May mắn cho nghiệp sử sách, khi một ngày kia, Đại tá Nguyễn Trọng Hàm kể với tôi câu chuyện xót xa: gia đình đã tìm hài cốt Liệt sỹ Phạm Luận ngay sát chùa Huyền Thiên sau 69 năm ông hy sinh.
Tôi xúc động, lao ngay đến nhà ông Phạm Hòa, con trai liệt sĩ. Và chuyện về người tiểu đội trưởng Phạm Luận – người đã chiến đấu và hy sinh anh dũng trong những ngày đầu Hà Nội kháng chiến chống thực dân Pháp được mở ra…
Trận đánh ở khu chợ Đồng Xuân ngày 14-2-1947 là trận cuối cùng và ác liệt nhất của Trung đoàn Thủ Đô trong Liên khu I. 15 cán bộ, chiến sĩ của khu Đồng Xuân, trong đó có Tiểu đội trưởng Phạm Luận đã hi sinh anh dũng ngay trên trận địa để bảo vệ từng tấc đất, đường phố của Thủ đô thân yêu.
Tháng 11-1946, chuẩn bị gấp rút cho cuộc kháng chiến, Mặt trận Hà Nội và Liên khu I bố trí lực lượng trên địa bàn Phân khu I của khu Đồng Xuân bảo vệ khu vực yết hầu của Liên khu từ thành Cửa Bắc ra đầu cầu Long Biên gồm: Đại đội Vệ quốc đoàn, Công an xung phong quận II (trụ sở ở bốt Hàng Đậu cũ, đầu phố Hàng Giấy); Đại đội tự vệ công nhân; Đại đội tự vệ Thành. Tự vệ các phố Hàng Chiếu, Trần Nhật Duật, Hàng Than, Hàng Mã và ngoài Bến Nứa đều tổ chức thành trung đội. Tất cả 1.000 cán bộ, chiến sĩ của các lực lượng vũ trang trên địa bàn Phân khu I Đồng Xuân sẵn sàng vào trận chiến đấu bảo vệ phố phường thân yêu.
Xây dựng trận địa trước chợ Đồng Xuân, năm 1946.
Tờ mờ sáng 19-12-1946, tự vệ phối hợp với nhân dân Hàng Đậu đã dựng chướng ngại vật tại ngã ba Hồng Phúc - Hàng Đậu ngăn cản đường tiến quân của Pháp từ trong Thành lên đầu cầu. Tại vị trí 31 Hàng Đậu, khẩu trung liên của tiểu đội do Phạm Luận và em rể là Hoàng Xuân Phương - công nhân sửa chữa ô tô Aviat giữ, đã được anh em kiểm tra lại kỹ càng.
8 giờ 3 phút tối 19-12-1946, Hà Nội mở đầu cuộc kháng chiến toàn quốc, chủ động tấn công địch trên khắp thành phố. Ở phố Hàng Đậu, tự vệ khuân những cọc đường ray tàu điện giấu trong nhà ông Sinh (số nhà 38) ra chôn xuống hố đã đào sẵn giữa lòng đường để bẫy xe tăng. Trên hướng tấn công chính của địch ở phía bắc thành phố, chúng cho xe tăng từ Cửa Bắc lên đê Yên Phụ, đồng thời một cánh quân khác từ Cửa Đông lên Hàng Đậu, cùng khép gọng kìm chiếm bằng được đầu cầu Long Biên. Công an xung phong chặn địch quyết liệt ở tháp nước Hàng Đậu. Tới ngã ba phố Hàng Đậu - Hồng Phúc, vấp phải trận địa chông sắt, đoàn xe địch khựng lại. Nhằm đúng lúc đó, hai anh em ông Phạm Luận nhả đạn vào đội hình địch. Hơn 10 tên địch từ trong xe nhảy xuống đều bị tiêu diệt. Một chiếc xe tăng khác cố bò đến số nhà 49 Hàng Đậu, bị dính mìn của tiểu đội ông Đỗ Trang Hiển, bùng cháy, khói lửa cuồn cuộn bốc cao...
Quyết tử quân thề quyết tử giữ vững Thủ đô, tháng 12-1946.
Đầu năm 1947, sau khi đánh Xô Va - Trường Ke, Hàng Thiếc, địch mở cuộc tấn công lớn vào khu Đồng Xuân hòng tiêu diệt bằng được Trung đoàn Thủ Đô. Ngày 14-2-1947, cuộc chiến đấu bắt đầu từ mờ sáng. Địch cho máy bay oanh tạc trận địa, rải truyền đơn kêu gọi ta đầu hàng, kết hợp với pháo 75mm, cối 81 từ bên kia sông nã đạn vào Hàng Mã - Hàng Chiếu - Lò Rèn.
Phía Hàng Khoai, địch bất ngờ tập kích hai vị trí tiền tiêu của ta ở Hàng Giấy và chùa Huyền Thiên, sau đó chúng lẻn vào chợ Đồng Xuân, bị tổ của đồng chí Mùi diệt 3 tên.
Phía Hàng Giấy, xe tăng và bộ binh địch tới ngã ba Đồng Xuân - Hàng Khoai vấp phải trận địa của Trung đội trưởng Dưỡng ở góc chợ; đồng thời, Tiểu đội trưởng Phạm Luận từ gác 2 nhà số 2 Đồng Xuân lia đạn xuống đội hình địch. Chúng phải chùn bước, nhưng đồng chí Dưỡng đã hi sinh trên trận địa.
Phía bãi Lepage, Tiểu đội trưởng Trần Gia Phỏng có nhiệm vụ bảo vệ phía sau chợ và đồng chí Nguyễn Văn Bật giữ khẩu trung liên ở Trường Trung học Trung Hoa, hạ tầm bắn của trung liên, quét là là mặt đất làm chúng hoảng loạn, 2 xe tăng quay đầu cùng bộ binh tháo thân.
Sau khi lui quân, 9 giờ sáng, địch tấn công ta đợt 2 điên cuồng hơn. Xe tăng và bộ binh địch theo phố Thanh Hà đánh dữ dội vào đội hình ta ở Trường Trung học Trung Hoa. Đồng chí Nguyễn Văn Bật nhả đạn liên tục vào bọn địch mũ đỏ, diệt nhiều tên và hi sinh anh dũng.
Phía trước chợ, phát hiện khẩu trung liên tại số 2 Đồng Xuân, địch cho một trung đội bộ binh từ ngõ Hàng Khoai 3 đánh thọc sườn trung đội. Đồng chí Hiền (lùn) đã thay đồng chí Dưỡng chỉ huy anh em. Tiểu đội trưởng Phạm Luận kiên cường bám trụ tiêu diệt địch và hi sinh bên khẩu súng đã hết đạn.
Tiểu đội trưởng Phạm Luận cùng 15 cán bộ, chiến sĩ khu Đồng Xuân đã hi sinh anh dũng để bảo vệ phố phường thân yêu. Ông Phạm Thư Chương, người đồng đội đã cùng chiến đấu ở khu Đồng Xuân bùi ngùi nhắc lại kỉ niệm: “Anh Phạm Luận lớn tuổi hơn chúng tôi, nhưng rất khiêm nhường, yêu thương đồng đội. Anh ấy thường nói: “Tao có vợ, có con, lớn rồi có chết cũng không sao, chúng mày trẻ chết thì phí lắm”.
Thư của đồng chí Võ Nguyên Giáp khen ngợi Trung đoàn Thủ đô trong những ngày đầu toàn quốc kháng chiến.
Sau 69 năm nằm lại ở chùa Huyền Thiên, hài cốt liệt sĩ Phạm Luận đã được tìm thấy và đưa về an nghỉ với tổ tiên trong lòng quê hương Cự Khê (Thanh Oai, Hà Nội). “Nếu không có anh Hoàng Phương, chị Thảo, anh Trọng Hàm, anh Vũ Trọng Phụng… tôi không thể tìm được hài cốt cha tôi. Tình nghĩa đồng đội thủy chung ấy, gia đình tôi mãi mãi ghi nhớ”, ông Phạm Hòa, nguyên Giám đốc Xưởng phim Quân đội đã xúc động khi kể lại kỉ niệm về cha mình.
Ths. Phạm Kim Thanh