Sáng 03/12/2023, tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia, số 1 Phạm Ngũ Lão, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Câu lạc bộ Tình Nguyện viên Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã tổ chức tọa đàm với chủ đề “Âm vang Đông Sơn”.
Tọa đàm diễn ra trong khuôn khổ Trưng bày chuyên đề “Âm vang Đông Sơn” đang diễn ra tại Bảo tàng (22/11/2023 - 4/2024) và hướng tới kỷ niệm 100 năm phát hiện, nghiên cứu Văn hóa Đông Sơn (1924 - 2024).
Tham dự tọa đàm có diễn giả GS.TS. Trịnh Sinh (Viện Khảo cổ học); PGS.TS. Phạm Minh Huyền (Viện Khảo cổ học); TS. Nguyễn Anh Thư (Trường Đại học Văn Hóa Hà Nội) cùng một số nhà nghiên cứu và hơn 70 sinh viên đến từ trường Đại học Sư Phạm, Đại học Văn Hóa Hà Nội và Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn.
Toàn cảnh Tọa đàm
Trước khi diễn ra Tọa đàm, các diễn giả và khách mời đã tham quan và tìm hiểu tại trưng bày chuyên đề “Âm vang Đông Sơn”, thông qua những hiện vật như: công cụ lao động, đồ dùng sinh hoạt, vũ khí, nhạc khí, đồ trang sức… phản ánh tinh thần lao động sản xuất, cũng như quan niệm về thế giới và nhân sinh của cư dân Việt Cổ từ hơn 2000 năm trước với những hiện vật tiêu biểu như trống đồng Sao Vàng, các mảnh khuôn đúc trống đồng tìm thấy tại Luy Lâu, Bắc Ninh.
Khách mời tham quan trưng bày chuyên đề Âm vang Đông Sơn
Tại buổi Tọa đàm, các diễn giả đã trình bày một số vấn đề về văn hóa Đông Sơn như: địa bàn phân bố; các loại hình di tích; đặc trưng di vật; nguồn gốc, niên đại, chủ nhân, đời sống và mối quan hệ văn hoá. Đặc biệt, GS.TS.Trịnh Sinh đã phân tích những nét đặc trưng riêng biệt làm nên bản sắc của văn hóa Đông Sơn qua kỹ thuật chế tạo, sử dụng đồ đồng mà đỉnh cao là trống đồng; qua phong tục tập quán của người Việt hình thành từ thời Văn hoá Đông Sơn như tục nhuộm răng và tín ngưỡng phồn thực. Những bản sắc, truyền thống văn hóa dân tộc được hình thành từ văn hoá Đông Sơn đó vẫn chảy ngầm trong văn hoá dân gian bản địa, đó là cội nguồn sức mạnh để văn hóa dân tộc vẫn đứng vững suốt một nghìn năm Bắc thuộc.
Các diễn giả trình bày tại Tọa đàm
Khách mời thảo luận tại Tọa đàm
Tại Tọa đàm, khách mời cũng được nghe PGS.TS Phạm Minh Huyền chia sẻ câu chuyện khi TS. Nishimura Masanari phát hiện ra mảnh khuôn đúc trống đồng đầu tiên tại Luy Lâu, Bắc Ninh. Đến nay, qua nhiều lần khai quật cùng chuyên gia đại học Đông Á (Nhật Bản), Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đã phát hiện thêm gần 1000 mảnh khuôn đúc trống đồng, mở ra cơ hội tìm tìm hiểu thấu đáo hơn về kỹ thuật đúc trống là cơ sở chứng minh nguồn gốc của trống đồng Đông Sơn cũng như sức sống mãnh liệt của văn hóa Đông Sơn trước những thăng trầm, biến đổi của lịch sử.
Thông qua sưu tập hiện vật tại trưng bày chuyên đề “Âm vang Đông Sơn” cùng những chia sẻ của diễn giả tại Tọa đàm, Bảo tàng Lich sử quốc mong muốn truyền tải tới công chúng, đặc biệt là các bạn trẻ hiểu thêm về ý nghĩa, vai trò và vị trí của văn hóa khảo cổ Đông Sơn trong cội nguồn văn hóa dân tộc, với đỉnh cao là kỹ thuật đúc trống đồng.
Ban Biên tập