phước Long là một nhân tố mới rất quan trọng để hội nghị khẳng định quyết tâm chiến lược giải phóng miền Nam với yêu cầu cao hơn.

3

Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao Động Việt Nam họp quyết định mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 (từ ngày 18-12-1974 đến ngày 8-1-1975).

Ngay tại hội nghị, Bộ Chính trị ra Nghị quyết lịch sử: "Chúng ta đang đứng trước thời cơ chiến lược lớn: Chưa bao giờ ta có điều kiện đầy đủ về quân sự và chính trị như hiện nay, có thời cơ chiến lược to lớn như hiện nay để hoàn thành cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân ở miền Nam để tiến tới hòa bình thống nhất Tổ quốc”(5). Bộ Chính trị thông qua kế hoạch chiến lược hai năm 1975-1976. Đây là một kế hoạch lớn được chuẩn bị công phu từ giữa năm 1973 qua tám lần dự thảo của Bộ Tổng tham mưu. Ngoài kế hoạch chiến lược 1975-1976, Bộ Chính trị còn dự kiến: “Nếu thời cơ đến vào đầu hoặc cuối năm 1975 thì lập tức giải phóng miền Nam trong năm 1975”. Nhận định thời cơ để tiến hành giải phóng miền Nam đã đến, từ đầu tháng 3 đến cuối tháng 4 năm 1975, chúng ta tiến hành tổng tiến công và nổi dậy trên toàn miền Nam, trong đó hướng chính là Tây Nguyên và miền Đông Nam bộ, trong gần 2 tháng, quân địch trên các chiến trường từng bước bị đánh bại.

320

Bộ chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh theo dõi và chỉ đạo chiến dịch, tháng 4-1975.

Chúng ta có thể thấy, việc đánh giá đúng tình hình trong chiến tranh là một vấn đề hết sức lâu dài, khó khăn và phức tạp, “sai một ly đi một dặm” do đó đánh giá sai thực chất tình hình sẽ đưa đến những chủ trương sai lầm, nguy hiểm. Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước là vô cùng quan trọng, tác động trực tiếp tới vận mệnh dân tộc.

5

Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước trên lễ đài tại Lễ mít tinh mừng Việt Nam đại thắng, ngày 15-5-1975.

Thắng lợi của sự kiện đó là kết quả của một quá trình dài từ xây dựng kế hoạch chiến lược đến tạo và nắm bắt thời cơ trong thời điểm quyết định để tạo ra bước nhảy vọt đưa cách mạng đi đến thành công.

Hoài An

Nguồn:

- “Lịch sử cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1945 – 1975 tập VIII toàn thắng, Nxb Chính trị quốc gia, 2013.

- “Đại cương lịch sử Việt Nam”. Lê Mậu Hãn (chủ biên), tập III, Nxb Giáo dục, 2007.

Chú thích:

(1),(2):http://dangcongsan.vn/tu-lieu-van-kien/ho-so-su-kien/phong-trao-cong-san-cong-nhan-quoc-te/books-093020153223656/index- 2930201532042566.html

(3),(4),(5):http://dangcongsan.vn/tu-lieu-van-kien/tu-lieu-ve-dang/lich-su-dang/books-093020153223656/index-3930201532042567.html

Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Chia sẻ:

Bài viết khác

Ngày Lịch sử của tôi (Phần 2 và hết)

Ngày Lịch sử của tôi (Phần 2 và hết)

  • 27/04/2017 00:00
  • 492

12 giờ 12 phút ngày 30-4-1975, nhà báo, nhà văn, đại tá Nguyễn Trần Thiết có mặt tại Sài Gòn rợp cờ hoa mừng toàn thắng và ông cũng là một trong hai người trực tiếp tiếp xúc và hỏi cung một số thành viên nội các Dương Văn Minh vừa đầu hàng Quân giải phóng. Nhân kỷ niệm 42 năm ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, xin giới thiệu với bạn đọc ghi chép “Ngày lịch sử của tôi” của nhà văn, nhà báo Nguyễn Trần Thiết về thời khắc đáng nhớ ấy.