Chủ tịch Hồ Chí Minh, một anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hoá kiệt xuất của nhân loại đã vĩnh biệt chúng ta ngót 46 năm nay. Nhưng có điều kỳ lạ là ai cũng ngỡ Người vẫn ở bên cạnh chúng ta để nhắc nhở chúng ta sửa chữa những thiếu sót, sai lầm, để động viên, khích lệ những việc làm hữu ích, những người tốt, việc tốt...Chúng ta vẫn nhớ lời dạy của Người: Độc lập dân tộc phải gắn với chủ nghĩa xã hội, tất cả vì con người, vì hạnh phúc của con người...
Có được nhận thức đó, trước hết nhờ ở việc quảng bá rộng rãi những di sản tinh thần mà Người để lại, thông qua việc gìn giữ sưu tầm, thẩm định, công bố dưới dạng các tác phẩm: Hồ Chí Minh toàn tập; Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử; Hồ Chí Minh với vấn đề xây dựng Đảng, nhà nước; Hồ Chí Minh với mặt trận đoàn kết dân tộc; Hồ Chí Minh với sự nghiệp đoàn kết giai cấp vô sản thế giới... Nhờ ở việc từng bước xã hội hoá các di sản vật thể của Người thông qua việc trưng bày giới thiệu ở Bảo tàng Cách mạng Việt Nam (nay là Bảo tàng Lịch sử quốc gia), Bảo tàng Hồ Chí Minh, các bảo tàng tỉnh, thành phố trong phạm vi cả nước. Đến nay chắc là chưa một ai có thể hiểu được một cách đầy đủ các kỷ vật, các sưu tập hiện vật lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chỉ biết rằng, cứ mỗi lần đến bảo tàng, đến với các trưng bày sưu tập của bảo tàng về chuyên đề Bác Hồ thì dù là người Việt Nam hay người nước ngoài ai ai cũng xúc động, có người còn không kiềm chế nổi tình cảm của mình cứ để cho nước mắt tự tuôn trào; thậm chí có người đã thay đổi hẳn một quan niệm tưởng như đã có đủ đầy cơ sở để lập luận.
Tác phẩm “Ngục trung nhật ký” (Nhật ký trong tù), lãnh tụ Hồ Chí Minh viết năm 1942-1943. (Ảnh chụp Bảo vật quốc gia)
Còn nhớ, vào một dịp kỷ niệm lần thứ 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, ở nhiều nước đã tổ chức kỷ niệm, tổ chức hội thảo khoa học để khẳng định những cống hiến, vừa với tư cách là anh hùng giải phóng dân tộc, vừa với tư cách là danh nhân văn hoá kiệt xuất. Tại Na Uy có một nhà văn đã tỏ ra nghi vấn và băn khoăn về Nhật ký trong tù hoàn toàn không chỉ có một tác giả là Hồ Chí Minh. Thế rồi khi được tiếp xúc trực tiếp với nguyên bản Nhật ký trong tù ở Bảo tàng Cách mạng Việt Nam (trước đây), sau 24 giờ, làm việc với phương diện kính lúp, với phương pháp so sánh văn bản, nhà văn đó hoàn toàn bất ngờ và không còn gì phải phân vân nữa, khẳng định ngay Nhật ký trong tù chỉ có một tác giả - Chính là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cũng tương tự, khi Bảo tàng Cách mạng Việt Nam (trước đây) công khai tuyên bố toàn văn sưu tập báo Việt Nam Độc Lập mà Người đã có công sáng lập, viết bài, biên tập, vẽ tranh minh hoạ, hoặc khi công bố tập Bản án chế độ thực dân Pháp ở Việt Nam (Với nguyên văn bằng chữ Pháp do chính Người thể hiện trên máy chữ của mình) thì không phải chỉ giới báo chí, giới nghiên cứu sử học vui mừng, tự hào mà ngay cả quảng đại người xem cũng hết sức cảm động. Bởi lẽ trong bộn bề công việc của những năm tháng cực kỳ gian khổ chống Pháp, Người vẫn giành thời gian viết chính luận tố cáo tội ác của thực dân Pháp, kêu gọi sự giúp đỡ, ủng hộ của lực lượng tiến bộ trên thế giới, động viên toàn dân đoàn kết thi đua sản xuất, tiết kiệm, kiên quyết kháng chiến thắng lợi ..v..v..
Ngôi nhà ở Làng Vạn Phúc, Hà Đông, Hà Tây (nay là Hà Nội) - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh viết Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến, ngày 19-12-1946. (Ảnh tư liệu)
Với ai đó, việc nhận tặng phẩm và lưu giữ tặng phẩm làm kỷ niệm được coi là việc của cá nhân, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh của chúng ta lại khác. Người đã từ chối không chỉ một lần mà tới hai lần chưa nhận các phần thưởng cao quý: Huân chương Lê Nin; Huân chương Sao Vàng. Còn khi nhận các tặng phẩm nhỏ như chiếc tẩu hút thuốc lá, bộ đồ uống trà, bộ đồ ăn, chiếc quạt, bộ quần áo kèm theo bằng danh dự tiến sĩ của Miến Điện... Người đều giao cho Văn phòng cất giữ coi đó là tài sản của dân. Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bảo tàng Cách mạng Việt Nam (trước đây) mỗi khi trưng bày các kỷ vật lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh, tặng phẩm của các tổ chức đảng ở trong nước và ngoài nước, các cơ quan đoàn thể, bà con Việt Kiều, đồng bào trong nước tặng Người ở Hà Nội hay ở các địa phương... đều thu hút được lượng khách tham quan đông nhất. Chúng tôi không thể trích dẫn hết những cảm nhận của người xem sau khi tham quan bảo tàng Hồ Chí Minh, khu di tích Phủ Chủ tịch, Bảo tàng Cách mạng Việt Nam (trước đây), chỉ xin nêu một cảm nhận của ông Dương Tùng: “Mỗi hiện vật là một báu vật sâu sắc lắm! chắc phải công phu lắm mới sưu tầm được... Mỗi hiện vật là một nhân chứng sống, một nhân chứng không thể chối cãi, đâu đó lặng lẽ mà sinh động, chứa đựng một sức sống mãnh liệt qua mọi thời gian, không gian, cả hôm nay, mai sau...”
Có nói những kết quả nghiên cứu, sưu tầm, giới thiệu di sản văn hoá vật thể, phi vật thể về Chủ tịch Hồ Chí Minh đã là những hoạt động đáng ngợi khen của các bảo tàng, nhưng sẽ khiếm khuyết nếu không nói tới việc giữ gìn các di tích lưu niệm về Người. Ngày nay, mỗi khi có người về Nghệ An, chắc ai cũng muốn về quê Bác - xã Kim Liên, huyện Nam Đàn. Ở đây tại làng Hoàng Trù, dù có được chuẩn bị trước, mọi khách hành hương đều ngạc nhiên về sự thanh tao, giản dị, khiêm nhường về nơi Người cất tiếng khóc chào đời, nơi tuổi thơ Người cắp sách tới học ở thầy giáo làng, mà sự thông minh của Người khiến các thầy giáo phải nể trọng. Hoặc khi có dịp tới Cao Bằng, Tuyên Quang, có lẽ nào lại bỏ dịp may về hang Pắc Pó - nơi Người từng ở khi trở về Tổ quốc sau 30 năm đi năm châu bốn biển tìm đường cứu nước; về Tân Trào để thăm đình Tân Trào nơi Người chủ trì Hội nghị quốc dân đồng bào chuẩn bị cho Cách mạng tháng Tám năm 1945, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, thăm lán Nà Lừa để thấy sự cùng khổ nhưng giàu nghị lực của một con người mà cả cuộc đời chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc: Đất nước được độc lập, tự do, dân ai cũng có cơm no, áo mặc, ai cũng được học hành, cho nên dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết lãnh đạo nhân dân kháng chiến thắng lợi. Tại Hà Nội, dẫu chỉ một lần thăm khu di tích Phủ Chủ tịch, mỗi chúng ta đều cảm nhận được những gì vĩ đại ở Chủ tịch Hồ Chí Minh – một trường đời, trường học mà mọi người đều có thể ngưỡng mộ, noi theo. Các di tích nói trên chỉ là con số nhỏ trong số hơn 600 di tích, địa điểm di tích mà các bảo tàng đã dày công khảo sát xác định và việc bảo tồn các di tích ấy, giới thiệu các di tích ấy cho đồng bào trong nước, cho khách quốc tế đang đặt ra cho các nhà hoạch định kế hoạch, chính sách những việc cần thiết phải làm ngay.
Đình Tân Trào, Sơn Dương, Tuyên Quang, nơi lãnh tụ Hồ Chí Minh chủ trì Quốc dân Đại hội, cử ra Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam tức Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày 16-8-1945. (Ảnh tư liệu)
Lễ kỷ niệm 115 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thành phố Vinh, Nghệ An, ngày 18-5-2005. (Ảnh tư liệu)
Kỷ niệm lần thứ 125 ngày sinh của Người, mỗi chúng ta đều muốn dâng lên Người những bông hoa người tốt, việc tốt, những kết quả lao động, học tập, nghiên cứu trong phong trào toàn dân xây dựng đời sống văn hoá, tạo nội lực thúc đẩy cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh và nguyện đi theo con đường Người đã lựa chọn cho Đảng ta, cho dân tộc ta. Các bảo tàng, các khu di tích lưu niệm về Người ngoài trách nhiệm giữ gìn thật tốt những di sản vật chất, tinh thần về Người, chắc chắn sẽ sáng tạo nhiều hình thức phục vụ công chúng, để mỗi người, ai cũng có điều kiện được tiếp cận với những di sản mà Người để lại.
PGS.TS.Phạm Mai Hùng