Trong khoảng thời gian từ 1990 đến 2002, Việt Nam đã tổ chức khai quật khảo cổ học 5 con tàu cổ có niên đại từ thế kỷ 15 đến thế kỷ 18.
Đó là :
- Tàu cổ Hòn Cau (Bà Rịa Vũng Tàu) khai quật năm 1990-1992
- Tàu cổ Kiên Giang khai quật năm 1991
- Tàu cổ Cù Lao Chàm (Quảng Nam) khai quật 1997-1999
- Tàu cổ Cà Mau khai quật năm 1998-1999
- Tàu cổ Bình Thuận khai quật năm 2001-2002
Về 5 con tàu cổ trên, tuy chưa có một công trình giới thiệu tổng hợp đầy đủ nhưng đã có một số bài viết, ấn phẩm được công bố. Ở đây, chúng tôi tập trung giới thiệu về loại hàng hóa gốm sứ đã phát hiện trong các con tàu cổ thuộc vùng biển Việt Nam.
1. Đồ gốm sứ Việt Nam
Bức tranh xuất khẩu gốm Việt Nam đã được phác thảo nhờ những phát hiện mới trong vùng hải đảo Đông Nam Á và Đông Á. Nhưng đáng chú ý hơn là đồ gốm phát hiện từ Rang Kwian ở tỉnh Chonburi, phía Đông Nam vịnh Thái Lan, năm 1976. Người ta đã phát hiện nhiều đồ gốm hoa lam Việt Nam thuộc loại hình bát, đĩa, chén, âu vẽ xanh cobalt đề tài cánh hoa lá cúc và văn mây hình khánh tương tự trên đồ gốm phát hiện ở Dazaifu (Nhật Bản). Cùng với đồ gốm Việt Nam còn có nhiều đồ gốm men ngọc lò Long Tuyền Trung Quốc và đồ gốm Thái Lan thuộc thế kỷ 13.
Tàu cổ Turiang (Malaysia) cũng tìm thấy những đồ gốm hoa lam có loại hình và trang trí tương tự đồ gốm Việt Nam trong tàu Rang Kwian, đặc biệt là loại bát hoa lam vẽ cành hoa lá cúc, niên đại 1305-1370.
các hình ảnh đồ gốm hoa lam Việt Nam trong tàu do Allison I Diem giới thiệu, chúng tôi cho rằng niên đại giữa thế kỷ 15 là có cơ sở thuyết phục.
Nhưng bức tranh về xuất khẩu gốm càng rực rỡ hơn với việc phát hiện và khai quật tàu đắm Cù Lao Chàm tỉnh Quảng Nam (1997-2000). Đây cũng là sự kiện khảo cổ học dưới nước đặc biệt ở Việt Nam. Kết quả khai quật tàu đắm cổ Cù Lao Chàm đã được phản ánh trong báo cáo khoa học năm 2000 của TS. Phạm Quốc Quân và TS. Tống Trung Tín và thông báo của Mensun Bund. Cùng năm 2000, sau khi có quyết định của chính phủ Việt Nam, 10% hiện vật trong tàu đã được lựa chọn và phân chia cho các Bảo tàng Việt Nam, trong đó Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (nay là Bảo tàng LSQG) được nhận 4.362 hiện vật.
Ngoài ra, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (nay là Bảo tàng LSQG), Hà Nội còn được nhận sưu tập độc bản trong tàu với 779 hiện vật mà một số tiêu bản lựa chọn trưng bày ở đây.
Một số hình ảnh đồ gốm Việt Nam thu được trên tàu cổ Cù Lao Chàm
![](/DataFiles/Uploaded/image/VU%20THUY%20DUONG/Gom%20su%20trong%205%20con%20tau/1f.jpg)
Đĩa lớn, hoa lam, thế kỷ 15
![](/DataFiles/Uploaded/image/VU%20THUY%20DUONG/Gom%20su%20trong%205%20con%20tau/2f.jpg)
Đĩa, hoa lam, thế kỷ 15
![](/DataFiles/Uploaded/image/VU%20THUY%20DUONG/Gom%20su%20trong%205%20con%20tau/3f.jpg)
Kendy có nắp, hoa lam, thế kỷ 15
![](/DataFiles/Uploaded/image/VU%20THUY%20DUONG/Gom%20su%20trong%205%20con%20tau/4f.jpg)
Lọ 2 bầu, hoa lam, thế kỷ 15
![](/DataFiles/Uploaded/image/VU%20THUY%20DUONG/Gom%20su%20trong%205%20con%20tau/5f.jpg)
Bình lớn, hoa lam, thế kỷ 15
![](/DataFiles/Uploaded/image/VU%20THUY%20DUONG/Gom%20su%20trong%205%20con%20tau/6f.jpg)
Bình tỳ bà, men nâu (gốm Chăm pa), thế kỷ 15
Số lượng hiện vật trong con tàu Cù Lao Chàm với hơn 240 nghìn, không kể hàng vạn mảnh vỡ, hàng nghìn hiện vật đã bị trục vớt trước khi khai quật khảo cổ là một con số khổng lồ. Trong số hàng hóa này có cả một số gốm Chămpa, Trung Quốc và Thái Lan, được các nhà nghiên cứu thống nhất cho là đồ dùng của thủy thủ đoàn. Phần còn lại là hàng hóa gốm sứ có nguồn gốc sản xuất ở Hải Dương và Thăng Long phía Bắc Việt Nam.
Niên đại con tàu cũng được các nhà khoa học thảo luận. Ở Việt Nam, các ý kiến đều cho là khoảng giữa tới cuối thế kỷ 15 dưới thời Lê sơ. Ý kiến về niên đại này khác hẳn với Butterfiels, cho vào cuối thế kỷ 15, đầu thế kỷ 16 .
Chúng tôi cho rằng, hiện vật gốm tàu cổ Cù Lao Chàm phản ánh rõ nét sự phát triển mạnh mẽ của các loại đồ gốm xuất khẩu với kiểu dáng, loại men và hoa văn rất phong phú, đặc sắc, đóng góp tích cực vào truyền thống riêng biệt của gốm Việt Nam.
Xét về loại hình hiện vật đồ gốm, chúng ta thấy chỉ tập trung theo dòng gốm gia dụng, từ đồ đựng đến đồ dùng ăn uống, ngoại trừ một vài loại dùng cho tín ngưỡng tôn giáo như lọ kendi, lư hương. Nhiều loại hình tạo theo kiểu dáng truyền thống như âu, ang hình cầu, chén, hộp, lọ các loại nhưng cũng xuất hiện những loại hình mới độc đáo như: ấm hình rồng, phượng, thú hay quả đào, bình và ấm hình tỳ bà, tước, bình phỏng dáng mai bình, hộp hình cua cá. Trong số này cũng có những loại hình mang đậm ảnh hưởng về tạo hình của gốm sứ Nguyên Minh (Trung Quốc).
Về trang trí trên đồ gốm sứ Cù Lao Chàm gây ấn tượng nhất là dòng hoa lam, hoa lam kết hợp với vẽ nhiều màu trên men qua lần nung thứ 2 như trên đĩa, bát, kendi, lọ tỳ bà (Yuhuchun), chén quả đào, tượng người, hộp... Dòng gốm hoa lam của Việt Nam ở thế kỷ 15 đặc biệt phát triển với 2 cách thể hiện:
- Vẽ chi tiết, nét mảnh, những người sưu tầm gốm Việt Nam gọi là “pake”.
- Vẽ thoáng với nét đậm.
Tùy theo từng chủng loại gốm mà ta thấy tài khéo của người sản xuất.
Gốm hoa lam còn kết hợp với trang trí vàng kim. Thí dụ loại tỳ bà cao khoảng 101/4 inches (26cm) ngoài các đề tài hồi văn, mây và sóng nước còn có 3 lớp trang trí nổi ô hình lá đề, bên trong là chim vẹt và cành lá, kỳ lân.. Đây cũng là lần đầu tiên, gốm Việt Nam xuất hiện kỹ thuật trang trí mới lạ, đặt ra câu hỏi: Trang trí vàng kim, nguồn gốc và kỹ thuật ở Việt Nam?
Cũng trong đồ gốm Cù Lao Chàm còn thấy một số loại hình phủ men xanh cobalt sau đó vẽ vàng kim. Đáng kể là loại bát gốm men trắng mỏng, trong lòng trang trí in nổi hoa mai dây hay in nổi hình rồng mây và sóng nước. Loại bát này có xương rất mỏng, nhiều chiếc thấu quang đạt tiêu chuẩn đồ sứ. Ngoài phát hiện trong tàu Cù Lao Chàm ở Việt Nam còn được tìm thấy ở lò gốm Chu Đậu (Hải Dương), Hoàng thành Thăng Long và Lam Kinh (Thanh Hóa)...
Đồ gốm sứ trong tàu Cù Lao Chàm đã gây nhiều bất ngờ cho giới nghiên cứu gốm sứ Việt Nam cả trong và ngoài nước, và chắc chắn sẽ còn được bàn thảo, công bố nhiều hơn nữa.
2. Gốm sứ Trung Quốc
Đồ gốm sứ Trung Quốc tìm được trong các tàu Cù Lao Chàm, Hòn Cau, Bình Thuận và Cà Mau, thuộc thời Minh (1368-1644) và thời Thanh (1644-1912). Thuộc thời Minh có một số trong tàu Cù Lao Chàm, với ý nghĩa là đồ dùng của đoàn thủy thủ, khoảng nửa cuối thế kỷ 15. Tàu Bình Thuận chở hàng gốm sứ Trung Quốc, niên đại khoảng đời Vạn Lịch 1573-1620 ( ). Gốm sứ thời Thanh tập trung trong 2 con tàu Hòn Cau đời Khang Hy năm Canh Ngọ (1690) và Cà Mau, đời Ung Chính (1723-1735).
2.1. Gốm sứ thời Minh
a. Đồ gốm sứ Trung Quốc trong tàu Cù Lao Chàm
Đồ gốm men ngọc có đĩa và tước. Trong đó có 2 đĩa gốm men ngọc, đường kính 25-27,7cm và cao 5,5-6cm. Loại đĩa này có men dày màu xanh ngọc ngả vàng. Gờ miệng vuốt dày có rãnh lõm hình lòng máng, lòng in cánh hoa cúc là đặc điểm quen thuộc của gốm men ngọc thời Minh.
![](/DataFiles/Uploaded/image/VU%20THUY%20DUONG/Gom%20su%20trong%205%20con%20tau/7f.jpg)
Đĩa, gốm men ngọc, thế kỷ 15
![](/DataFiles/Uploaded/image/VU%20THUY%20DUONG/Gom%20su%20trong%205%20con%20tau/8f.jpg)
Đĩa, bát, sứ hoa lam, thế kỷ 15
Ba chiếc đĩa men ngọc màu vàng chanh, trong đó 2 chiếc kích thước giống nhau: đường kính miệng 22,2cm, cao 9,5-10cm, một chiếc nhỏ có đường kính miệng 12,2cm, cao 5,6cm. Những đĩa men ngọc này có gờ cắt khấc, lòng khắc hoa dây, thành ngoài tạo cánh cúc nổi. Trên đáy có dính dấu kê tròn. Men phủ trùm chân đế.
Tước men ngọc có miệng loe, thành cong, chân đế tạo hình đốt trúc, chân đế dính dấu kê tròn. Thành ngoài khắc cánh sen bên trong có dải xoắn.
Đây là các loại gốm men ngọc có nguồn gốc sản xuất ở phía Nam Trung Quốc.
Đồ sứ hoa lam có 3 chiếc bát, 2 chiếc đĩa và 1 chiếc ấm có nắp. Trong đó, kiểu dáng bát đều có miệng loe, sâu lòng, chân đế thấp giống nhau. 1 chiếc bát, bên ngoài phủ men lam sẫm, trong lòng vẽ bông hoa hình chữ thập (ảnh 3), 2 chiếc bát khác vẽ sóng nước, gờ trong vẽ hoa văn và bông cúc cánh xoáy (ảnh 4, 5).
Đĩa có 2 chiếc: a) chiếc lớn đường kính 33cm, cao 6cm, lòng và thành ngoài vẽ kỳ lân, mây và hoa dây lá (ảnh 6). b) chiếc nhỏ đường kính 12,4cm, cao 2,7cm thành ngoài vẽ hoa dây lòng vẽ bông hoa cúc cánh chéo tương tự như trong lòng bát .
ấm có nắp phủ men xanh lam dày cũng chỉ có 1 chiếc. ấm cao 27,5cm. Thân ấm hình bình tỳ bà có miệng đấu, cổ eo, thân dưới phình, quai cong có xuyên lỗ tròn, vòi hình đầu thú, 2 phía thân in nổi hình lá đề, dưới đế lõm phủ men trắng xám. Nắp ấm có chỏm hình búp sen .
Nhóm đồ gốm sứ Trung Quốc này có chất lượng hàng hóa không cao, các đề tài trang trí như: kỳ lân, hoa dây, hoa hình chữ thập phổ biến từ đầu thời Minh và kéo dài sang nửa đầu thế kỷ 16. Chúng tôi thấy Prof. Peter Lam có lý khi cho rằng chúng không phải là hàng gốm sứ do lò quan ở Cảnh Đức trấn tỉnh Giang Tây sản xuất. Tuy nhiên, ở đây, ý nghĩa hơn là những đồ gốm sứ này góp một niên đại tham khảo hữu ích khi phát hiện trong tàu Cù Lao Chàm.
b. Đồ gốm sứ Trung Quốc trong tàu cổ Bình Thuận
Qua phân loại, thống kế từ số lượng trên 60.000 đồ gốm khai quật được trong tàu cổ Bình Thuận, chúng tôi thấy xuất hiện các dòng men khác nhau: Đồ sứ men trắng và trắng xám, nhiều màu trên men và hoa lam, đồ gốm men nâu đen và xanh lục.
- Đồ gốm sứ men trắng và trắng xám với 5 loại hình: bát, chậu, đĩa, hũ và lọ. Trong số các kiểu dáng này thì đĩa dáng chậu là loại phổ biến, kiểu dáng tiếp thu từ thời Tống Nguyên. Có loại hũ cao 24cm, miệng đứng, có viền, cổ ngắn, vai phình, thân thuôn men trắng xám, xuất hiện ở đây và còn thấy kéo dài sang thời Thanh (trong tàu Hòn Cau).
![](/DataFiles/Uploaded/image/VU%20THUY%20DUONG/Gom%20su%20trong%205%20con%20tau/9f.jpg)
Đĩa, sứ hoa lam, thế kỷ 16-17
![](/DataFiles/Uploaded/image/VU%20THUY%20DUONG/Gom%20su%20trong%205%20con%20tau/10f.jpg)
Bát sứ hoa lam, thế kỷ 16-17
![](/DataFiles/Uploaded/image/VU%20THUY%20DUONG/Gom%20su%20trong%205%20con%20tau/11f.jpg)
Chậu, sứ vẽ nhiều màu trên men, thế kỷ 16-17
- Đồ sứ trang trí vẽ nhiều màu (xanh, đỏ) vẽ trên men qua lần nung thứ 2, có các loại âu, bát, chậu chén cao chân, đĩa. Nhiều chiếc bát loại này là cùng kiểu dáng và kích thước với bát sứ hoa lam. Loại chậu men trắng hay hoa lam đều có cùng kiểu dáng. Loại đĩa vẽ nhiều màu có đề tài phổ biến là phượng và hoa lá, 2 chim bay đối xứng cùng với hoa lá bổ ô xen kẽ mạng ô hình thoi tạo băng các vạch chéo. Dường như đây là loại văn carô - theo mẫu in trên vải ở phương Tây xuất hiện ngay trên gốm sứ Trung Quốc đầu thế kỷ 17.
Những đĩa ghép 9 phần như một bông hoa có kiểu dáng và kích thước tương tự nhau giữa loại vẽ nhiều màu trên men hay hoa lam, cũng là loại mới xuất hiện ở thời Minh. Đồ sứ hoa lam có các loại bát, chậu, chén, đĩa hộp, lọ nhưng chỉ có một chiếc chén và một hộp duy nhất mang đặc điểm của sứ Cảnh Đức trấn, còn toàn bộ số lượng đồ gốm sứ có đặc điểm về kiểu dáng, hoa văn và men cùng với “dấu hiệu” dính cát quanh chân đế là điểm xác nhận nguồn gốc sản xuất ở lò Chương Châu tỉnh Phúc Kiến.
Bát sứ hoa lam có 9 loại với 15 kiểu, trong đó tiêu biểu là mẫu bát vẽ đề tài sen vịt (liên áp) với 2 cặp vịt đang bơi trên sóng bên 2 khóm hoa lá sen. Đĩa sứ hoa lam có 13 loại với hàng chục kiểu dáng khác nhau. Nhìn chung, loại hình đĩa đều qui vào 2 dáng: miệng loe thành cong. Điểm chung nữa là xung quanh chân đế thường có “dấu hiệu” dính sạn cát và không có trường hợp nào có dấu kê trong lòng. Lọ sứ hoa lam cũng biết được 3 loại với 8 kiểu khác nhau.
