Tác giả: Phan Văn Dốp; Phan Quốc Anh; Nguyễn Thị Thu; Nxb: Nông nghiệp; Khổ sách: 16 cm x 24 cm; Số lượng: 449 tr.; Năm: 2014.
Di sản văn hóa phi vật thể Chăm rất phong phú, đa dạng và không kém phần phức tạp trong bối cảnh văn hóa Chăm bao gồm nhiều tiểu văn hóa thành phần, đặc biệt là các cộng đồng tôn giáo. Hơn bất cứ nơi nào khác, văn hóa Chăm được nhìn nhận là đang được kế thừa và lưu truyền nhiều yếu tố truyền thống nhất trong cộng đồng người Chăm ở Ninh Thuận và Bình Thuận so với cộng đồng người Chăm ở Bình Định – Phú Yên và ở Nam Bộ.
Cuốn sách: “Văn hóa phi vật thể người Chăm Ninh Thuận” được hoàn thành dựa trên kết quả nghiên cứu của đề tài “Điều tra văn hóa phi vật thể tộc người Chăm tỉnh Ninh Thuận” (2011-2012) và kết quả của nhiều cuộc khảo sát từ trước đó do Trung tâm nghiên cứu Văn hóa Chăm tiến hành tại tỉnh Ninh Thuận và một số địa phương khác. Đề tài khoa học này nằm trong hệ đề tài điều tra văn hóa phi vật thể của các cộng đồng dân cư ở tỉnh Ninh Thuận theo định hướng của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận. Mục tiêu là nhằm thống kê về những loại hình di sản văn hóa phi vật thể và truyền khẩu (gọi chung là di sản văn hóa phi vật thể) của người Chăm ở Ninh Thuận đang tồn tại hay đã biến mất, đánh giá mức độ tồn tại của chúng trong cư dân, phát hiện những biến đổi và nỗ lực tư liệu hóa chúng như là một trong những biện pháp bảo tồn.
Tác phẩm gồm 9 nội dung chính.
Phần I. Cơ sở lý luận và thực tiễn bảo tồn văn hóa phi vật thể của người Chăm tỉnh Ninh Thuận.
Phần II. Văn học dân gian.
Phần III.Tôn giáo – Tín ngưỡng
Phần IV. Luật tục.
Phần V. Lễ hội.
Phần VI. Nghệ thuật
Phần VII. Hoa văn truyền thống.
Phần VIII. Trò chơi dân gian.
Phần IX. Tri thức dân gian.
Thư viện Bảo tàng Lịch sử quốc gia (số 25 Tông Đản - Hoàn Kiếm - Hà Nội) xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!
Phạm Trang Nhung (Phòng Tư liệu – Thư viện)