Thứ Bảy, 09/11/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

07/12/2022 14:24 1335
Điểm: 5/5 (1 đánh giá)
Tấn công vào Hà Nội - Thủ đô ngàn năm văn hiến, đế quốc Mỹ đã phạm vào “hồn thiêng sông núi” - biểu tượng của chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng của nhân dân Việt Nam, biểu tượng của nền hòa bình, công lý, lương tri, phẩm giá của con người thời đại Hồ Chí Minh. Hào khí Thăng Long - Hà Nội ngàn năm xưa đã thúc giục mọi người con của Thủ đô yêu dấu và của cả dân tộc anh hùng chung sức, đồng lòng đứng lên quyết chiến và quyết thắng.

 

Tự vệ Nhà máy in Tiến Bộ luyện tập sẵn sàng chiến đấu (1972) (Ảnh: TTXVN)
Nửa thế kỷ trôi qua, Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” còn mãi khắc sâu trong tâm thức nhân loại về trận quyết chiến chiến lược của quân và dân ta với đế quốc Mỹ xâm lược trên bầu trời Hà Nội. Chiến thắng đã buộc chính phủ Mỹ phải ký Hiệp định Paris (27/1/1973) về “Chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam”, tạo bước ngoặt đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đi đến thắng lợi hoàn toàn, thực hiện trọn vẹn tư tưởng Hồ Chí Minh “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, đồng thời tỏa sáng bản lĩnh, trí tuệ và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam.
Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968 và các chiến dịch năm 1971-1972 của quân và dân ta trên chiến trường miền Nam đã làm cho chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ đứng trước nguy cơ bị phá sản hoàn toàn. Để cứu vãn tình thế, đế quốc Mỹ đã phát động cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai ra miền Bắc, trong đó có chiến dịch tập kích chiến lược đường không “Lainơbếchcơ II” (18-29/12/1972) hòng thực hiện dã tâm đưa miền Bắc trở về thời kỳ đồ đá, uy hiếp, khuất phục ý chí độc lập dân tộc, thống nhất đất nước của nhân dân ta; đồng thời, dùng sức mạnh quân sự để leo thang tấn công miền Bắc, áp đặt thế mạnh lên Hội nghị Pa-ris.
Lainơbếchcơ II - cuộc tập kích đường không của đế quốc Mỹ có cường độ cao nhất trong lịch sử các cuộc chiến tranh, với các phương tiện, khí tài quân sự hạng nặng, hiện đại và chiến thuật tinh thông nhất mọi thời đại. Địch đã xuất kích 4.547 lần chiếc máy bay, gồm 663 lần B-52, 3.874 lần máy bay chiến thuật, hải quân. Trong đó, 444 lần chiếc máy bay B-52 (bằng 66% tổng số B-52 trong chiến dịch) đánh phá Hà Nội; ném khoảng 65.000-80.000 tấn bom đạn, gây tổn thất nặng nề cho Hà Nội, Hải Phòng và nhiều thành phố, xí nghiệp khác… Với tinh thần chiến đấu anh dũng, kiên cường, mưu trí, sáng tạo, quân và dân ta đã đánh bại hoàn toàn cuộc tập kích đường không quy mô lớn nhất trong lịch sử hiện đại, làm nên chiến thắng vang dội và niềm kiêu hãnh - “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”.
1. “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” - chiến thắng của bản hùng ca về đỉnh cao bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam
Lịch sử dân tộc đã cho thấy, quân và dân Việt Nam đã luôn thể hiện bản lĩnh và trí tuệ trước nhiều kẻ thù hung bạo nhất của thời đại, nhưng chưa có kẻ thù nào mà binh lực, phương tiện, khí tài chiến tranh lại vượt trội và hơn hẳn gấp nhiều lần như ở trận quyết chiến trên bầu trời Hà Nội này. Quân đội Mỹ đã huy động mọi vũ khí, khí tài hiện đại nhất, lực lượng quân sự tinh nhuệ nhất và những thủ đoạn tàn bạo nhất để hòng tàn phá đất nước, tiêu diệt và khuất phục ý chí chiến đấu bảo vệ nền độc lập dân tộc của nhân dân Việt Nam ngay tại Thủ đô nghìn năm văn hiến.
