Thứ Năm, 05/12/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

31/08/2023 12:28 1689
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Dịp đầu năm 2023, bảo tàng Lịch sử tự nhiên Hoa Kỳ đã được chính thức khánh thành và mở cửa cho công chúng tham quan. Dù có quy mô không lớn bởi được xây dựng lại trên nền công trình cũ nằm trong khu vực di sản phải bảo tồn, nhưng công trình đã tạo được sự ấn tượng không chỉ bởi những bộ sưu tập hiện vật trưng bày đồ sộ mà còn chính bởi vẻ ngoài kiến trúc “hiền hòa” và không gian nội thất mô phỏng cấu trúc hang động tự nhiên.

 
Phối cảnh công trình trong tổng thể cảnh quan đô thị
 
Không gian khu trung tâm hiện hữu trước khi xây dựng cải tạo công trình
Bảo tàng lịch sử tự nhiên Hoa Kỳ (American Museum of Natural History) được xây dựng trong quần thể khuôn viên khu vực Trung tâm Gilder. Với vai trò quan trọng nằm trong hệ thống bảo tàng lịch sử tự nhiên cấp quốc gia, công trình chính thức được khánh thành dịp đầu năm 2023 với tổng trị giá đầu tư xây dựng là 465 triệu đô la Mỹ trên khuôn viên rộng 230.000 mét vuông.
Thiết kế xây dựng công trình đã được công bố chính thức lần đầu vào năm 2014 sau kỳ thi tuyển phương án quốc gia. Vào thời điểm đó, Tòa thị chính thành phố đã cam kết cung cấp 15 triệu đô la cho ngân sách 325 triệu đô la xây dựng và dự kiến sẽ mở cửa vào năm 2019, nhân kỷ niệm 150 năm thành lập bảo tàng. Đây được xem là phần bổ sung quan trọng cho quần thể khu Trung tâm Gilder bên cạnh các khối nhà Trung tâm Trái đất và Không gian Hoa hồng và Cung thiên văn Hayden đã được xây dựng khánh thành năm 2000.
Mặt đứng công trình về đêm
 
 Chi tiết hoàn thiện mặt đứng công trình với các vách kính khổ lớn và đá hồng nhạt
Công trình được phát triển trên khu tòa nhà cũ do Calvert Vaux và Jacob Wrey Mould thiết kế xây dựng năm 1870. Trong nhiều năm, khi nó phát triển thành một trong những tổ chức đình đám của thành phố, công trình cũng đã xây dựng mở rộng thêm khoảng hai chục tòa nhà theo các phong cách lịch sử khác nhau. Phương án thiết kế tế của nhóm kiến trúc sư Sutdio Gang (Hoa Kỳ) đã đề xuất ý tưởng khối công trình bảo tàng bao gồm sáu tầng trên mặt đất và 1 tầng hầm. Trong đó 04 tầng nổi được trưng bày các hiện vật đồ sở để mở cửa giới thiệu cho công chúng.
Không gian sảnh đón tiếp và quầy thông tin tầng 1
Công trình kết nối liên thông quần thể khu vực Trung tâm Gilder cho phép bổ sung thêm một lối tiếp cận ở phía tây tại Đại lộ Columbus và Phố 79, trong Công viên Theodore Roosevelt. Từ hướng tiếp cận này, du khách sẽ trải nghiệm ấn tượng hình ảnh tòa bảo tàng nằm nổi bật trong khu công viên công viên cây xanh. Công trình có chiều cao tương đồng với các tòa nhà cũ nằm bên cạnh. Cùng với công trình bào tàng được xây dựng hoàn thành, các khu vực lân cận của công viên đã được nâng cấp với thiết kế cảnh quan mới, do Reed Hilderbrand phát triển với ý kiến đóng góp của cộng đồng, cung cấp nhiều lối bộ hành, không gian nghỉ ngơi thư giãn và khu vực tiếp khách ngoài trời ấn tượng nằm ngay bên cạnh bảo tàng.
Do nằm trong khuôn viên công trình lịch sử nên thiết kế hình khối công trình cũng được chọn theo phong cách đơn giản, các vật liệu tuy hiện đại nhưng vẫn phảng phất các nét truyền thống để hạn chế việc phá vỡ tổng thể kiến trúc cảnh quan hiện hữu mà vẫn có được tính nhận diện ấn tượng cho công trình.
 
Lối đi trực tiếp ra ga tầu điện ngầm công cộng tại tầng hầm của bảo tàng
 
Nội thất không gian sảnh trung tâm với giếng trời cao 4 tầng
Như một tác phẩm điêu khắc, thiết kế tổng thể hình khối công trình được sáng tạo với những đường cong uyển chuyển, nhẹ nhàng. Kiến trúc hình khối công trình cũng được nghiên cứu để cung cấp một liên kết trực quan giữa hai bên của khuôn viên. Mặt tiền được thiết kế với các hệ vách kính khổ lớn, nằm nhấp nhô mang đến một tầm nhìn mở rộng từ nội thất ra không gian cảnh quan thiên nhiên. Phần tường xây khối đế công trình cũng được hoàn thiện với diện mạo ấn tượng và chắc chắn bởi các tấm đá ốp granit hồng Milford, cùng loại đá được sử dụng ở lối vào Công viên Trung tâm phía Tây. Hoa văn đường chéo của các tấm đá gợi lên cả hiện tượng phân lớp địa chất và thiết kế của bề mặt có kết cấu phong phú, uốn lượn của khối xây.
 
Chi tiết mặt tiền với vách kính khổ lớn và đá ốp màu hồng nhạt
 
Không gian cầu thang ấn tượng bên trong nội thất
Kết quả đạt được là một công trình kiến trúc gần giống như một tác phẩm điêu khắc của Richard Serra, nhấn mạnh vào khối lượng và tính vật chất của chính nó. Bê tông phun có kết cấu như giấy nhám. Mặt tiền ốp đá Milford hồng có cùng nguồn gốc tại mỏ đá granit mà John Russell Pope đã sử dụng vào những năm 1930 để thiết kế mặt tiền Central Park West hào hoa của bảo tàng.
Bên cạnh đó, nhóm thiết kế của Gang Studio đã trang trí cột đơn của công trình giống với thân của một cây nấm ngoại cỡ, với dải đèn và các tấm tro phân nhánh dọc theo trần nhà. Những ánh sáng chuyển đổi liên tục lấp lánh qua những tán cây trong công viên vào buổi tối, khiến bảo tàng trở nên rất ấn tượng và đẹp mắt.
 
Công nghệ visual art sử dụng trong trình chiếu mang đến các trải nghiệm ấn tượng cho khách tham quan
 
Trải nghiệm tương tác thực tế ảo cho khách tham quan
Tuy nhiên, khác với diện mạo kiến trúc bên ngoài công trình, khi du khách trực tiếp bước vào không gian nội thất thì vẻ đẹp và sự ấn tượng mạnh mẽ của công trình mới được thể hiện gần như toàn vẹn. Ngay từ không gian sảnh chính, mọi du khách đã đều cảm thấy như được tham gia một cuộc thám hiểm kỳ thú với hệ thống các hiện vật đồ sộ của bộ sưu tập thám hiểm Kenneth C. Griffin. Đặc biệt, không gian nội thất của bảo tàng với giếng trời rộng lớn ở trung tâm cao năm tầng, được chiếu sáng bằng ánh sáng tự nhiên được đưa vào qua các cửa lấy sáng ở bên hông và trên mái nhà theo kích thước quy mô lớn. Các kiến trúc sư nhấn mạnh việc thiết kế ý tưởng không gian nội thất được dựa trên cách thức mà gió và nước tạo ra những cảnh quan hang động thú vị mà các nhà khoa học đã từng khám phá, cũng như các hình thức mà nước nóng ăn mòn trong các khối băng.
 
Khách tham quan chiêm ngưỡng vẻ đẹp nội thất không gian sảnh thông tầng
 
Chi tiết cấu trúc kết cấu mô phỏng cấu trúc hang động tạo nên vẻ đẹp ấn tượng bên trong bảo tàng
Cấu trúc thẳng đứng của không gian giếng trời của Griffin Atrium cũng đóng vai trò là một tính năng bền vững quan trọng, cung cấp ánh sáng tự nhiên và lưu thông không khí vào trung tâm nội thất của tòa nhà. Để thiết kế được như trên, các kiến trúc sư đã sử dụng đồng thời các chương trình máy tính để tạo ra các đường cong tham số của hẻm núi. Cùng với đó, các kiến trúc sư của Gang Studio tự mình tinh chỉnh trên bản vẽ từng nếp gấp cụ thể.
 
Không gian sảnh tầng 2 dẫn vào khu trưng bày hiện vật hóa thạch cổ đại
Cấu trúc nổi bật của không gian nội thất khu vực sảnh thông tầng chính đã được xây dựng bằng cách phun bê tông trực tiếp lên khung kết cấu cốt thép chính mà không có ván khuôn truyền thống, theo một kỹ thuật thi công mới có tên gọi "Shotcrete – tạm dịch là bê tông phun", được phát minh vào đầu những năm 1900 bởi nhà tự nhiên học và nghệ sĩ phân loại học của Bảo tàng Carl Akeley. Các chuyên gia kết cấu của công ty thiết kế Arup đã xử lý kỹ thuật kết cấu, đảm bảo toàn bộ cấu trúc có thể tự chịu lực an toàn và bền vững với rất ít hệ cột thép so với các công trình thông thường.
Các cây cầu và lỗ mở bằng bê tông phun hoàn thiện bằng tay kết nối khách tham quan về mặt vật lý và trực quan với nhiều tầng chứa các phòng trưng bày triển lãm mới do Ralph Appelbaum thiết kế. Hệ thống các hành lang và lối đi nội bộ cũng được tổ chức đồng bộ để liên kết không gian sảnh trung tâm với các phòng triển lãm chuyên đề bên trong bảo tàng, cũng như các không gian giáo dục và kho bảo quản, phòng phục chế và các phòng hành chính, phụ trợ. Hệ thống các hành lang tổ chức ngẫu hứng và hấp dẫn cũng đóng vai trò không gian đệm trong nội thất, tạo ra các tầm nhìn chào đón khuyến khích di chuyển vào và xuyên suốt tòa nhà.
 
Không gian khu vực cầu thang tầng 1
 
Chi tiết cấu trúc bề mặt vách bê tông khu vực cầu thang tầng 1
 
Chi tiết cấu trúc khu vực không gian cầu thang tầng 4
Bên trong nội thất, một cầu thang lớn, rộng ở phía đông của sảnh giếng trời trung tâm Griffin Atrium, gần kề với trục với lối vào, được thiết kế với các bậc ngồi bằng gỗ óc chó vừa là lối di chuyển mang đến cho du khách một nơi để nghỉ ngơi và trò chuyện và có thể dùng làm chỗ ngồi cho khách tham quan trực tiếp chiêm ngưỡng các chương trình biểu diễn tại khu vực sảnh trung tâm.
 
Không gian thư viện và tra cứu tài liệu học thuật bên trong bảo tàng
 
Ghế ngồi nghỉ chân dành cho du khách khu vực tầng 1
 
Ghế ngồi nghỉ chân tại khu vực sảnh thông tầng dành cho du khách
Thiết kế không gian nội thất cũng thể hiện rõ tính nhân văn khi bố trí nhiều ghế ngồi nghỉ chân dành cho du khách trên cơ sở tổ chức tập trung tại các khu vực sảnh tầng cũng như phân tán tại nhiều không gian đệm và nút giao thông như nút giao nhau của hành lang tầng, chân cầu thang. Việc bố trí các ghế ngồi được thiết kế rất khéo léo vừa đảm bảo có được những chỗ nghỉ chân tiện nghi đồng thời vẫn ăn nhập và hài hòa, không làm phá vỡ vẻ đẹp của tổng thể kiến trúc công trình.
 
Hiện vật khoáng vật kích thước lớn trưng bày tại bảo tàng
Về hiện vật trưng bày, bảo tàng cũng sở hữu nhiều phòng trưng bày chuyên đề: Địa chất khoáng sản, động vật bản địa châu Mỹ và ngoại lai, thưc vật… với nhiều mẫu vật sưu tập xếp loại A được cho là rất hiếm có.
 
Không gian trưng bày bộ sưu tập phân loại các loài bọ cánh cứng và giáp xác
Đặc biệt, đặc sắc nhất chính là du khách có thể được chiêm ngưỡng các bộ xương khủng long hóa thạch kích thước thật cũng như các bộ sưu tập mẫu vật đồ sộ của nhà khoa học Carl Akeley - cha đẻ của ngành phân loại học hiện đại.
 
Không gian trưng bày mẫu khoáng sản
 
Hiện vật xương hóa thạch voi cổ đại trưng bày bên trong bảo tàng
 
Không gian trưng bày xương hóa thạch khủng long bên trong bảo tàng
 
Phòng chiếu phim hiệu ứng 360 độ bên trong bảo tàng
Đồng thời, bảo tàng cũng là nơi trưng bày và giới thiệu cho du khách, học sinh, giới nghiên cứu đa dạng các loại tư liệu khoa học, tranh ký họa về động thực vật, địa chất khoáng sản của nhiều nơi trên nước Mỹ được thực hiện trong nhiều thế kỷ của nhiều nhà khoa học nổi tiếng./.

Nguyễn Hải Vân

Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Trung tâm nghệ thuật và văn hóa bảo tàng quốc gia Georges-Pompidou

Trung tâm nghệ thuật và văn hóa bảo tàng quốc gia Georges-Pompidou

  • 28/05/2019 10:54
  • 7341

Trung tâm nghệ thuật và văn hóa bảo tàng quốc gia Georges-Pompidou (Centre national d’art et de culture Georges-Pompidou Musee hay Centre Georges-Pompidou) là một trung tâm văn hóa và bảo tàng lớn nằm ở khu Beaubourg thuộc quận 4, Paris, Pháp. Khánh thành năm 1977, công trình này là một dự án của tổng thống Pháp - Georges Pompidou nhằm tạo ra một trung tâm bảo tàng văn hóa và nghệ thuật đương đại mới ở trung tâm Paris vốn nổi tiếng với các công trình kiến trúc và bảo tàng nghệ thuật cổ điển. Trong nhiều năm, Bảo tàng Georges Pompidou được xem là một hiện tượng, được nhiều nhà phê bình kiến trúc - nghệ thuật, sự hồi tưởng và hồi sinh “sống động” kiến trúc công nghiệp đã từng phát triển rực rỡ tại Châu Âu thời kỳ cách mạng công nghiệp bùng nổ đầu thế kỷ 20.

Bài viết khác

Bảo tàng các thời đại Oman - Oman Across Ages Museum

Bảo tàng các thời đại Oman - Oman Across Ages Museum

  • 27/07/2023 11:11
  • 1648

Nằm trong hệ thống bảo tàng cấp quốc gia, Bảo tàng các thời đại Oman - Oman Across Ages Museum nằm ở quận Wilayat of Manah ở trung tâm của Tỉnh A'Dakhiliyah và gần nhiều điểm tham quan du lịch.