Trong lịch sử chống Pháp của quân dân Thủ đô nói riêng, của quân dân cả nước nói chung, Khu XI có một vị trí quan trọng ở thời kỳ đầu cuộc kháng chiến. Do đó, chúng tôi muốn làm sáng rõ thêm những đóng góp của quân dân khu XI từ khi được thành lập đến khi sáp nhập vào Liên khu III (tháng 10/1946 đến tháng 1/1948)
* Xây dựng thế trận trong đánh ngoài vây
Sau khi ký Tạm ước 14/9/1946 với Chính phủ Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng nhận định: "Nhất định không sớm thì muộn, Pháp sẽ đánh mình và mình cũng nhất định phải đánh Pháp", do đó Đảng, Chính phủ đã lãnh đạo toàn dân gấp rút chuẩn bị kháng chiến.
Sau Hội nghị Quân sự toàn quốc (19/10/1946), thi hành quyết định của Trung ương, cả nước chia thành 12 chiến khu (sau đó thường gọi tắt là khu), trong đó, Bắc Bộ có ba chiến khu I, II, III, X, XII. Khu đặc biệt Hà Nội được gọi là Chiến khu XI. Hà Đông, Sơn Tây nằm trong Chiến khu II. Ở Hà Nội, đồng chí Nguyễn Văn Trân được cử làm Bí thư khu uỷ kiêm Chủ tịch Uỷ ban bảo vệ khu XI, đồng chí Lê Quang Đạo là Phó Bí thư, đồng chí Vương Thừa Vũ được cử làm Chỉ huy trưởng Mặt trận khu XI. Sự kiện này đã được đồng chí Vương Thừa Vũ ghi trong sách “Hà Nội 60 ngày khói lửa”: “Tháng 11 năm 1946, không khí Thủ đô Hà Nội vô cùng căng thẳng. Giữa lúc ấy, tại ngôi nhà ở gần đầu cầu (về phía Hà Nội) của thị xã Hà Đông, có một cuộc họp quan trọng… Đồng chí Trường Chinh nói: “Giặc Pháp chuẩn bị gấp rút lắm, trước sau thế nào nó cũng đánh ta. Trung ương giao cho đồng chí Vương Thừa Vũ làm Khu trưởng khu XI (Khu Hà Nội), tổ chức chuẩn bị sẵn sàng đề phòng chúng trở mặt gây chiến”(…). Bảy ngày sau, 19/11/1946, tại Lò Lợn, trụ sở của cơ quan chỉ huy Khu XI, đồng chí Lê Quảng Ba nguyên chỉ huy trưởng của Khu, chính thức bàn giao nhiệm vụ”(1). Chiến khu XI chính thức được ra đời.
Trung ương Đảng và Bộ tổng chỉ huy giao nhiệm vụ quan trọng cho khu uỷ và Ban chỉ huy mặt trận khu XI là: giành thế chủ động, chiến đấu tiêu hao và giam chân địch trong thành phố ít nhất là một tháng, tạo điều kiện cho cả nước đi vào cuộc kháng chiến lâu dài, đồng thời tạo điều kiện cho Trung ương Đảng và Chính phủ rút lên chiến khu Việt Bắc an toàn.
Thực hiện nhiệm vụ chiến lược trên, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Trung ương Đảng, Khu uỷ và Ban chỉ huy khu XI đã gấp rút chuẩn bị mọi mặt cho cuộc Tổng giao chiến như Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết trong tác phẩm Chiến đấu trong vòng vây - giữa ta và thực dân Pháp trên Mặt trận Hà Nội: “Trận đánh ở Thủ đô nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phải tiêu biểu cho tinh thần kháng chiến của cả nước.”
Ngay trong tháng 11, các cơ quan Trung ương và thành phố, các nhà máy, xí nghiệp tiến hành công tác "tổng di chuyển" , đưa máy móc, hồ sơ kỹ thuật lên Việt Bắc để tiếp tục sản xuất. Nhân dân cũng được tản cư theo kế hoạch của Uỷ ban tản cư thành phố ra Hà Đông, lên Sơn Tây, Vĩnh Yên, sang Hưng Yên, Bắc Ninh... đảm bảo tính mạng của cả gia đình khi rời xa thành phố. Cán bộ, đảng viên, tự vệ và đông đảo nhân dân khu XI đã tham gia vận chuyển máy móc, kho tàng, nguyên vật liệu, hồ sơ từ nội thành theo các tuyến đường số 11, số 6, số 21 lên Hoà Bình, Phú Thọ, Việt Bắc; đồng thời giúp đỡ bà con nội thành tản cư chỗ ăn ở, nhường cơm sẻ áo trong lúc hoạn nạn, khó khăn. Các làng Vạn Phúc, Xuyên Dương, Hậu Ái, Cần Kiệm, Chúc Sơn... là nơi các cơ quan Trung ương và thành phố đặt trụ sở làm việc chỉ đạo cuộc kháng chiến của khu XI. Cuối tháng 11/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rời nội thành về làm việc tại làng Hậu Ái, xã Thọ Nam (nay là xã Vân Canh, Hoài Đức).
Chỉ thị của Chính phủ về cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp,
ngày 20-12-1946
Đến cuối tháng 11, Mặt trận Hà Nội chia thành ba Liên khu I, II, III theo thế trận "trong đánh ngoài vây, trong ngoài cùng đánh". Do đó lực lượng vũ trang trong thành phố có 5 tiểu đoàn Vệ quốc đoàn với 2.500 cán bộ chiến sĩ, 4 trung đội pháo binh đóng ở 4 pháo đài (Láng, Xuân Tảo, Xuân Canh, Thổ Khối) và 9.000 Tự vệ thành, Tự vệ xí nghiệp, 7 trung đội Tự vệ chiến đấu Hoàng Diệu với 400 đội viên và Trung đội Công an xung phong có nhiệm vụ phối hợp với Vệ quốc đoàn bảo vệ các vị trí quan trọng ở ba liên khu nội thành theo cách bố trí lực lượng độc đáo do chính đồng chí Vương Thừa Vũ đề xuất với Bộ Tổng chỉ huy: “Tiểu đoàn 101 trụ ở Liên khu I như hạt nhân; quân địch ở bao quanh như cùi; bốn tiểu đoàn (77; 212;145;523) bọc xung quanh như vỏ. Ý định phòng thủ Hà Nội vô cùng độc đáo ấy được Trung ương trực tiếp chỉ đạo và Bộ chỉ huy mặt trận Hà Nội tiến hành, kẻ địch không bao giờ nghĩ tới” (2)
12 Đội cảm tử được thành lập ở nội thành để đánh xe tăng địch. Các làng xã ngoại thành đều tổ chức đại đội tự vệ với vũ khí thô sơ.
Hà Đông có trung đoàn Vệ quốc đoàn 35 và 37 bảo vệ vòng ngoài - đứng chân trên các cửa ô phía tây và tây bắc thành phố. Trung đoàn 56 từ thị xã Hà Đông được lệnh hành quân vào nội thành để chi viện cho liên khu II và III. Đầu tháng 12/1946 các huyện Từ Liêm, Hoài Đức, Đan Phượng, Thanh Trì đều có một trung đội Quyết tử quân, sẵn sàng chiến đấu. Các khu căn cứ ở Ba Vì thuộc Chiến khu II - hậu phương của mặt trận Hà Nội cũng được xây dựng để chuẩn bị cho Trung ương rút lên Việc Bắc theo bến Trung Hà.
Trong nội thành tự vệ đào hào, đắp ụ, đục tường từ nhà nọ sang nhà kia thành thế trận liên hoàn. Đến trung tuần tháng 12, về cơ bản, mọi công việc chuẩn bị đã hoàn thành. Ngày 15/12/1946, Khu uỷ và Ban chỉ huy Mặt trận khu XI họp kiểm điểm và bổ khuyết kế hoạch sẵn sàng chiến đấu. Ngày 16/12/1946, Vệ quốc quân làm lễ tuyên thệ "Quyết tử để bảo vệ Thủ đô". Ngày 17/12/1946, thực dân Pháp tiến công tự vệ, tàn sát nhân dân phố Hàng Bún, Yên Ninh. Ngày 18/12/1946 chúng đưa tối hậu thư đòi tước vũ khí tự vệ, chiếm Sở Công an Hà Nội, nắm quyền kiểm soát trong thành phố. Tự vệ thành Hoàng Diệu họp bất thường, ra quyết nghị: "Thề sống chết với Thủ đô”. Kế hoạch phá Nhà máy điện Yên Phụ và bắn đại bác từ pháo đài Láng làm hiệu lệnh chiến đấu cho toàn thể quân dân Thủ đô đêm 19/12/1946 đã được phê chuẩn.
* Bám trụ chiến đấu ở ba liên khu phố nội thành
Ngày 18 và 19-12-1946, Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp hội nghị mở rộng tại Vạn Phúc (Hà Đông) đã quyết định cả nước kháng chiến lâu dài chống thực dân Pháp xâm lược.
Ngày 19-12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”. Đài Tiếng nói Việt Nam đặt tại Chùa Trầm (Chương Mỹ) đã phát đi lời kêu gọi của Bác. Hịch cứu nước đã đi vào lòng mọi người, đồng lòng, quyết tâm chống thực dân Pháp xâm lược nước ta một lần nữa.
20 giờ 3 phút đêm 19-12-1946, công nhân nhà máy điện phá máy. Đèn điện trong thành phố phụt tắt, đó cũng là hiệu lệnh chiến đấu. Cả thành phố nổ tung. Từ các pháo đài Láng, Xuân Tảo, Xuân Canh, Thổ Khối, pháo binh ta bắn vào các vị trí trong thành và một số nơi khác. Các lực lượng Vệ quốc đoàn, Công an xung phong, Tự vệ đồng loạt tiến công các vị trí giặc theo kế hoạch đã phân công. Nhân dân các phố quẳng các kiện hàng, khênh bàn, tủ, giường, ghế làm ụ chiến đấu ở các ngã ba, ngã tư. Các trục đường giao thông chính trong thành phố bị chặt đứt nhiều đoạn. Nhân dân các khu phố tình nguyện chiến đấu bên cạnh lực lượng vũ trang. Bà con ngoại thành nổi trống liên hồi từ hàng này sang hàng khác gây thanh thế tiếp ứng cho nội thành.
Ở thị xã Hà Đông (nay là quận Hà Đông), đường tàu điện Hà Nội - Hà Đông bị bóc dỡ. Các trung đội tự vệ được huy động cho vùng Mọc - Ngã Tư Sở - Ô Chợ Dừa để chặn các mũi tấn công của địch.
Cả Hà Nội đã anh dũng đứng lên kháng chiến cứu nước. Địch bị giáng một đòn bất ngờ. Từ 19 đến 22/12/1946, cuộc chiến đấu diễn ra ác liệt ở ba liên khu phố nội thành, trong đó tập trung ở những vị trí quan trọng như: Bắc Bộ Phủ, trụ sở Bộ Quốc Phòng ở 40 Hàng Bài, trụ sở Ủy ban hành chính thành phố, trường Trưng Vương, Cửa Nam - Đấu Xảo, chợ Hôm, dốc Hàng Kèn, trụ sở Bộ Tổng Tham mưu (18 Nguyễn Du). Chiến đấu được 5 ngày thì đến 23/12. Ban chỉ huy Mặt trận Hà Nội điều động, tổ chức các lực lượng vũ trang, hình thành thế trận “trùng độc chiến”: các lực lượng