Thứ Ba, 03/12/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

03/04/2019 15:46 4606
Điểm: 5/5 (1 đánh giá)
Kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy Điện Biên, chấn động địa cầu”, tôi vẫn nhớ như in những lần may mắn được nghe ông Nguyễn Văn Trân, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng cung cấp mặt trận Điện Biên Phủ kể cho nghe chuyện mở đường để cho các chú voi chiến và lương thực thực phẩm vào thung lũng Điện Biên. Xuân này, ông mới đi xa, nhưng tôi vẫn như thấy dáng ông đang giở cho tôi xem bản đồ - những cung đường phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ được ông đánh dấu rất cẩn thận. Và kho chuyện xưa bắt đầu.

Ngày 27/7/1953, Hội đồng cung cấp mặt trận Trung ương được thành lập do Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng làm chủ tịch. Ông Trân đang phụ trách Thanh tra Chính phủ được cử sang làm Phó chủ tịch Hội đồng cung cấp Mặt trận kiêm Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (Ông Đào Trọng Kim vẫn làm Bộ trưởng, ông Lê Dung làm Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải). Hội đồng cung cấp mặt trận (HĐCCMT) có nhiệm vụ nghiên cứu, vạch kế hoạch, chỉ đạo việc huy động nhân lực, vật lực, bảo đảm giao thông vận tải phục vụ tiền tuyến.

 

Ông Nguyễn Văn Trân (1916-2018), nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng cung cấp mặt trận Điện Biên Phủ kiêm Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải

Lúc này, HĐCCMT được trên giao nhiệm vụ mở gấp con đường để bí mật vận chuyển pháo từ Lạng Sơn và lương thực, thực phẩm vào Điện Biên. Trong hoàn cảnh kháng chiến, ta rất thiếu cán bộ kĩ thuật. Hai ông Bùi Văn Các và Lê Khắc đã học trường Cao đẳng Công chính Đông Dương, lại có sự giúp đỡ của các đồng chí chuyên gia Trung Quốc, đã thiết kế tuyến đường bộ từ Khánh Khê (Lạng sơn) sang Thái Nguyên -Tuyên Quang (bến Bình Ca) -Yên Bái (bến Âu Lâu) - qua đèo Lũng Lô - đến bến Tạ Khoa - ra Cò Nòi nhập với đường 6 lên Sơn La - Tuần Giáo - Điên Biên.


Đoàn xe đạp thồ của dân công tỉnh Thanh Hóa vận chuyển lương thực phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ, năm 1954

Tôi còn nhớ ông Trân giở bản đồ chỉ cho tôi xem con đường mới mở bằng các phương tiện thô sơ của gần 20 vạn dân công và thanh niên xung phong rồi nói: “ Tuyến đường từ Khánh Khê vắt ngang sang - Lũng Lô ra Cò Nòi  nối với đường 6 là sáng kiến hay, rất thiết thực, hiệu quả để thông  các tuyến đường, bí mật đưa pháo sát thung lũng Mường Thanh”.

Tôi chợt nhớ hai câu thơ “Dốc Pha Đinh chị gánh anh thồ/ Đèo Lũng Lô anh hò chị hát” của cố thi sĩ Tố Hữu. Ông gật gù tâm đắc: “Đúng thế đấy. Bộ chỉ huy Pháp tiếp tế cho quân ở Điện Biên bằng đường hàng không, không thể hiểu nổi vì sao ta kéo pháo được vào lòng Điện Biên; vì sao ta vận chuyển được súng đạn, lương thực, thực phẩm lên mặt trận, đảm bảo cho bộ đội đánh thắng trong trận chung kết lịch sử này”.


Đoàn dân công phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ

 Dân công, thanh niên xung phong, cán bộ, công nhân ngành giao thông vận tải đã kiên cường giữ vững tuyến đường bảo đảm thông xe, thông phà. Đội 34 và đội 40 của Thanh niên xung phong rải quân trên các cung đường dài 300 km, mà trọng điểm là đèo Pha Đin, ngã ba Cò Nòi, cầu Tà Vài, trục đường Tuần Giáo - Điện Biên, bằng mọi giá đảm bảo mạch máu giao thông thông suốt. Các ông Trịnh Văn Huyền, Cao Xuân Thọ, Trần Cam, Nguyễn Tiến Thụ, Đinh Trung Khải là những kiện tướng phá bom. Đường vận chuyển từ hậu phương ra hoả tuyến được  chia thành 3 tuyến: Tiền tuyến: Do tổng cục cung cấp phụ trách; Trung tuyến: Do Hội đồng cung cấp mặt trận phụ trách; Hậu tuyến: Do các khu III, IV, Tây Bắc phụ trách.


