Diễn đàn các Bảo tàng Đông Nam Á với chủ đề: “Những khó khăn, thách thức đương đại và thực tiễn đổi mới ở các bảo tàng” do Viện Bảo tàng Khám phá Quốc gia Thái Lan chủ trì (Với sự phối hợp tổ chức của các đơn vị: Bảo tàng Siam; Tổ chức UNESCO; Hội đồng Anh; Tổ chức Xã hội Siam; Viện Nghiên cứu Xã hội Siam; Bảo tàng Nhân học Thammasat…) diễn ra từ ngày 11/9 đến hết ngày 14/9 năm 2024 tại Bangkok (Thái Lan). Đại diện cho Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam, Ths. Nguyễn Thị Định - Phó trưởng Phòng Giáo dục, Công chúng đã tham dự và có báo cáo tham luận tại Diễn đàn.
Toàn cảnh Diễn đàn
Bà Sukumal Phadungsilp (Phó Giám đốc Viện Bảo tàng Khám phá Quốc gia Thái Lan) - Đại diện Ban tổ chức phát biểu chào mừng đại biểu tại Lễ khai mạc Diễn đàn
Nội dung chính của Diễn đàn diễn ra trong ngày 12 và 13/9/2024, gồm 9 tiểu đề và 32 bài tham luận đến từ các bảo tàng, trường Đại học… (Việt Nam, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Đài Loan, Philipin, Hàn Quốc, Singapore…), tổ chức UNESCO, Hội đồng Anh và một số thành viên đến từ Pháp, Đức, Mỹ... Tham dự Diễn đàn, còn có khoảng 200 khách mời đến từ các bảo tàng, các trường Đại học ở Thái Lan.
Mở đầu Diễn đàn Đại diện UNESCO tại Thái lan có bài giới thiệu với chủ đề: “Một góc nhìn của UNESCO về sự phát triển bảo tàng sau đại dịch”. Sau 3 bài phát biểu của phần khai mạc là phần trình bày của các thành viên thuộc các tiểu ban được tổ chức tại 2 phòng họp để đảm bảo thời gian.
Đại diện Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam, Ths. Nguyễn Thị Định tham gia thuyết trình nội dung ở tiểu đề 1 “CHIẾN LƯỢC QUẢN LÝ KHỦNG HOẢNG TẠI CÁC BẢO TÀNG TRONG THỜI KỲ ĐẠI DỊCH” với chủ đề “Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam trong giai đoạn khủng hoảng - Những khó khăn, thách thức và cơ hội”. Phần trình bày của Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam được nhiều thành viên tham dự Diễn đàn quan tâm, trong đó, nội dung nhận được nhiều sự quan tâm nhất là chương trình “Giờ học Lịch sử” online bởi lẽ, chương trình này không chỉ được Bảo tàng triển khai tốt trong thời kỳ đại dịch Covid-19, mà đến nay Bảo tàng vẫn triển khai đều đặn vào các buổi tối trong tuần. Đặc biệt hơn, chương trình “Giờ học lịch sử” online không chỉ được triển khai bởi các cán bộ Bảo tàng Lịch sử quốc gia VN, mà Bảo tàng còn kết nối, giúp đỡ, hướng dẫn cán bộ ở nhiều bảo tàng, di tích khác trên cả nước cùng triển khai thực hiện.
ThS.Nguyễn Thị Định (Bảo tàng Lịch sử quốc gia) thuyết trình tại Diễn đàn
Tiếp theo đó là 8 tham luận của các thành viên có nội dung thuộc tiểu đề 7-9 lần lượt trình bày.
Sau các báo cáo là phiên thảo luận.
ThS.Nguyễn Thị Định (Bảo tàng Lịch sử quốc gia) tham gia phiên thảo luận tại Diễn đàn
Sau khi kết thúc Diễn đàn, một số thành viên tham dự có buổi tham quan và trải nghiệm thực tế tại Bảo tàng Siam (Băng kok, Thái Lan).
Tham quan, trải nghiệm tại Bảo tàng Siam (Băng kok, Thái Lan)
Diễn đàn các Bảo tàng Đông Nam Á với chủ đề: “Những khó khăn, thách thức đương đại và thực tiễn đổi mới ở các bảo tàng” tập trung vào những vấn đề quan trọng mà ngày nay các bảo tàng đang gặp phải. Hiện nay, nhiều bảo tàng đang gặp những khó khăn như: tài chính, nhu cầu chuyển đổi số, sự nhạy cảm về văn hóa, sự phức tạp về pháp lý… Diễn đàn này tạo cơ hội cho các chuyên gia bảo tàng, các học giả, các nhà công nghệ và các nhà lãnh đạo cùng thảo luận về những thách thức trên, chia sẻ hiểu biết và các sáng kiến, ý tưởng, nhấn mạnh sự cần thiết của các bảo tàng để thích ứng với những thay đổi xã hội, môi trường và công nghệ. Đổi mới rất quan trọng cho sự tồn tại và phát triển trong tương lai của bảo tàng. Các bài tham luận trong Diễn đàn đã nêu bật thực tiễn đổi mới trên nhiều lĩnh vực khác nhau của các bảo tàng, bao gồm ứng dụng công nghệ mới, phát triển nền tảng tương tác kỹ thuật số và thực hiện các phương pháp tiếp cận mới trong quản lý và giáo dục. Bằng cách thúc đẩy việc giải quyết vấn đề một cách sáng tạo và sự tham gia tích cực của công chúng, diễn đàn khuyến khích các bảo tàng vượt qua các ranh giới thông thường và áp dụng các phương pháp phù hợp để giải quyết các khó khăn hiện tại một cách hiệu quả.
Thông qua các bài phát biểu và thảo luận nhóm, Diễn đàn đã giới thiệu những nghiên cứu điển hình và chiến lược thể hiện khả năng thích ứng của bảo tàng trong thời kỳ đổi mới. Diễn đàn mong muốn các bảo tàng tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn di sản đồng thời phát triển theo nhu cầu của người dân, cộng đồng và xã hội đương thời.
Diễn đàn đã diễn ra thành công tốt đẹp. Đây là chương trình được tổ chức công phu, khoa học, với nhiều nội dung ý nghĩa, thiết thực, hấp dẫn, từ đó các thành viên có cơ hội được chia sẻ và học hỏi lẫn nhau.
Các thuyết trình viên chụp ảnh lưu niệm tại Diễn đàn
Sau Diễn đàn này, mỗi thành viên chắc chắn sẽ tích lũy cho mình thêm nhiều kiến thức mới, nhiều bài học cũng như những mối quan hệ mới, từ đó cùng nhau tiếp tục giao lưu, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn về các lĩnh vực của bảo tàng, để cùng nhau hướng tới sự phát triển của bảo tàng mình trong tương lai.
Nguyễn Định