Thứ Năm, 05/12/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

07/09/2023 14:37 1735
Điểm: 5/5 (2 đánh giá)
1. Nằm ở chân núi Đống Thóc, thuộc khu vực Ngũ Đài Sơn (phường Hoàng Tiến, thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương), chùa Ngũ Đài - Kim Quang tự, là một di tích danh thắng rất nổi tiếng. Theo Lý lịch di tích, chùa được xây dựng dưới triều vua Trần Minh Tông, năm 1320 và trùng tu vào các thời Lê, Nguyễn. Trải qua thời gian cùng bao biến động lịch sử, chùa đã bị hư hại nặng nề. Năm 2003, nhân dân và những nhà hảo tâm đã góp công, góp sức dựng lại ngôi chùa với kiểu thức hình chữ Đinh (T) gồm 5 gian Tiền đường, 2 gian Hậu cung, cùng các gian nhà thờ Mẫu Liễu Hạnh, Mẫu Thoải, Mẫu Thượng Ngàn, Nhà thờ Tổ ...

Đến với Ngũ Đài hôm nay, chúng ta vẫn có thể hình dung được không gian và quang cảnh ngôi chùa từ thuở ban sơ. Chùa được xây dựng trong hỏm núi, bốn bề có núi non bao bọc. Trước mặt, phía Tây Nam là dãy Ba Dội bằng phẳng như tấm bình phong che chắn; lưng tựa núi Đống Thóc, trên là ngọn Bát Hương và xa hơn là Cổng Trời; hai bên có hai dãy núi vươn ra tạo thành thế tay ngai, bên phải là dãy Hang Khánh/Khách, bên trái là khe Hang Mẳn/Mẫu. Với bố cục này, chùa Ngũ Đài giữ vị trí trung tâm của chốn Phật môn, tuân thủ chặt chẽ triết lý phong thủy, rất phù hợp và tương đồng với không gian chùa, tháp Phật giáo Trúc Lâm mà ngày nay chúng ta vẫn thấy hiện hữu rộng khắp nơi vùng Đông Bắc.

