Những năm đầu của thế kỷ XX, Thực dân Pháp ra sức khai thác, vơ vét tài nguyên ở vùng mỏ và bóc lột thợ thuyền phu phen. Để giảm chi phí, chủ mỏ còn tăng cường sử dụng lao động là đàn bà và trẻ vị thành niên bởi số tiền công phải trả chỉ bằng một nửa thợ mỏ là đàn ông.
Nhà truyền thống của Công ty Cổ phần Than Vàng Danh (Quảng Ninh) hiện đang lưu giữ 3 đồng tiền được thợ mỏ gọi là “tiền mìn”. Đây không phải là tiền do ngân hàng thời đó phát hành mà chỉ là loại tiền lưu hành nội bộ làm phương tiện để khống chế, trói buộc phu mỏ không bỏ việc trong những năm tháng đen tối trước Cách mạng tháng Tám 1945.
Theo giám định khoa học của Bảo tàng Quảng Ninh, 3 đồng “tiền mìn” được tìm thấy này làm từ chất liệu kẽm của hòm mìn (étiquette) và đều có điểm chung là hình dạng bát giác (8 cạnh) nhưng lại được chia ra làm 3 loại khác nhau. Loại thứ nhất hình 8 cạnh, khoảng cách giữa hai cạnh là 24mm mỗi cạnh dài khoảng 10mm, dày gần 1mm, ở giữa có lỗ tròn với đường kính 4mm. Mặt trên của đồng tiền in dòng chữ DETONATEUR (tiếng Pháp nghĩa là thuốc nổ) chạy theo hình vòng cung, ở giữa vòng cung in số 1 (mệnh giá đồng tiền có thể là 1 hào). Mặt dưới in hai chữ “D” và “T” viết tắt của từ Đông Triều tên của Công ty Than Đông Triều (thời Pháp thuộc mỏ Vàng Danh thuộc Công ty Than Đông Triều). Loại tiền này hai mặt đều có gờ mép. Loại thứ hai gần giống loại thứ nhất nhưng chỉ có dòng chữ DETONATEUR ở mặt trên, mặt sau trơn. Loại tiền này không có gờ. Loại thứ ba đơn giản hơn cả, chỉ là hình 8 cạnh không đều, bốn cạnh dài 11mm, bốn cạnh còn lại dài 8mm, giữa có lỗ vuông mỗi cạnh dài 4mm, mặt trên có hàng chữ thẳng đã bị mờ gần hết chỉ rõ chữ BICK (BICKFORD, tiếng Pháp nghĩa là dây ngòi mìn).

3 đồng “tiền mìn” hiện đang được trưng bày tại Nhà truyền thống Công ty Cổ phần Than Vàng Danh, Quảng Ninh.
Theo ông Tống Khắc Hài, người đã có nhiều hiểu biết về lịch sử, văn hóa Quảng Ninh, tiền mìn xuất hiện nhiều tại các mỏ than ở Đông Triều, Uông Bí, đặc biệt là mỏ than Vàng Danh thời kỳ thuộc Pháp. Lý do được ông Hài đưa ra là bởi các mỏ than ở khu vực Đông Triều, nhất là ở Vàng Danh khi ấy điều kiện sống rất khắc nghiệt, là vùng rừng thiêng nước độc, đời sống công nhân vô cùng cực khổ, lầm than. Vì thế chuyện công nhân bỏ trốn về quê luôn diễn ra. Và để giữ chân phu mỏ, chủ mỏ đã có “sáng kiến” tạo ra loại tiền này. Đây là loại tiền không thể dùng để trao đổi, lưu thông hàng hóa với bên ngoài được. Hơn nữa, lưu hành loại tiền này tạo ra một cơ hội làm ăn buôn bán cho người nhà những tên cai ký chủ mỏ, bởi chúng quy định chỉ có một số cửa hàng “chân trong” của chúng thì công nhân mới mua được hàng bằng “tiền mìn”. Và đương nhiên là giá cả hàng hóa đều bị ép cắt cổ. Nếu muốn đổi tiền ra tiền phổ thông, phu mỏ lại phải đổi qua cai ký và chỉ được hưởng khoảng 80% giá trị đồng tiền. Do vậy, đời sống của phu phen đã cơ cực lại càng cơ cực hơn. Có thể nói đây là thủ đoạn bóc lột công nhân dã man của chủ mỏ. Bởi vậy, trước đây thợ mỏ còn gọi loại tiền này là “tiền xiềng xích”…

Cảnh phu mỏ tại điểm khai thác than Quảng Ninh dưới thời Pháp thuộc vô cùng cực khổ (ảnh tư liệu).
Từ hiện vật” tiền mìn” còn lưu giữ được, chúng ta biết thêm rằng: chủ mỏ ở Vàng Danh vô cùng thâm độc cho chế ra loại tiền được làm từ kẽm của hòm mìn để tiêu trong mỏ, vừa bóc lột tàn bạo phu mỏ, vừa gián tiếp quản lý họ, không để họ bỏ trốn dễ dàng vì không ở đâu ngoài mỏ có thể sử dụng được loại tiền này. Chính vì thế, loại tiền này được phu mỏ gọi là tiền mìn với ý nghĩa là tiền được tiêu trong nội bộ các mỏ than. Tuy nhiên, theo quan điểm của nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Tống Khắc Hài, tiền này gọi là tiền mìn theo xuất xứ của chất liệu làm ra nó là đai của hòm mìn, sau đó được tận dụng đem tán ra rồi dập nổi.
Minh Vượng (giới thiệu)