Thứ Hai, 09/09/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

17/04/2024 10:46 1084
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Sự nghiệp cách mạng vẻ vang, tinh thần hy sinh bất khuất, phẩm chất cách mạng cao quý, khát vọng cao cả và niềm tin không gì lay chuyển nổi của đồng chí Trần Phú vào thắng lợi cuối cùng của cách mạng sẽ mãi mãi cổ vũ chúng ta và các thế hệ mai sau trong cuộc đấu tranh bảo vệ và xây dựng Tổ quốc Việt Nam theo mục tiêu cao cả “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".

Trong lịch sử đấu tranh cách mạng oanh liệt của Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng chí Trần Phú có một vị trí đặc biệt. Đồng chí nổi bật lên trong lớp thanh niên sinh ra và lớn lên vào đầu thế kỷ XX, được hun đúc bởi truyền thống dân tộc và xu thế của thời đại, đã tự rèn luyện và vươn lên trở thành một trong những lãnh tụ lớp đầu, một Tổng Bí thư đầu tiên mà tên tuổi gắn liền với bản Luận cương chính trị 1930 của Đảng ta.

Tấm gương thanh niên tiêu biểu khát khao lý tưởng và tràn đầy nhiệt huyết cách mạng
Xuất thân từ một gia đình nhà nho yêu nước, mới hơn 4 tuổi đã mồ côi cha, 6 tuổi mồ côi mẹ, tuổi thơ Trần Phú đã trải qua những năm tháng đau buồn và cơ cực. Truyền thống về quê hương qua những câu chuyện kể của người cha – một nhà nho khí tiết đã tuẫn tiết để chống lại lệnh đàn áp của thực dân - về các anh hùng, nghĩa sĩ quê hương Hà Tĩnh... đã góp phần hun đúc nên người thanh niên giàu chí khí, lòng yêu nước, yêu quê hương, căm ghét bọn cướp nước và bè lũ tay sai; có tinh thần học hỏi, vươn lên tìm cách báo thù nhà, đền nợ nước.
 