Với sự nhạy bén, sáng suốt, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đánh giá đúng tình hình, dự báo sớm, chính xác âm mưu, hành động leo thang tấn công miền Bắc và thủ đoạn kéo dài chiến tranh của đế quốc Mỹ. Ngay từ năm 1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sáng suốt nhận định và có dự báo chiến lược: “Mỹ cũng sẽ đưa B-52 vào chiến trường Việt Nam”; “Sớm hay muộn, Mỹ cũng sẽ đưa B-52 ra đánh phá miền Bắc”. Đến cuối năm 1967, Bác đã căn dặn lãnh đạo, chỉ huy Quân chủng Phòng không - Không quân: “Sớm muộn rồi đế quốc Mỹ cũng sẽ đưa B-52 ra đánh Hà Nội, rồi có thua mới chịu thua. Phải dự kiến trước tình huống càng sớm càng tốt để có thời gian mà chuẩn bị… Ở Việt Nam, Mỹ nhất định thua. Nhưng nó chỉ chịu thua khi thua trên bầu trời Hà Nội” [1].
Với truyền thống giữ nước hào hùng của dân tộc và với tinh thần: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, nêu cao ý chí “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, “đã đánh là nhất định thắng”… từ năm 1962 đến giữa năm 1972, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã chủ động triển khai nghiên cứu địch, sớm chuẩn bị tinh thần và lực lượng, huấn luyện, thử nghiệm và tìm cách đánh phù hợp, tập trung xây dựng thế trận phòng không nhân dân vừa rộng khắp, vừa tinh nhuệ, thiện chiến. Bộ đội Rađa và Tên lửa đã vượt mọi khó khăn, ác liệt, phát huy trí thông minh, sáng tạo của cán bộ, chiến sĩ tích cực nghiên cứu “vạch nhiễu tìm thù”, “thử lửa” thành công, xây dựng nên “Cách đánh máy bay chiến lược B-52”. Bộ đội Không quân đã ngày đêm luyện bay, rèn luyện tinh thần và kỹ năng, kỹ thuật và chiến thuật chỉ huy và chiến đấu, làm chủ các phương tiện, khí tài bay hiện đại… nhằm đạt hiệu quả cao trong tiêu diệt các loại máy địch, nhất là B-52. Bộ đội Pháo cao xạ phối hợp với dân quân, tự vệ phòng không cả nước, nhất là với các tỉnh, thành phố, vùng trọng điểm sử dụng thành thạo các loại súng, pháo phòng không, thục luyện mưu kế, bày đặt thế trận “lưới lửa” dày đặc, nhiều tầng lớp chủ động, sẵn sàng “quật đổ” các máy bay hiện đại, nhất là siêu pháo đài bay B-52… Với sự cố gắng, nỗ lực trong nhiều năm, đến ngày 3/12/1972, Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân đã báo cáo lên cấp trên mọi mặt công tác chuẩn bị đánh B-52 đã xong; đồng thời, ra quyết tâm chiến đấu trong toàn lực lượng, không để Hà Nội, Hải Phòng bị bất ngờ, quyết bắn rơi tại chỗ B-52, đánh bại cuộc tập kích bằng B-52, nếu Mỹ liều lĩnh đánh vào Hà Nội, Hải Phòng...
Trong 12 ngày đêm đánh trả cuộc tập kích đường không Lainơbếchcơ II của đế quốc Mỹ, quân và dân ta đã tập trung phần lớn lực lượng phòng không chủ lực cho chiến dịch, gồm 14 tiểu đoàn tên lửa tầm cao S-75 Đờvina, 50 máy bay tiêm kích MiG và một hệ thống pháo phòng không các loại; cùng 1.428 khẩu pháo, súng máy phòng không của dân quân, tự vệ phối hợp; huy động 54.000 cán bộ, chiến sĩ và dân quân tự vệ chiến đấu, phục vụ chiến đấu, đối chọi với lực lượng không quân, hải quân khổng lồ của Mỹ.
Dẫu phải chịu nhiều tổn thất, hy sinh, nhưng với tinh thần chiến đấu dũng cảm, ngoan cường, nhất là bản lĩnh dám đánh, quyết đánh và trí thông minh, sáng tạo, cách đánh độc đáo, hiệp đồng chặt chẽ, sử dụng lực lượng hợp lý, nên quân và dân miền Bắc, đặc biệt là Thủ đô Hà Nội đã làm nên chiến thắng lịch sử, đập tan sức mạnh không lực Mỹ, đánh bại cuộc tập kích đường không quy mô lớn chưa từng có chủ yếu bằng B-52, làm nên chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”…
Thua đau trước tinh thần chiến đấu dũng cảm, kiên cường, thế trận chiến tranh nhân dân rộng khắp, trước bản lĩnh và trí tuệ, truyền thống đánh giặc giữ nước của con người Việt Nam trên bầu trời Hà Nội, buộc nhà cầm quyền Mỹ đã phải tuyên bố ngừng ném bom từ vĩ tuyến 20 trở ra và chấp nhận trở lại bàn đàm phán. Ngày 27/1/1973, Mỹ phải ký Hiệp định Pa-ris, cam kết “Chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam”. 
 
