Với âm mưu “gây sức ép buộc Hà Nội phải trở lại Hội nghị Paris với thế yếu”, Mỹ điên cuồng mở cuộc tập kích chiến lược bằng không quân vào thủ đô Hà Nội và cảng Hải Phòng. Chúng đã tập trung một nửa lực lượng không quân chiến lược và hầu hết lực lượng không quân chiến thuật có ở Đông Nam Á cho cuộc tập kích.
Trong cuộc chiến đấu tháng 12 năm 1972, lực lượng phòng không bảo vệ Hải Phòng có Sư đoàn 363 gồm 2 cao xạ, lực lượng bắn máy bay của Quân chủng Hải quân, Bộ Tư lệnh 350 (Hải Phòng), Công an nhân dân vũ trang và dân quân tự vệ.
Công tác chuẩn bị chiến đấu với máy bay B52 được quân dân Hải Phòng tiến hành rất khẩn trương. Từ cuối tháng 11-1972, Ban Quân sự Thành ủy, Sở chỉ huy phòng không thành phố trực tiếp kiểm tra đôn đốc việc sơ tán nhân dân ra khỏi các khu phố và các khu vực trọng điểm; phân tán, sơ tán hàng hóa ra khỏi cảng và các nhà máy xí nghiệp. Hệ thống quan sát báo động, các đội cứu thương, cứu hỏa, cứu sập của thành phố và của các huyện, khu phố, cơ quan, xí nghiệp được củng cố. Một số khu phố, tiểu khu và cơ quan xí nghiệp theo chỉ đạo của Ban Quân sự Thành ủy tổ chức diễn tập đối phó với tình huống B52 đánh vào thành phố. Lực lượng vũ trang 3 thứ quân xây dựng phương án cụ thể đối phó với B52, đánh máy bay cường kích chiến thuật và tàu chiến của địch.
Đêm 18-12-1972, đế quốc Mỹ huy động 90 lượt B52 cùng hàng trăm lượt máy bay chiến thuật mở đầu cuộc tập kích chiến lược đường không vào Hà Nội, Hải Phòng.
Máy bay B52 của Mỹ ném bom xuống miền Bắc Việt Nam (Nguồn: Internet).
19 giờ 10 phút, 7 tốp cường kích gồm 26 chiếc A6, A7, F4H thay nhau đánh phá nhiều điểm ở cả nội ngoại thành Hải Phòng. Khác với trận đánh trước đây, các máy bay địch đều bay thấp dưới 1000m, dọc theo các sông Văn Úc, Cửa Cấm, Lạch Tray. Máy bay địch vào hướng này ra hướng khác. Thời gian cách giữa hai tốp chừng 5 đến 7 phút, đánh cùng lúc vào nhiều mục tiêu. Hoạt động của địch lặp đi lặp lại liền 6 đợt trong một đêm. Cả thành phố Hải Phòng thức trắng, căng thẳng kéo dài.
Do địch thay đổi thủ đoạn chiến thuật, các đài quan sát bằng khí tài không phát hiện hết mục tiêu. Các trạm quan sát của dân quân tự vệ chưa kịp định hướng, máy bay địch đã vọt qua đài. Đạn phòng không rực sáng cả bầu trời song không bắn rơi được máy bay địch. Chỉ có trung đội du kích tập trung của huyện Vĩnh Bảo tổ chức phục kích đón lõng trên hướng máy bay địch bay ra biển là bắn rơi được một chiếc.
Ngày 19-12-1972, Quân chủng Phòng không-Không quân phổ biến những kinh nghiệm bắn rơi B52 của Thủ đô Hà Nội cho Sư đoàn Phòng không 363 và Bộ Tư lệnh 350. Nhận thấy địch đã thay đổi thủ đoạn đánh phá, đặc biệt là tăng cường khí tài điện tử gây nhiễu, Bộ Tư lệnh 350 đã kịp thời chỉ đạo các đơn vị nhanh chóng điều chỉnh, bố trí lại lực lượng, xây dựng phương án bắn máy bay địch bay thấp ban đêm. Lực lượng phòng không được tập trung thành từng cụm hỏa lực mạnh đón đánh máy bay địch. Mỗi cụm hỏa lực có nhiều loại vũ khí khác nhau nhưng cùng bắn ở một cự ly nhằm tạo thành lưới lửa tập trung. Các đơn vị trong cụm hỏa lực đồng loạt nổ súng theo cự ly và hướng bay của mục tiêu đã phát hiện.
