Sáng ngày 20 tháng 12 năm 2024, tại phường Thanh Khương, Thị xã Thuận Thành, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, đoàn khai quật đã tổ chức Hội nghị báo cáo sơ bộ kết quả khai quật di tích thành cổ Luy Lâu. Đây là cuộc khai quật lần thứ 8 do Bảo tàng Lịch sử Quốc gia phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh thực hiện từ tháng 10 đến tháng 12 năm 2024.
Tham
dự Hội nghị có sự hiện diện
của TS. Nguyễn Văn Đoàn - Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia; PGS.TS. Đặng Hồng Sơn - Chủ nhiệm Khoa Lịch sử, Giám đốc Bảo tàng Nhân học - Trường Đại học
Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội); TS. Nguyễn Văn Đáp - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh
Bắc Ninh; ông Nguyễn Hữu Mạo - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích và Xúc tiến du lịch tỉnh Bắc Ninh; ông Nguyễn
Văn Sáng - Phó Chủ tịch UBND phường Thanh Khương; đại diện Viện Khảo cổ học Việt Nam; đại diện lãnh đạo, quản lý, cán bộ của
Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bảo tàng tỉnh Bắc
Ninh và các ban ngành địa phương.
Toàn cảnh Hội nghị
Trước khi vào Hội nghị, các đại biểu được tham quan thực địa và nghe ông Lê Văn Chiến, chủ trì khai quật, giới thiệu hiện trường cùng các vết tích xuất lộ trong hố khai quật.
Ông Lê Văn Chiến giới thiệu các vết tích xuất lộ trong hố khai quật
Tại Hội nghị, các đại biểu được nghe ông Lê Văn Chiến trình bày sơ bộ kết quả khai quật di tích thành cổ Luy Lâu năm 2024. Theo đó, cuộc khai quật lần này được thực hiện nhằm tìm hiểu sâu hơn về sự phân bố của công xưởng luyện kim cũng như các vấn đề liên quan đến hoạt động đúc trống đồng đã phát hiện trong các đợt khai quật trước đây. Diện tích hố khai quật gần 60m2, độ sâu trung bình trên 1,4m bao gồm 5 lớp chính với các giai đoạn lịch sử từ thời Lục Triều (thế kỷ 3-6) đến đầu thời Nguyễn (thế kỷ 19).
Ông Lê Văn Chiến, đại diện Đoàn khai quật trình bày báo cáo sơ bộ kết quả khai quật
Trong hố khai quật lần này đã xuất lộ các vết tích nền đất đắp thời Lục Triều (thế kỷ 3-6), giếng đất thời Trần (thế kỷ 13-14) và đặc biệt là dấu vết của xưởng luyện kim, đúc trống đồng. Qua vết tích để lại có thể nhận thấy đây là bãi thải của xưởng luyện kim đúc trống đồng, các mảnh khuôn đúc trống đồng, mảnh nồi nấu đồng, mảnh ghi lò, xỉ đồng, xỉ sắt, chân kê, nắp lò... được vứt bỏ phân bố dày đặc thành một lớp ở phía đông bắc, lẫn trong đó là các mảnh đồ đất nung, gốm, mảnh vật liệu kiến trúc thời Lục Triều (thế kỷ 3 - 6) và có xu hướng ăn sâu vào vách phía bắc. Tại khu vực sát vách phía tây, có một vệt rải rác các mảnh khuôn đúc trống đồng nằm lẫn với vật liệu kiến trúc, và lớp chứa khuôn này có xu hướng ăn sâu vào vách phía tây. Trong lớp đất chứa khuôn phía đông bắc, giáp vách phía đông xuất lộ một đống đất màu vàng sáng, kích thước 1,5m x 2m, dày 20cm, có thể đây là đất nguyên liệu đã được pha trộn dùng để tạo khuôn và đắp lò.
Di vật thu được trong lần khai quật này gồm các loại vật liệu xây dựng, đồ gốm đất nung, sành, gốm men thuộc giai đoạn giai đoạn 10 thế kỷ đầu Công nguyên, thời Lý, Trần, Lê Trung hưng và Nguyễn và một số mảnh sứ thời Nguyên (Trung Quốc).