Chiếc máy bay B-52 đầu tiên bị Tiểu đoàn 59, Trung đoàn Tên lửa 261 bắn rơi trên cánh đồng Chuôm, xã Phù Lỗ, huyện Đông Anh (Hà Nội) vào 20 giờ 13 đêm 18/12/1972. (Ảnh: Tư liệu TTXVN) 
2. “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” - chiến thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX
Sa lầy trong chiến tranh xâm lược Việt Nam, chính quyền Mỹ muốn tìm một “thắng lợi” để “rút quân trong danh dự”, gỡ thể diện cho giới cầm quyền và quân viễn chinh, nên đã dùng mọi thủ đoạn, phương tiện, khí tài hiện đại nhất, huy động sức mạnh cả một nền kinh tế, công nghiệp quốc phòng hàng đầu thế giới leo thang chiến tranh bằng chiến dịch Lainơbếchcơ II… Nhưng chúng đã thất bại hoàn toàn trước một dân tộc anh hùng, kiên trường, bền bỉ chống xâm lược, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam với đường lối đúng đắn, bản lĩnh vững vàng, kiên định mục tiêu giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, đi lên chủ nghĩa xã hội, với kinh nghiệm lãnh đạo chiến tranh nhân dân dày dặn, biết khơi dậy hết thảy sức mạnh toàn dân tộc và sức mạnh của nhân dân yêu chuộng hòa bình, công lý trên thế giới để chiến thắng quân thù.
Tiến công vào Hà Nội - Thủ đô ngàn năm văn hiến, đế quốc Mỹ đã phạm vào “hồn thiêng sông núi” - biểu tượng của chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng của nhân dân Việt Nam, biểu tượng của nền hòa bình, công lý, lương tri, phẩm giá của con người thời đại Hồ Chí Minh. Hào khí Thăng Long - Hà Nội ngàn năm xưa đã thúc giục mọi người con của Thủ đô yêu dấu và của cả dân tộc anh hùng chung sức, đồng lòng đứng lên quyết chiến và quyết thắng.
Dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, Chính phủ, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, sự chi viện hết lòng của các địa phương, lực lượng trong cả nước và các nước xã hội chủ nghĩa anh em, bầu bạn khắp thế giới, quân và dân Hà Nội đã vượt qua mưa bom, bão đạn, thực hành sáng tạo, đưa đường lối và nghệ thuật chiến tranh nhân dân lên tầm cao mới; tạo lập nên thế trận phòng không nhân dân nhiều tầng - lớp, phù hợp với từng lực lượng, tính năng của vũ khí, trang bị, đánh địch từ xa đến gần, ở mọi tầm - hướng; giữ vững đội hình chiến đấu, phối hợp kịp thời, chi viện hiệu quả cho nhau. Quân và dân ta, nhất là quân dân Hà Nội đã liên tiếp bắn cháy, bắn rơi hàng loạt máy bay Mỹ, gây nên sự hoảng loạn trong không lực Hoa Kỳ, tạo nên cơn “địa chấn” trong chính quyền hiếu chiến, xâm lược Mỹ; góp phần đập tan cuộc tập kích đường không chiến lược quy mô lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ, bẻ gẫy ý chí xâm lược, thôn tính và đô hộ Việt Nam của đế quốc Mỹ.
Trong trận thử lửa này, bản anh hùng ca của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam một lần nữa được khơi dậy, quy tụ và tỏa sáng trên bầu trời Thủ đô Hà Nội. Chiến thắng này cũng là chiến thắng của sự giúp đỡ, chi viện to lớn, sự đóng góp của nhân dân các tỉnh, thành miền Bắc đã chia lửa kịp thời, hiệu quả với Thủ đô. Biết bao người con ưu tú, chiến sĩ trên mọi miền Tổ quốc đã phục vụ chiến đấu và hy sinh anh dũng để bảo vệ Thủ đô yêu dấu. Nhiều địa phương miền Bắc đã hết lòng giúp đỡ tiếp nhận, che chở các cơ quan sơ tán, duy trì hoạt động, sản xuất và đùm bọc, nuôi dưỡng hàng chục vạn đồng bào và học sinh của Thủ đô.
Chiến thắng này còn là thắng lợi của cả đồng bào, chiến sĩ miền Nam ruột thịt, nơi đã tỏ rõ ý chí chiến đấu ngoan cường, anh dũng và trung kiên trên chiến trường, lập nên bao chiến công vẻ vang, oanh liệt với tinh thần “Giặc Mỹ đụng đến Hà Nội, đến miền Bắc một, thì miền Nam đánh trả chúng gấp năm, gấp mười lần”. Ngay lúc kẻ thù gây tội ác với nhân dân miền Bắc và Thủ đô cũng là lúc chúng phải đền tội bằng những đòn trừng trị đích đáng của quân dân miền Nam vào tận hang ổ, sào huyệt, căn cứ của chúng… Ở thời khắc thử lửa đó, chủ nghĩa anh hùng cách mạng của nhân dân Việt Nam đã được khơi dậy, tỏa sáng trong trái tim mỗi con người Việt Nam trên khắp mọi miền của Tổ quốc với tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội”…
Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” còn là biểu tượng thể hiện sinh động nhất khí thế hào hùng, hồn thiêng sông núi của cả một dân tộc anh hùng quyết đứng lên đánh giặc, giữ nước. Đồng thời, đó còn là chiến thắng của lý tưởng cao đẹp “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” làm lay động biết bao trái tim nhân hậu, yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Hà Nội - Việt Nam đã trở thành tiêu điểm, trung tâm của sự tập hợp, đoàn kết mọi lực lượng và đấu tranh cho hòa bình, công lý của nhân loại trên toàn cầu, phản đối chiến tranh, lập lại hòa bình, đòi “không được đụng đến Việt Nam”, “chấm dứt chiến tranh”… từ các phong trào phản đối cuộc ném bom man rợ vào Thủ đô Hà Nội diễn ra trên khắp thế giới và ngay cả trong lòng nước Mỹ.
50 năm đã trôi qua, bản anh hùng ca này càng tỏa sáng, khẳng định bản lĩnh, trí tuệ và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX - thế kỷ của những chiến công hào hùng giữ nước, xây dựng và bảo vệ nền độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trong thời đại Hồ Chí Minh. Trong sự nghiệp vẻ vang ấy, dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, quân và dân ta đã chung sức, đồng lòng khẳng định với toàn thế giới ý chí về một khát vọng độc lập, tự do, hòa bình và hạnh phúc khi vượt qua biết bao thử thách khắc nghiệt của thời đại. Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” mãi là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam khi đã làm nên chiến công vang dội mang tầm thời đại. Thắng lợi này mở ra bước ngoặt quan trọng để quân và dân ta làm tròn sứ mệnh giải phóng dân tộc, thu non sông về một mối, thống nhất đất nước, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Chiến thắng quan trọng đó đã khích lệ nhân dân ta kiên trì và đẩy mạnh công cuộc đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng, lập nên kỳ tích: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.
Với niềm kiêu hãnh, tự hào về chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đang tiếp tục nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, vững bước trên con đường mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn; đoàn kết, thống nhất, tận dụng tối đa mọi cơ hội, vượt qua mọi thách thức để đưa đất nước phát triển tiến lên. Mỗi tổ chức, lực lượng, người dân, nhất là cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang phát huy cao độ bản lĩnh, trí tuệ, tài năng, phẩm chất anh hùng của con người Việt Nam góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, quyết tâm dựng xây đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, “phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa” [2], đưa đất nước ta sánh vai với các cường quốc năm châu như tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc của dân tộc./.
[1] Lê Tử Dân, Dự báo thiên tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cuộc đối đầu với B-52 trên bầu trời Hà Nội, http://phongkhongkhongquan.vn, ngày 5/10/2017
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập II, Nxb Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.326.
Đại tá, PGS. TS Nguyễn Văn Quang
Cán bộ nghiên cứu Viện Khoa học xã hội và nhân văn quân sự

 

https://dangcongsan.vn

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Đồng chí Xuân Thủy với báo Suối Reo và báo Cứu Quốc

Đồng chí Xuân Thủy với báo Suối Reo và báo Cứu Quốc

  • 18/06/2019 10:06
  • 4966

* Làm báo Suối Reo trong nhà tù Sơn La

Bài viết khác

Thêm thông tin lưu trữ về những trận đánh thành Hà Nội

Thêm thông tin lưu trữ về những trận đánh thành Hà Nội

  • 12/10/2022 09:50
  • 1778

“Thành Hà Nội, ngày 22/11. Anh trai yêu quý của em, em đã kiệt sức vì mệt mỏi rồi..” - Francis Garnier