Thứ Ba, 03/12/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

16/12/2016 00:00 811
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Cách mạng tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, đó là một thắng lợi vĩ đại của dân tộc ta.Tuy nhiên vào thời điểm từ sau Cách mạng tháng Tám đến cuối năm 1946, cách mạng nước ta đứng trước những khó khăn chồng chất, những thử thách nghiêm trọng. Vận mệnh nước Việt Nam như ngàn cân treo sợi tóc.

Trong tình thế hiểm nghèo của đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng đã sáng suốt phân tích tình hình, đánh giá đúng âm mưu, hành động và khả năng của các thế lực đế quốc, xác định đường lối Kháng chiến kiến quốc, vừa kháng chiến chống xâm lược, vừa xây dựng chế độ mới. Trước âm mưu, thủ đoạn xâm lược, can thiệp trắng trợn của đế quốc và tương quan lực lượng bất lợi cho ta, chúng ta cần hòa bình để xây dựng nước nhà, Đảng ta đã thực hiện chính sách hòa hoãn. Với thực dân Pháp là kẻ thù chính, ta ký Hiệp định sơ bộ ngày 6-3-1946 và Tạm ước 14-9-1946. Thực hiện thành công sách lược đúng đắn đó, ta đã giữ vững và củng cố chính quyền cách mạng, đuổi quân Tưởng cùng bọn tay sai về nước, tranh thủ thời gian hòa hoãn để chuẩn bị lực lượng cho cuộc kháng chiến lâu dài.

Hiệp định Sơ bộ ngày 6-3-1946. (Nguồn: Internet).

Bội ước Hiệp định sơ bộ ngày 6/3/1946 và Tạm ước ngày 14/9/1946, thực dân Pháp đã tấn công các phòng tuyến của quân ta ở Nam Bộ và Nam Trung Bộ.

Quân Pháp nắm quyền kiểm soát thuế quan ở Hải Phòng, nhanh chóng làm chủ Hải Phòng, đẩy quân đội Việt Nam ra khỏi thành phố. Cùng với việc đánh chiếm Hải Phòng, quân Pháp cũng tiến công đánh chiếm Lạng Sơn và chuẩn bị kế hoạch đánh chiếm vào cơ quan đầu não của ta ở Thủ đô Hà Nội.

Tàu chiến Pháp khiêu khích ở Cảng Hải Phòng, 5-3-1946 (Ảnh tư liệu).

Quân đội Pháp đã liên tiếp nổ súng, ném lựu đạn vào nhiều nơi ở Hà Nội trong các ngày 15, 16 tháng 12-1946. Ngày 17-12, quân Pháp cho xe phá các công sự của ta ở phố Lò Đúc, đặc biệt chúng đã gây ra vụ tàn sát đẫm máu ở phố Hàng Bún và phố Yên Ninh.

Ngày 18-12-1964, tướng Morlière gửi cho ta tối hậu thư đòi chiếm đóng Sở Tài chính, đòi ta phải phá bỏ mọi công sự và chướng ngại trên các đường phố, đòi để cho chúng làm nhiệm vụ giữ gìn trị an ở Hà Nội.

Ngọn lửa chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp bùng cháy trên toàn quốc là điều không thể tránh được nữa vì Pháp quyết định sẽ châm ngòi vào ngày 20-12-1946.

Tình thế khẩn cấp đòi hỏi Đảng, Nhà nước - đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh phải có một sự chọn lựa lịch sử, phải kịp thời có một quyết định chiến lược để chuyển xoay vận nước đang lâm nguy.

Ngày 17-12-1946, Hội đồng Chính phủ đã họp với sự có mặt của Trưởng ban thường trực Quốc hội Bùi Bằng Đoàn, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Võ Nguyên Giáp đã báo cáo tình hình quân sự diễn ra ở Hải Phòng, Lạng Sơn, Đà Nẵng cùng âm mưu mở rộng chiến tranh ở Hà Nội và các nơi khác của thực dân Pháp.