 Bức tranh phác thảo đồng chí Trần Phú ngồi soạn Luận cương chính trị 1930 được treo tại ngôi nhà 90 phố Thợ Nhuộm.
Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, Trần Phú đã kết thân với nhiều bạn bè đồng hương, có cùng chí hướng lập ra nhóm “Thanh niên tu tiến hội” để cùng nhau đọc sách, trao đổi, giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Năm 1922, không chọn con đường "vinh thân, phì gia", người thanh niên trẻ tuổi đã chọn con đường dạy học để đến với thế hệ thanh, thiếu niên, truyền cho họ tinh thần yêu nước và ý chí đấu tranh cho tự do độc lập, cho một xã hội bình đẳng, không còn áp bức, bất công.
Là một thanh niên trí thức yêu nước, trăn trở tìm đường cách mạng, Trần Phú đã gia nhập và sớm trở thành một yếu nhân của Hội Phục Việt. Anh hăng hái tham gia các hoạt động yêu nước của Hội và cũng nhận thấy đường lối của Hội Phục Việt chưa được xác định rõ ràng. Trong lúc đó, ảnh hưởng của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ngày càng mạnh lên, thu hút nhiều phần tử tiên tiến của Hội Phục Việt, điều đó đã ảnh hưởng đến sự lựa chọn của Trần Phú. Anh quyết định bỏ nghề dạy học để dấn thân vào con đường cách mạng chuyên nghiệp.
Anh tìm đường sang Quảng Châu, được gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, được huấn luyện về “đưởng cách mệnh" theo con đường của chủ nghĩa Mác - Lênin, được kết nạp vào “Cộng sản Đoàn", từ chủ nghĩa yêu nước anh đến với lý tưởng cộng sản. Hạnh phúc đối với Trần Phú là từ khát khao đi tìm lý tưởng anh đã bắt gặp lý tưởng và quyết tâm đi theo con đường mà lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã đi, sẵn sàng hiến dâng đời mình cho lý tưởng đã lựa chọn.
Nhà lý luận cách mạng tiên phong đóng góp quan trọng vào việc xây dựng Đảng ta về chính trị, tư tưởng và tổ chức
Qua truyền thụ của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Trần Phú rất thấm thía lời dạy của V.I.Lênin: "Không có lý luận cách mệnh, thì không có cách mệnh vận động... Chỉ có theo lý luận cách mệnh tiền phong, đảng cách mệnh mới làm nổi trách nhiệm cách mệnh tiền phong". Tại lớp huấn luyện chính trị đặc biệt ở Quảng Châu, Trần Phú tỏ rõ năng khiếu tư duy lý luận, được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc lựa chọn và cử đi đào tạo tại Trường đại học Phương Đông. Sau 3 năm học tập, anh đã tốt nghiệp loại xuất sắc.
Nói đến Trần Phú, không thể không nói đến bản dự thảo Luận cương chính trị của Đảng năm 1930. Dự thảo Luận cương chính trị được soạn thảo dưới ánh sáng của Nghị quyết Đại hội VI Quốc tế Cộng sản năm 1928, đồng thời được bổ sung bằng những kết quả khảo sát từ thực tiễn phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam, cụ thể là những khảo sát thực tế ở các tỉnh Nam Định, Thái Bình, Hà Nội, Hải Phòng,.. Dự thảo Luận cương chính trị có sự đóng góp của trí tuệ tập thể, song phần đóng góp trực tiếp nhất là thuộc về Trần Phú. Trên cơ sở phân tích những đặc điểm kinh tế, xã hội, sự phân hóa giai cấp ở Đông Dương, Luận cương chính trị chỉ rõ: Cuộc cách mạng ở Đông Dương là cách mạng tư sản dân quyền do chính đảng của giai cấp vô sản lãnh đạo. Cuộc cách mạng đó có nhiệm vụ đánh đổ bọn đế quốc thực dân và phong kiến tay sai, thực hiện dân tộc độc lập, người cày có ruộng, bỏ qua thời kỳ phát triển tư bản chủ nghĩa, tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội. Nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng này là sự lãnh đạo của một Đảng Cộng sản có đường lối chính trị đúng đắn, có kỷ luật nghiêm minh, liên hệ mật thiết với quần chúng; biết xác định chiến lược và sách lược thích hợp trên cơ sở nghiên cứu tương quan lực lượng giữa ta và địch, tình hình trong nước và quốc tế. Cách mạng Đông Dương muốn thắng lợi phải lấy công nông làm động lực chính. Con đường đi tới thắng lợi phải là con đường bạo lực cách mạng, vũ trang khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân.
 
Trong trái tim người cộng sản Trần Phú, luôn bùng cháy ý chí đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng nhân dân.
Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ nhất đã thảo luận và thông qua bản dự thảo Luận cương quan trọng này. Trong điều kiện Đảng ta mới thành lập, trình độ lý luận trong Đảng còn hạn chế, bản Luận cương chính trị là một nỗ lực trong việc tiếp thu, vận dụng đường lối cách mạng thuộc địa và nửa thuộc địa của Quốc tế Cộng sản vào tình hình Đông Dương để vạch ra mục đích, nhiệm vụ bước đi, động lực cách mạng và vai trò lãnh đạo của giai cấp vô sản, tầm quan trọng của sức mạnh đoàn kết quốc tế đối với thắng lợi của cách mạng Đông Dương,...
Luận cương chính trị đã góp phần hình thành đường lối cơ bản của cách mạng Việt Nam, đưa cách mạng vượt qua những thử thách, từng bước đi tới thắng lợi vẻ vang. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đánh giá sau này: “Trong bản Cương lĩnh cách mạng tư sản dân quyền năm 1930, Đảng đã nêu rõ nhiệm vụ chống đế quốc và chống phong kiến, thực hiện dân tộc độc lập, người cày có ruộng. Cương lĩnh ấy rất phù hợp với nguyện vọng thiết tha của đại đa số nhân dân ta là nông dân. Vì vậy, Đảng đã đoàn kết được những lực lượng cách mạng to lớn chung quanh giai cấp mình. Còn các đảng phái của các giai cấp khác thì hoặc bị phá sản, hoặc bị cô lập. Do đó, quyền lãnh đạo của Đảng ta - Đảng của giai cấp công nhân - không ngừng củng cố và tăng cường"1.
Tuy có một số hạn chế mang tính lịch sử khó tránh, đặc biệt là trong vấn đề phân tích giai cấp và thái độ đối với các giai cấp để đề ra các sách lược mềm dẻo nhằm tập hợp lực lượng trong cách mạng giải phóng dân tộc ở một nước thuộc địa, nửa phong kiến, nhưng Tổng Bí thư Trần Phú đã tuân thủ nghiêm túc các chỉ thị và hướng dẫn của Quốc tế Cộng sản. Các vấn đề cơ bản thuộc về tính chất, nhiệm vụ, bước đi, động lực,... của cách mạng tư sản dân quyền do giai cấp công nhân lãnh đạo đã được Luận cương chính trị trình bày một cách đúng đắn, cơ bản phù hợp với Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt do Nguyễn Ái Quốc khởi thảo. Vì vậy, Luận cương chính trị 1930 đã được Ban Chấp hành Trung ương Đảng ta sau này khẳng định là “văn kiện quan trọng của Đảng, đã vận dụng những nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa và những luận điểm cơ bản trình bày trong Chính cương vắn tắt và Sách lược vắn tắt do Nguyễn Ái Quốc khởi thảo được thông qua tại Hội nghị thành lập Đảng. Những văn kiện đó đã xác định rõ con đường phát triển của cách mạng Việt Nam là đánh đổ chủ nghĩa đế quốc và phong kiến tay sai, giành độc lập dân tộc, thực hiện người cày có ruộng và tiến lên xây dựng xã hội cộng sản"2 .
Nhận thức sâu sắc về vai trò chỉ đạo của lý luận cách mạng đối với phong trào cách mạng, đồng chí Trần Phú đã sớm tiến hành thành lập các cơ quan ngôn luận của Đảng. Tháng 12/1930, đồng chí đã cùng với Ban Thường vụ Trung ương quyết định xuất bản báo Cờ vô sản và báo Cộng sản nhằm "mục đích làm rõ chính sách và phê bình mọi sai trái, lầm lỗi và yếu kém" trong công tác của Đảng, đồng thời cũng để đăng “những bài luận, giải thích" để "các đồng chí có thể bày tỏ ý kiến". Đồng chí Trần Phú cũng cho lập ra một Bản Tuyên truyền do một Uỷ viên Thường vụ Trung ương phụ trách. Điều đó chứng tỏ Tổng Bí thư rất coi trọng công tác tư tưởng - lý luận; có ý thức sâu sắc về vai trò của nó đối với công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức.
Qua thực tiễn lãnh đạo và đấu tranh, số lượng đảng viên của Đảng đã tăng lên nhanh chóng: từ 1.600 (tính số tròn) sau Hội nghị Trung ương lần thứ nhất (10- 1930) đến trước Hội nghị toàn thể Trung ương lần hai (3-1931) đã lên đến 2.400 người.