Đồ gốm men nâu đen hay xanh lục gồm các loại ấm, hũ, lọ, hộp. Có rất nhiều chủng loại với men nâu đen hay xanh lục mới được biết đến và rất hiếm gặp trong các di tích trên cạn. Và điều quan trọng hơn nữa, các mẫu đồ gốm này được xem là những tiêu bản đối chiếu để nhận ra sự khác biệt với những đồ gốm có nguồn gốc ở Việt Nam. Đó là những đồ gốm được sản xuất ở cùng lò gốm Sơn Đầu (Swatow) Quảng Đông.
Đồ gốm sứ trong tàu cổ Bình Thuận được thể hiện bằng vẽ lam, vẽ nhiều màu trên men hay in nổi, chạm đắp nổi. Đề tài vẽ người chỉ gặp trên một vài loại bát đĩa sứ hoa lam. Có mẫu đĩa tròn, đường kính miệng 26,5cm vẽ hình người múa võ hay hình người cưỡi ngựa. Đề tài vẽ người phổ biến nhất là trong 2 mẫu đĩa ghép 9 phần với ông Thọ ở giữa đĩa hình bát giác và 8 vị tiên trong lòng 8 ô đĩa xung quanh là đề tài trang trí của Đạo giáo. Đề tài vẽ người còn gặp trên loại đĩa miệng hình vuông cắt góc, cạnh 8,1 x 7,9cm.
Đề tài linh thú có rồng (mẫu rồng đơn giản xuất hiện đầu thời Minh). Các loại hình khác có lân, sư tử, ngựa và hươu. Đề tài các loài lông vũ có chim phượng, công, trĩ, gà, vịt, cò, chim... Trong đó, phong phú nhất là các mẫu một hình chim phượng đậu hoặc bay, hai chim phượng chéo cổ dưới vòm cong 2 cành hoa cúc. Các loài thủy sinh có cá đàn, cá và tôm, cá với cò, cá với trăng (như thể hiện chủ đề Lý ngư vọng nguyệt). Đề tài về hoa lá lại càng phong phú với cành hoa 1 đến 3 bông, khóm hoa lá. Đề tài chữ Hán (mang ẩn nghĩa) như Phúc, Thọ, Xuân, Lộc, Chính, Ngọc... với cả Xuân sắc mãn đường, Xuân sắc mãn trì... Một số loại đĩa thành cong gãy có băng văn hình vảy cá với những đường cong liên tiếp được điểm xuyết vào những chấm đậm. Cũng loại văn này còn gặp nhiều trên lọ miệng loe, cổ ngắn, thân hình cầu dẹt, cao từ 4,5-4,6 cm.
Những mẫu đĩa và lọ này đã thấy trong các đồ tùy táng thuộc mộ Mường (Hòa Bình) ở miền Bắc Việt Nam và mộ người Mạ trên cao nguyên Lâm Đồng.
Ngoài ra, đề tài trang trí còn thấy nhiều loại hoa lá sen, mai, lan, cúc, phù dung, mẫu đơn trong loại đĩa đường kính 36-38cm. Cấu trúc trang trí phổ biến là trong ô tròn ở chính giữa lòng đĩa, vẽ chim phượng hay vịt với hoa lá, thành trong là hoa lá theo khóm hay bổ ô hình cánh hoa vẽ hoa lá... Đề tài trang trí nổi có hình thú hay bông hoa trên vai hũ. Các hộp nhỏ dùng men nâu đen hay xanh lục in khuôn có hình cóc, kỳ lân, rắn, rùa, cá và sóng nước. Đề tài hoa cúc, hoa sen in nổi trên nắp hay thành ngoài hộp. Trên nắp loại hộp hình chữ nhật (5,1x6,8cm, dày 4cm) in nổi cành mai và chim theo đề tài mai điểu rất sinh động.
Nhìn chung, những điều biết được từ hàng hóa gốm sứ trong tàu cổ Bình Thuận xác nhận sự lan toả của đồ gốm sứ thời Minh sang khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Sự giống nhau của 2 nguồn sản xuất đồ gốm sứ trong tàu cổ Bình Thuận và tàu Witte Leew năm 1613 rất đáng để chúng ta suy nghĩ. Điều đó gợi ý rằng, con tàu này có thể nằm trong số những chuyến hàng của tàu Trung Quốc không chỉ cho Đông Nam Á mà còn xuất khẩu phục vụ cho Công ty Đông Ấn (Hà Lan).
(Còn phần 2)
TS. Nguyễn Đình Chiến- PGĐ BTLSQG