Ngày 18 và 19-12-1946 tại Vạn Phúc, Hà Đông, Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp mở rộng do Hồ Chí Minh chủ trì, đã quyết định phát động cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trên phạm vi cả nước và đề ra đường lối, chủ trương kháng chiến của Đảng.

Ngôi nhà ở Làng Vạn Phúc, Hà Đông, Hà Tây, 1946 (Ảnh tư liệu).

Chiều 19-12, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Võ Nguyên Giáp đã quyết định chuyển đến các đơn vị lực lượng vũ trang mật lệnh về ngày giờ của cuộc giao chiến trong toàn quốc. Tổng chỉ huy Võ Nguyên Giáp đã công bố mệnh lệnh chiến đấu, hạ lệnh cho toàn thể các lực lượng vũ trang phải nhất tề đứng dậy, phải xông tới mặt trận giết giặc cứu nước; chính thức phát lệnh cho các chiến trường nổ súng đồng loạt.

Chấp hành mệnh lệnh chiến đấu, đúng 20 giờ ngày 19-12-1946, công nhân nhà máy đèn Bờ Hồ phá máy, đèn điện toàn thành phố phụt tắt. Quân dân thủ đô Hà Nội đã nổ súng mở đầu cuộc kháng chiến trong toàn quốc. Giờ cứu nước đã đến! Pháo của ta từ Láng, từ Xuân Tảo trút căm hờn vào đầu giặc Pháp đóng ở trong thành. Các chiến lũy được củng cổ vững chắc. Cây bị chặt đổ, cột đèn bị ngả xuống, các toa xe điện nằm chắn ngang đường. Trong khói lửa mù mịt, nhân dân Hà Nội người nào việc nấy, dốc sức cho cuộc chiến đấu với quân thù.

Giặc Pháp cho xe bọc sắt và bộ binh đến đánh úp đơn vị quân ta đóng ở trụ sở liên lạc Việt-Pháp. Với tinh thần “quyết tử để cho Tổ Quốc quyết sinh”, quân dân Thủ đô đã chiến đấu vô cùng dũng cảm, ngăn chặn bước tiến của chúng. Những đoàn xe của Pháp từ trong thành ra vấp phải chướng ngại vật trên đường phố, di chuyển rất chậm chạp. Lợi dụng thời cơ đó, tự vệ cùng nhân dân từ trên gác cao quăng giường tủ xuống đường, ném lựu đạn, lao bom, nã súng như đổ lửa vào đầu giặc. Ở nhà máy đèn Bờ Hồ, trong chớp nhoáng, công nhân cùng bộ đội đã diệt toàn bộ quân địch đóng ở đây, không để một tên sống sót. Ở Bắc Bộ phủ, trụ sở của Chính quyền Bắc kỳ khi đó (nay là Nhà khách Chính Phủ, số 12 Ngô Quyền), chiến sĩ ta chiến đấu ngoan cường suốt đêm đến sáng. Các quyết tử quân ôm bom ba càng lao vào phá hủy chiến xa địch. Hàng loạt bom, lựu đạn từ các cửa sổ tung xuống đầu giặc, làm cho chúng khiếp vía. Hơn 20 nam nữ công nhân nhà Bưu điện Bờ Hồ cùng đơn vị Vệ quốc đoàn ở đó đánh lui nhiều đợt tấn công của địch. Trong suốt một ngày, địch không thể nào chiếm nổi nhà bưu điện, quân ta tiêu diệt 122 người, 2 xe tăng, 2 xe vận tải, 1 xe zíp. Trận đánh ở đầu cầu Long Biên đã diệt 70 tên địch, phá hủy 4 xe tăng, 2 xe vận tải. Nhiều trận giao chiến quyết liệt diễn ra ở nhà máy Yên Phụ, đầu phố Hàng Lọng (đường Nam Bộ), ga Hàng Cỏ, Đồn Thủy, Phà Đen, trường Bưởi (nay là trường Chu Văn An), nhà máy bia...