vũ trang của ta chiến đấu ở liên khu phố 1 kiên cường trụ lại ở trung tâm Thành phố chiến đấu, trở thành các chốt thép giữa lòng địch. Các lực lượng chiến đấu ở liên khu phố 2 và 3, lui ra bám chắc các cửa ô, dựa vào ngoại thành tạo nên một vành đai vây hãm giặc, phối hợp tác chiến với Liên khu phố 1, thực hiện trong ngoài cùng đánh. Hà Nội chiến đấu được 5 ngày thì Bộ Tổng chỉ huy chỉ thị cho đồng chí Vương Thừa Vũ, nhận lệnh mới: “Sáp nhập khu XI vào Khu II. Mặt trận Hà Nội trở thành tiền phương của Khu II. Khu vực tiền phương của Khu II bao gồm Hà Nội, Hà Đông, Sơn Tây. Đồng chí Vương Thừa Vũ là Khu phó khu II, trực tiếp chỉ huy khu vực tiền phương”(3)
Quyết tử quân thề kiên quyết sống chết giữ vững Thủ đô, 12-1946
Lực lượng tự vệ của 5 khu ngoại thành (Lãng Bạc, Đại La, Đống Đa, Mê Linh, Đề Thám), thị xã Hà Đông và các huyện Hoài Đức, Thanh Trì đã tăng cường cho Vệ quốc đoàn, bám trụ ở các vị trí quan trọng trên vành đai ven nội như Ngã Tư Vọng, nhà thương Bạch Mai, Sở Vô tuyến Điện Bạch Mai, chợ Mơ (phía nam), Đông Mác, Lò Lợn (phía đông nam), Thụy Khuê, Yên Phụ (phía đông bắc), Kim Mã, Ngọc Hà, Bưởi, Cầu Giấy (phía tây), Ngã Tư Sở, Ô Chợ Dừa (phía tây nam). Hình thái chiến tranh nhân dân, kết hợp “trong ngoài cùng đánh” thể hiện rất rõ trên trận địa ven nội. Kế hoạch “Chiến tranh chợp nhoáng” của địch bước đầu bị phá sản.Trong lúc chờ quân tiếp viện từ Hải Phòng lên, từ 30-12-1946 đến 6-1-1947, giặc Pháp cố dồn sức đánh ra các cửa ô. Quân ta đã chặn đánh địch quyết liệt giành đi giật lại từng tấc đất trên vành đai các cửa ô: Ô Chợ Dừa (30-12-1947), Vĩnh Tuy (3-1-1947), Giảng Võ (6-1-1947).
Được Trung ương Đảng và Bộ Tổng chỉ huy chỉ đạo sát sao, Khu ủy và Ban chỉ huy khu XI quyết tâm vừa chiến đấu vừa xây dựng, giữ vững thế trận, kéo dài thời gian kìm giữ chân địch.
Giữa tháng 1-1947, sau khi đánh thông đường số 5, có thêm quân từ Hải Phòng tiếp viện, địch quyết tiêu diệt lực lượng ta ở Hà Nội. Từ 15-1-1947, địch liên tiếp mở những đợt tiến công mới trên con đường vòng cung: Vĩnh Tuy, ngã tư Trung Hiền, Ngã Tư Vọng, Ngã Tư Sở, Ô Cầu Giấy, Bưởi, Nhật Tân. Đến 25-1-1947, chiếm được Nhật Tân, địch đã kiểm soát được con đường vòng cung bao quanh Thành phố.
Từ 6-2 đến 14-2-1947, thực dân Pháp huy động một lực lượng lớn bộ binh có xe tăng, trọng pháo, máy bay yểm trợ mở đợt tổng công kích vào Liên khu phố 1. Chúng đánh nhà Xôva (Sauvage), Trường Ke (Quai), Hàng Thiếc, chợ Đồng Xuân. Trong vòng vây của địch, quân dân Liên khu phố 1 không sờn lòng trước mọi khó khăn gian khổ, hy sinh, liên tục bẻ gẫy nhiều đợt tiến công của địch.
Ngày 15-2-1947, Ban chỉ huy Liên khu 1 nhận được Chỉ thị của Bác Hồ và lệnh của Bộ Tổng chỉ huy cho lực lượng chiến đấu rút khỏi Hà Nội trở về hậu phương xây dựng lực lượng lớn mạnh hơn nữa để kháng chiến lâu dài.
Đêm 17-2-1947, Đội liên lạc Nguyễn Ngọc Nại đã dẫn đường cho Trung đoàn Thủ đô bí mật rút theo con đường quen thuộc mà các anh vẫn đêm đêm vào tiếp tế cho Trung Đoàn: từ đình Phất Lộc ra cột Đồng Hồ - qua gầm cầu Long Biên - men chân đê đến Tứ Tổng - sang Bãi Giữa. Ở Bãi Giữa, bộ đội được dân Tứ Tổng chờ đò qua sông rồi đi tiếp lên Tam Lạc -Tàm Xá và tập trung ở chùa Tàm Xá. Sau đó, bộ đội được dân Tàm Xá chở bằng thuyền Tam ban và thuyền Đinh, vượt sông Hồng sang bến Dâu thuộc xã Xuân Canh (Đông Anh) để ra vùng tự do.
5 giờ sáng 18/12, khi cơ quan Trung đoàn bộ và hai Tiểu đoàn 101, 102 đã qua sông, sang bến Dâu an toàn, đồng chí Vương Thừa Vũ báo cáo lên Bộ Tổng chỉ huy, coi như đã giành thắng lợi cơ bản(4). Tiểu đoàn 103 đi sau cùng, một số bộ đội đã qua được sông, một số bị lạc trong xóm làng của Tàm Xá, được dân Tàm Xá đưa về bến đò, chờ sang sông trong đêm 18-2-1947. Đêm ấy, Tiểu đội Nguyễn Ngọc Nại vẫn cắm chốt ở chùa Tàm Xá để bảo vệ bộ đội(5).
Sáng 19-2-1947, phát hiện quân ta rút ra khỏi Liên khu phố I, địch huy động lực lượng đuổi theo. Đội liên lạc Nguyễn Ngọc Nại đã anh dũng chiến đấu trên bãi dâu Tàm Xá, diệt 17 tên địch. Đội trưởng Nguyễn Ngọc Nại và 7 đồng chí đã hy sinh.
Chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô vượt sông Hồng, rút khỏi Hà Nội,
sáng ngày 18-2-1947
Cuộc chiến đấu anh hùng của quân dân khu XI trong 60 ngày đêm bám trụ ở ba liên khu phố, có sự yểm trợ và chia lửa của quân dân các tỉnh Bắc Ninh, Hà Đông, Hưng Yên, Vĩnh Yên đã thắng lợi, là một điển hình thành công của chiến tranh nhân dân trên mặt trận đô thị và là bài ca bất tử của tinh thần quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh.
Kim Thanh
Chú thích:
(1), (2): Vương Thừa Vũ: Hà Nội, 60 ngày khói lửa, NXBQĐND, H. 1964, tr 28-29 và tr 38.
(3), (4): Theo sách Trưởng thành trong chiến đấu của Trung tướng Vương Thữa Vũ. NXBHN tái bản năm 2006, tr 115, 139.
(5): Về sự kiện Đội liên lạc Nguyễn Ngọc Nại dẫn đường cho Trung đoàn Thủ đô và bảo vệ Trung đoàn, hy sinh: sau cuộc khảo sát của Phòng khoa học Quân khu Thủ đô và các cuộc Hội thảo do Bộ Tư lệnh Quân khu, phối hợp với các chuyên gia của Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam tổ chức, các sách lịch sử đã xuất bản từ năm 2006 đến nay, đã thống nhất đính chính sự kiện này. Cuộc chiến đấu của Đội Liên lạc trên bãi dâu Tàm Xá, bảo vệ cho Trung đoàn Thủ đô rút ra hậu phương an toàn diễn ra không phải vào sáng 18-2 mà là sáng 19-2-1947. Các anh hy sinh ở Tàm Xá, được dân chôn cất bên Bãi nhãn cổ, trên đất Xuân Canh. Năm 1993, Đảng bộ và nhân dân Xuân Canh đưa các anh về nghĩa trang liệt sĩ xã. Đến nay, mộ của Đội trưởng Nguyễn Ngọc Nại và 7 đội viên vẫn nằm trong nghĩa trang liệt sĩ xã Xuân Canh.