Thứ Sáu, 01/11/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

03/04/2024 09:45 1596
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Trong hơn nửa thế kỷ hoạt động cách mạng, từ khi bắt đầu cho đến khi trút hơi thở cuối cùng, Anh Cả, Sao Đỏ - Nguyễn Lương Bằng luôn là tấm gương sáng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, kiên trung, tận tụy và hết lòng phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Đồng chí xứng đáng là người cán bộ, đảng viên mẫu mực và là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Trong cuộc bầu cử với sự tham gia của 361 đại biểu trên tổng số 442 đại biểu của Quốc hội, đồng chí Tôn Đức Thắng đã được bầu làm Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và đồng chí Nguyễn Lương Bằng được bầu làm Phó Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, cả hai đồng chí đều đạt tỷ lệ phiếu bầu 100% (361/361). Đồng chí Trường Chinh, Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã phát biểu tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa III: “Cụ Tôn Đức Thắng và đồng chí Nguyễn Lương Bằng là hai chiến sĩ lão thành cách mạng, những người bạn chiến đấu gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, những người con ưu tú của dân tộc Việt Nam. Hai đồng chí được Quốc hội tín nhiệm, giao cho trọng trách lãnh đạo Nhà nước là xứng đáng. Sự tín nhiệm của Quốc hội là sự tín nhiệm của toàn dân ta”[1].

Việc chuyển từ công tác kiểm tra Đảng sang đảm nhiệm công việc của Phó Chủ tịch nước là một vinh dự và trách nhiệm lớn được Đảng và nhân dân tin tưởng giao phó cho đồng chí Nguyễn Lương Bằng. Với tinh thần khiêm tốn của người cộng sản và ý thức sâu sắc về trách nhiệm đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, đồng chí Nguyễn Lương Bằng cùng với Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng đã tuyên thệ: sẽ đóng góp hết mình vào sự nghiệp cách mạng vĩ đại của dân tộc, thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ của mình trước Quốc hội và nhân dân.
 
Đồng chí Nguyễn Lương Bằng và đồng chí Trường Chinh, năm 1978. (Ảnh tư liệu)
Theo Hiến pháp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (năm 1959): “Phó Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà giúp Chủ tịch làm nhiệm vụ, có thể được Chủ tịch uỷ nhiệm thay thế Chủ tịch trong từng bộ phận chức quyền”[2]. Trên cương vị Phó Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đồng chí Nguyễn Lương Bằng là người cộng sự thân thiết của Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng, kế tục sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh - phấn đấu không mệt mỏi vì sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thống nhất đất nước. Với bản lĩnh kiên định, trí tuệ và tâm huyết của mình, đồng chí Nguyễn Lương Bằng đã có nhiều đóng góp, cống hiến cho cách mạng Việt Nam.
Tập trung mục tiêu cao nhất là xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước
Trong hoàn cảnh đất nước đang bị chia cắt, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước còn đang diễn ra cam go, mọi hoạt động của Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng đều tập trung vào mục tiêu cao nhất là xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng thường đến thăm các đơn vị bộ đội, các tầng lớp nhân dân lao động, động viên toàn dân, toàn quân ra sức lao động sản xuất, luyện tập sẵn sàng chiến đấu, thực hiện trọn vẹn tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Đánh cho Mĩ cút, đánh cho nguỵ nhào”. Tháng 02/1970, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đồng chí Nguyễn Lương Bằng đã đến thăm Học viện Quân sự và Học viện Chính trị quân đội nhân dân Việt Nam. Sau khi thăm các địa điểm ăn ở, làm việc, học tập và chuyện trò của cán bộ, giáo viên, học viên hai học viện, đồng chí đã nhắc nhở rằng cán bộ và đảng viên trong quân đội cần phải phát huy mạnh mẽ tinh thần quyết chiến, quyết thắng và tăng cường đoàn kết. Ngoài ra, cần chú trọng vào việc học tập đạo đức, cần kiệm, liêm chính và chí công vô tư, theo tác phong khiêm tốn và giản dị của Bác Hồ. Đồng thời, mỗi cán bộ, giáo viên, học viên cũng cần giữ gìn và phát huy sự trong sạch của Đảng và quân đội, xứng đáng là học trò và người kế tục của Bác. Những chuyến đi này đã trở thành nguồn động viên mạnh mẽ cho quân đội ta trong việc quyết tâm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Năm 1972, khi đế quốc Mỹ trở lại leo thang đánh phá ác liệt bằng không quân và hải quân đối với miền Bắc lần thứ hai, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước kiên quyết chỉ đạo quân, dân miền Bắc quyết tâm đập tan âm mưu của Mỹ định ép Việt Nam phải chấp nhận những điều khoản do họ đặt ra tại bàn đàm phán ở Hội nghị Pari, đồng thời đồng chí trực tiếp đến những nơi bị bom đạn Mỹ tàn phá để thăm hỏi, động viên đồng bào, chiến sĩ.

Tích cực tham gia cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước chuẩn bị cho việc thống nhất đất nước
Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mùa Xuân năm 1975 đã hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước, Tổ quốc thống nhất và cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Tuy nhiên, sau khi được giải phóng hoàn toàn, đất nước ta vẫn tồn tại hai hình thức nhà nước, cơ cấu kinh tế hai miền khác nhau. Nguyện vọng tha thiết của nhân dân ta là sớm có một Nhà nước thống nhất. Tháng 9/1975, Hội nghị lần thứ 24 Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã đề ra nhiệm vụ hoàn thành thống nhất Tổ quốc về mặt Nhà nước. Để thực hiện nhiệm vụ trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã bàn bạc và nhất trí với các cơ quan có trách nhiệm ở miền Nam về việc tổ chức Hội nghị hiệp thương chính trị nhằm thống nhất nhận định về yêu cầu nội dung của toàn bộ sự nghiệp thống nhất nước nhà và các biện pháp thực hiện về Nhà nước; tổ chức tổng tuyển cử bầu ra Quốc hội nước Việt Nam thống nhất; triệu tập kỳ họp đầu tiên của Quốc hội chung để nghe Hội đồng bầu cử toàn quốc báo cáo kết quả và xác nhận tư cách đại biểu... và bầu cơ quan lãnh đạo của Nhà nước thống nhất. Trong quá trình thực hiện trọng trách Phó Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đồng chí Nguyễn Lương Bằng đã tích cực tham gia cùng với các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước chuẩn bị cho quá trình thống nhất đất nước về nhà nước. Sau khi Hội nghị hiệp thương chính trị đề nghị đồng chí Nguyễn Lương Bằng ra ứng cử đại biểu Quốc hội khóa VI, đồng chí đã cùng các ứng cử viên dự cuộc họp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Ủy ban Hành chính Thành phố Hà Nội trong sự hoan nghênh của các đại biểu. Tiếp đó, bên cạnh việc gặp gỡ, tiếp xúc cử tri, đồng chí Nguyễn Lương Bằng đã dành thời gian nói rõ ý nghĩa của Tổng tuyển cử và nêu rõ vai trò của công nhân, nông dân, trí thức trong xây dựng đất nước thống nhất.
Trong ngày Tổng Tuyển cử bầu Quốc hội (ngày 25/4/2076), sau khi hoàn thành nghĩa vụ công dân, đồng chí Nguyễn Lương Bằng đã ân cần thăm hỏi sức khỏe của cử tri và vui vẻ nói: Hôm nay là ngày hội lớn của nhân dân ta. Mỗi phiếu bầu cử là một vinh dự đồng thời là một trách nhiệm. Mỗi công dân, cử tri thực hiện tốt nghĩa vụ của mình, tích cực góp phần đưa cả nước tiến nhanh, tiến mạnh lên chủ nghĩa xã hội[3]. Đồng chí Nguyễn Lương Bằng là một trong những người có số phiếu bầu chiếm tỷ lệ cao nhất với 99,74%. Đồng chí Nguyễn Lương Bằng cùng đồng chí Nguyễn Hữu Thọ được bầu làm Phó Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa VI).
Quan tâm đến sản xuất, ổn định đời sống, phát huy quyền làm chủ của nhân dân
Trong phạm vi nhiệm vụ được phân công, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng rất quan tâm đến tình hình phát triển kinh tế, xã hội và cách thức lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền, đặc biệt là đời sống của nhân dân ở các địa phương. Sau khi Hiệp định Pari được ký kết (27/01/1973), đồng chí đã thăm và làm việc tại nhiều địa phương, để thăm hỏi và động viên nhân dân, quân đội khắc phục khó khăn, tận dụng điều kiện hòa bình ổn định để khôi phục và phát triển sản xuất, thực hiện đầy đủ trách nhiệm hậu phương đối với cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam và thống nhất Tổ quốc. Những nơi đồng chí Nguyễn Lương Bằng đã đến thăm, làm việc, đồng bào, cán bộ, chiến sĩ ở các địa phương đều cảm nhận được phong cách lãnh đạo của một lãnh đạo Nhà nước gần gũi với thực tế, quan tâm và thương yêu nhân dân, cũng như lối sống trong sáng và giản dị của đồng chí. Ngoài ra, mỗi khi có cơ hội thăm cơ sở, Phó Chủ tịch nước luôn kiểm tra và nhắc nhở các cấp, ngành, địa phương tuân thủ tốt chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với những người có công với cách mạng; khen ngợi và động viên nông dân, công nhân hăng hái lao động sản xuất, góp phần thực hiện thành công của kế hoạch Nhà nước.
Khi đã trên 70 tuổi, sức khỏe có phần giảm sút, nhưng đồng chí Nguyễn Lương Bằng vẫn ra sức thực hiện các nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước phân công. Một trong những điều vẫn luôn luôn thường trực trong suy nghĩ và hành động của đồng chí là làm sao các cơ quan nhà nước phải thực sự tôn trọng quyền làm chủ của người dân, thực sự đại diện cho quyền lợi của người dân và phục vụ hiệu quả những nguyện vọng chính đáng của người dân. Để thực hiện điều này, đồng chí đã nhiều lần đi thăm và làm việc với các địa phương; trong đó, trong chuyến về thăm và làm việc tại huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương (năm 1977), đồng chí nêu một số ý kiến để Đảng bộ và chính quyền huyện thực hiện; đồng thời, đồng chí chỉ rõ cán bộ, đảng viên cần phải tiếp tục nghiên cứu sâu hơn nữa đường lối chung về cách mạng xã hội chủ nghĩa; cần phải phát huy quyền làm chủ của nhân dân và xác định: Đây là một vấn đề quan trọng của nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới.
Đóng góp trên lĩnh vực đối ngoại
Sau khi Hiệp định Pari được ký kết, nhiều nước trên thế giới đã thiết lập quan hệ ngoại giao với nước ta ở cấp đại sứ. Là người am hiểu về công tác ngoại giao do đã từng có thời gian làm Đại sứ đầu tiên nước Việt Nam tại Liên Xô (1952-1956) và do Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng đã trên 80 tuổi nên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng thường chủ trì các buổi lễ tiếp Đại sứ các nước đến chào, trình quốc thư, trình công hàm. Trong các buổi lễ trình Quốc thư và gặp gỡ Đại sứ các nước, đồng chí đã giải thích rõ ràng và thể hiện lập trường chính nghĩa, tinh thần thiện chí của Chính phủ và nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, bày tỏ mong muốn hòa bình của nhân dân Việt Nam. Qua các hoạt động ngoại giao này, đồng chí Nguyễn Lương Bằng đã tăng cường sự hiểu biết và ủng hộ từ cộng đồng quốc tế đối với nỗ lực chính nghĩa của nhân dân Việt Nam, đóng góp to lớn vào việc củng cố, tăng cường quan hệ hữu nghị quốc tế của nước ta.
Tích cực xây dựng Đảng vững mạnh về tư tưởng, chính trị và tổ chức
Bên cạnh nhiệm vụ và chức trách mới về Nhà nước, một trong những hoạt động trọng tâm của đồng chí Nguyễn Lương Bằng vẫn là tiếp tục đảm nhiệm chức trách đứng đầu Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng với nỗ lực góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, xây dựng chính quyền nhà nước từ Trung ương đến địa phương. Từ rất sớm, đồng chí đã khẳng định: công tác xây dựng Đảng là một nhiệm vụ rất to lớn, rất quan trọng của toàn Đảng, làm tốt công tác này sẽ có tác dụng thúc đẩy mọi mặt công tác khác. Trên cơ sở quan điểm Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác xây dựng Đảng, đồng chí Nguyễn Lương Bằng đã nhấn mạnh vai trò, vị trí của công tác xây dựng Đảng. Đồng chí nói: Công tác xây dựng Đảng là một nhiệm vụ rất to lớn, rất quan trọng của toàn Đảng. Với kinh nghiệm thực tiễn trong công tác kiểm tra của Đảng, khi đề cập tới công tác xây dựng Đảng, đồng chí đã thẳng thắn chỉ ra bên cạnh những ưu điểm, cán bộ, đảng viên cần phải khắc phục những tồn tại, hạn chế ở nhiều mặt công tác. Nhằm góp phần làm cho công tác xây dựng Đảng được thực hiện tốt, đồng chí Nguyễn Lương Bằng đã xác định phải chú trọng đến hai nội dung là: xây dựng cán bộ, đảng viên và xây dựng tổ chức.