Tòa nhà Bắc Bộ phủ - một trong những điểm diễn ra trận chiến đấu ngoan cường chống thực dân Pháp (Nguồn: Internet).

Ngày đầu tiên của cuộc kháng chiến trường kỳ đã diễn ra ở Hà Nội như vậy. Tại các thành phố khác, cuộc kháng chiến chống Pháp cũng bùng nổ vào đêm 19 tháng 12. Cuộc chiến đấu anh dũng của quân dân ta đã giam chân địch, ngăn chặn bước tiến của chúng, tạo thời cơ thuận lợi cho việc chuẩn bị kháng chiến lâu dài.

Ngay giữa lúc tiếng súng kháng chiến toàn quốc đang rền vang ở Hà Nội và trên toàn quốc, Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh được truyền đi khắp cả nước qua Đài phát thanh. Người kêu gọi:

“Hỡi đồng bào toàn quốc!

Chúng ta muốn hoà bình. Chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng thực dân Pháp càng lấn tới vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa!

Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ.

Hỡi đồng bào!

Chúng ta phải đứng lên!

Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước.

Hỡi anh em binh sĩ, tự vệ, dân quân!

Giờ cứu nước đã đến. Ta phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng, để giữ gìn đất nước.

Dù phải gian lao kháng chiến, nhưng với một lòng kiên quyết hy sinh, thắng lợi nhất định về dân tộc ta.

Việt Nam độc lập và thống nhất muôn nǎm!

Kháng chiến thắng lợi muôn nǎm!”

Bút tích Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 19-12-1946. (Ảnh chụp Bảo vật quốc gia hiện lưu tại BTLSQG).

Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tiếng gọi của non sông đất nước, khơi dậy mạnh mẽ chủ nghĩa dân tộc, truyền thống anh hùng bất khuất, làm cho cả nước đứng lên chiến đấu bằng sức mạnh của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ của người Việt Nam với mọi thứ vũ khí có sẵn, với một ý chí “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, một thái độ chính trị dứt khoát và kiên định: “Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”.

Có thể nói, ngày toàn quốc kháng chiến 19/12/1946 đã thể hiện sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta, bám sát tình hình thực tiễn, nắm vững thời cơ, chọn đúng mặt trận chính, tính toán thời điểm nổ súng chính xác, biến bị động thành chủ động, tạo nên thế trận mới cho mặt trận Hà Nội có điều kiện giam chân quân địch hai tháng, để cả nước chuyển vào kháng chiến trường kỳ. Việc nổ súng phát động toàn quốc kháng chiến ngày 19/12 giữa Thủ đô là một trường hợp hiếm thấy trong lịch sử, thể hiện một nghệ thuật khởi đầu cuộc chiến tranh cách mạng thật đúng đắn, quả cảm và sáng tạo.

70 năm đã trôi qua nhưng khí thế hào hùng của những ngày đầu toàn quốc kháng chiến đã trở thành ngày lịch sử, là dấu son chói lọi trong cuộc đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Trải qua bao biến cố thăng trầm của thời gian, nhưng giá trị lịch sử của “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” luôn là kim chỉ nam cho mọi hành động cách mạng của toàn thể nhân dân Việt Nam, cổ vũ, hiệu triệu quốc dân đồng bào kề vai sát cánh, chung sức đồng lòng, đoàn kết nhất trí đánh giặc, giữ nước, giành lại độc lập, tự do, thống nhất cho Tổ quốc.

Phương Anh (tổng hợp)

Nguồn:

- 60 năm Toàn quốc kháng chiến - Ký ức lịch sử và bài học kinh nghiệm xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, H. Quân đội nhân dân, 2007, 762 trang.

- Trương Hữu Quýnh, “Sự bùng nổ và tiến triển của cuộc kháng chiến trong toàn quốc (1946-1950)”, Đại cương lịch sử Việt Nam toàn tập, H. Giáo dục, 2009, tr. 872-880.

Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Chia sẻ: