Thứ Ba, 03/12/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

11/12/2018 15:14 2209
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Chương trình đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về lĩnh vực bảo tàng với chủ đề: “Nâng cao các hoạt động bảo tàng: Làm cho Bảo tàng trở nên gần gũi và hấp dẫn công chúng” do ICOM-ITC và ICOM Trung Quốc phối hợp tổ chức tại Thành phố Phúc Châu, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc từ ngày 13 đến hết ngày 22/11/2018.

Chương trình đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về lĩnh vực bảo tàng với chủ đề: “Nâng cao các hoạt động bảo tàng: Làm cho Bảo tàng trở nên gần gũi và hấp dẫn công chúng” do ICOM-ITC và ICOM Trung Quốc phối hợp tổ chức tại Thành phố Phúc Châu, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc từ ngày 13 đến hết ngày 22/11/2018.

Toàn cảnh lễ khai giảng khóa đào tạo

Tham dự khóa học bao gồm 16 học viên là cán bộ bảo tàng do ICOM-ITC lựa chọn, đến từ 14 quốc gia thuộc năm châu lục trên thế giới, chủ yếu là các nước đang phát triển như: Azerbaijan, Cămpuchia, Chi Lê, Croatia, Georgia, Haiti, Ấn Độ, Iran, Kênya, Mô rốc cô, Ba Lan, Seychells, Ukraina và Việt Nam (01 thành viên Việt Nam đến từ Bảo tàng Lịch sử Quốc gia) cùng 15 học viên do ICOM Trung Quốc lựa chọn đến từ 15 bảo tàng thuộc 9 tỉnh của Trung Quốc. 

Khóa học kéo dài 10 ngày, học viên tham gia các buổi học với những nội dung như: Thế nào là thương hiệu bảo tàng; xu hướng marketing, PR cho bảo tàng; công tác điều tra, khảo sát công chúng và chiến lược thu hút đối tượng khách tham quan mới đến bảo tàng; ý tưởng cho  trưng bày chuyên đề…. do giảng viên là các chuyên gia bảo tàng đến từ Brazil, Canada, Pháp, Tây Ban Nha và Trung Quốc giảng dạy. Trong chương trình học, giảng viên đề cập nhiều đến các phương tiện truyền thông xã hội như: facebook, instagram, twitter, riêng Trung Quốc sử dụng chủ yếu là WeChat, bởi lẽ, đây là những kênh truyền thông miễn phí đến đông đảo công chúng, đặc biệt là giới trẻ.

Học viên làm việc nhóm trong buổi học Thiết lập dữ liệu cho hiện vật

Sau lễ khai mạc, lớp học được bắt đầu bởi bài giảng của Giám đốc Bảo tàng Phúc Kiến (Trung Quốc), ông Wu Zhiyue với chủ đề: Sự phát triển Bảo tàng dẫn đầu bởi đổi mới thương hiệu, với một số ví dụ của Bảo tàng Phúc Kiến để thu hút và phục vụ công chúng như: Bảo tàng miễn phí tham quan hệ thống trưng bày thường trực, chỉ bán vé những trưng bày chuyên đề; tổ chức biểu diễn nghệ thuật truyền thống phục vụ công chúng vào những dịp lễ, tết…

Giảng viên và các học viên chụp ảnh lưu niệm trước Bảo tàng Phúc Kiến (Trung Quốc)

Bảo tàng Phúc Kiến có vị trí đẹp, thuận lợi, nằm cạnh Công viên Hồ Tây, công viên lớn nhất của Thành phố Phúc Châu, do vậy, bảo tàng đã thu hút hơn 10.000 lượt khách tham quan mỗi ngày. Mỗi buổi sáng và tối, nhiều người dân đến khuôn viên bảo tàng để tập thể dục, và bảo tàng đã có chính sách mua bảo hiểm cho những người này. Khẩu hiệu và thương hiệu của Bảo tàng Phúc Kiến là: “Di sản văn hóa luôn bên cạnh tôi”.

Các học viên tham quan Bảo tàng Phúc Kiến (Trung Quốc)

Bài học tiếp theo do giảng viên Luis Marcelo Mendes đến từ Brazil giảng dạy. Trước khi khóa học bắt đầu, ông Luis đã yêu cầu các học viên tìm bốn ví dụ về bốn bảo tàng nơi học viên sinh sống: 01 bảo tàng có sự khác biệt và hiệu ứng tốt; 01 bảo tàng khác biệt nhưng không tốt; 01 bảo tàng không có gì khác biệt nhưng tốt; 01 bảo tàng không có gì khác biệt và không có gì tốt. Trong buổi học trên lớp, các học viên thảo luận theo nhóm và đưa ra lý do, giải thích cho các bảo tàng mà họ lựa chọn… Sau buổi học, các học viên đều nhận thấy: muốn xây dựng thương hiệu tốt cho bảo tàng, tất cả đều hướng tới: Tạo sự khác biệt cho bảo tàng và phải luôn có hiệu ứng tốt.

Giảng viên Luis còn có bài giảng về điều tra công chúng trên ứng dụng công nghệ qua điện thoại thông minh (smart phone), sử dụng đường link trên phương tiện truyền thông xã hội (social media). Đây là một hình thức điều tra công chúng không mới nhưng chưa thực sự phổ biến ở Việt Nam. Với hình thức này, các cán bộ bảo tàng sẽ phải làm việc nhiều hơn, phải gặp gỡ, chuyện trò, tương tác trực tiếp với từng khách tham quan để họ có cảm giác thoải mái khi trò chuyện và chia sẻ với chúng ta những suy nghĩ thật của họ, mà họ không phải đọc, viết gì… Từ đó, cho chúng ta kết quả chân thực nhất. Trên cơ sở này, chúng ta có thể điều chỉnh, cải thiện và khắc phục những hạn chế của bảo tàng mình, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của công chúng.

Một chủ đề không kém phần hấp dẫn do giảng viên Cecilia Martin đến từ Tây Ban Nha đảm nhiệm, có tên “Talking objects” (Tiếng nói của hiện vật). Bài học này mang thông điệp: Không phải cán bộ bảo tàng nói về hiện vật, không phải công chúng nói về hiện vật mà chính hiện vật nói về hiện vật. Giảng viên yêu cầu học viên làm việc nhóm từ 5 đến 6 người, sử dụng ảnh chụp hiện vật tiêu biểu từ bảo tàng của mỗi thành viên đã yêu cầu chuẩn bị trước để xây dựng một trưng bày. Trong bài học này, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam mang đến hình ảnh Trống đồng Đông Sơn, một trong những biểu tượng của văn hóa Việt Nam.

Yêu cầu xây dựng trưng bày gồm: Tên trưng bày, sự kết nối giữa các hiện vật đến từ những quốc gia khác nhau, những nền văn hóa khác nhau nhưng chúng hòa quyện, tìm được tiếng nói chung và trở thành một trưng bày có ý nghĩa.

Những bài giảng do giảng viên Zhang Yu, đến từ nước Pháp đảm nhiệm với nội dung: Những bước xây dựng một trưng bày, chiến lược Marketing và truyền thông cho trưng bày và những nguồn thu cho bảo tàng đến từ đâu???….

Bà Zhang Yu nhấn mạnh, khi xây dựng một cuộc trưng bày, chúng ta cần trả lời được ít nhất bốn câu hỏi cơ bản: What (Cái gì)? - Bạn sẽ trưng bày cái gì; Who (Ai)? - Công chúng mục tiêu của bạn là ai? Where (Ở đâu)? - Vị trí, không gian trưng bày và How (Như thế nào)? - Trưng bày như thế nào? Tiếp sau đó là các chiến lược truyền thông cho trưng bày. Truyền thông dưới nhiều hình thức như: Băng zôn, banners giới thiệu trước bảo tàng, ngoài bảo tàng, viết bài và post hình ảnh trên website, trên đa dạng các phương tiện truyền thông xã hội như: facebook, zalo, instagram, twitter….

Các hoạt động nhằm tăng nguồn thu cho bảo tàng có thể là kêu gọi tài trợ, đầu tư, phát triển các dịch vụ trong khuôn viên bảo tàng (nếu có) như nhà hàng, café, museum shops … để phục vụ khách tham quan, cũng là hình thức để tăng nguồn thu cho bảo tàng. Hiện nay, nhiều bảo tàng trên thế giới, nhất là các bảo tàng Trung Quốc rất phát triển museum shop, chẳng hạn, như Bảo tàng Thượng Hải hiện đang quản lý 4 museum shops (01 tại bảo tàng, 02 tại sân bay Thượng Hải và 01 ở thành phố khác ngoài bảo tàng). Những sản phẩm được bán trong các museum shops ở Trung Quốc chủ yếu là các sản phẩm của bảo tàng (cultural products). Họ thường có thiết kế riêng các sản phẩm, trên cơ sở nghiên cứu các loại hình hiện vật cũng như họa tiết trang trí trên hiện vật để thiết kế đa dạng các sản phẩm  thu hút sự quan tâm và hợp túi tiền với nhiều đối tượng công chúng như: móc đeo chìa khóa, trang trí họa tiết trên bìa sổ, trên túi, ví, markbooks, stickers và thậm chí cả trên đồ trang sức…

Học viên trình bày ý tưởng về một trưng bày chuyên đề

Bài học cuối cùng do giảng viên Claude Faubert đến từ Canada giảng dạy với nội dung “Reading artifacts” (Đọc hiện vật). Đây có lẽ là một trong những buổi học mà học viên cảm thấy hứng thú và được thư giãn nhất. Bởi lẽ học viên được trực tiếp quan sát hiện vật gốc của Bảo tàng Phúc Kiến, lựa chọn hiện vật mình quan tâm, những người có cùng sở thích sẽ cùng nhau xây dựng dữ liệu cho hiện vật đó. Bên cạnh cung cấp những thông tin xác thực về hiện vật như: Tên gọi, chất liệu, niên đại, kích thước… thì nội dung gây sự quan tâm của công chúng hơn cả chính là câu chuyện và cách kể câu chuyện từ hiện vật đó.

Buổi học về nhận diện thương hiệu bảo tàng

Giới thiệu về Trống đồng Ngọc Lũ - hiện vật tiêu biểu của BTLSQG tại khóa học

Ngoài những bài giảng thú vị và hữu ích, các học viên còn được đi tham quan thực tế một số bảo tàng, di tích thuộc tỉnh Phúc Kiến. Một trong những điểm thực tế mà các học viên đặc biệt ấn tượng đó là thăm đảo Meizhou (thành phố Phủ Điền thuộc tỉnh Phúc Kiến), một trong những hòn đảo lớn và đẹp của Trung Quốc, nơi phát tích tín ngưỡng thờ thần Mazu (vị nữ thần Biển) được nhiều người dân sông nước Trung Quốc cũng như một số cư dân sông nước khác trên thế giới tôn sùng và thờ phụng. Đoàn rất may mắn được tham dự Lễ  hội Thần Mazu, một nghi lễ công phu, hoành tráng với sự tham dự của nhiều lãnh đạo cấp nhà nước, tỉnh và thành phố nơi sở tại.

Các học viên tham dự lễ hội Thần Mazu

Các học viên nhận Chứng chỉ sau khi kết thúc khóa đào tạo

Khóa học 10 ngày tuy không dài, nhưng các học viên đã có nhiều cơ hội để giao lưu, trao đổi chuyên môn với các giảng viên giàu kinh nghiệm, các đồng nghiệp đến từ các quốc gia trên thế giới, cùng những trải nghiệm thú vị qua những chuyến tham quan thực tế tại tỉnh Phúc Kiến. Chắc hẳn, sau khóa học này, mỗi học viên đã tích lũy được cho mình thêm nhiều kiến thức mới, cũng như những mối quan hệ mới, để cùng nhau tiếp tục giao lưu, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn, nghiệp vụ bảo tàng trong tương lai.

Nguyễn Thị Định (Phòng GDCC)

 

 

Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Triển lãm và Hội thảo: “Văn hóa với phát triển và quảng bá du lịch”

Triển lãm và Hội thảo: “Văn hóa với phát triển và quảng bá du lịch”

  • 04/07/2019 15:47
  • 2935

Nhân kỷ niệm Tuần lễ Du lịch Văn hóa Trung Quốc tại Việt Nam, Bộ Văn hóa và Du lịch Trung Quốc, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam tổ chức triển lãm, giới thiệu những sản phẩm văn hóa đến từ 5 bảo tàng thuộc tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), đồng thời tổ chức hội thảo về chủ đề trên tại Thư viện Quốc gia Việt Nam.

Bài viết khác

BTLSQG làm việc với đoàn Bảo tàng Nghệ thuật thủ công Seoul, Hàn Quốc

BTLSQG làm việc với đoàn Bảo tàng Nghệ thuật thủ công Seoul, Hàn Quốc

  • 29/11/2018 09:13
  • 2284

Ngày 28/11/2018, đoàn cán bộ Bảo tàng Nghệ thuật thủ công Seoul, Hàn Quốc do Bà Kim Jung-hwa, Tổng giám đốc nghệ thuật làm trưởng đoàn đã làm việc và tham quan BTLSQG.