 
 Mặt bằng kiến trúc chùa Ngũ Đài thời Lê Trung hưng (thế kỷ XVII-XVIII)
Tương truyền, ở khu vực Ngũ Đài Sơn xưa, có nhiều ngôi chùa lớn nhỏ, linh thiêng, với hàng trăm gian nằm rải từ chân lên tới đỉnh núi Đống Thóc, Cổng Trời…. như chùa Hàm Long, Bát Hương, Hang Pheo… Cùng với đó là “Công viên đá” với muôn hình vạn trạng như Thỏ, Rùa, Ông Cóc, hay Bàn chân Phật, Cổng Trời, Giếng Trời, Nậm Rượu..., tạo cho không gian Ngũ Đài Sơn trở thành chốn linh thiêng bậc nhất của vùng đất Chí Linh, Hải Dương.
Với những giá trị cảnh quan, lịch sử, văn hóa vô cùng đồ sộ của không gian di tích chùa Ngũ Đài và Ngũ Đài Sơn, Lãnh đạo cùng nhân dân tỉnh Hải Dương nói chung, thành phố Chí Linh nói riêng đã sớm nhận thức và có những định hướng gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị. Và để có thêm cứ liệu khoa học cụ thể hơn, đầy đủ hơn, phục vụ hiệu quả cho công tác quy hoạch, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị không gian cảnh quan, di tích chùa Ngũ Đài, Ngũ Đài Sơn, từ giữa tháng 8/2019 đến hết tháng 6/2020, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Hải Dương và Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đã phối hợp tiến hành điều tra, khảo sát, thám sát và khai quật tại Khu di tích chùa Ngũ Đài. Với diện tích trên 1.200m2 thám sát và khai quật, kết quả đã phát hiện 04 lớp kiến trúc nằm chồng đè lên nhau, thuộc 04 giai đoạn xây dựng, trùng tu và biến đổi của di tích, qua đó đã xác định được mặt bằng, quy mô, kết cấu của chùa Ngũ Đài qua các giai đoạn lịch sử, kéo dài từ đầu thế kỷ 14 (thời Trần) đến đầu thế kỷ 20 (thời Nguyễn). Kết quả khai quật cũng đã thu được một khối lượng lớn các loại hình di vật, gồm vật liệu kiến trúc và đồ thờ tự, đồ sinh hoạt, góp phần bổ sung cho việc nghiên cứu và giám định niên đại của di tích qua các thời kỳ lịch sử.
Qua kết quả khai quật cho thấy, vào thời Trần, chùa Ngũ Đài được xây dựng dưới chân núi Đống Thóc, gồm 02 đơn nguyên kiến trúc hình chữ nhật nằm cách nhau một khoảng sân rộng 16m, mặt quay về hướng Tây Nam (lệch Tây 20o). Đơn nguyên kiến trúc thứ nhất nằm ngay sau ngôi chùa hiện tại, có mặt bằng hình chữ nhật, dài khoảng 21m, rộng 7m. Đơn nguyên kiến trúc thứ hai nằm ở phía sau, sát ngay chân núi Đống Thóc và cũng có mặt bằng hình chữ nhật, dài 24m, rộng 10m.
Theo Lý lịch di tích và truyền tụng trong dân gian, chùa Ngũ Đài là một trong những ngôi chùa thuộc Thiền phái Phật giáo Trúc Lâm và có mối liên hệ mật thiết với hệ thống chùa ở Yên Tử, Quỳnh Lâm, Ngọa Vân (Quảng Ninh) cũng như Thanh Mai, Côn Sơn (Hải Dương) và Vĩnh Nghiêm, Mã Yên, Am Vãi, Khám Lạng… (Bắc Giang), tạo thành một vùng “tam giác Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử” phát triển rực rỡ. Đây là những thông tin quan trọng, giúp ích cho quá trình tìm hiểu, nghiên cứu về không gian phân bố của hệ thống di tích chùa, tháp Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử cũng như các vấn đề về an ninh quốc phòng của Quốc gia Đại Việt thời Trần.
Sang thời Lê, đầu thế kỷ 17, kết quả khai quật đã cho thấy chùa Ngũ Đài tiếp tục nhận được sự quan tâm và đầu tư quy mô của triều đình, quan lại cùng tầng lớp quý tộc thời Lê - Trịnh. Giai đoạn này, ngôi chùa đã được thiết kế, trùng tu và xây dựng mới ngay trên vị trí của chùa thời Trần. Mặt bằng của chùa theo kiểu thức Nội công ngoại Quốc, trong đó khu vực Tam Bảo gồm Tiền Đường dài 21m, rộng 7m, gồm 5 gian 2 chái, vì kèo 4 hàng cột; Thượng Điện dài 10,75m, rộng 6,7m, gồm 1 gian 2 chái, vì kèo 4 hàng cột; Thiêu Hương dài 5,5m, rộng 4,5m, gồm 3 gian, vì kèo 4 hàng cột. Phía sau khu vực Tam Bảo là kiến trúc Hậu Đường, có mặt bằng hình chữ nhật, dài 21m, rộng 6,5m, gồm 7 gian 2 chái, vì kèo 4 hàng cột. Từ Tiền Đường đến Hậu Đường được nối với nhau bằng hai dãy hành lang hai bên (dài 13m, rộng gần 3,0m, vì kèo 2 hàng cột), khép lại toàn bộ mặt bằng của chùa tạo thành mặt bằng hình chữ Quốc. Xung quanh khu vực trung tâm còn có nhiều đơn nguyên kiến trúc khác như nhà Tăng, nhà khách, nhà bếp, tháp mộ….
Nội dung văn bia “Tu tạo Ngũ Đài Sơn Kim Quang tự bi minh” hiện còn lưu giữ tại chùa, khắc vào đời vua Lê Kính Tông, năm Nhâm Tý, niên hiệu Hoằng Định năm thứ 13 (1612), cho biết: vào đầu thế kỷ 17, chùa được “...Trùng tu Thượng điện - Mở rộng Tiền đường - Tô thêm tượng Phật - Tướng mạo ngọc vàng…”. Với quy mô và diện mạo mới, thời kỳ đó, trong tâm thức người dân, chùa Ngũ Đài đã “vượt Yên Tử”; là nơi “Công hầu tấp nập - Triều đình vãng thăm - Hoàng triều Lễ phục - Vua giúp ngọc khuê - Công danh sáng tỏ - Sự nghiệp vẻ vang…”. Câu nói: “Thứ nhất Ngũ Đài, thứ nhì Yên Tử” được dân gian truyền tụng có lẽ cũng xuất phát từ sự nguy nga, tráng lệ của chùa Ngũ Đài sau đợt trùng tu này.
Thời Nguyễn, với bao biến động của lịch sử, điều kiện kinh tế ngày một khó khăn hơn, nên việc đầu tư xây dựng, trùng tu lại ngôi chùa đã nhiều phần thuyên giảm. Mặc dù vào giai đoạn cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19, ngôi chùa cũng đã được sửa chữa, tu bổ và mở rộng thêm không gian thờ tự ở phía sau Hậu Đường, nhưng nhiều đơn nguyên đã bị triệt giải như khu vực nhà Tăng, hai dãy Hành lang; hoặc thu hẹp lại quy mô như ở kiến trúc Hậu Đường. Dần dần các kiến trúc cũng bị hư hỏng, để đến cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, ngôi chùa chỉ còn lại những gian nhà khách ở phía dưới chân núi, được tận dụng để làm nơi thờ tự. Sau, do mưa nhiều, ẩm thấp quanh năm, nhân dân mới lại dịch chuyển lên trên để xây dựng với quy mô nhỏ bé hơn (năm 1936) như vị trí hiện nay.
2. Từ tư liệu lịch sử, truyền tụng dân gian đến kết quả nghiên cứu, khai quật khảo cổ đã xác định rõ vị trí, quy mô, kết cấu, đặc điểm kiến trúc và diễn biến niên đại xây dựng, trùng tu, tôn tạo và biến đổi của di tích chùa Ngũ Đài. Qua đó khẳng định những thông tin ghi chép trong văn bia và truyền thuyết dân gian về ngôi chùa này là chính xác. Kết quả đó đã chứng minh ngôi chùa được khởi dựng từ thời Trần, đầu thế kỷ 14, trùng tu lớn vào đầu thế kỷ 17, tiếp tục trùng tu và cải tạo vào giai đoạn cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19, sang đầu thế kỷ 20 lại tiếp tục được đầu tư xây mới và dịch chuyển về vị trí như hiện nay. Do vậy việc tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị của khu di tích nổi tiếng này là rất cần thiết và có đủ cơ sở khoa học học để triển khai. Dưới góc độ là những người làm công tác chuyên môn, chúng tôi có một số ý kiến đề xuất như sau:
2.1. Về công tác quy hoạch, bảo tồn di tích
Cần sớm có quy hoạch tổng thể toàn bộ khu vực Ngũ Đài Sơn, trong đó chùa Ngũ Đài là hạt nhân trung tâm. Có thể mở rộng không gian bảo tồn từ khu vực đỉnh núi Cổng Trời (cao khoảng 531m) xuống chân núi Đống Thóc và kéo qua khu vực núi Ba Dội, tạo thành một quần thể di tích văn hoá, tâm linh, vốn đã được thiên nhiên ban tặng, các bậc tiền nhân xây dựng và nổi tiếng trong lịch sử.
Trong quy hoạch, cần tạo lập các khu vực cảnh quan, sinh thái, đồng thời phân định những khu vực lưu trú, nghỉ dưỡng, làm cho quần thể di tích có sức hấp dẫn và khả năng đáp ứng nhu cầu của khách tham quan, du lịch, phục vụ tốt nhất cho sự nghiệp phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội trong vùng.
Ngăn chặn quá trình xây dựng, đào phá, cải tạo đất trồng trọt, làm biến dạng cảnh quan và không gian di tích.
2.2. Về công tác nghiên cứu khoa học
Trong quá trình mở rộng điều tra, khảo sát ở các khu vực lân cận chùa Ngũ Đài, chúng tôi phát hiện nhiều địa điểm có dấu tích chùa, tháp thời Trần, Lê, Nguyễn phân bố trên các dãy núi phía sau chùa Ngũ Đài, giúp ích cho quá trình nhận thức về quy mô và không gian phân bố của hệ thống di tích chùa tháp Phật giáo ở khu vực Ngũ Đài Sơn. Do vậy, trong thời gian tới, để phục vụ hiệu quả hơn cho công tác quy hoạch bảo tồn và tu bổ, tôn tạo di tích, cần tiếp tục đầu tư nghiên cứu, khai quật khảo cổ để xác định rõ mặt bằng, quy mô, kết cấu, diễn biến niên đại của các công trình kiến trúc chùa, tháp ở các khu vực núi Đống Thóc (trước tượng Quan Âm), chùa Hàm Long (núi Bát Hương), dãy Hang Khánh, khe Hang Mẳn, làm tăng thêm giá trị khoa học, lịch sử, văn hóa, tạo cơ sở cho việc quy hoạch và kiến tạo không gian du lịch tâm linh và nghỉ dưỡng tại đây.
Hơn nữa, nếu được tiếp tục nghiên cứu, khai quật, các địa điểm di tích này sẽ là những chứng cứ vật chất quan trọng, cung cấp cứ liệu khoa học, đảm bảo tính chân xác và toàn vẹn, hết sức cần thiết phục vụ cho việc xây dựng Hồ sơ đệ trình UNESCO công nhận Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử tại 3 tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương và Bắc Giang là Di sản Văn hóa Thế giới.
2.3. Đối với công tác tu bổ, tôn tạo di tích chùa Ngũ Đài
Qua kết quả khai quật đã làm xuất lộ hoàn toàn mặt bằng kiến trúc chùa Ngũ Đài qua các giai đoạn xây dựng và biến đổi. Do vậy, để trả lại không gian xưa của di tích cũng như tạo điểm nhấn với vai trò là trung tâm cho toàn bộ khu vực quy hoạch, cần nghiên cứu thiết kế, trùng tu, tôn tạo lại ngôi chùa cho thật xứng tầm. Theo chúng tôi, nên lựa chọn mặt bằng kiến trúc chùa thời Lê Trung hưng, đầu thế kỷ 17, với kiểu thức nội Công ngoại Quốc để thiết kế trùng tu. Đây là mặt bằng kiến trúc có quy mô rộng lớn, dấu tích nền móng còn khá đầy đủ, có thể xác định rõ quy mô, kết cấu của các công trình, đồng thời cũng là giai đoạn mà chùa Ngũ Đài được nhìn nhận và ca tụng về sự hoành tráng và tráng lệ, thu hút sự quan tâm của đại đa số các tầng lớp từ quý tộc đến dân chúng cần lao.
Hơn nữa, với kiểu thức kiến trúc nội Công ngoại Quốc, hiện nay đây là kiểu thức kiến trúc phổ biến, còn khá nhiều di tích đang được bảo tồn, có thể so sánh, vận dụng để nghiên cứu, thiết kế. Mặt bằng kiến trúc này cũng là mặt bằng dễ dàng đáp ứng được nhu cầu bài trí tượng thờ và không gian thờ tự.
 
