Sáng ngày 31/12/2024, tại Bảo tàng thành phố Cần Thơ, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố Cần Thơ đã tổ chức Hội nghị báo cáo sơ bộ kết quả khai quật di tích Thạnh Trung.
Tham dự Hội nghị có TS. Nguyễn Văn Đoàn - Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, ông Nguyễn Minh Tuấn - Giám đốc Sở VHTTDL thành phố Cần Thơ, ông Lê Hồng Đông - Giám đốc Bảo tàng thành phố Cần Thơ, cùng đại diện UBND huyện Cờ Đỏ, UBND xã Trung Hưng, quản lý và cán bộ của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Sở VHTTDL thành phố Cần Thơ, Bảo tàng thành phố Cần Thơ và các ban, ngành địa phương.
Di tích Thạnh Trung thuộc ấp Thạnh Trung, xã Trung Hưng, huyện Cờ Đỏ, thành phố Cần Thơ. Di tích này được phát hiện từ năm 1991 và được Bảo tàng Cần Thơ khảo sát nhiều lần sau đó, ghi nhận có nhiều gạch vỡ, nhiều tảng đá lớn được gom lại thành từng cụm, có dấu tích của cọc gỗ và nhiều mảnh gốm. Trên cơ sở đó, vào tháng 10/2024, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đã phối hợp với Bảo tàng thành phố Cần Thơ tiến hành khai quật di tích Thạnh Trung.
Cảnh quan di tích Thạnh Trung
Tại Hội nghị, TS. Trương Đắc Chiến (chủ trì khai quật) đã báo cáo những kết quả sơ bộ của đợt khai quật này. Theo đó, các nhà khảo cổ đã mở 2 hố khai quật với tổng diện tích khoảng 50m2. Do mở ở hai khu vực cách xa nhau và cao độ khác nhau, nên địa tầng của hai hố cũng có nhiều khác biệt, phản ánh các hình thức cư trú khác nhau. Trong tầng văn hóa, các nhà khảo cổ đã phát hiện một số di tích như nền sét, hố đất đen, cọc gỗ nhà sàn.
TS. Trương Đắc Chiến trình bày kết quả khai quật
Xử lý di tích hố đất đen tại hố khai quật H1
Bên cạnh các di tích vừa nêu, các nhà khảo cổ còn tìm được một khối lượng hiện vật khá lớn, gồm đồ đá, đồ gốm, đồ kim loại và thủy tinh với các loại hình như rìu, con lăn, đá hình nêm, bàn mài, hạt chuỗi, bình, nồi, cà ràng, chai, gốm hình nấm, dao sắt và khuyên tai chì-thiếc (?).
Cảnh khai quật tại hố H2
Di tích cọc hố xuất lộ trong hố khai quật H2
Một số hiện vật phát hiện được tại di tích Thạnh Trung
Qua tổng thể di tích và di vật, có thể thấy Thạnh Trung là một di chỉ cư trú. Tính chất cư trú thể hiện rất rõ ở tầng văn hóa với sự có mặt của các cụm gốm, than tro, tàn tích xương động vật, nền sét đắp hay các cọc gỗ chôn đứng trên nền sét sinh thổ. Điểm đáng chú ý là hai khu vực H1 và H2 đại diện cho hai hình thức cư trú khác nhau. Ở H1 là dạng cư trú trên nền đất, và ứng phó với nước dâng bằng cách tôn nền, trong khi đó ở khu vực H2 là cư trú trên nhà sàn. Về niên đại, qua kết quả khai quật, bước đầu các nhà khảo cổ cho rằng, Thạnh Trung thuộc giai đoạn sớm của văn hóa Óc Eo, niên đại khoảng thế kỷ 1-3 AD. Thạnh Trung cũng có nét tương đồng với một số địa điểm Óc Eo sớm như Gò Tư Trâm, Gò Cây Thị, thậm chí một số điểm tiền Óc Eo như Giồng Cu, K9 hay Gò Hàng. Bên cạnh đó, ở Thạnh Trung cũng có những loại hình di tích, di vật có thể so sánh với Nhơn Thành. Điều đó gợi mở khả năng Thạnh Trung có thể là một mắt xích kết nối các di tích Óc Eo sớm ở An Giang với Nhơn Thành ở Cần Thơ.
Phát biểu tại Hội nghị, TS. Nguyễn Văn Đoàn đánh giá cao những nỗ lực và kết quả đạt được của đoàn khai quật, coi đó là cơ sở quan trọng để Bảo tàng Lịch sử Quốc gia và Sở VHTTDL thành phố Cần Thơ xây dựng một chương trình hợp tác dài hạn, không chỉ ở lĩnh vực khai quật khảo cổ mà bao gồm cả các hoạt động chuyên môn khác như: trưng bày, bảo quản và xuất bản ấn phẩm.
TS. Nguyễn Văn Đoàn phát biểu tại Hội nghị
Ông Nguyễn Minh Tuấn phát biểu tại Hội nghị
Ông Nguyễn Minh Tuấn - Giám đốc Sở VHTTDL Cần Thơ - cũng ghi nhận những kết quả đạt được của đoàn khai quật và đưa ra những nhận xét khái quát về những phát hiện mới ở Thạnh Trung với văn hóa Óc Eo ở Cần Thơ. Bên cạnh đó, ông Ngô Minh Tuấn ủng hộ việc phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về lịch sử văn hóa nói chung, về văn hóa Óc Eo nói riêng nhằm nâng cao nhận thức của người dân ở Cần Thơ về một nền văn hóa lớn của Việt Nam; nhất trí với đề xuất xây dựng chương trình hợp tác dài hạn của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia và tầm quan trọng của việc lập bản đồ quy hoạch khảo cổ học trên địa bàn thành phố Cần Thơ.
Đắc Chiến