Từ đêm 19 đến đêm 21-12, phối hợp chiến đấu với quân dân Thủ đô Hà Nội, quân dân Hải Phòng đã lập chiến công giòn giã, bắn rơi 12 máy bay Mỹ, diệt một số giặc lái. Tiểu đoàn pháo cao xạ 37mm của tự vệ Nhà máy đóng tàu Bạch Đằng sát cánh cùng các đơn vị liên tục chiến đấu bảo vệ thành phố. Có đêm tiểu đoàn đánh 6 trận, có ngày đánh liền 4 trận.
Tự vệ Công ty Công nghệ phẩm khu phố Hồng Bàng với 2 khẩu súng máy cao xạ 12,7mm do 12 nữ chiến sĩ sử dụng đã phối hợp chặt chẽ với các tổ bắn máy bay của tự vệ bưu điện, nhà máy in, nhà máy nước và tự vệ đoàn chèo Hải Phòng tạo thành một cụm hỏa lực tầm thấp khá mạnh. Đêm 19-12, cụm hỏa lực này đã bắn rơi một máy bay Mỹ.
Trên các dòng sông Bạch Đằng, Lạch Tray, Cửa Cấm, mỗi chiếc tàu, thuyền đánh cá, vận tải là một trận địa. Đón đúng đường bay của địch khi chúng bay thấp theo triền sông vào đánh phá thành phố, các trận địa trên tỏ ra rất lợi hại. Vùng cửa sông Cấm những ngày này trở thành một “tọa độ lửa” đối với máy bay địch.
Các trận địa của Tiểu đoàn 14 pháo cao xạ Hải Phòng và đại đội súng máy cao xạ của Sư đoàn phòng không 363 bố trí thành một cụm hỏa lực đón đánh địch trên hướng Tây Nam. Cũng trên hướng Tây Nam, đại đội pháo cao xạ Trần Thành Ngọ (thị xã Kiến An) phối hợp với các tổ săn máy bay của dân quân huyện An Thụy bắn rơi tại chỗ một máy bay A6. Đặc biệt đêm 21-12, khẩu đội súng máy cao xạ của trung đội nữ dân quân xã An Hồng (An Lão) đón đúng đường bay của địch, nổ súng chính xác, bắn rơi một máy bay địch. Đây là đơn vị nữ dân quân đầu tiên của Khu Tả ngạn bắn rơi máy bay Mỹ ban đêm, được Chủ tịch Tôn Đức Thắng gửi thư khen. Chỉ mấy giờ sau, vào lúc 3 giờ 25 phút ngày 22-12-1972, tiểu đoàn tên lửa 73 anh hùng bắn rơi một chiếc A6.
Qua 4 ngày đêm liên tục đánh địch căng thẳng, ác liệt, Hải Phòng vẫn giữ được phong thái bình tĩnh và lạc quan. Trên các đường phố, công nhân tự vệ vẫn đi ca, tuần tra canh gác. Các cửa hàng mậu dịch vẫn mở cửa. Trước quảng trường Nhà hát lớn những băng rôn khẩu hiệu, áp phích kỷ niệm 3 ngày lễ lớn vẫn đỏ rực như ý chí và quyết tâm đánh Mỹ của quân dân Hải Phòng.
Nhân dân Hải Phòng đi sơ tán. (Nguồn: Internet).
Theo dõi âm mưu và thủ đoạn chiến thuật của địch, ngày 21-12, Thành ủy Hải Phòng họp nhận định những ngày tới địch sẽ dùng máy bay B52 đánh phá Hải Phòng. Thành ủy, Ủy ban Hành chính thành phố quyết định tạm ngưng sản xuất ở nội thành. Tất cả công nhân viên chức không có nhiệm vụ chiến đấu và phục vụ chiến đấu được nghỉ từ 3 đến 5 ngày để sơ tán. Nhân dân ở vùng gần sân bay, kho hàng, trận địa tên lửa, cao xạ và một số xã ven đường 5 cũng phải sơ tán. Riêng trong nội thành đến chiều ngày 22-12, hơn 3 vạn người đã được sơ tán, đưa tổng số người sơ tán ra khỏi thành phố lên tới 25 vạn người, chỉ còn lại hơn 1 vạn người làm nhiệm vụ phục vụ và chiến đấu.
Ngày và đêm 22-12, nhiều tốp máy bay Mỹ hoạt động ngoài vùng biển Hải Phòng. Bộ Tư lệnh Sư đoàn 363 và 350 nhận định đây có thể là hoạt động nghi binh của địch chuẩn bị cho những trận đánh phá mới ác liệt hơn.
4 giờ sáng ngày 23-12, Sở chỉ huy phòng không thành phố phát tín hiệu B1 - báo động máy bay B52 đang bay vào vùng trời Hải Phòng. Chỉ mấy phút sau, tiếng động cơ máy bay địch đã xé tan màn đêm. Sau khi kiểm tra, bằng nhiều biện pháp, Bộ Tư lệnh Sư đoàn phòng không 363 khẳng định đây là những tốp B52 “giả”. Các trận địa đều không phóng đạn. Cuộc đấu trí diễn ra căng thẳng. Trong vòng 30 phút, 9 tốp B52 “giả” lần lượt bay vào vùng trời Hải Phòng rồi lại vòng ra biển. Thủ đoạn của địch là dựa vào kỹ thuật điện tử hiện đại nhằm đánh lừa mạng rađa của ta, làm cho bộ đội tên lửa của ta tiêu phí đạn, bộc lộ trận địa để chuẩn bị cho B52 địch thật vào đánh đã hoàn toàn thất bại.
4 giờ 30 phút, nhiều tốp máy bay chiến thuật của địch lao vào đánh chế áp các trận địa tên lửa cao xạ, sân bay của ta. 4 giờ 45 phút, 24 lượt B52 cùng 30 máy bay chiến thuật hộ tống vào đánh Hải Phòng. Các khu vực Thượng Lý, Chợ Sắt, Cầu Quay, Cầu Treo, các cơ sở công nghiệp và khu dân cư từ cầu Lạc Long qua Nhà máy Xi măng đến Sở Dầu và xã Lâm Động, cảng Vật Cách bị hàng trăm tấn bom B52 tàn phá. Từ cầu Hạ Lý đến xã Hùng Vương, vệt bom của địch kéo dài 4km; từ cầu Niệm đến cầu Xe Lửa, vệt bom dài hơn 2km.
Hố bom dày đặc do máy bay B52 rải thảm. (Nguồn: Internet).
Mặc dù bị nhiễu rất nặng, các đài rađa, các trận địa tên lửa, pháo cao xạ tầm cao bảo vệ thành phố đã “nhận diện” đúng B52, phóng đạn chính xác. Bằng 18 quả đạn tên lửa, ta tiêu diệt 2 máy bay B52 của địch. Đây là 2 chiếc máy bay thứ 313 và 314 bị bắn rơi trên vùng trời Hải Phòng và là hai chiếc thứ 800 và 801 bị bắn rơi ở Quân khu Tả Ngạn.
Sau một tuần sử dụng máy bay chiến lược B52 đánh phá Hà Nội, Hải Phòng và một số địa phương khác, đế quốc Mỹ chẳng những không đạt được mưu đồ trong cuộc tập kích chiến lược đường không mà còn bị thiệt hại nặng nề. Riêng quân dân Hải Phòng bắn rơi 14 máy bay, trong đó có 2 chiếc B52, tiêu diệt nhiều giặc lái.
Để củng cố lực lượng, ổn định tinh thần và xoa dịu dư luận, nhân dịp lễ Nô-en, Ních-xơn ra lệnh tạm ngừng ném bom kể từ 24 giờ ngày 24-12-1972.
