Cuộc chiến đấu bảo vệ Thủ đô Hà Nội trong những ngày đầu toàn quốc kháng chiến, quân và dân Hà Nội đã buộc Pháp chôn chân dài ngày trong thành phố từ (19-12- 1946 đến 17-2-1947) đã làm nên kỳ tích Hà Nội 60 ngày đêm khói lửa.
Trong 60 ngày đêm ấy, cơ quan lãnh đạo kháng chiến vẫn giữ bí mật an toàn ở vùng Chương Mỹ, sát kề Hà Nội, chỉ cách thành phố chừng 20km đường chim bay để chỉ đạo cuộc chiến đấu của nhân dân Thủ đô và từng bước đưa cơ quan đầu não và nhân dân lên chiến khu Việt Bắc, xây dựng căn cứ địa kháng chiến.
Trong những ngày sóng gió cách mạng, trước sự uy hiếp của kẻ thù, nhiệm vụ của nhân dân ta là phải bảo vệ chính quyền. Đó là vấn đề then chốt quyết định sự tồn vong của dân tộc lúc bấy giờ. Muốn bảo vệ được chính quyền, ngoài quân đội chính trị rộng lớn của quần chúng, cần phải có lực lượng vũ trang. Mặc dù xây dựng lực lượng vũ trang gặp rất nhiều khó khăn, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự ủng hộ của nhân dân, đến tháng 12-1946, Thủ đô đã có những lực lượng bảo vệ: bộ đội chính quy, tự vệ chiến đấu, công an xung phong, tự vệ thành. Đặc biệt là sự ra đời của Trung đoàn Thủ đô.
Bộ đội chính quy: có 5 tiểu đoàn gồm 2.515 người, trong đó chỉ có 2 tiểu đoàn đóng ở nội thành để bảo vệ các cơ quan chính phủ như Bắc Bộ phủ, Phủ Chủ tịch, Bộ Tài chính, Bộ Quốc phòng, Bộ nội vụ và một số công sở, xí nghiệp quan trọng. Các đơn vị này được xây dựng sau Cách mạng tháng Tám, nguồn gốc từ một đơn vị Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng Quân, về thủ đô ngày 29-8-1945. Sau khi phát triển thành bộ đội Vệ Quốc đoàn, sau đó được bổ sung một số đông công nhân, nông dân và các đội viên du kích ở nội ngoại thành trong thời kỳ bí mật; ngoài ra còn một số học sinh, sinh viên, tiểu thương, dân nghèo.
Về kỹ thuật, chiến thuật vì thời gian xây dựng chưa được bao lâu, lại phải phân tán canh gác bảo vệ cơ quan chính quyền, nên bộ đội vệ quốc đoàn mới chỉ được học một số động tác chiến đấu cơ bản.
Về mặt trang bị vũ khí, cũng rất nghèo nàn. Khi cướp chính quyền, ta chỉ có một số nhỏ vũ khí thu được của Nhật, hoặc do chính tay công nhân của ta chế tạo ra: khoảng 40 súng trường cũ, một số súng kíp, dao găm, giáo mác và một số lựu đạn chất lượng không được tốt, tổng cộng trang bị chỉ đủ cho một đại đội.
Ở ngoại thành, bộ đội vệ quốc đoàn chỉ có 3 pháo đài đoạt lại từ tay giặc Nhật ở Láng, Xuân Canh, Xuân Tảo.
Trận địa Pháo đài Láng, Hà Nội, 19-12-1946 (Ảnh chụp tranh sơn dầu).
Tự vệ chiến đấu và công an xung phong, gồm khoảng 8 trung đội do Mặt trận Việt Minh tổ chức và lãnh đạo, được xây dựng từ giữa năm 1944, dưới hình thức những tổ hoạt động nhỏ từ 3 - 5 người, làm nhiệm vụ tuyên truyền xung phong, bảo vệ cơ sở quần chúng, diệt trừ việt gian...
Tự vệ Hoàng Diệu, tổ chức để tự vệ của nhân dân Thủ đô, thành lập sau Cách mạng tháng Tám với số lượng khoảng 5.000 thanh niên, gồm các tầng lớp xã hội như công nhân, nông dân, trí thức, học sinh, viên chức... lúc đầu tổ chức này lấy tên là “Việt dũng đoàn”, đầu năm 1946 đổi tên là “Thanh niên tự vệ Hoàng Diệu”. Mỗi khu phố tùy theo tầm quan trọng và sự cần thiết có từ 1 trung đội đến 1 đại đội tự vệ.
Việc vũ trang tự vệ chủ yếu dựa vào nhân dân và do từng đội viên tự túc tiền mua sắm. Ai có thứ vũ khí gì thì được sử dụng coi như của riêng, nhưng chỉ khi nào làm nhiệm vụ chung mới được mang vũ khí.
Vì do mọi người tự mua sắm lấy nên vũ khí chỉ có hạn: khoảng 500 súng trường, 2 súng máy và một số lựu đạn Nhật, Mỹ hoặc lựu đạn do xưởng Phan Đình phùng của ta chế tạo. Còn đại bộ phận vũ trang bằng dao găm, kiếm, mã tấu, giáo, mác, 600 các bin (những súng này phần nhiều là mua của binh lính Tưởng Giới Thạch và cả lính Pháp. Một số là do anh em tước được của những tên lính ngoại quốc đi lẻ).
Sự thành lập Trung đoàn Thủ đô
Trung đoàn Thủ đô chính thức được thành lập ngày 7-1-1947, giữa cuộc chiến kéo dài 2 tháng tại Hà Nội mở đầu Toàn quốc kháng chiến, trên cơ sở Tiểu đoàn 301 cùng các đơn vị Vệ quốc đoàn và Tự vệ chiến đấu Liên khu I (thuộc 36 phố phường Hà Nội cũ), gồm khoảng 2.000 người. Các chỉ huy đầu tiên là: Trung đoàn trưởng Hoàng Siêu Hải (sau chuyển về Tỉnh ủy Cao Bằng), Chính ủy Lê Trọng Toản (sau làm Thứ trưởng Bộ Nội thương, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước), Liệt Sĩ Trần Phúc Ánh (hy sinh ngày 7 tháng 1 năm 1952), Tham mưu trưởng Hoàng Phương. Tên gọi đầu tiên là Trung đoàn Liên khu I.
Ngày 12 tháng 1 năm 1947, Hội nghị quân sự toàn quốc quyết định tặng Trung đoàn Liên khu I danh hiệu Trung đoàn Thủ đô.
Thư của đồng chí Võ Nguyên Giáp khen ngợi Trung đoàn Thủ đô.(Ảnh tư liệu BTLSQG).
Bên cạnh lực lượng nội thành, các đơn vị xung quanh Hà Nội đã phối hợp chiến đấu thường xuyên với quân và dân Thủ đô. Lực lượng ngoại thành thường tổ chức đánh phá phía sau lưng địch, chi viện cho đồng đội ở tuyến trong. Trong những ngày tháng chiến đấu ác liệt tại Liên khu 1, các đơn vị phía ngoài đã tiến công địch nhiều nơi, nhất là từ hướng Hà Đông- Hà Nội, buộc quân viễn chinh Pháp phải phân tán lực lượng, không thể tập trung quân và vùng chiến sự trọng điểm. Đánh giá về lực lượng vũ trang cách mạng Thủ đô thời gian này, Delliver Phillipe đã nhận xét : “Các yếu tố vũ trang chính quy Việt Minh … và còn rất đông các đội quân tự vệ đặt ra một vấn đề vô cùng khủng khiếp, chúng ta (Pháp) không làm sao nới rộng được cái thòng lọng Việt Minh”.
Chiến sĩ Quyết tử thuộc Tiểu đoàn 102, Khu Đông Thành, 1946. (Ảnh tư liệu BTLSQG)
Như vậy, lực lượng chiến đấu của ta trong lòng Hà Nội là đạo quân hợp thành, bao gồm lực lượng chủ công, lực lượng cả phía trước và phía sau, lực lượng vũ trang tập trung và lực lượng bán vũ trang. Dưới sự lãnh đạo chỉ huy tập trung thống nhất của Bộ Chỉ huy Mặt trận, lực lượng vũ trang và nhân dân Thủ đô đã được tổ chức chặt chẽ để thực hiện nhiệm vụ tác chiến chiến lược. Trong chiến đấu, các lực lượng này đã phối hợp tác chiến, hiệp đồng tương đối chặt chẽ tạo nên thế trận nhiều lớp, nhiều tầng khiến đạo quân viễn chinh của Pháp phải lao đao đối phó. Có thể nói, Chính đội quân “tổng hợp” này đã tạo nên ngay từ đầu, khi cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, một thế chiến tranh nhân dân trong lòng thành phố.
Quyết tử quân thề kiên quyết sống chết giữ vững Thủ đô, 12-1946.
Nhìn tổng thể các chiến dịch lịch sử của Quân đội Nhân dân Việt Nam, ta thấy các chiến dịch sau thường lớn, quy mô hơn chiến dịch trước. Chiến dịch ra đời gắn liền với sự gia tăng đáng kể khả năng tác chiến của lực lượng vũ trang. Bước phát triển của chiến dịch cũng là từ chưa hoàn chỉnh tới hoàn chỉnh, từ quy mô nhỏ đến quy mô lớn, lực lượng tham gia cũng phát triển từng bước từ thấp đến cao về số lượng, trang thiết bị…Trong bối cảnh chung đó, nhìn cụ thể về cuộc chiến đấu ở Hà Nội thời gian này ta thấy dù lực lượng vũ trang cách mạng còn non trẻ nhưng đã tạo nên đạo quân chiến đấu hợp thành, quây tròn kẻ thù khiến thực dân Pháp vô cùng lúng túng. Trong lịch sử các chiến dịch về sau của lực lượng vũ trang cách mạng Việt Nam, không phải bất cứ chiến dịch nào sau này cũng mang đậm yếu tố phối hợp tác chiến nhịp nhàng như cuộc chiến đấu của quân và dân Thủ đô tiến hành trong mùa Đông 1946.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Võ Nguyên Giáp thăm cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn Thủ Đô trong những ngày đầu toàn quốc kháng chiến, năm 1947 (Ảnh tư liệu BTLSQG).
70 năm đã trôi qua nhưng khí thế hào hùng của những ngày đầu toàn quốc kháng chiến đã trở thành ngày lịch sử, là dấu son chói lọi trong cuộc đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, đây cũng là dịp để toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta ôn lại những bài học sâu sắc của lịch sử, phát huy tinh thần đại đoàn kết toàn dân, đồng sức chung lòng tạo nguồn động lực to lớn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Ngọc Anh