Một số hiện vật trưng bày tại Hội nghị
Đồ đá gồm phần lớn là đá mài. Đồ kim loại có một số đinh rèn (đinh thuyền). Đáng chú ý có một con dao gấp cán đồng, đúc nổi 2 võ sĩ phương Tây trong tư thế chiến đấu. Đặc biệt, cuộc khai quật lần này cũng tìm thấy một hiện vật nhỏ làm bằng kim loại màu vàng, tạo dáng như chiếc mũ có chóp hình cầu, vành rộng, đỉnh chóp có đục lỗ nằm lẫn trong lớp mảnh khuôn đúc. Trong hố khai quật còn tìm thấy rất nhiều cục xỉ sắt.
Các đại biểu tham quan các hiện vật mới được khai quật
Các hiện vật liên quan đến luyện kim, đúc trống đồng: theo thống kê sơ bộ, có hơn 2.300 mảnh khuôn đúc gồm cả khuôn trong và khuôn ngoài, với đầy đủ các vị trí mặt, tang, thân và chân trống. Các mảnh khuôn ngoài với hoa văn đặc trưng trên trống đồng như: vạch ngắn song song, văn bông lúa, vòng tròn đồng tâm, vòng tròn tiếp tuyến, người hóa trang lông chim, văn hình trâm hai đầu, hình chim lạc, và tia mặt trời..., bên cạnh đó là các mảnh nồi nấu đồng, mảnh nắp lò, muôi múc, mảnh ghi lò, xỉ lò, xỉ đồng, chân kê nồi nấu đồng... Đặc biệt tìm thấy một mảnh khuôn ngoài của mặt trống đồng có đầy đủ các họa tiết trang trí từ tâm trống ra vành ngoài.
Mảnh khuôn đúc mặt trống đồng
Thông qua di tích và di vật trong lần khai quật này, đoàn khai quật xác định: trong quá trình tồn tại của di tích thành cổ Luy Lâu vào giai đoạn hưng thịnh nhất - giai đoạn Lục Triều (thế kỷ 3 - 6), nơi đây đã từng có một trung tâm luyện kim, đúc trống đồng lớn nhất của Việt Nam tồn tại trong hàng trăm năm, phân bố khá rộng trong khu vực giữa thành Nội của thành cổ Luy Lâu.
PGS.TS. Đặng Hồng Sơn phát biểu tại Hội nghị
Phát biểu tại Hội nghị, PGS.TS. Đặng Hồng Sơn đánh giá, đoàn khai quật đã thu được những thành công rất lớn. Cụ thể: khẳng định được sự tồn tại của giai đoạn lịch sử thời Trần tại Luy Lâu phù hợp với những ghi chép trong Đại Việt sử ký toàn thư; mảnh khuôn đúc lớn nhất tìm được đã chứng minh rõ ràng nhất cho những nghiên cứu trước đây của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia về một trung tâm đúc đồng lớn ở Luy Lâu. Đó sẽ là những cơ sở thuyết minh quan trọng để các cơ quan, ban, ngành của tỉnh Bắc Ninh xây dựng phương án bảo tồn và phát huy giá trị di tích này.
TS. Nguyễn Văn Đoàn phát biểu tại Hội nghị
TS. Nguyễn Văn Đoàn đánh giá cao kết quả của đoàn khai quật. Ông cũng gửi lời cảm ơn các sở, ban, ngành của tỉnh Bắc Ninh và các cấp chính quyền địa phương đã hết sức tạo điều kiện để cho đoàn công tác hoàn thành nhiệm vụ. Với những kết quả nghiên cứu mới này, Ông mong muốn Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Ninh sớm đề xuất tổ chức hội thảo quốc tế đánh giá lại giá trị của di tích thành cổ Luy Lâu.
TS. Nguyễn Văn Đáp phát biểu tại Hội nghị
Thay mặt Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Ninh, TS. Nguyễn Văn Đáp bày tỏ sự trân trọng những ý kiến đóng góp của các đại biểu tại Hội nghị và chúc mừng đoàn khai quật đã đạt được những kết quả tốt đẹp. Ông đề nghị, trong thời gian tới, hai bên sẽ tiếp tục có những hợp tác nghiên cứu và khai quật để tiếp tục làm sáng tỏ hơn nữa những giá trị lịch sử văn hóa của vùng đất Dâu - Luy Lâu này.
Tin bài: Lê Chiến - Đinh Huyền
Ảnh: Chu Mạnh Quyền