Ngày 25-12, theo chỉ đạo của Quân chủng Phòng không - Không quân, tất cả các đơn vị ở Hải Phòng rút kinh nghiệm chiến đấu trong đợt 1, củng cố trận địa, chuẩn bị cho đợt chiến đấu mới.
Đêm 26-12-1972, địch huy động 105 lượt máy bay B52 và hàng trăm lượt máy bay chiến thuật đánh đồng loạt vào 3 khu vực Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên. Đây là trận đánh lớn nhất trong cuộc tập kích chiến lược đường không của địch.
Tại Hải Phòng, Sở chỉ huy phòng không thành phố phát lệnh báo động B52 lúc 22 giờ 10 phút. 20 phút sau, máy bay B52 nối nhau bay vào ném xuống thành phố hàng ngàn quả bom các loại. Xen giữa các đợt ném bom của B52 là các đợt ném bom bắn phá của hàng chục lần chiếc máy bay cường kích chiến thuật. Phố Cầu Đất, Nhà hát thành phố, 34 tiểu khu thuộc khu phố Hồng Bàng, 7 tiểu khu thuộc khu phố Lê Chân, Nhà máy Xi măng, Sở Dầu, Cảng mới, Nhà máy đóng tàu Bạch Đằng… nằm trong vệt bom. Nhiều dãy phố đông dân, nhà trẻ, trường học, bệnh viện bị san phẳng. Các xã Đồng Tiến, Hùng Vương (huyện An Hải), Lâm Động (Thủy Nguyên)… bị hàng trăm quả bom trút xuống. Có nơi như thôn Cái Tất địa hình hoàn toàn thay đổi bởi trúng hơn 300 quả bom lớn.
Nhà máy xi măng Hải Phòng bị bom Mỹ phá hủy nhiều lần trong năm 1972
(Nguồn: Internet)
Lực lượng phòng không ba thứ quân ở Hải Phòng mà nòng cốt là các Trung đoàn tên lửa thuộc Sư đoàn phòng không 363 đã anh dũng, ngoan cường chiến đấu, bắn rơi 2 pháo đài bay B52, góp phần cùng quân dân Thủ đô Hà Nội và thành phố Thái Nguyên lập chiến công giòn giã trong trận đánh then chốt đêm 26-12, bắn rơi 18 máy bay các loại, trong đó có 8 máy bay B52 (4 chiếc rơi tại chỗ).
Máy bay chiến lược B52 bị bắn tan xác, rơi trên đường Hoàng Hoa Thám
ngày 27-12-1972 (Nguồn: Internet)
Các đêm 27, 28, 29-12, Mỹ còn tiếp tục cho B52 đánh phá Hà Nội, Thái Nguyên, Lạng Sơn; máy bay chiến thuật đánh phá Hải Phòng và nhiều địa phương khác. Đêm 27-12, Tiểu đoàn 72 tên lửa Hải Phòng vừa được tăng cường lên bảo vệ Hà Nội đã bắn tan xác một chiếc B52. Chiếc máy bay này rơi ngay trên đường Hoàng Hoa Thám cạnh vườn thú Hà Nội.
7 giờ sáng ngày 30-12-1972, Tổng thống Mỹ Ních-xơn buộc phải tuyên bố chấm dứt ném bom miền Bắc từ vĩ tuyến 20 trở ra, đề nghị ta họp lại Hội nghị Paris, chấp nhận ký kết Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.
Sát cánh chiến đấu với quân dân Thủ đô Hà Nội và các địa phương khác, trong suốt 12 ngày đêm cuối năm 1972, quân dân Hải Phòng đã dũng cảm chiến đấu, tổ chức phòng tránh tốt, đánh thắng oanh liệt cuộc tập kích chiến lược đường không của đế quốc Mỹ. Riêng ở Hải Phòng, quân và dân ta đã bắn rơi 17 máy bay các loại của địch, trong đó có 4 máy bay B52, 1 máy bay F111, góp phần cùng quân dân Thủ đô Hà Nội làm nên một “Điện Biên Phủ trên không” chưa từng có trong lịch sử.
Phương Anh (tổng hợp)
Nguồn:
Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không, Bản hùng ca thế kỷ XX, H. Văn hóa Thông tin, 2012, 443 trang.