Các nhà khoa học tham quan chùa Ngũ Đài
Về vị trí xây dựng, trùng tu lại chùa, nhằm tuân thủ đúng Luật Di sản văn hóa, Công ước Quốc tế về trùng tu di tích và đảm bảo hiệu quả cho việc công nhận Di sản Văn hóa Thế giới, theo chúng tôi nên giữ trục trung tâm theo hướng Tây Nam như các lớp chùa cổ, lấy ao sen làm Minh đường, núi Ba Dội làm tiền án, toàn bộ kiến trúc chùa đẩy lùi về phía sau (phía Đông Bắc) gần núi Đống Thóc. Ở vị trí chân núi nên quy hoạch, tu bổ lại ao sen, tạo cổng tam quan. Tại vị trí chùa hiện tại nên thiết kế gác chuông và bi đình; hai bên là hệ thống bậc cấp lên xuống có mái che, bao bên ngoài khu vực xuất lộ vết tích nền móng kiến trúc.
Với các vết tích nền móng kiến trúc được làm xuất lộ qua công tác khai quật khảo cổ cần được bảo tồn nguyên trạng. Một mặt, tổ chức thiết kế khu vực công viên khảo cổ trưng bày ngoài trời bằng hình thức trồng cỏ, dải đá để làm tôn lên vết tích, đồng thời thể hiện bản vẽ mặt bằng của kiến trúc qua các giai đoạn lịch sử để quảng bá và giới thiệu di tích. Mặt khác, bảo tồn, gìn giữ vết tích khảo cổ cũng chính là lưu lại dấu ấn lịch sử và chứng minh tính chân xác, tính nguyên vẹn, phục vụ hiệu quả cho công tác xây dựng Hồ sơ công nhận Di sản văn hóa thế giới.
Trên đây là một vài ý kiến nhỏ của chúng tôi đối với công tác quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích chùa Ngũ Đài. Hy vọng với sự quyết tâm của chính quyền và nhân dân thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương, thời gian không xa chúng ta sẽ được chứng kiến một địa điểm du lịch văn hóa tâm linh có tầm cỡ ở khu vực Ngũ Đài Sơn, góp phần tạo nên “con đường di sản” của Phật giáo Trúc Lâm rộng lớn khắp vùng Đông Bắc của Tổ quốc.

Tường Long

Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Khát vọng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước di nguyện cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước lúc Người “đi xa” (Phần 2 và hết)

Khát vọng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước di nguyện cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước lúc Người “đi xa” (Phần 2 và hết)

  • 12/07/2019 08:46
  • 6652

Nền độc lập dân tộc tồn tại không được bao lâu, thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta một lần nữa. Ngày 23 tháng 9 năm 1945, chúng nổ súng đánh chiếm Nam Bộ sau đó mở rộng ra cả nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng quyết định phát động cuộc kháng chiến toàn quốc.

Bài viết khác

Tuyên ngôn độc lập - Kết tinh và tỏa sáng những giá trị văn hóa tiêu biểu của dân tộc Việt Nam

Tuyên ngôn độc lập - Kết tinh và tỏa sáng những giá trị văn hóa tiêu biểu của dân tộc Việt Nam

  • 31/08/2023 12:44
  • 1781

Ngày 2/9/1945, tại quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập, trịnh trọng tuyên bố trước toàn dân và toàn thế giới về sự ra đời của Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Tuyên ngôn độc lập là áng văn lập quốc vĩ đại, là văn kiện có giá trị cao về tư tưởng, lý luận của Chủ tịch Hồ Chí Minh.