Chuyển đổi số trong Bảo tàng không chỉ đem đến cho du khách nhiều trải nghiệm mới mẻ, ấn tượng bởi sự tương tác âm thanh, hình ảnh mà còn thu hẹp khoảng cách về địa lý, góp phần gìn giữ, phát huy, lan toả mạnh mẽ giá trị của các tư liệu, hiện vật quý của dân tộc.
Theo đó, số hóa, nâng cấp hệ thống cơ sở dữ liệu số về hiện vật một cách đồng bộ, có chiến lược; giới thiệu, quảng bá hiện vật cùng Bảo tàng trên nhiều nền tảng... đang là hướng đi của các Bảo tàng tỉnh Thanh Hoá.
Việc này không chỉ đưa hiện vật lịch sử, di sản văn hóa đến gần hơn với công chúng mà con góp phần tích cực vào quá trình bảo tồn và phát huy giá trị, mà còn trở thành sản phẩm du lịch, thu hút du khách, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội tỉnh.
Các bạn nhỏ “tham quan” 3 bảo vật quốc gia tại Bảo tàng tỉnh Thanh Hoá với kính 3D
Sở hữu hơn 30.000 hiện vật, trong đó có hơn 2.000 hiện vật được lựa chọn trưng bày, Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa được biết đến là không gian lưu trữ - “tụ hội” của nhiều hiện vật - di sản mang giá trị văn hóa, lịch sử. Bởi vậy, đây là một trong những điểm đến hấp dẫn du khách tham quan, học tập.
Từ cuối năm 2022, với việc số hóa 3 bảo vật quốc gia (kiếm ngắn núi Nưa; trống đồng Cẩm Giang; vạc đồng Cẩm Thủy) du khách khi đến tham quan đã có những trải nghiệm thú vị hơn. Cùng với việc quét mã QR để xem nội dung, nghe giới thiệu về hiện vật trưng bày, khi du khách sử dụng kính 3D có thể ngắm nhìn hiện vật ở mọi chiều kích vô cùng sống động.
Chỉ với thao tác nhấn chuột đơn giản trên máy tính hoặc nhấn chạm trên màn hình điện thoại thông minh, khách tham quan vừa như đang dạo bước, tìm hiểu những góc trưng bày, có thể ngắm nghía đa chiều các “báu vật” lịch sử, xem từng chi tiết, hoa văn trên hiện vật, vừa nghe thuyết minh kèm âm thanh phụ trợ khiến chuyến tham quan trở nên sống động và thú vị.
Em Nguyễn Hoàng Mạnh Dũng, học sinh Trường THCS Điện Biên (TP Thanh Hóa) tham quan 3D tại Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa, chia sẻ cảm xúc: “Khi đeo kính 3D vào, em có cảm giác như mình đang cầm bảo vật kiếm ngắn núi Nưa trên tay vậy. em còn có thể xem rõ từng hoa văn chạm khắc trên bảo vật, thực sự rất ấn tượng”.
Chị Lê Thùy Dung, Phó trưởng Phòng Trưng bày tuyên truyền Bảo tàng tỉnh cho biết: “Từ khi các bảo vật quốc gia được số hóa và đưa vào phục vụ được khách tham quan đánh giá cao, đặc biệt là các bạn trẻ khá yêu thích. Đây được xem là hiệu quả thiết thực của CĐS - số hóa hiện vật góp phần phát huy hiệu quả cho hoạt động bảo tàng. Hy vọng trong thời gian tới, ngoài 3 bảo vật quốc gia, sẽ có thêm nhiều hiện vật quý tại Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa được số hóa đưa vào phục vụ khách tham quan”.
Du khách tham Phòng trưng bày “Thanh Hóa thời tiền sử - sơ sử” của Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa
Ông Trịnh Đình Dương, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa cho biết, chuyển đổi số tác động lên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và hoạt động Bảo tàng cũng không nằm ngoài xu thế. Ở khía cạnh nào đó, có thể xem Chuyển đổi số như “đòn bẩy” - “lực hấp dẫn” thu hút khách tham quan.
Việc triển khai thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số của Bảo tàng tỉnh Thanh Hoá cũng gặp phải nhiều khó khăn, thách thức. như khảo sát, tập hợp, xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ số hóa; việc cải tạo, xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại để đáp ứng yêu cầu lưu trữ, quản lý, tích hợp các nội dung số hóa, chuyển đổi số; các doanh nghiệp công nghệ có nền tảng số phục vụ chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa, di sản trên địa bàn tỉnh chưa phát triển, đội ngũ nguồn nhân lực thành thạo công nghệ thông tin để đáp ứng công việc... và thách thức lớn nhất là vấn đề kinh phí thực hiện các nội dung số hóa, chuyển đổi số.
Trước thực trạng trên, ngày 13.2.2023, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh hoá phê duyệt Đề án “Đổi mới hoạt động Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030” với tổng mức kinh phí triển khai thực hiện khoảng 22,6 tỉ đồng, đây được xem là nguồn lực, động lực quan trọng giúp bảo tàng làm tốt hơn nữa nhiệm vụ lưu giữ và chuyển tải sinh động các câu chuyện của quá khứ đến với du khách trong nước và quốc tế.
Trong dó, giai đoạn 2023-2025, Bảo tàng tỉnh Thanh Hoá số hóa từ 10 đến 15% hiện vật và tư liệu đang lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Thanh Hoá. Trong 5 năm tiếp theo, số hóa hiện vật, tư liệu đạt từ 20 đến 30% tổng số lượng hiện vật đang lưu giữ tại Bảo tàng. Ứng dụng công nghệ 4.0 của 4 phòng trưng bày cố định theo tiến trình lịch sử, được sử dung hệ thống thuyết minh tự động thông minh.
Theo ông Dương, căn cứ Đề án này, trước ngày 30.8 hằng năm, Bảo tàng tỉnh Thanh Hoá là đơn vị được giao chủ trì thực hiện nhiệm vụ, chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể, kèm theo dự toán kinh phí, gửi Sở Tài chính thẩm định, trình duyệt theo quy định để tổ chức thực hiện.
NGUYỄN LINH