Bảo tàng Lịch sử quốc gia với vai trò đứng đầu hệ thống bảo tàng Việt Nam đã vinh dự được Đảng, Nhà nước và nhân dân trao trọng trách gìn giữ, phát huy hơn 200.000 hiện vật, tài liệu gồm nhiều sưu tập, hiện vật quý, nhiều bảo vật quốc gia gắn liền với tiến trình lịch sử phát triển dựng nước và giữ nước của dân tộc, với sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước, các đồng chí lão thành cách mạng, các anh hùng và nhiều tập thể xuất sắc thời kỳ cận hiện đại.
Bảo tàng Lịch sử quốc gia với vai trò đứng đầu hệ thống bảo tàng Việt Nam đã vinh dự được Đảng, Nhà nước và nhân dân trao trọng trách gìn giữ, phát huy hơn 200.000 hiện vật, tài liệu gồm nhiều sưu tập, hiện vật quý, nhiều bảo vật quốc gia gắn liền với tiến trình lịch sử phát triển dựng nước và giữ nước của dân tộc, với sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước, các đồng chí lão thành cách mạng, các anh hùng và nhiều tập thể xuất sắc thời kỳ cận hiện đại.
Trong số đó, có một sưu tập tài liệu, hiện vật quí về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Lê Duẩn - người đảng viên thuộc lớp đầu tiên của Đảng, một trong những học trò xuất sắc nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, một nhà lãnh đạo lỗi lạc, một nhà chiến lược kiệt xuất, một trí tuệ với tư duy sáng tạo lớn của cách mạng Việt Nam.
79 tuổi đời, 56 tuổi đảng, gần 60 năm hoạt động cách mạng liên tục ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam, đồng chí Lê Duẩn được Đảng, nhân dân tin cậy, giao phó nhiều trọng trách: Năm 1931, là uỷ viên Ban Tuyên huấn xứ uỷ Bắc kỳ; năm 1938, là Bí thư xứ uỷ Trung kỳ; Năm 1939, là uỷ viên Thường vụ Trung ương Đảng; Từ năm 1946 đến năm 1954, là Bí thư xứ uỷ Nam Bộ, rồi Bí thư Trung ương Cục miền Nam; Năm 1951 là uỷ viên Bộ chính trị; từ năm 1960 đến khi qua đời (tháng 7-1986) là Bí thư thứ Nhất, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Đồng chí Lê Duẩn đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, cho tự do, hạnh phúc của nhân dân, đưa đất nước tiến lên CNXH. Cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Lê Duẩn gắn liền với tiến trình cách mạng nước ta, từ những năm 20 đến những năm 80 của thế kỷ XX.
Hơn 50 năm qua, nhiều thế hệ cán bộ, viên chức Bảo tàng Cách mạng Việt Nam (nay là Bảo tàng Lịch sử quốc gia) đã dày công nghiên cứu, sưu tầm, khai thác, tập hợp và lưu giữ được số lượng tuy không nhiều (hơn 200) hiện vật, tư liệu và hình ảnh về Đồng chí Lê Duẩn nhưng lại là những tài liệu có ý nghĩa quan trọng, góp phần tái hiện một giai đoạn hào hùng, bước ngoặt của lịch sử Đảng, dân tộc cũng như cuộc đời, sự nghiệp cách mạng, những cống hiến to lớn của đồng chí Lê Duẩn.
Nhân kỷ niệm lần thứ 110 năm ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn (7/4/1907 - 7/4/2017), chúng tôi xin được giới thiệu sưu tập hiện vật, tư liệu về cuộc đời, sự nghiệp của Tổng Bí thư như sau:
- Hiện vật, kỷ vật của đồng chí Lê Duẩn
Hiện Bảo tàng Lịch sử quốc gia đang bảo quản cẩn trọng một số hiện vật gắn quá trình hoạt động của Tổng Bí thư Lê Duẩn, đặc biệt trong đó phải kể đến Bản thảo Điếu văn (Bản thảo sửa lần thứ nhất) của BCH Trung ương Đảng Lao động Việt Nam (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam) truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh, viết trong đêm 6/9/1969, xin ý kiến Bộ Chính trị sáng ngày 7/9/1969 do đồng chí Đống Ngạc - nguyên Phó Văn phòng Trung ương Đảng, nguyên thư ký của Tổng Bí thư Lê Duẩn bàn giao cho Bảo tàng Cách mạng Việt Nam vào tháng 9/2003. Theo đồng chí Đống Ngạc, một trong những người được Tổng Bí thư Lê Duẩn tin tưởng giao chấp bút bản thảo Điếu văn truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh thì đây là bản thảo được sửa lần thứ nhất, được chuẩn bị theo sự hướng dẫn, giao nhiệm vụ của Tổng Bí thư Lê Duẩn: "Về cuộc đời và sự nghiệp của Bác Hồ đã ăn sâu vào trí nhớ của mỗi người dân Việt Nam. Vì thế điếu văn vĩnh biệt Người không nên viết theo công thức. Phải làm sao thông qua điếu văn nêu bật được những tư tưởng lớn của Người để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta thấu suốt hơn nữa, lấy đó làm mục tiêu phấn đấu, quyết biến sự nghiệp của Người thành hiện thực. Các chú chú ý đến văn phong, lời lẽ phải trang trọng, sâu sắc, cô đọng; văn chương phải có hồn và đi vào lòng người”.
Bản thảo Điếu văn (Bản thảo sửa lần thứ nhất) truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh của BCH Trung ương Đảng Lao động Việt Nam (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam) trình xin ý kiến Bộ chính trị sáng ngày 7/9/1969.
Bản thảo điếu văn gồm 04 trang được đánh máy trên khổ giấy A4, nền màu vàng ngà, chữ màu đen. Góc trên có chữ “Điếu văn”, góc trên bên trái có chữ “Dự thảo của anh Lành”, cùng bút tích sửa chữa bằng bút máy của anh Lành (đồng chí Tố Hữu - Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên huấn Trung ương). Theo đồng chí Đống Ngạc thì đây là bản thảo lần thứ nhất do Văn phòng bí thư thứ nhất chấp bút trong đêm 6/9/1969, theo sự hướng dẫn của đồng chí Lê Duẩn và được Bộ Chính trị họp, góp ý, nhất trí thông qua vào sáng ngày 7/9/1969 để hoàn thiện thành bản chính thức và được Tổng Bí thư Lê Duẩn đọc trong lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 9/9/1969.
Một hiệt vật - kỷ vật đặc biệt quý thể hiện tình hữu nghị, đoàn kết, gắn bó keo sơn, bền chặt, liên minh chiến đấu Việt – Lào, đó là khẩu súng AR15, tặng phẩm của Chủ tịch Đảng Nhân dân Cách mạng Lào Khăm tày Xiphanđon tặng đồng chí Lê Duẩn khi đoàn đại biểu Đảng ta sang thăm Bộ chỉ huy tối cao quân đội giải phóng nhân dân Lào vào ngày 3/11/1973 mà Bảo tàng đã tiếp nhận từ đồng chí Nguyễn Minh Đặng, cán bộ Vụ Lễ tân, Bộ Ngoại giao ngày 19/11/1973. Về sự kiện này, báo Nhân dân số 7133-7134 có viết: “Nhận lời mời của Ủy ban Trung ương Mặt trận Lào yêu nước, đoàn Đại biểu Đảng Lao động Việt Nam và Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do đồng chí Lê Duẩn, Bí Thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng dẫn đầu, sang thăm vùng giải phóng Lào từ ngày 02 đến ngày 06 tháng 11 năm 1973.
Súng AR15, tặng phẩm của Chủ tịch Đảng Nhân dân Cách mạng Lào Khăm tày Xiphanđon tặng đồng chí Lê Duẩn khi đoàn đại biểu Đảng ta sang thăm Bộ chỉ huy tối cao quân đội giải phóng nhân dân Lào, ngày 3/11/1973.
Trong những ngày ở thăm đất nước Lào, Đoàn Đại biểu Đảng và Chính phủ ta do đồng chí Lê Duẩn dẫn đầu đã có những cuộc gặp mặt với các vị lãnh đạo mặt trận Lào yêu nước, các vị trong liên minh lực lượng trung lập yêu nước Lào, Bộ Chỉ huy tối cao, Quân đội giải phóng nhân dân Lào…
Ngày 03 tháng 11 năm 1973, đồng chí Lê Duẩn đã đến thăm Bộ Chỉ huy tối cao quân đội giải phóng nhân dân Lào. Cùng đi với đồng chí Lê Duẩn có Phó Chủ tịch Cayxonphonvihan, ông Khăm tày xi phăn đon, Ủy viên Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Lào yêu nước, đại diện Bộ Chỉ huy tối cao Quân đội Giải phóng Nhân dân Lào và các vị phụ trách các cơ quan Bộ Tổng Tham mưu, Tổng Cục Chính trị, Tổng Cục Hậu cần, Bộ Chỉ huy Quân đội giải phóng nhân dân Lào đã hết sức nồng nhiệt đón tiếp đồng chí Lê Duẩn và đoàn Việt Nam. Đồng chí Lê Duẩn đã tặng Bộ Chỉ huy tối cao quân đội giải phóng nhân dân Lào bức khắc nổi trên mảnh xác chiếc máy bay F111 A của đế quốc Mỹ bị dân quân xã Tiền Châu, huyện Yên Lãng, tỉnh Vĩnh Phú bắn rơi ngày 17 tháng 10 năm 1972. Đó là chiếc máy bay thứ 4000 của giặc Mỹ bị bắn rơi trên miền Bắc.
Thay mặt các lực lượng vũ trang nhân dân Lào, ông Khăm tày xi phăn đon trao tặng đồng chí Lê Duẩn khẩu súng AR15 của Mỹ do quân và dân Lào thu được trong chiến dịch Cù Kiệt trừng trị quân Mỹ và tay sai lấn chiếm cánh đồng Chum trong mùa khô năm 1969-1970.
Một nhóm hiện vật quý, có ý nghĩa và giá trị cao đó là những bài diễn văn, bài phát biểu của Tổng Bí thư Lê Duẩn tại các Đại hội của Đảng, đoàn thể chính trị, xã hội, như:
- Diễn văn bế mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng Cộng sản Việt Nam,ngày 31/3/1982, Bảo tàng đã được nhận bàn giao từ đồng chí Nguyễn Ngọc Tám, Phụ trách bộ phận văn thư Văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 06 tháng 10 năm 1982;
- Bài phát biểu của đồng chí Lê Duẩn, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, tháng 11/1981. Bài phát biểu gồm 13 trang đánh máy, trang đầu có đóng dấu đỏ của Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh;
Bài phát biểu của đồng chí Lê Duẩn, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, tháng 11/1981.
- Bài nói của đồng chí Lê Duẩn, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam tại Đại hội Công đoàn toàn quốc lần thứ IV, năm 1978…
- Tư liệu ảnh, sách về đồng chí Lê Duẩn
Hiện nay, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đang lưu giữ số lượng khá lớn và phong phú các tư liệu ảnh, sách về đồng chí Lê Duẩn với trên 100 ảnh và 92 đầu sách.
- Trong số hơn 100 tư liệu hình ảnh về Đồng chí Lê Duẩn có trên 50 ảnh có phim gốc và phiếu ảnh tương ứng, gắn với tiến trình thời gian trong cuộc đời và sự nghiệp của Tổng Bí thư. Đây là một trong những nhóm tư liệu ảnh quý hiếm trong sưu tập ảnh tư liệu về các nhân vật lịch sử, các sự kiện cách mạng đang lưu giữ trong kho tư liệu của Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Các bức ảnh này đều được cán bộ làm công tác tư liệu xác minh, thẩm định và bổ sung chú thích cụ thể. Trong đó có một số ảnh đặc biệt quý như: Ảnh chụp Đồng chí Lê Duẩn tại quê nhà Quảng Trị năm 1928, lúc này đồng chí đã tham gia Tân Việt Cách mạng Đảng; Đồng chí Lê Duẩn dự Hội nghị cán bộ Trung ương lần thứ 4 tại Việt Bắc, ngày 20-5-1948; Đồng chí Lê Duẩn, Bí thư Xứ ủy Nam bộ dự Hội nghị cán bộ Khu ủy khu 9 lần thứ 3, ngày 24-1-1949…
- Trong số 92 tư liệu sách và bài trích đã được Bảo tàng lựa chọn, sắp xếp, xây dựng thư mục, thì những cuốn sách khổ nhỏ có giá trị khá đặc biệt. Loại hình sách khổ nhỏ với 76 đầu sách, là các tác phẩm của đồng chí Lê Duẩn. Nội dung của các tài liệu sách này là các bài nói, bài phát biểu, bài viết của đồng chí Lê Duẩn tại các cuộc họp của Đảng và Nhà nước, các buổi giảng dạy, giao lưu … trong khoảng thời gian 30 năm (1955-1984).
Sách Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, Nxb Sự thật, năm 1958.
Phần lớn các cuốn sách này đều được chính đồng chí Lê Duẩn chỉ đạo biên tập, chỉnh sửa trước khi xuất bản. Những cuốn sách này bên cạnh giá trị thông tin về sự kiện lịch sử, do tính thời sự của chúng (tại thời điểm xuất bản) thì xét về mặt giá trị bản in, đây là các tư liệu sách có số lượng bản in hiếm, hạn chế, đa số dạng sổ tay…không được hoặc ít tái xuất bản. Ví dụ như cuốn Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng với 19 trang, được Nhà xuất bản Sự thật in, phát hành năm 1958.
- Về việc trưng bày, phát huy giá trị sưu tập
Những tư liệu, hiện vật về đồng chí Lê Duẩn kể trên tuy không nhiều so với vai trò, sự cống hiến vô cùng lớn lao của một lãnh tụ vĩ đại, kiệt xuất - Tổng Bí thư của Đảng. Bên cạnh việc sưu tầm và lưu giữ cẩn trọng những tư liệu, hiện vật trên, trong thời gian qua, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã trưng bày và phát huy giá trị rất hiệu quả. Những tư liệu, hiện vật về đồng chí Lê Duẩn có vị trí vô cùng quan trọng, không thể thay thế trong trưng bày của Bảo tàng Lịch sử quốc gia về lịch sử Đảng, lịch sử dân tộc giai đoạn cận hiện đại, đặc biệt là phần trưng bày về công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và xây dựng nước Việt Nam XHCN, với những mốc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh kiên cường, bất khuất của dân tộc trong thế kỷ XX. Đồng thời, những tư liệu hiện vật này đã và đang góp phần quan trọng, thiết thực trong việc giáo dục, nâng cao tinh thần yêu nước, truyền thống cách mạng, giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức lối sống cho nhiều thế hệ cán bộ, đảng viên, đặc biệt là học sinh, sinh viên và thế hệ trẻ.
Chủ tịch quốc hội Nguyễn Phú Trọng tham quan Trưng bày “Đồng chí Lê Duẩn - cuộc đời và sự nghiệp (1907 - 1986)” tại Bảo tàng Cách mạng VN (nay là Bảo tàng Lịch sử quốc gia), ngày 05- 04 -2007.
Những tài liệu, hiện vật này cũng là nguồn tư liệu, nội dung quan trọng cho nhiều cơ quan, tổ chức, nhà nghiên cứu khai thác, sử dụng trong các trưng bày, triển lãm, các công trình nghiên cứu, sách xuất bản về lịch sử Đảng, lịch sử dân tộc thời kỳ cận hiện đại, đặc biệt là về cuộc đời, sự nghiệp của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn.
Thay lời kết
Mặc dù đã nhận thức rõ tầm quan trọng, đã hết sức cố gắng, nỗ lực, nhưng với những tài liệu, hiện vật hiện có về đồng chí Lê Duẩn mà Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã sưu tầm và đang lưu giữ chưa thể phản ánh đầy đủ cũng như chưa tương xứng với vai trò, vị trí quan trọng, tầm vóc lớn lao của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn với sự trưởng thành, phát triển của Đảng, với sự nghiệp cách mạng và lịch sử dân tộc. Vì vậy, thời gian tới, Bảo tàng Lịch sử quốc gia rất mong nhận được sự quan tâm, giúp đỡ, phối hợp của các cơ quan hữu quan ở Trung ương, địa phương, các nhà nghiên cứu, các tổ chức và cá nhân để Bảo tàng có thêm điều kiện, cơ sở nghiên cứu, bổ sung tư liệu, làm sáng rõ hơn, sâu sắc hơn về cuộc đời, sự nghiệp, vai trò và những cống hiến to lớn cho lịch sử Đảng, lịch sử dân tộc của đồng chí Lê Duẩn, cũng như phát huy tốt nhất giá trị những di sản về Tổng Bí thư Lê Duẩn, góp phần đẩy mạnh công tác giáo dục truyền thống yêu nước và học tập tấm gương của Đồng chí cho các thế hệ người Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ để tăng thêm bản lĩnh, nghị lực thực hiện thắng lợi công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.
Ths. Nguyễn Hoài Nam
Thư ký Hội đồng khoa học BTLSQG