Xe đạp thồ, ông Bùi Tín, dân công tỉnh Thanh Hóa dùng vận chuyển lương thực phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ, năm 1954 (HV BTLSQG)

 Trong cả chiến dịch, tuyến đường do Hội đồng cung cấp mặt trận phụ trách đã vận tải được 1.542.734 tấn/km với các phương tiện vận tải thô sơ là chính (xe ngựa, xe trâu bò, ngựa thồ, thuyền, xe đạp ). Xe ô tô lúc này chỉ có hơn 100 xe (kể cả 41 xe quân sự ) một con số rất khiêm tốn so với 29.991 xe đạp thồ.

Đã có nhiều cá nhân và tập thể đạt thành tích xuất sắc trong những ngày “mưa dầm, cơm vắt”. Đồng chí Ninh, một đêm lái xe 145 km. Đồng chí Sỹ, một đêm đi 3 chuyến, vượt đèo Lũng Lô 138 km bằng chiếc xe than. Đồng chí Ty, thồ 320 kg trên chiếc xe đạp. Đại đội 32 và đại đội 6 thường bảo đảm cung độ, tiết kiệm xăng dầu, tự sửa chữa xe chạy cho chiến dịch. Gạo, thịt, muối từ Nậm Cúm về, từ Hoà Bình lên, từ Tuyên Quang sang, ngày đêm chảy về Điện Biên. Những tuyến đường mới mở có ý nghĩa quan trọng, để đưa pháo và thực phẩm từ Lạng Sơn vào Điện Biên Phủ. Con đường dài 300 km, được mở chỉ trong vài tháng. Không thể hình dung hết, tính đếm hết bao nhiêu máu và mồ hôi của các chiến sĩ và dân công đã đổ xuống cho con đường, cho những chuyến vận tải chở hành hoá và những chú “voi chiến”. Sức mạnh để làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ - trận Oa téc lô của thế kỉ XX ở Việt Nam - bắt nguồn từ những người dân, người chiến sĩ, Kinh có, Tày Nùng, Thái, Mường đều có đã hy sinh lặng lẽ “không sờn lòng, không tiếc nuối tuổi xanh” vì độc lập của Tổ quốc.

Bến Bình Ca, bến Âu Lâu, đèo Lũng Lô, đèo Pha Đin - những địa danh đã ghi sâu vào kí ức của ông Trân và các đồng chí, đồng đội của ông - những người lính già đã đi qua hai cuộc trường chinh chống Pháp và Mĩ. Lại nhớ lời ông và thần thái nét mặt khi ông tâm đắc bảo tôi: “Cháu có nhớ trong lịch sử khi nhà Trần đánh quân Nguyên, Trần Hưng Đạo tổ chức cho quân sĩ chặn đánh đoàn thuyền lương của Trương Văn Hổ triệt hậu cần địch làm thế giặc suy yếu hẳn. Đến trận Điên Biên Phủ, Pháp tập trung lực lượng ở giữa lòng chảo Điên Biên đã sai lầm, không tính đến sức mạnh kháng chiến của toàn dân. Ta đã mở đường thắng lợi, giữ vững mạch máu giao thông lên Điện Biên thông suốt, bảo đảm vận chuyển vũ khí, lương thực, thực phẩm theo yêu cầu của mặt trận, góp phần quan trọng vào chiến công vĩ đại của dân tộc “.


Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, ngày 7-5-1954

 Ngày 7/5/1954, ông có mặt tại Điện biên Phủ trong giờ phút chiến thắng huy hoàng, hân hoan, xúc động trào nước mắt. Và hôm nay, nhớ câu chuyện ông kể, tôi chợt liên tưởng câu thơ xưa đầy hào sảng khi tướng sĩ thời Trần đánh tan giặc Nguyên Mông đã từng chinh phục châu Á - châu Âu: “Xã tắc hai phen bon ngựa đá/ Non sông muôn thuở vững âu vàng”.

Ths. Phạm Kim Thanh

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Đồng chí Xuân Thủy với báo Suối Reo và báo Cứu Quốc

Đồng chí Xuân Thủy với báo Suối Reo và báo Cứu Quốc

  • 18/06/2019 10:06
  • 5029

* Làm báo Suối Reo trong nhà tù Sơn La

Bài viết khác

Quân dân Khu XI (Hà Nội) trong thời kỳ đầu kháng chiến chống thực dân Pháp (từ tháng 10-1946 đến tháng 1-1948) (Phần 2 và hết)

Quân dân Khu XI (Hà Nội) trong thời kỳ đầu kháng chiến chống thực dân Pháp (từ tháng 10-1946 đến tháng 1-1948) (Phần 2 và hết)

  • 23/01/2019 08:25
  • 7234

*Xây dựng hậu phương vững chắc, chặn bước tiến của địch, bảo vệ các cơ quan Trung ương Đảng và Chính phủ rút lên Việt Bắc an toàn