Trong hoàn cảnh sau hợp nhất chưa lâu, trong Đảng còn tồn tại nhiều quan điểm và nhận thức khác nhau, cũng là điều khó tránh. Đồng chí Trần Phú rất quan tâm đến vấn đề đấu tranh tư tưởng trong nội bộ Đảng, khắc phục những nhận thức lệch lạc, những xu hướng cơ hội, bè phái, nhằm xây dựng khối đoàn kết nhất trí trên cơ sở cương lĩnh, đường lối của Đảng. Trong Thư gửi Quốc tế cộng sản viết ngày 17/4/1931 (tức một ngày trước khi bị sa lưới kẻ thù) đồng chí Trần Phú đã nêu lên một số nhận thức và hiện tượng không đúng, như “hiểu Đảng không như Đảng của giai cấp vô sản mà như Đảng của tất cả những ai bị bóc lột và áp bức", "sự phân biệt giữa công nhân chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp, coi những người công nhân không chuyên nghiệp mới là những phần tử cách mạng chân chính", "từ bỏ các tổ chức tự vệ, cho rằng nó dẫn quần chúng tới việc khởi nghĩa trước thời hạn, tới bạo tàn và khủng bố” , v.v..
Trong thư Trần Phú còn chỉ ra: "Hội nghị toàn thể Trung ương lần thứ hai tổ chức vào cuối tháng 3/1931 đã thừa nhận sự tồn tại công khai một chủ nghĩa cơ hội ở Bắc Kỳ. Những tháng vừa qua đã chứng minh rằng: tất cả thành viên của các nhóm cũ thống nhất lại là một lực lượng chống đối mới về tư tưởng... Do đó, cái quan tâm đầu tiên của chúng tôi là giải thích sự cần thiết cấp bách tiến hành một cuộc đấu tranh tích cực về tư tưởng, chống lại chủ nghĩa cơ hội và khuynh hướng hòa hoãn ở trong Đảng...".
Mặt khác, do địch khủng bố ngày càng mạnh, trong thư Trần Phú cũng cho biết "trong hàng ngũ của chúng tôi xuất hiện tâm lý sợ hãi, lo lắng tiểu tư sản trước cuộc đấu tranh giai cấp mạnh mẽ". Để chống khủng bố, đồng chí cho biết sẽ “tổ chức tốt các đội tự vệ khi tranh đấu”, "phải kiên quyết chặn đứng mọi cố gắng hướng cuộc đấu tranh tích cực thành những hành động manh động ở mọi nơi, ngay khi vừa xuất hiện”. 
Trong sự vây ráp dày đặc của kẻ thù, ngày 18/4/1931, đồng chí bị bắt.
Đánh giá công lao của đồng chí Trần Phú trên phương diện lý luận, bài "Tưởng nhớ đồng chí Trần Phú, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương" đăng trang trọng trên tạp chí Quốc tế Cộng sản số 5/1932, đã viết: “Dưới sự lãnh đạo cương quyết của đồng chí Trần Phú, Đảng ta đã trở thành một đảng quần chúng thực sự và đã tiến hành những công việc lớn lao về tổ chức và lãnh đạo các tầng lớp quần chúng đông đảo trong cuộc đấu tranh cách mạng". Chỉ trong khoảng 1 năm (từ tháng 4/1930 – 4/1931), Đảng chúng tôi đã có thể tổ chức được 2.400 đảng viên vào Đảng; 1.500 đoàn viên vào Đoàn Thanh niên Cộng sản; 6.000 người vào Công hội đỏ, và 64.000 người vào các hội nông dân; lãnh đạo hơn 100 cuộc đình công của công nhân và 400 cuộc biểu tình của nông dân; trong 17 vùng thuộc bắc Trung Kỳ, Đảng chúng tôi đã có thể lập nên chính quyền xôviết trong một thời gian.
Đồng chí Trần Phú đã có những đóng góp to lớn vào việc “bônsêvích hóa" về tư tưởng trong hàng ngũ đảng chúng tôi. Rất nhiều văn kiện chính trị của Hội nghị lần thứ I (10/1930) và Hội nghị lần thứ II (3/1931) Ban Chấp hành Trung ương Đảng chúng tôi, do đồng chí trực tiếp soạn thảo hay được hoàn thiện dưới sự chỉ đạo của đồng chí trong đó những nguyên tắc, chiến lược và sách lược bônsêvích đã được trình bày một cách sáng sủa và đúng đắn. Trong những nghị quyết chính trị và những thông báo của Trung ương cũng như các tài liệu tuyên truyền hay bài viết trên báo chí, đồng chí Trần Phú luôn luôn là người bênh vực không mệt mỏi về mặt lý luận và thực tiễn của những người mác xít - lêninnít và “là người chống lại say sưa không kém mọi sự làm lệch lạc đường lối chính trị chung của Quốc tế Cộng sản"3.
Tấm gương sáng ngời về lòng trung thành tuyệt đối với Đảng, về tinh thần bất khuất trước kẻ thù
Bắt được Trần Phú, kẻ thù tưởng sẽ nắm được toàn bộ bí mật của Đảng, từ đó mà tiến hành khủng bố, đàn áp, đè bẹp được phong trào cách mạng Việt Nam. Vì vậy, chúng đã không từ một thủ đoạn tàn bạo, quỷ quyệt nào để dụ dỗ, tra tấn, kìm kẹp, hòng khuất phục đồng chí. Những đồng chí bạn tù với Trần Phú ngày ấy, sau này đã có dịp kể lại: "Nói đến sự hy sinh của những người cộng sản trong hai mươi năm trường, phải hàng pho sách lớn... Như anh Trần Phú, lãnh tụ Đảng Cộng sản Đông Dương, khi bị bắt, giặc rạch da nhét bông tẩm dầu mà đốt. Tuy chúng thừa biết tên anh, nhưng tra tấn trăm lần, anh vẫn ngậm miệng, nửa lời không nói. Khi đưa anh ra tòa, thấy tên quan tòa hỏi mãi, anh chép miệng: “Ông đã thiết tha muốn biết tên tôi quá như thế, thì đây: tên tôi là Trần Phú”. Thế rồi im bặt, cho đến khi anh hy sinh"4.
 