Về xây dựng cán bộ đảng viên phải không ngừng nâng cao chất lượng về mọi mặt: chính trị, tư tưởng, năng lực, nghiệp vụ, phẩm chất đạo đức. Cụ thể, cần chú ý: thứ nhất, phải thường xuyên giáo dục, tổ chức học tập nâng cao trình độ của cán bộ, đảng viên trên cơ sở “phát động nghĩa vụ học tập của cán bộ, đảng viên, đưa phong trào học tập vào nền nếp”; thứ hai, về đạo đức cách mạng, phải có sự thông suốt nhất trí cách về mối quan hệ giữa đạo đức và năng lực, các nội dung của đạo đức cách mạng để có phương hướng tu dưỡng, rèn luyện đúng đắn; thứ ba, phải xây dựng tốt sự đoàn kết thống nhất, nâng cao ý thức tổ chức kỷ luật trong Đảng; thứ tư, phải làm cho cán bộ, đảng viên củng cố được mối quan hệ mật thiết với quần chúng, tôn trọng quần chúng, chăm lo đến quyền lợi của quần chúng, đặc biệt coi trọng vai trò của quần chúng trong việc đóng góp ý kiến nhận xét, phê bình và xây dựng đối với đảng viên. Về xây dựng tổ chức, phải tập trung vào hai vấn đề: thứ nhất, kiện toàn bộ máy làm việc cả trong bộ máy tổ chức Đảng, bộ máy Nhà nước và các tổ chức quần chúng; thứ hai, cải tiến lề lối làm việc của các cơ quan Đảng và Nhà nước, các tổ chức quần chúng, đặc biệt là phải xây dựng nội quy công tác, quy định rõ chức trách nhiệm vụ của mỗi cơ quan, mỗi bộ phận và cá nhân, đồng thời có sự kết hợp, phối hợp thường xuyên giữa các Ban giúp việc cấp ủy về công tác xây dựng Đảng, định kỳ các cấp ủy nghe các Ban chuyên môn báo cáo về công tác xây dựng Đảng và mọi hoạt động phải có sơ kết, tổng kết. Có thể thấy, đây là những quan điểm rất đúng đắn và phù hợp với công tác xây dựng Đảng ở nước ta. Cho đến hiện nay, những quan điểm trên vẫn có ý nghĩa rất thiết thực đối với công tác xây dựng Đảng.
Tấm gương về một người cán bộ không mưu cầu danh lợi
Không hám hư danh, không màng tư lợi, suốt đời hy sinh phấn đấu vì lợi ích của dân tộc và hạnh phúc của nhân dân, vì sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc, đó là động cơ, là mục tiêu phấn đấu của đồng chí Nguyễn Lương Bằng. Tận tụy và trách nhiệm trong việc hoàn thành nhiệm vụ cao cả mà Đảng và nhân dân đã tín nhiệm giao, nên khi tuổi đã cao và sức khỏe giảm sút, đồng chí Nguyễn Lương Bằng luôn suy tư, trăn trở làm sao để bản thân có thể đáp ứng được những yêu cầu ngày càng cao của cách mạng. Do đó, đồng chí Nguyễn Lương Bằng đã đề nghị Bộ Chính trị sắp xếp công việc một cách phù hợp với tình hình sức khỏe[4]. Khi biết Đảng quyết định triệu tập Đại hội lần thứ IV và chuẩn bị cho bầu cử Quốc hội khóa V, đồng chí viết thư gửi Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đồng kính gửi các đồng chí trong Ban Bí thư Trung ương Đảng, để "bày tỏ tâm tư, nguyện vọng" của mình. Trong thư, đồng chí Nguyễn Lương Bằng đã thể hiện niềm vinh dự khi được tham gia và chứng kiến những trang sử vĩ đại về cuộc đấu tranh cách mạng của dân tộc do Đảng lãnh đạo; đồng thời, đồng chí đã khiêm tốn trình bày lý do chưa dự học về lý luận cách mạng có hệ thống cũng như về công tác nghiệp vụ, chuyên môn; cộng thêm yêu cầu của cách mạng ngày càng cao. Đồng chí cho rằng, khả năng hạn chế, không đủ sức để làm tròn trách nhiệm mà cứ chủ quan, tự đắc nhận lấy chức vị theo kiểu tham quyền cố vị thì sẽ gây khó khăn cho Đảng và Nhà nước, như vậy là không trung thực với Đảng, là trái với lương tâm của mình. Tuy nhiên, Bộ Chính trị và Ban Bí thư Trung ương Đảng vẫn đề nghị đồng chí Nguyễn Lương Bằng tiếp tục nhiệm vụ và yêu cầu đồng chí tiếp tục ra ứng cử đại biểu Quốc hội khóa V và tiếp tục được bầu làm Phó Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa V).
Tấm gương về lối sống giản dị
Qua những câu chuyện được kể lại bởi gia đình, người thân, những đồng chí của Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng đã làm sáng rõ sự giản dị, gần gũi trong cách ứng xử của đồng chí. Khi được bầu làm Phó Chủ tịch nước, theo quy định, đồng chí Nguyễn Lương Bằng được hưởng các tiêu chuẩn như thay xe ô tô mới và chuyển đổi sang nhà ở mới. Tuy nhiên, đồng chí đã từ chối và cho rằng chiếc xe ô tô hiện tại của mình vẫn chạy tốt và nhà ở hiện tại đã đủ rộng rãi không cần phải thay đổi. Những người xung quanh không xa lạ với hình ảnh một Phó Chủ tịch nước đi làm bằng xe đạp đến Phủ Chủ tịch mỗi sáng và chỉ yêu cầu sử dụng xe ô tô công vụ khi cần thiết.
Trong những năm tháng Hà Nội bị máy bay Mỹ ném bom ác liệt, những người con của Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng phải đưa đi sơ tán xa. Mỗi cuối tuần, vợ chồng Phó Chủ tịch nước lại lần lượt thay nhau đi lên nơi sơ tán để thăm các con. Dù hoàn toàn có thể yêu cầu lái xe của Phủ Chủ tịch đưa đi, nhưng đồng chí không làm như vậy. Thay vào đó, mỗi buổi sáng cuối tuần, Phó Chủ tịch nước ra bến xe khách để bắt xe lên nơi sơ tán thăm con. Đồng chí luôn ăn mặc giản dị, cử chỉ và cách nói chuyện của đồng chí trên xe khách như một người bình thường, gần gũi với bà con trên xe. Câu chuyện về vị Phó Chủ tịch nước đi xe khách đã trở thành một trong những giai thoại về “Anh Cả - Sao Đỏ” - một người cả đời chưa bao giờ nghĩ đến việc vun vén lợi ích cá nhân cho mình.
Với tính cách giản dị và thanh liêm tuyệt đối, mỗi khi nhận quà tặng từ các đoàn khách nước ngoài, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng luôn để lại Phủ Chủ tịch chứ không bao giờ mang về nhà. Do đó, tất cả các vật dụng trong nhà đều được vợ ông, bà Thục Trinh, khéo léo vun vén và tiết kiệm mua từng món một. Ngay cả sau khi ông qua đời và gia đình chuyển về căn nhà ở Đội Cấn nhiều năm sau, không gian vẫn chỉ trang trí với vài món đồ giản dị như vậy. Qua những câu chuyện nhỏ như thế, có lẽ bất cứ ai cũng có thể hiểu, vì sao khi nhắc đến vợ chồng cố Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng - “Anh Cả, Sao Đỏ”, đồng chí, đồng bào lại nghĩ ngay đến hai con người cả đời hi sinh cho cách mạng mà chưa từng nghĩ đến chuyện vun vén lợi ích cá nhân.
Trong suốt cuộc đời hoạt động của mình, đồng chí Nguyễn Lương Bằng đã cống hiến toàn bộ sức lực và trí tuệ cho Đảng và cách mạng, dù ở bất cứ cương vị nào đồng chí luôn hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân. Trên cương vị Phó Chủ tịch nước, đồng chí đã có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp giải phóng đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cũng như trong công tác xây dựng Đảng. Đồng chí trút hơi thở cuối cùng vì tuổi cao, sức yếu vào hồi 3 giờ 50 phút ngày 20/7/1979. Để tưởng nhớ công lao của đồng chí với đất nước, dân tộc, Đảng và Nhà nước đã tổ chức Lễ Quốc tang đồng chí.
Trong hơn nửa thế kỷ hoạt động cách mạng, từ khi bắt đầu cho đến khi trút hơi thở cuối cùng, Anh Cả, Sao Đỏ - Nguyễn Lương Bằng luôn là tấm gương sáng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, kiên trung, tận tụy và hết lòng phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Đồng chí xứng đáng là người cán bộ, đảng viên mẫu mực và là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh./.

[1] Anh cả Nguyễn Lương Bằng, Nxb. Thông tấn, Hà Nội, 2009, tr.101.

[2] Hiến pháp Việt Nam (năm 1946, 1959, 1980 và năm 1992), Nxb. CTQG, Hà Nội, 1995, tr.51-52
[3] Theo Báo Nhân dân, ngày 26/4/1976, số 8025, tr.1.
[4]  1. Ngày 28-6-1973, đồng chí Nguyễn Lương Bằng gặp đồng chí Lê Văn Lương - Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng - để trình bày nguyện vọng của mình.
2. Ngày 31-5-1974, đồng chí Nguyễn Lương Bằng gặp Thủ tướng Phạm Văn Đồng trao đổi công tác và trình bày về điều kiện sức khỏe, năng lực công tác và đề nghị giao nhiệm vụ phù hợp.
3. Ngày 23-6-1974, làm việc với đồng chí Trường Chinh, đồng chí Nguyễn Lương Bằng bày tỏ về tình hình sức khỏe và đề nghị giao nhiệm vụ phù hợp.
4. Ngày 7-7-1974, đồng chí Nguyễn Lương Bằng làm việc với đồng chí Lê Duẩn và bày tỏ về tình hình sức khỏe, đề nghị bố trí công tác phù hợp.

Phạm Thanh Hà

Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước
https://dangcongsan.vn

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Khát vọng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước di nguyện cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước lúc Người “đi xa” (Phần 2 và hết)

Khát vọng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước di nguyện cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước lúc Người “đi xa” (Phần 2 và hết)

  • 12/07/2019 08:46
  • 6541

Nền độc lập dân tộc tồn tại không được bao lâu, thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta một lần nữa. Ngày 23 tháng 9 năm 1945, chúng nổ súng đánh chiếm Nam Bộ sau đó mở rộng ra cả nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng quyết định phát động cuộc kháng chiến toàn quốc.

Bài viết khác

Nhãn quan chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Nhãn quan chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh

  • 01/04/2024 09:01
  • 1423

Tròn bảy thập kỷ đã trôi qua, Chiến thắng Điện Biên Phủ mãi là biểu tượng sáng ngời của dân tộc Việt Nam quật cường, bất khuất. Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, đỉnh cao của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, trước hết là thắng lợi của đường lối chính trị, đường lối quân sự đúng đắn và sáng tạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh.