09/12/2024 15:57 1093
Điểm: 3.25/5 (4 đánh giá)
Điều này góp phần làm sáng tỏ bức tranh về sự đa dạng và phức tạp của các loài người trong giai đoạn giữa và cuối của thế địa chất Pleistocen, cách đây từ 300.000 đến 50.000 năm.
Mô hình hộp sọ Homo juluensis. Ảnh: The Earth
Trong nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Communications vào tháng 11/2024, các nhà khoa học tại Đại học Hawai’i (Mỹ) và Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc đã công bố phát hiện quan trọng về loài người cổ đại mới mang tên Homo juluensis, sống tại vùng Đông Bắc Trung Quốc khoảng 200.000 đến 160.000 năm trước.
Phát hiện này dựa trên các hóa thạch hộp sọ và răng được khai quật từ những năm 1970 tại Xujiayao và Xuchang, Trung Quốc. Chúng có nhiều điểm khác biệt với hóa thạch của những loài đã biết như Homo erectus, Homo neanderthalensis và Homo sapiens.
Theo nhóm nghiên cứu, loài Homo juluensis (có nghĩa là "đầu to") thường sống trong các khu rừng và săn bắt động vật để làm thức ăn, ví dụ như ngựa. Họ cũng biết chế tạo công cụ đá. Họ có thể tồn tại mối liên hệ đặc biệt với nhóm người Denisovans đã tuyệt chủng, do hóa thạch răng và hàm của hai loài có một số nét tương đồng.
Các địa điểm hominin ở Trung Á cùng với các hóa thạch được phát hiện ở đó. (Ảnh: Nghiên cứu của C. Bae và X. Wu)
Kết quả nghiên cứu góp phần làm sáng tỏ bức tranh về sự đa dạng và phức tạp của các loài người trong giai đoạn giữa vàcuối của thế địa chất Pleistocen, cách đây từ 300.000 đến 50.000 năm.
Trong thời kỳ này, châu Á là nơi giao thoa của nhiều nhóm người khác nhau. Ngoài Homo juluensis, các loài nổi tiếng khác như Homo luzonensis ở Philippines, người Hobbit (Homo floresiensis) ở Indonesia, người Rồng (Homo longi) ở Trung Quốc và Homo erectus đều cùng tồn tại và có thể giao lưu gene với nhau. Những dấu vết DNA của họ vẫn còn hiện diện trong người hiện đại (Homo sapiens) cho đến ngày nay.
Nguồn: iflscience.com
Quốc Hùng và nhóm tác giả lược dịch