Khu tưởng niệm Tổng Bí thư Trần Phú tại xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Ảnh: baohatinh.vn
Tấm gương hy sinh của anh được đánh giá là “cao cả như một vị Thánh". Trước khi trút hơi thở cuối cùng, anh còn gửi đến các đồng chí của mình lời nhắn nhủ “Trước sau tôi chỉ mong anh chị em hãy giữ vững chí khí chiến đấu”. Lời nhắn gửi này có giá trị động viên rất to lớn trong hoàn cảnh kẻ thù đang ra sức đàn áp hòng tiêu diệt Đảng ta.
Được tin dữ này, báo chí cộng sản trong nước và quốc tế đã viết nhiều bài ca ngợi lòng trung thành và tấm gương hy sinh cao cả của đồng chí Trần Phú. Ở Mátxcơva và tại nhiều cơ sở cách mạng ở trong nước đã làm lễ truy điệu anh. Tạp chí Quốc tế Cộng sản số 5/1932 đã đăng bài Tưởng nhớ đồng chí Trần Phú, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương, trong đó có đoạn kết: “Đồng chí Tổng Bí thư Trần Phú của chúng ta đã hy sinh, nhưng tên tuổi của đồng chí sẽ vĩnh viễn sống mãi trong lịch sử đấu tranh cách mạng của Đông Dương cũng như sống mãi trong trái tim của những người lao động Đông Dương các thế hệ hôm nay và mai sau. Sự nghiệp cách mạng của đồng chí, lòng trung thành và thái độ bất khuất của đồng chí trong nhà tù đế quốc mãi mãi là tấm gương cho những người cộng sản ở tất cả các nước và nhất là cho những người cộng sản Đông Dương"5.
Nói về đồng chí Trần Phú, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng ca ngợi: "Đồng chí Trần Phú là một người con ưu tú của Đảng và của nhân dân, đã oanh liệt hy sinh cho cách mạng"6.
Đồng chí Tổng Bí thư Trần Phú – Tổng Bí thư đầu tiên của cách mạng Việt Nam - đã anh dũng hy sinh vì Đảng, vì sự nghiệp cách mạng, vì lý tưởng cộng sản. Đồng chí đã để lại cho các thế hệ đi sau một tấm gương chói lọi của một chiến sĩ cộng sản kiên cường, trước hiểm nguy không lùi bước, trước kẻ thù không khuất phục; đồng chí đã hiến dâng trọn cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc. Sự nghiệp cách mạng vẻ vang, tinh thần hy sinh bất khuất, phẩm chất cách mạng cao quý, khát vọng cao cả và niềm tin không gì lay chuyển nổi của đồng chí Trần Phú vào thắng lợi cuối cùng của cách mạng sẽ mãi mãi cổ vũ chúng ta và các thế hệ mai sau trong cuộc đấu tranh bảo vệ và xây dựng Tổ quốc Việt Nam theo mục tiêu cao cả “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".
---------
Chú thích
1.Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.10, tr.9.
2. Điếu văn đọc tại Lễ truy điệu và di dời hài cốt đồng chí Trần Phú, Báo Nhân dân, ngày 13/1/1999.
3. Bài viết bằng tiếng Pháp, đề ngày 26/2/1932, ký Cộng - sản. Lưu trữ tại Hồ sơ Quốc tế Cộng sản, ký hiệu 495.154.648.
4. Tập san tuyên truyền của Đảng Cộng sản Đông Dương, nhân dịp kỷ niệm Đảng Cộng sản Đông Dương hai mươi tuổi (1930-1950).
5. “Tưởng nhớ đồng chí Trần Phú, Tổng Bí thư của Đảng Cộng sản Đông Dương (thư của một chiến sĩ cộng sản gửi từ Sài Gòn, ngày 26/2/1932, tiếng Pháp). Hồ sơ Quốc tế Cộng sản, ký hiệu 495.154.648. Bài đã đăng trên tạp chí Quốc tế Cộng sản số 5/1932.
6. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.11, tr 255.

TH

https://dangcongsan.vn

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Nhà văn, nhà viết kịch Hoàng Công Khanh (1922-2010)

Nhà văn, nhà viết kịch Hoàng Công Khanh (1922-2010)

  • 08/07/2019 14:36
  • 4326

Duyên nghiệp sử sách cho tôi nhiều dịp may hiếm có, ví như bỗng một ngày, tôi được gặp nhà văn, nhà viết kịch Hoàng Công Khanh ở tọa đàm về cuộc đấu tranh của những người yêu nước và cộng sản ở nhà tù Sơn La do cụ Nguyễn Văn Trân tổ chức vào hè năm 2007. Không thể hình dung được ông nhà văn, nhà viết kịch nổi tiếng, dáng cao manh mảnh, đôi mắt tinh anh, lại đã từng bị tù ở Sơn La cùng với bí thư chi bộ nhà tù Trần Huy Liệu.

Bài viết khác

Tổng Bí thư Lê Duẩn: Tấm gương sáng trọn đời vì nước, vì dân

Tổng Bí thư Lê Duẩn: Tấm gương sáng trọn đời vì nước, vì dân

  • 08/04/2024 11:10
  • 971

Với 79 tuổi đời, gần 60 năm hoạt động cách mạng, 26 năm liên tục trên cương vị Bí thư thứ nhất và Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Lê Duẩn đã nêu tấm gương sáng của một người chiến sĩ cách mạng tiên phong, cống hiến trọn đời vì nước, vì dân, vì lý tưởng cao đẹp: Tổ quốc Việt Nam độc lập, thống nhất và đi lên chủ nghĩa xã hội, nhân dân Việt Nam có cuộc sống tự do, ấm no, hạnh phúc.