Thứ Tư, 15/01/2025
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

07/06/2013 00:00 360
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Cách đây 10 năm vào tháng 8/2003 trong khi lặn bắt sò tại vùng biển Hà Tĩnh, cách Cửa Nhượng hơn 50km về phía đông bắc, cách Cửa Hội 35km về phía đông ngư dân xã Cẩm Linh huyện Cẩm Xuyên và xã Thạch Kim huyện Thạch Hà đã phát hiện và trục vớt 3 khẩu súng thần công từ đáy biển sâu 28m.

Đây là 3 khẩu súng thần công trong một con tàu cổ bị đắm vùi sâu dưới biển đã được thu hồi và lưu giữ tại Bảo tàng Hà Tĩnh. Theo những ngư dân trục vớt, ngoài 3 khẩu súng thần công còn có nhiều lư hương đồng, chén uống rượu chân cao bằng đồng và những thanh kim loại lớn (có thể là thoi bạc).

Khẩu súng thần công thứ nhất (chưa bảo quản phục hồi hoa văn)

Trong thời gian tháng 9 và tháng 10/2003, thông tin về 3 khẩu thần công này đã được giới thiệu trên báo: Công an thành phố Hồ Chí Minh (16/9/2003); Lao động (26/9/2003); Tiền phong 30/9/2003);Tuổi trẻ chủ nhật (26/10/2003).

Ba khẩu súng thần công này đều có màu nâu xám, xung quanh bám nhiều hàu biển. Hình dáng và kích thước, trọng lượng của ba khẩu này đều tương đương nhau với chiều dài 243cm, đường kính nòng 23cm và đường kính đáy 45cm. Căn cứ vào minh văn khắc trên trục tai súng có 7 chữ Hán, phiên âm: Trọng nhị thiên linh bát thập cân (2080 cân). Dịch nghĩa: Nặng 1.257,360kg.

Khẩu súng thần công thứ hai (đã bảo quản phục hồi trang trí năm 2006)

Hình dáng súng tương tự như kiểu súng thần công thời Lê Trung hưng, với thân hình trụ, trên nhỏ dưới to.

Súng có cấu tạo 3 phần: Chuôi, bầu nòng và nòng. Chuôi có chóp hình cầu đúc liền với khối hình nón. Bầu nòng và nòng đúc 8 đai nổi. Viền theo 9 diềm hoa văn đúc nổi các đề tài hoa cúc dây cách điệu, lá đề, móc tròn đồng tâm, chấm tròn. Điều đáng chú ý là trên tất cả các băng hoa văn này đều phủ bạc. Giữa bầu nòng và nòng đúc hai tai hình trụ tròn để gắn vào bệ súng, phía trên hai tai gắn hai quai súng hình rồng cách điệu. Mặt lưng của bầu nòng đúc nổi hình vương miện và một khung chữ nhật có diềm là các cặp rồng đối xứng. Bên trong khắc bài minh văn.

Chi tiết hoa văn trang trí và minh văn trên súng thần công chưa được bảo quản phục hồi

Minh văn được khắc chìm và cẩn bạc ở phần chuôi, trên ô chữ nhật bầu nòng, hai tai và dưới bụng súng. Minh văn trên chuôi cả ba khẩu súng phiên âm: Minh Mạng nhị niên tuế thứ Tân Tị cát nguyệt nhật chú, mệnh danh Bảo quốc An dân Đại tướng quân tam vị chi nhất (chi nhị, chi tam). Dịch nghĩa: Ngày tháng lành năm Tân Tị là năm thứ hai niên hiệu Minh Mạng đúc súng. Mệnh danh là Bảo quốc An dân Đại tướng quân ba vị, vị thứ nhất, (vị thứ hai, vị thứ ba).

Chi tiết phần trang trí đã được bảo quản phục hồi năm 2006

- Minh văn khắc trong ô chữ nhật trên lưng bầu nòng của khẩu thần công thứ nhất, phiên âm như sau:

Minh Mạng nguyên niên

Đắc đồng vạn cân

Sắc chú quốc phúc

Dĩ thị hậu văn

Phúc chính thiền thụy

Uy tảo khâm phần

Truyền ngã tử tôn

Thần vũ nhân uyên

Tạm dịch nghĩa:

Minh Mạng năm đầu tiên

Gom đồng được vạn cân

Sai đúc khẩu thần công

Để đời sau biết rằng

Chúc mừng vua lên ngôi

Xua tan những điều xấu

Truyền lại cho con cháu

Để đất trời bình yên

- Minh văn khắc trong ô chữ nhật của lưng bầu nòng của khẩu thần công thứ hai bị mờ mất chữ.

Bản dập: Ô chữ nhật trên lưng bầu nòng khắc bài minh văn

- Minh văn khắc trong ô chữ nhật trên lưng bầu nòng của khẩu thần công thứ ba, phiên âm như sau:

Minh Mạng nguyên niên

Đắc đồng vạn cân

Sắc chú quốc phúc

Dĩ hậu vân

Uy dĩ ngự vụ

Phúc dĩ chính(mất chữ)

Văn võ tịnh dụng

Thọ khảo vô cương

Tạm dịch nghĩa:

Minh Mạng năm đầu tiên

Gom đồng được vạn cân

Sai đúc khẩu thần công

Để đời sau biết rằng

Ngăn ngừa sự khinh lờn

Lấy chính nghĩa thắng tà

Văn võ đều dụng được

Chúc mừng vua muôn năm

(Dẫn theo báo Hà Tĩnh, ngày 11/1/2004)

Bản dập: Hình vương miện gắn trên lưng bầu nòng

Theo sách Quốc triều chính biên, toát yếu, Quyển ba, cho biết nội dung ba bài minh văn này đều do vua Minh Mạng ngự chế: “Năm Tân Tị thứ 2 (1821)… Lính Thị Trung đào được mười nghìn cân đồng, dâng lên Ngài [tức vua Minh Mạng] khiến đem đúc ba cái súng lớn, đều đặt tên là Bảo quốc An dân Đại tướng quân. Ngài ngự chế bài văn khắc vào súng” (trang 60/224).

Bản dập: Băng hoa văn số 1, 2, 3 trên bầu nòng

Năm 2006 Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Tĩnh phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Việt Nam và một số nghệ nhân kim hoàn từ Huế, thành phố Hồ Chí Minh được mời tham gia bảo quản phục hồi hoa văn trang trí ở trên khẩu súng thứ hai đảm bảo yêu cầu về kỹ thuật và mỹ thuật. Chính trong quá trình làm bảo quản, cán bộ kỹ thuật đã phát hiện dòng chữ khắc dưới bụng súng. Phiên âm: Vũ khố thần Trần Đăng Long phụng chú. Dịch Nghĩa: Thần Trần Đăng Long ở vũ khố vâng lệnh đúc.

Bản dập: Hoa văn trên bầu nòng

Như vậy việc phát hiện ba khẩu súng thần công Bảo quốc An dân Đại tướng quân, đúc vào năm thứ hai của niên hiệu Minh Mạng (1821) với hoa văn cực kỳ tinh xảo là những bảo vật quý hiếm cần bảo quản giữ gìn và phát huy trong kho tàng di sản văn hóa Việt Nam.

Bản dập: Hoa văn trên nòng

Căn cứ tiêu chí bảo vật quốc gia được quy định tại khoản 21 điều 1 luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa và điều 2 Thông tư số 13/2010/TT-BVHTTDL ngày 30/12/2011- của BVHTTDL quy định trình tự thủ tục đề nghị công nhận bảo vật quốc gia, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Tĩnh đã có công văn và hồ sơ gửi Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh trình BVHTTDL xem xét đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia./.

Bản dập: Hoa văn trên nòng

TS.Nguyễn Đình Chiến-TS.Phạm Quốc Quân

Bảo tàng Lịch sử quốc gia

baotanglichsuquocgia

Chia sẻ: