Việt Nam nằm bên bờ Tây của Biển Đông, có vùng biển đặc quyền kinh tế rộng trên 1 triệu km2, với bờ biển dài trên 3.260km; có khoảng 3.000 hòn đảo lớn, nhỏ với tổng diện tích khoảng 1.700km2, chủ yếu nằm ở Vịnh Bắc Bộ. Vùng biển, đảo Đông Bắc là một trong các vùng biển, đảo rộng lớn của cả nước, chiếm phần lớn diện tích của Vịnh Bắc Bộ; có 4 huyện đảo: Cô Tô, Vân Đồn, Cát Hải và Bạch Long Vĩ. Đây là vùng biển, đảo có vị trí vô cùng quan trọng, bờ biển dài, địa hình quanh co, khúc khuỷu; các đảo được phân bố thành nhiều tuyến, nhiều lớp hình cánh cung từ trong bờ biển ra tới ngoài khơi; các vịnh, vũng, thông với nhau bằng các cửa biển kín gió, cho phép hình thành tuyến phòng thủ nhiều tầng, nhiều lớp, tạo nên thế bố trí chiến lược trên bờ, dưới nước, thuận lợi cho việc bảo vệ, kiểm soát, làm chủ vùng biển, đảo Đông Bắc.
Trong lịch sử, do có vị trí xung yếu trên tuyến đường hải vận Trung Quốc - Việt Nam và kéo dài sang các nước Đông Á, xuống Đông Nam Á, nên vùng biển, đảo Đông Bắc đã sớm trở thành vị trí trung tâm của con đường giao lưu kinh tế, văn hóa từ Bắc vào Nam. Sử cũ cho biết, năm 976 (Thái Bình năm thứ 7 đời Đinh Tiên Hoàng), Mùa xuân, thuyền buôn của các nước ngoài đến dâng sản vật của họ(1). Năm 1009, với vị thế là một dân tộc độc lập, tự cường, vua Lê Long Đĩnh đã “xin được đặt người coi việc tại chợ trao đổi hàng hóa (cầu thông thương) ở Ung Châu, nhưng vua Tống chỉ cho buôn bán ở chợ trao đổi hàng hóa tại Liêm Châu và trấn Như Hồng (tức Khâm Châu) thôi”(2).
Năm 1012, sau khi giành được vương quyền và cho rời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long, mùa đông, tháng 10, Lý Công Uẩn đã sai Thái Bảo Đào Thạc Phụ và Viên Ngoại lang Ngô Nhưỡng sang nước Tống để kết hảo, xin cho thuyền buôn tới Ung Châu buôn bán nhưng vua Tống Chân Tông chỉ bằng lòng theo lệ cũ, cho tới buôn bán ở Quảng Châu và trấn Như Hồng(3). Mặc dù vậy, việc giao thương giữa Đại Việt với Trung Hoa luôn luôn diễn ra sôi động với nhiều hình thức từ buôn bán nhỏ với con tôm, con hến, hạt tiêu, bút lông, gạo và vải vóc đến các cuộc trao đổi buôn bán giữa các thương nhân hay lớn hơn là các phái đoàn đi sứ để triều cống như vàng, bạc, tiền đồng, gỗ Lôi Hội (quang hương, thực hương, lôi hương), ngọc trai, ngà voi và sừng tê, lụa văn nổi…(4). Ngoài ra, các loại mặt hàng khác cũng rất được chú trọng buôn bán như muối, ngựa và đặc biệt còn dùng nô lệ làm cống phẩm(5)…
Năm 1066, đời vua Lý Thánh Tông, Lái buôn người nước Trảo Oa (Java - Indonesia) dâng ngọc châu dạ quang, trả tiền giá 1 vạn quan(6)….
Như vậy, rõ ràng sau khi giành lại được độc lập, chính quyền quân chủ Việt Nam luôn thực thi đường lối ngoại giao mềm dẻo với chính quyền phong kiến phương Bắc và cũng sớm ý thức được sức mạnh về vị thế chiến lược của vùng biển, đảo Đông Bắc của Tổ quốc. Nó không chỉ ảnh hưởng đến mối bang giao giữa hai quốc gia Đại Việt và Trung Hoa mà còn ảnh hưởng đến nhiều quốc gia trong khu vực. Và để khẳng định chủ quyền đất nước, bảo vệ hoạt động giao thương và đặc quyền kinh tế của mình, năm 1149, vua Lý Anh Tông đã cho lập trang Vân Đồn để đón thuyền buôn nước ngoài vào buôn bán hàng quý, dâng tiến sản vật địa phương(7). Từ đó, Vân Đồn chính thức trở thành một trung tâm kinh tế đối ngoại, đồng thời cũng là nơi giao lưu văn hóa chính yếu giữa Đại Việt với các nước trong khu vực Đông Á, Đông Nam Á và là nhịp cầu nối kết với các nền văn hóa lớn như Trung Hoa, Ấn Độ và Tây Nam Á.
Sang thời Trần, đặc biệt sau 3 cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên - Mông giành thắng lợi, quốc gia Đại Việt đã có những bước phát triển rực rỡ trên nhiều lĩnh vực, từ kinh tế - xã hội, đời sống văn hoá, tinh thần đến an ninh - quốc phòng. Trong thời kỳ này, Vân Đồn giữ vai trò là một thương cảng quan trọng bậc nhất vùng biển, đảo Đông Bắc. Cư dân tụ họp về đây ngày một đông đúc hơn, trong đó có cả những bộ phận cư dân ngoại kiều đến Vân Đồn buôn bán và sinh sống lâu dài. Tuy nhiên, do phải thường xuyên đối chọi với họa xâm lăng của phong kiến phương Bắc, nhà Trần đã có ý thức sâu sắc và mạnh mẽ hơn về chủ quyền vùng biển, đảo Đông Bắc. Đại Việt sử ký toàn thư cho biết, mùa đông, tháng 10 năm Thiệu Phong thứ 8 (1348), thuyền buôn nước Đồ Bồ (Chà Bồ - Java) đến hải trang Vân Đồn ngầm mua ngọc trai. Người Vân Đồn nhiều kẻ mò trộm ngọc trai bán cho họ. Chuyện này bị phát giác, đều bị tội cả(8). Sách này còn cho biết thêm, năm Thiệu Phong thứ 9 (1349) đời Trần Dụ Tông, thấy thuyền buôn các nước phần nhiều đậu ở Vân Đồn, bèn đặt quan trấn, quan lộ và sát hải sứ ở trấn Vân Đồn, lại đặt quân Bình Hải để trấn giữ. Trước đây, thời nhà Lý, thuyền buôn tới thì vào từ các cửa biển Tha, Viên ở châu Diễn. Đến nay, đường biển đổi dời, cửa biển nông cạn, thuyền buôn phần nhiều tụ tập ở Vân Đồn, cho nên có lệnh này(9)…
Mặc dù, đã hiểu rõ được những thách thức và mối hiểm nguy của chiến tranh, phải đề ra những chính sách cứng rắn nhằm đảm bảo an toàn cho lãnh hải nước nhà, song nhà Trần vẫn chú trọng phát triển các hoạt động kinh tế ngoại thương trên vùng biển Vân Đồn. Chính vì vậy, những hoạt động buôn bán và trao đổi hàng hóa diễn ra trong thời Trần đã được chính sử ghi chép nhiều nhất: Năm 1305, thời vua Trần Anh Tông, tháng 3, nước La Hồi sai người dâng vải liễn la và các thứ khác; Năm 1349, thời vua Trần Anh Tông, mùa xuân, tháng 3, thuyền buôn phương Bắc sang cống bát Diêu Biến; Cũng trong năm đó, mùa hạ, tháng 5, nước Đại Oa sang cống sản vật địa phương và chim vẹt đỏ biết nói; Năm 1360, mùa đông, tháng 10, thuyền buôn các nước Lộ Hạc, Trà Nha, Xiêm La đến Vân Đồn buôn bán, dâng các vật lạ(10).v.v…
Song song với những chính sách phát triển kinh tế và đảm bảo an ninh, quốc phòng nơi địa đầu Tổ quốc, nhà Trần cũng chủ trương hoằng dương Phật pháp đến khu vực đầy nhộn nhịp và phức tạp này.
Với sự nỗ lực của nhiều thế hệ các nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế trong nhiều thập kỷ qua, ngoài các vụng đỗ tàu thuyền, các bãi gốm sứ đã được xác định, các nhà khảo cổ còn phát hiện dấu tích của nhiều công trình kiến trúc chùa, tháp được xây dựng vào thời Trần phân bố dày đặc trên đảo Cống Tây (xã Thắng Lợi, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh), nơi được xem là trung tâm của Thương cảng Vân Đồn thời Lý - Trần.
Trong số các di tích chùa, tháp được phát hiện, di tích chùa Lấm và Bảo Tháp đã được tiến hành nghiên cứu, khai quật, làm rõ quy mô, mặt bằng kiến trúc và niên đại xây dựng của công trình; các di tích chùa Cát, chùa Trong, chùa vụng Cây Quéo bước đầu đã có những ghi nhận về vị trí, quy mô và những dấu tích hiện tồn.
Di tích chùa Lấm nằm ở đầu phía tây nam đảo Cống Tây, được nhân dân phát hiện vào năm 1967 trong quá trình phát rừng trồng cây và gọi đó là khu vực chùa Lấm. Năm 1971, trong chương trình nghiên cứu Thương cảng Vân Đồn, Viện Khảo cổ học đã tiến hành khai quật. Kết quả làm xuất lộ toàn bộ dấu vết nền móng kiến trúc với nhiều đơn nguyên khác nhau, phản ánh rõ quy mô to lớn của ngôi chùa(11). Chùa được xây dựng trên địa thế thiên nhiên đẹp, ba mặt có núi cao bao bọc, tạo thành thế tay ngai. Các công trình kiến trúc được phân bố trên hai mặt bằng có độ cao chênh nhau gần 4m.
- Mặt bằng phía trên là bãi đất phẳng, được xẻ thêm vào lòng núi để mở rộng không gian. Toàn bộ cụm kiến trúc chính phân bố trên trục dọc theo hướng Bắc - Nam, mặt quay về hướng Nam. Trước mặt là khoảng sân rộng hình chữ T, xung quanh bó móng đá, xếp phẳng, dài 37m, rộng 27m. Góc đông nam của sân có dấu vết nền móng nhà bia. Hai bên nách, ở góc đông bắc và tây bắc là hai ngọn tháp bằng đất nung. Tháp có nền rộng 3,6m x 3,6m, móng bó đá, nhiều mảnh trang trí tháp có hình rồng, hoa sen bằng đất nung được tìm thấy tại hai vị trí này.
Phía sau khoảng sân là chùa Hộ. Chùa có hiên trước rộng 2,8m, mặt bằng gần giống hình chữ T ngược, dài toàn bộ 31m, chia làm 3 phần: phần trung tâm mở rộng về phía trước, dài 17,4m, rộng 8m; hai bên thụt vào, dài 6,8m, rộng 6,5m. Chùa Hộ mở ba cửa, cửa giữa rộng 1,2m, bậc cấp lên xuống có tay vịn bằng đá, trang trí rồng; hai cửa phụ hai bên rộng 2m, bậc cấp có tay vịn bằng đá trang trí sóc dài đuôi.
Tiếp sau chùa Hộ là chùa Phật. Đây được xem là nếp chùa chính trong ba nếp chùa. Nền chùa đắp cao hơn chùa Hộ và Thượng điện, bó móng kè đá hai lớp, giật cấp, lớp trong cao hơn lớp ngoài 0,3m, cách nhau 0,5m. Nền chùa có mặt bằng gần vuông, dài 12,5m, rộng 11m. Mặt nền còn dấu vết các tảng đá kê chân cột, đá kê chân cột là loại đá tự nhiên, bề mặt phẳng, kích thước không đều nhau. Qua đó xác định chùa Phật có kết cấu gồm 3 gian, vì kèo 4 hàng cột. Chùa mở một cửa hướng Nam, thẳng trục với cửa chính chùa Hộ. Lòng cửa rộng 1,2m, dưới có bậc cấp, hai bên có tay vịn bằng đá, chạm khắc hình rồng. Chính giữa nền chùa, ở phía sau, có một bệ sen bằng đá màu xám trắng, gồm 3 phiến đá ghép với nhau bằng lỗ mộng hình đuôi cá. Bệ hình hộp chữ nhật, mặt trước chạm nổi ba tầng cánh sen. Đây là bệ đặt tượng Phật thờ ở chính giữa ngôi chùa.
Nếp chùa cuối cùng là Thượng điện, nằm cách chùa Phật 2,4m, tựa lưng vào vách núi phía bắc. Nền kiến trúc có mặt bằng hình chữ nhật, dài 29,6m, rộng hơn 11m, ba mặt được bó móng bằng đá núi, riêng mặt móng hậu ở sát chân núi không có bó móng do đã tận dụng chân núi. Trong lòng nền, cách móng tiền 3m, có một đường móng băng để gia cố nền, chống trôi trượt do địa thế núi dốc. Thượng điện không mở cửa giữa mà mở hai cửa ở hai bên, sát đầu hồi nhà ở phía trước. Cả hai cửa đều có bốn bậc cấp, lát đá dẫn lên, mỗi bệ bậc dài 4m, rộng 1,6m. Trên mặt nền kiến trúc phát hiện nhiều mảnh ngói mũi hài, bản rộng khoảng trên 20cm, trong đó có hai mẩu ngói tráng men xanh ngọc bích.
- Mặt bằng phía dưới là khu đất tự nhiên. Kiến trúc phân bố ở mặt bằng này gồm hai dãy nhà Tổ (mỗi tòa dài 25,5m, rộng 6,4m), Tam quan, giếng nước và đường dẫn lên chùa. Tất cả các nền kiến trúc đều được kè bó móng bằng đá mà không đào móng. Bó móng rộng trung bình 60cm, nền nhà cao hơn mặt đất bằng phẳng khoảng 50cm.
Di tích Bảo Tháp nằm ở khu vực phía tây bắc của đảo Cống Tây, được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1971 trong chuyến khảo sát và khai quật chùa Lấm của Viện Khảo Cổ học (tên gọi Bảo Tháp cũng được các nhà khảo cổ học đặt tên từ thời điểm đó)(12). Tuy nhiên, mãi đến năm 2009, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam mới phối hợp với Ban Quản lý các khu di tích trọng điểm Quảng Ninh tiến hành khai quật(13). Năm 2010, hai cơ quan tiếp tục tiến hành mở rộng phạm vi khai quật, làm rõ toàn bộ mặt bằng và diễn biến niên đại của di tích(14).
Kết quả khai quật xác định, di tích được xây dựng trên khu đất ở lưng chừng núi, với độ cao khoảng 60m (so với mực nước biển), dài trên 70m, rộng hơn 30m. Địa thế của khu đất tạo thành thế tay ngai, lưng dựa vào núi, mặt hướng ra vụng biển (phía tây bắc), hai bên là hai cánh núi cũng hướng ra biển, xa hơn là một dãy núi kéo dài từ đảo Cống Đông chạy về phía tây, được xem như là bình phong của di tích. Kết quả khai quật đã xác định toàn bộ không gian di tích được bố cục ở ba khu vực, trong đó kiến trúc Bảo Tháp, xây dựng vào thời Trần (cuối thế kỷ XIII đầu XIV), nằm ở khu vực trung tâm; Kiến trúc chùa Phật, xây dựng vào thời Mạc - Lê Trung hưng (thế kỷ XVI - XVII) nằm ở khu vực phía tây nam; Khu vực phía đông bắc là nơi tọa lạc của kiến trúc nhà Tổ và các công trình phụ khác, cũng được xây mới vào giai đoạn thế kỷ XVI - XVII. Cả ba khu vực được cải tạo, san bạt, kè nền tạo mặt bằng với bố cục hình vòng cung, tạo thành một quần thể kiến trúc chặt chẽ và hài hòa.
- Kiến trúc Bảo Tháp nằm trên ba cấp nền, xung quanh kè đá trầm tích, mặt ngoài xếp phẳng. Cấp nền trên cùng dài 20m, rộng 10m; cấp nền thứ 2 dài 20m, rộng 18,5m; cấp nền dưới cùng (cấp 3) dài 20m, rộng 6,4m. Chính giữa các cấp nền đều có bậc cấp lên xuống, rộng 2,0m, riêng bậc cấp đi từ vụng biển lên cấp nền 3 rộng 5,44m, các cấp bậc đều được xếp bằng đá núi tự nhiên. Móng kiến trúc Bảo Tháp có mặt bằng hình vuông, cấu tạo gồm hai phần: chân móng và đế.
Chân móng có chiều rộng mỗi cạnh 8,0m, cao hơn mặt nền sân (cấp nền 2) 0,95m, xung quanh được bó bằng đá vôi bị phong hóa với nhiều hình thù khác nhau, khi ghép thành bó móng chân tháp tạo cảm giác như những đợt sóng nước (thủy ba). Đá xếp thẳng, riêng mặt trước và hai tai ở góc đông bắc và tây bắc được xếp thêm phần chân thoải dạng chân đê, rộng 0,4m. Chính giữa có bậc cấp lên xuống, rộng 2,0m. Nền chân móng tháp được gia cố bằng đất lateritte màu xám vàng lẫn với đá dăm, đầm chặt, tạo thành khối gia cố chắc chắn.
Đế tháp nằm ở chính giữa chân móng, nhưng hơi thụt về phía sau (đông nam), được xếp bằng đá núi, đá xếp trực tiếp ngay trên mặt nền chân móng tháp. Đế tháp có mặt bằng vuông, mỗi cạnh rộng 4,0m, bốn mặt có dấu vết cửa rộng 0,9m, cho thấy tầng dưới của Bảo Tháp có khám thờ, mở 4 cửa.
Ở hai bên phía đông bắc và tây nam của chân móng Bảo Tháp còn có dấu tích nền móng của hai kiến trúc nhỏ. Hai cấp nền này rộng 4,6m, dài 3,6m, thấp hơn mặt nền chân móng tháp 0,4m và đấu trực tiếp vào chân móng tháp nhưng giật về sau 2,6m. Trong lòng nền còn dấu tích của các chân tảng đá kê cột được làm bằng đá vôi màu xám xanh, bề mặt nhẵn, phía trước có dấu tích nền mái hiên rộng 1,0m và bậc cấp cao 0,3m, rộng 0,5m dẫn lên nền chân móng tháp. Qua đó cho thấy cả hai kiến trúc phụ đều có kết cấu 2 gian nhỏ, vì kèo gồm 3 hàng cột. Chính giữa ở phía sau hai lòng nền kiến trúc còn có dấu vết của hai trụ gạch (0,63m x 0,6m), có thể để đặt tượng Phật phối thờ.
Quá trình khai quật còn thu được một khối lượng lớn các loại hình di vật bằng đất nung, màu đỏ tươi, gồm: vật liệu xây dựng như gạch hình chữ nhật xây lõi tháp, gạch lát nền hình vuông, ngói mũi hài, mũi hình vảy cá, hình cánh én, ngói bò nóc, đầu đao; các loại gạch ốp trang trí tường tháp với các đề tài như: hình hoa sen, hoa chanh, hình lá đề, sừng tê ngọc báu, hình rồng, phượng, chim thần Garuda, hình vũ nữ…; các loại tàu mái tháp trang trí mái ngói ống giả, đầu ngói trang trí hoa sen 8 cánh có băng diềm trang trí hình rồng, hồi văn chữ Z, đầu góc trang trí hình chim phượng; các loại tượng Kim cương, tượng Kinnari, tượng rồng cùng lá đề trang trí 3 tòa tháp..., mang đậm phong cách nghệ thuật thời Trần, giai đoạn cuối thế kỷ 13, đầu 14. Đáng chú ý, ở rìa cạnh của các mảng trang trí đều có ký tự để xác định vị trí và tầng đặt vật liệu, qua đó đã xác định kiến trúc Bảo Tháp có ít nhất 11 tầng. Hơn nữa, cũng trong khu vực khai quật, còn tìm thấy 01 bệ gốm men trắng ngà, đúc rỗng, bề mặt tròn, phẳng (đường kính 35cm), thân cong, ngoài trang trí nổi 3 lớp cánh sen, đáy thót, có dấu vết liên kết với đôn đỡ ở phía dưới. Nhiều khả năng đây là bệ để đặt tượng Phật A Di Đà.
- Kiến trúc chùa Phật nằm ở khu vực phía tây nam, cách mép ngoài của nền sân Bảo Tháp gần 10m. Khu vực này cũng được san bạt tạo hai cấp nền khác nhau, với độ chênh cao 2,5m, lưng dựa vào vách núi, mặt hướng ra vụng biển (phía Tây Bắc) như kiến trúc Bảo Tháp. Ba mặt đông bắc, tây nam và tây bắc của hai cấp nền đều được kè bằng đá núi và san hô. Cấp nền phía trên dài 17,5m, rộng 12,84m, cấp nền phía dưới dài tương đương, rộng 9,16m. Kiến trúc chùa nằm ở chính giữa nhưng giật về phía sau của cấp nền phía trên. Nền móng được kè bằng đá núi nhưng đã bị sạt phá nhiều. Dấu tích còn lại cho thấy chùa Phật có mặt bằng hình chữ nhật gần vuông, dài 6m, rộng 5,5m. Tuy trong lòng nền không còn dấu vết chân tảng kê cột, nhưng với quy mô, vết tích xuất lộ cùng các mảnh ngói phát hiện trong lòng nền, có thể suy đoán chùa Phật là một kiến trúc nhỏ, kết cấu đơn giản, gồm 1 gian 2 chái, vì kèo 4 hàng cột, trước có mái hiên. Mái kiến trúc được lợp bằng ngói mũi hình tam giác, bản dẹt, mỏng, đất nung màu đỏ sẫm.
Từ chùa Phật sang Bảo Tháp được nối kết bằng con đường nhỏ nối thẳng từ phía sau chùa đến sân trước của Bảo Tháp. Lối đi không có dấu vết nền lát nhưng còn rõ bó vỉa hai bên được kè bằng đá núi, đường đi dài 9,5m, rộng 1,4m.
- Kiến trúc nhà Tổ nằm ở khu vực phía đông bắc của Bảo Tháp. Kết quả khai quật đã phát lộ dấu tích của một đơn nguyên kiến trúc, bước đầu xác định là nhà Tổ. Mặc dù kiến trúc đã bị triệt giải hoàn toàn, nhưng qua vết tích bó móng và bậc cấp lên xuống (dài 1,7m, rộng 1,55m, được xếp bằng đá trầm tích) còn lại có thể xác định quy mô của kiến trúc nhà Tổ dài 12,65m, rộng 11,2m, mặt quay hướng Tây Bắc giống với Bảo Tháp và chùa ở phía Tây Nam, nhưng lệch về phía đông nhiều hơn.
Từ nhà Tổ sang khu vực Bảo Tháp cũng được nối kết bằng con đường nhỏ nối thẳng từ phía sau nhà Tổ đến phần sân trước của Bảo Tháp, gần như thẳng trục với lối đi nối từ chùa Phật sang khu vực Bảo Tháp. Lối đi không có dấu vết nền lát nhưng còn rõ bó vỉa hai bên được kè bằng đá núi, đường đi dài 3,5m, rộng 1,4m.
Như vậy, từ kết quả nghiên cứu, khai quật, có thể xác định, vào thời Trần, tại khu vực này chỉ có kiến trúc Bảo Tháp và hai nếp nhà liền sát bên cạnh được xây dựng. Kiến trúc Bảo Tháp giữ vị trí trung tâm, với kiểu thức của tòa tháp hoa sen, mang đậm tính Phật, tọa lạc trên ba cấp nền được san bạt và xử lý gia cố công phu. Tháp cao trên 11 tầng, trang trí cầu kỳ, phủ kín từ chân đến đỉnh, tầng khám mở 4 cửa, trong đặt tượng thờ Phật A Di Đà, hai bên là hai gian nhà nhỏ, trong đặt tượng phối thờ. Có thể tòa bên trái thờ Quan Thế Âm Bồ Tát, bên phải thờ Đại Thế Chí Bồ Tát, tạo thành bộ tượng Di Đà Tam Tôn hoàn chỉnh (?). Đây là mặt bằng kiến trúc tháp Phật giáo tương đối đặc biệt, khác biệt với những di tích kiến trúc tháp đồng đại hiện tồn hoặc đã được phát hiện, nghiên cứu trong đất liền. Sang thời Mạc - Lê Trung hưng, di tích tiếp tục được duy tu và mở rộng không gian thờ tự hai bên phía tây nam và đông bắc để phục vụ nhu cầu thờ tự và sinh hoạt tín ngưỡng của cư dân trong vùng.
Các di tích kiến trúc khác
Cùng với di tích chùa Lấm và Bảo Tháp đã được tiến hành nghiên cứu, khai quật, làm rõ quy mô, kết cấu và diễn biến niên đại, trong khu vực đảo Cống Tây, từ năm 1971 đến nay, quá trình điều tra, khảo sát của các nhà khảo cổ cũng đã xác định thêm các kiến trúc chùa được xây dựng trên đảo này. Bao gồm chùa Cát, chùa Trong và chùa vụng cây Quéo.
- Chùa Cát nằm trong vụng biển nhỏ ở phía tây vụng chùa Lấm, nhân dân trong vùng gọi là vụng chùa Cát. Chùa được xây dựng trên một khu đất bằng phẳng, cao hơn mặt bờ vụng chừng 2m, núi bao bọc xung quanh tạo thành thế tay ngai. Chùa nhìn về hướng Nam, trước mặt là vụng biển ăn sâu vào hỏm núi, trong vụng còn lưu giữ nhiều mảnh đồ dựng sành và gốm sứ có nguồn gốc Việt Nam, Trung Quốc, niên đại thế kỷ 13 - 16. Tại đây, có cấp 2 nền kiến trúc nằm đối xứng và cách nhau 33m. Trên hai cấp nền là hai mặt bằng kiến trúc.
Mặt bằng phía trên có một nền nhà hình chữ nhật, dài 10m, rộng 6,5m, móng bó được kè đá. Ở hai bên đầu hồi có hai kiến trúc nhỏ. Phía trước có nền vuông kè đá kích thước 4m x 4m, phía sau là một di tích kè đá vây thành hình tròn có đường kính 1m.
Mặt bằng phía dưới, hai bên có hai dãy nhà hình chữ nhật đối xứng nhau qua sân rộng. Mỗi tòa nhà đều có kích thước dài 11m, rộng 8m.
Năm 2007, khảo sát tại khu vực này, chúng tôi còn tìm thấy nhiều mảnh ngói mũi hài (thế kỷ XIII - XIV), mũi hình tam giác (thế kỷ XVI) ken dày thành lớp.
- Chùa Trong nằm ở mặt phía đông, đối xứng với chùa Cát qua đỉnh núi. Chùa được xây dựng trong khu đất hẹp, mặt nhìn ra sông Cống Đông, xung quanh có núi bao bọc. Chùa đã bị phá huỷ toàn bộ nhưng vẫn còn lại dấu vết của 3 cấp nền được kè đá chắc chắn. Cấp nền phía dưới cùng có đường móng kè đá dài 31m, trước mặt có bậc cấp lên xuống. Cấp nền thứ hai cũng có đường móng kè đá chạy dài 31m, song song với cấp nền thứ nhất. Cấp nền thứ 3 nằm trên cao nhất, có thể là móng chùa, cũng chỉ còn lại một đường móng kè đá, dài 27m.
Theo lời kể của chủ khu đất, trong quá trình phát quang canh tác, phát hiện trên nền chùa có 3 pho tượng Phật bằng đá vôi màu xám xanh và một tay vịn chạm sóc. Hiện nay cả 3 pho tượng và tay vịn đã được cư dân trên đảo lập miếu thờ. Nghiên cứu 3 pho tượng, nhận thấy đây là bộ tượng Di Đà Tam Tôn.
Cả ba pho tượng đều mất đầu. Trong đó, một pho tượng thể hiện tư thế Phật ngồi tĩnh tại, áo chùng phủ chùm xuống chân, tà áo mở rộng, nối giữa vạt là một băng ngang trước ngực, trên vai có một dải vắt từ vai phải ra phía ngực, cổ đeo chuỗi hạt, có ba chùm hạt buông thõng trên dây xuống phía dưới. Phía dưới tràng hạt có một vải băng ngang to bản; Pho tượng tượng thứ hai, về cơ bản cũng giống pho tượng trước, nhưng về chi tiết có hơi khác: thân tượng dài thon hơn, tà áo gấp ba nếp, vòng chuỗi hạt rộng hơn, có bốn chùm hạt buông thõng, băng vải trước ngực đặt chéo từ vai trái xuống phải; Pho tượng còn lại bị mất cả đầu và một phần ngực, đã được người dân cho đắp lại bằng xi măng, khó nhận diện được diện mạo nguyên thủy của tượng.
Căn cứ vào dấu tích nền móng và di vật hiện tồn, các nhà nghiên cứu đã xếp niên đại xây dựng chùa Trong vào giai đoạn thời Trần và được tu bổ vào giai đoạn Lê - Mạc. Minh chứng là những hộ dân ở đây đã khai thác nhiều gạch ngói ở chùa về xây tường nhà, tường rào và các công trình phụ trong gia đình. Gạch ở đây là dạng gạch vồ màu xám xanh, dài 36cm, rộng 18cm, mang đậm phong cách của gạch xây thời Lê - Mạc (thế kỷ XV - XVI). Chắc chắn vào giai đoạn thời Trần và tiếp sau là thời Lê - Mạc, chùa Trong là một ngôi chùa có quy mô bề thế.
- Chùa vụng Cây Quéo nằm về phía bắc của chùa Trong. Cả vụng đỗ thuyền và ngôi chùa đều lấy tên địa điểm cây quéo (cổ thụ) để đặt tên. Vụng đổ thuyển ở đây (thuộc thôn 3, xã Thắng Lợi) có quy mô lớn nhất trong khu vực đảo cống Tây. Qua khảo sát, phát hiện nhiều mảnh sành, gốm sứ có nguồn gốc Việt Nam, thế kỷ XIII - XVI. Năm 2003, Trung tâm giao lưu văn hóa Việt - Nhật đã tiến hành đào thám sát, phát hiện có hai tầng văn hóa rõ rệt. Tầng văn hóa có niên đại sớm nhất được xác định thời Trần, có sự xuất hiện của nhiều mảnh gốm men trắng, men trắng vẽ lam mờ (tiền lam) và men nâu. Tầng văn hóa có niên đại muộn hơn được xác định thời Lê - Mạc với sự xuất hiện dày đặc các loại hình đồ gốm men trắng vẽ lam(15). Qua đó cho thấy, từ thời Trần đến thời Mạc, đây là khu vực buôn bán sầm uất, tàu thuyền tấp nập neo đậu.
Ngôi chùa nằm sâu trong hỏm núi, phía trong vụng đổ thuyền. Chùa hiện nay đã bị triệt giải, nhưng theo lời kể của cụ Phạm Thị Đào và các con cháu của cụ sau này thì khi gia đình chuyển về đây sinh sống, phát hiện có nền nhà cổ được kè đá, phía trước có sân rộng, mép sân cũng kè đá, ba mặt có núi bao bọc trong thế tay ngai. Vì thế, gia đình cụ đã làm căn nhà của mình lên trên ngay nền nhà cổ đó. Nền nhà dài 7,85m, rộng 4,8m, sân rộng 18m. Tại đây, năm 1971, các nhà khảo cổ còn phát hiện phía dưới lớp đất canh tác có một lớp gạch, ngói cổ ken dày, khoảng 20cm. Trong đó có các loại ngói mũi hài, ngói bản, gạch bìa hình chữ nhật, gạch vuông lát nền, trang trí lá đề, chưa từng gặp ở các di tích trong đất liền. Sau này, khi đào hố trồng cây trong vườn, gia đình của cụ Phạm Thị Đào còn phát hiện một đế bia hình rùa, được làm bằng đá vôi màu xám xanh. Rùa được tạo tác đơn giản, mang đậm phong cách nghệ thuật thời Trần. Đế bia bị gãy làm đôi, giữa lưng có lỗ mộng đặt bia. Đế bia có kích thước dài 1,43m, rộng 0,87m. Hiện vật đã được đưa về Bảo tàng Quảng Ninh để lưu giữ và trưng bày, giới thiệu.
Những dấu tích nền móng và di vật còn lại này đã cho thấy vào thời Trần, chùa vụng cây Quéo là một chùa có địa thế đẹp, được đầu tư xây dựng quy mô.
3. Có thể nói, với sự xuất hiện của 4 ngôi chùa, 1 ngọn Bảo Tháp trên hòn đảo chỉ có chiều dài khoảng 6km, rộng hơn 1km, đã cho thấy, vào thời Trần, Cống Tây là một địa điểm tụ cư đông đúc, phản chiếu nhịp sống sôi động trên bến dưới thuyền, người ra kẻ vào tấp nập ở khu vực này. Do vậy, sự xuất hiện của các công trình kiến trúc chùa, tháp tại đây càng góp phần làm sáng rõ hơn vị trí trung tâm thương cảng sầm uất bậc nhất của quốc gia Đại Việt tại vùng biển, đảo Đông Bắc Tổ quốc.
Từ các kết quả nghiên cứu, khai quật và những tàn tích vật chất hiện tồn, cho thấy các di tích chùa, tháp trên đảo Cống Tây đều có niên đại khởi dựng vào thời Trần, khoảng cuối thế kỷ XIII, đầu thế kỷ XIV, được tu bổ, mở rộng vào giai đoạn thế kỷ XVI - XVII. Các di tích này đều được xây dựng trên địa thế cao, có núi non bao bọc tạo thành thế tay ngai, trước mặt là vụng đỗ tàu thuyền ăn sâu vào trong hỏm núi. Với bố cục như vậy, các công trình xây dựng đã tuân thủ đầy đủ các yếu tố phong thủy, được núi non che chở để tồn tại nơi biển đảo đầy sóng to, gió lớn, đồng thời cũng rất thuận tiện cho cư dân buôn bán trên đảo sớm hôm tu tập nơi cửa Thiền. Đây là đặc điểm rất dễ nhận biết của các kiến trúc chùa, tháp theo Phật giáo Trúc Lâm thời Trần, thể hiện rõ sự kết hợp hài hòa, gắn kết giữa Đạo, đời và thiên nhiên.
Mặt bằng của các di tích chùa, tháp nơi đây, do địa thế chật hẹp, nên không gian và bố cục có nhiều nét khác biệt với các ngôi chùa, tòa tháp ở đồng bằng. Gần như các công trình đều cố gắng thu nhỏ và tích hợp các chức năng, không gian thờ tự vào trong một đơn nguyên để thuận tiện cho việc tổ chức cúng lễ (Bảo Tháp là một ví dụ rõ nét). Tuy nhiên, không phải vì vậy mà các công trình kiến trúc đó trở nên nhỏ bé, đơn giản, sơ sài, mà trái lại, qua kết quả nghiên cứu, khai quật lại cho thấy đều có quy mô tương đối và được trang trí cầu kỳ. Ngoài việc sử dụng đá trầm tích được khai thác tại chỗ để xây bó móng, bó thềm thì toàn bộ các loại hình vật liệu như gạch, ngói, lan can, tay vịn trang trí rồng, sóc hay tượng thờ, tượng con giống… đều là những sản phẩm được sản xuất trong đất liền đưa ra đảo để xây dựng chùa, tháp. Chắc chắn các công trình đó đã có sự đầu tư to lớn cả về sức người và sức của.
Chúng ta làm phép so sánh một công trình xây dựng kiên cố ngoài đảo Cống Tây (xã Thắng Lợi) hiện nay, tổng mức đầu tư để hoàn thành sẽ gấp 3 đến 4 lần so với các công trình tương tự được xây dựng trong đất liền. Mặc dù hiện nay nguyên vật liệu luôn có sẵn, phương tiện vận chuyển dễ dàng, hiệu quả mà giá thành còn cao như vậy, thì cách đây trên 700 năm, việc kiến thiết, xây dựng những công trình chùa, tháp có quy mô như ở Vân Đồn hẳn không phải là chuyện dễ dàng, nếu như không có sự quan tâm, đầu tư của triều đình.
Trong thế kỷ XIII - XIV, Phật giáo được xem là "Quốc giáo" của Đại Việt, có tầm ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống văn hoá tinh thần của cư dân lúc bấy giờ. Sự ra đời của Phật giáo thời Trần mang tinh thần nhập thế cùng hệ thống lý thuyết và hành động gắn Đạo với đời, nhà Trần đã cho xây dựng nhiều công trình chùa, tháp để hoằng dương Phật pháp, làm nơi tu hành của Phật tử, phụng sự chúng sinh. Bản thân các vua Trần cũng hóa thân dẫn đường cho thiên hạ, quyết theo con đường dung hòa, vừa nhập thế, vừa xuất thế, vừa hành, vừa tri, đem Đạo vào đời, tích cực phục vụ nhân dân. Nhờ có tư tưởng nhập thế, khai phóng và vị tha của Phật giáo Trúc Lâm, triều đình nhà Trần đã đoàn kết được lòng dân hòa cùng một nhịp, tạo thành khối đoàn kết vững chắc để cùng nhau xây dựng, phát triển đất nước và gia sức bảo vệ Tổ quốc trước họa xâm lăng của kẻ thù. Thắng lợi trong ba cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên - Mông của quân dân nhà Trần cũng xuất phát từ tư tưởng đó. Do vậy, việc đầu tư xây dựng nhiều di tích chùa, tháp trên đảo Cống Tây ở Thương cảng Vân Đồn của triều đình nhà Trần có lẽ cũng xuất phát từ tư tưởng như vậy. Mỗi ngôi chùa, ngọn tháp ở đây không chỉ là nơi tu hành Phật pháp mà còn là cứ địa, là cột mốc biên cương, là địa điểm canh phòng, đảm bảo an ninh vùng biên giới biển, đảo Đông Bắc của quốc gia Đại Việt. Hơn nữa, cũng từ đó, chính quyền có thể tập hợp nhân dân một cách nhanh nhất để tuyền truyền, giáo dục và kêu gọi sức dân khi có biến cố xảy ra.
Với kết quả nghiên cứu, khai quật khảo cổ học trong giai đoạn gần đây, chúng ta đều biết đến những trung tâm Phật giáo nổi tiếng của thời Trần được xây dựng ở những vùng biên viễn như ở mặt bắc là khu vực chùa, tháp Hắc Y thuộc huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái; mặt tây là các di tích chùa Phổ Quang, chùa Bồng Lai, tháp Bình Sơn trên địa bàn tỉnh Phú Thọ; mặt nam là chùa Am Các thuộc huyện Tĩnh Gia, Thanh Hoá, hay Hương Tích trên dãy Hùng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh; còn với Biển Đông, thì hệ thống di tích chùa, tháp trên đảo Cống Tây (Vân Đồn) chính là những vị trí bảo vệ tiền tiêu cửa ngõ Đông Bắc của quốc gia Đại Việt.
Như vậy, có thể nói rằng, vào thời Trần, sự kết hợp giữa an ninh quốc phòng với giao lưu văn hóa, phát triển kinh tế; giữa triều đình với Phật giáo đã tạo nên nền tảng vững chắc, thúc đẩy sự phát triển của xã hội. Việc cắt cử quân đội, các tướng lĩnh tài giỏi trấn giữ cũng như xây dựng các chùa, tháp nơi biển, đảo Đông Bắc của nhà Trần hẳn không phải là sự ngẫu nhiên. Sự phát triển của Thương cảng Vân Đồn trên mọi mặt đã thể hiện rõ tầm nhìn hướng biển và khai thác các nguồn lợi từ biển của triều đình nhà Trần. Đây là bài học lịch sử vô cùng quý giá và quan trọng, có ý nghĩa thời đại để chúng ta ngày nay tích cực duy trì, phát huy và thúc đẩy phát triển lớn mạnh và bền vững hơn./.
Tường Long
TÀI LIỆU DẪN
1. NGÔ SĨ LIÊN 2003. Đại Việt sử ký toàn thư, Tập I, Nxb. VHTT, Hà Nội: 308.
2. NGÔ SĨ LIÊN 2003. Đại Việt sử ký…, sách đã dẫn, Tập 1, Hà Nội: 348.
3. NGÔ SĨ LIÊN 2003. Đại Việt sử ký…, sách đã dẫn, Tập 1, Hà Nội: 362.
4. CHU KHỨ PHI 1999. Lĩnh ngoại đại đáp, Quyển 5, Khâm Châu Bạc Dịch trường, Bắc kinh, Trung Hoa thư cục: 72
5. HOÀNG ANH TUẤN 2008. Vùng duyên hải đông bắc trong chiến lược thương mại của người phương Tây thế kỷ XVII, trong Kỷ yếu Hội thảo Thương cảng Vân Đồn – Lịch sử, tiềm năng và các mối giao lưu văn hóa, Quảng Ninh: 327-349.
6. NGÔ SĨ LIÊN 2003. Đại Việt sử ký …, sách đã dẫn, Tập 1, Hà Nội: 420.
7. NGÔ SĨ LIÊN 2003. Đại Việt sử ký …, sách đã dẫn, Tập 1, Hà Nội: 489-490
8. NGÔ SĨ LIÊN 2003. Đại Việt sử ký toàn thư, Tập 2, Nxb. VHTT, Hà Nội: 202.
9. NGÔ SĨ LIÊN 2003. Đại Việt sử ký …, sách đã dẫn, Tập 2, Hà Nội: 203.
10. NGÔ SĨ LIÊN 2003. Đại Việt sử ký …, sách đã dẫn, Tập 2, Hà Nội: 135, 202, 217.
11. ĐỖ VĂN NINH 1971. Báo cáo khai quật chùa Lấm trên đảo Thừa Cống, Cẩm Phả (Quảng Ninh). Tư liệu của Viện Khảo cổ học.
12, NGUYỄN NGỌC CHẤT VÀ CÁC CỘNG SỰ 2009. Báo cáo kết quả Điều tra, thám sát và khai quật di tích Bảo Tháp (Vân Đồn, Quảng Ninh) năm 2009. Tư liệu của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia
13. NGUYỄN NGỌC CHẤT VÀ CÁC CỘNG SỰ 2010. Báo cáo kết quả Điều tra, thám sát và khai quật di tích Bảo Tháp (Vân Đồn, Quảng Ninh) lần thứ 2 - năm 2010. Tư liệu của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.
14. ĐỖ VĂN NINH 1971. Báo cáo khai quật chùa Lấm trên đảo Thừa Cống, Cẩm Phả (Quảng Ninh). Tư liệu của Viện Khảo cổ học.
15. HÁN VĂN KHẨN (Chủ trì) 2003. Báo cáo khai quật di tích Cống Tây (Quảng Ninh). Tư liệu của Khoa Lịch sử, Trường ĐH KHXH & NV (ĐHQG Hà Nội)