Chủ Nhật, 06/10/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

26/09/2024 10:28 136
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Thực hiện nhiệm vụ được giao, đồng chí Vương Thừa Vũ bắt tay ngay vào việc xây dựng Đại đoàn 308. Khó khăn lớn nhất lúc này là việc Đại đoàn đã có quyết định thành lập, nhưng trên thực tế các đơn vị thành viên chưa thể tập trung ngay.

Tiểu đoàn 18, 23, 29 vừa hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu trên Đường số 4, đang trên đường về căn cứ địa Thái Nguyên. Tiểu đoàn 11, 54 được lệnh của Bộ Tổng chỉ huy hành quân sang Yên Bái tham gia chiến dịch Sông Thao. Các tiểu đoàn 79, 322, 626 mà Bộ điều về bổ sung cũng đang di chuyển chưa đến địa điểm tập kết.

Xây dựng Đại đoàn 308 trở thành một tập thể gang thép “vạn người một ý chí”

Từ tình hình đó, đồng chí Vương Thừa Vũ cùng tập thể Đảng ủy và Bộ chỉ huy Đại đoàn nhất trí phương châm công tác lãnh đạo và chỉ đạo là vừa chiến đấu vừa xây dựng, nhanh chóng ổn định tổ chức từng đơn vị, tiến tới ổn định toàn bộ.

Khi lực lượng của Đại đoàn chưa kịp trở về vị trí tập kết thì quân Pháp lại mở cuộc hành quân Pomone đánh lên Phú Thọ và nhảy dù xuống thị xã Tuyên Quang. Đại đoàn trưởng Vương Thừa Vũ được lệnh đưa tất cả lực lượng hiện có vượt đèo Khế, Sơn Dương để tham gia chiến dịch Sông Lô 2. Tuy rất băn khoăn về nhiệm vụ xây dựng, kiện toàn Đại đoàn 308 về mặt tổ chức, nhưng Đại đoàn trưởng Vương Thừa Vũ hoàn toàn nhất trí với tinh thần chỉ đạo của cấp trên. Từ những kiến thức được trang bị, lại trải qua thực tiễn chiến đấu, đồng chí Vương Thừa Vũ hiểu rõ sức mạnh quân đội không chỉ thể hiện ở số lượng người đông hay ít, quy mô lớn hay nhỏ, mà sức mạnh đó được thể hiện chủ yếu ở trình độ giác ngộ chính trị, sự tinh thông về kỹ thuật và chiến thuật, ý thức tổ chức kỷ luật của đội ngũ cán bộ, chiến sĩ.

Dưới sự lãnh đạo, chỉ huy của đồng chí Vương Thừa Vũ, sau chưa đầy một tháng thành lập, tổ chức, biên chế của Đại đoàn 308 được hình thành. Hai trung đoàn bộ binh 102, 88, cùng một số tiểu đoàn của liên khu đã được tập trung để làm “vốn liếng” ra đời “một quả đấm thép” đánh to, thắng lớn. Đến gần Chiến dịch Biên Giới (cuối năm 1950), Bộ điều thêm Trung đoàn chủ lực 36 của Liên khu Việt Bắc về Đại đoàn 308 cho đủ biên chế 3 trung đoàn bộ binh. Là người đứng đầu Đại đoàn chủ lực đầu tiên của Quân đội ta, đồng chí Vương Thừa Vũ luôn gương mẫu đi đầu, xây dựng đơn vị trở thành một tập thể gang thép “vạn người một ý chí”, gắn bó keo sơn trong tình đồng chí, đồng đội, gian nan không quản ngại, sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.

 

Lễ thành lập Đại đoàn 308 - Đại đoàn chủ lực đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam, ngày 28-8-1949. Ảnh tư liệu 

 Chỉ huy Đại đoàn 308 tham gia nhiều chiến dịch quan trọng

Thử thách đầu tiên đối với Đại đoàn là ngay sau ngày thành lập, Đại đoàn thực hiện ra quân tác chiến ở quy mô trung đoàn tập trung trong chiến dịch giải phóng Biên giới Thu Đông 1950. Thực hiện nhiệm vụ đó, đồng chí Vương Thừa Vũ đã tổ chức chỉ huy đơn vị, nhanh chóng bắt tay vào công tác chuẩn bị, xác định quyết tâm “chiến đấu là phải thắng”[1]. Sau 37 ngày đêm liên tục chiến đấu, cùng với hai trung đoàn bạn là Trung đoàn 209 và Trung đoàn 174, Đại đoàn 308 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Đại đoàn đã đánh một trận vận động chiến quy mô lớn giành thắng lợi, mở đầu cho giai đoạn mới: Giai đoạn chuyển sang tiến công và phản công tiến tới toàn thắng.

Bước sang năm 1951 chủ trương chiến lược của Đảng vẫn là tiến công tiêu diệt sinh lực địch, giải phóng từng vùng đất đai, làm thay đổi cục diện chiến trường. Ngày 26-2-1951, Bộ Tổng Tư lệnh ra mệnh lệnh mở chiến dịch Đường số 18 mang mật danh Chiến dịch Hoàng Hoa Thám, nhằm mục đích tiêu diệt sinh lực địch và phát triển du kích chiến tranh, coi tiêu diệt sinh lực địch là mục đích cơ bản và phát triển du kích chiến tranh là nhiệm vụ quan trọng. Đại đoàn 308 được nhận nhiệm vụ ra quân trên hướng chính cùng Đại đoàn 312, Trung đoàn 98, Trung đoàn 174, hai tiểu đoàn công binh, bốn liên đội sơn pháo 75 ly, tổng cộng 21 tiểu đoàn.

Sau hơn một tháng củng cố lực lượng và ăn Tết cổ truyền, đầu tháng 3-1951, đồng chí Vương Thừa Vũ chỉ huy toàn Đại đoàn lên đường tham gia chiến dịch mới. Lúc này, Đại đoàn 308 đang gặp rất nhiều khó khăn do quân số bị hao hụt khá nhiều sau hai chiến dịch lớn liên tiếp, số tân binh bổ sung chưa được huấn luyện kỹ, sức khỏe cán bộ giảm sút, việc chuẩn bị gấp, đường hành quân xa, địa hình phức tạp. Nhưng với tinh thần vượt qua khó khăn, kiên quyết chiến đấu và chiến thắng kẻ thù, đồng chí Vương Thừa Vũ đã chỉ huy Đại đoàn 308 tuyệt đối chấp hành mệnh lệnh, phối hợp cùng các đơn vị bạn chiến đấu anh dũng, “tiêu diệt được một bộ phận sinh lực địch, đẩy mạnh chiến tranh du kích, gây được ảnh hưởng chính trị và học tập được nhiều kinh nghiệm quý báu về tác chiến với binh lực lớn ở một chiến trường xa và đánh vào một vùng trung tâm của địch”[2].

Thực hiện chủ trương tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, giải phóng vùng đất đai rộng lớn trên địa bàn chiến lược ở vùng phía Tây, tháng 9-1952, Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định mở Chiến dịch Tây Bắc. Căn cứ vào đặc điểm địa hình và thế bố trí của địch, Bộ chỉ huy chiến dịch quyết định tập trung lực lượng tiến công tiêu diệt địch ở phân khu Nghĩa Lộ. Thực hiện nhiệm vụ được giao, đồng chí Vương Thừa Vũ đã nhanh chóng tổ chức trinh sát nắm tình hình. Bằng nhãn quan của một vị chỉ huy từng trải trận mạc, đồng chí Vương Thừa Vũ nhận thấy, các cứ điểm địch ở Nghĩa Lộ do đóng trên địa hình hiểm trở, dễ bị cô lập, khó cơ động ứng cứu cho nhau khi bị ta tiến công. Để bảo đảm chắc thắng, đồng chí Vương Thừa Vũ đề xuất với Bộ chỉ huy chiến dịch, tập trung lực lượng tiến công tiêu diệt địch ở cứ điểm Pú Chạng trước, sau đó diệt cứ điểm Nghĩa Lộ.

Ngày 14-10-1952, Chiến dịch Tây Bắc bắt đầu. Thực hiện kế hoạch tác chiến, 17 giờ 5 phút ngày 17-10-1952, đồng chí Vương Thừa Vũ đã chỉ huy bộ đội ta bắt đầu tiến công vào cứ điểm Nghĩa Lộ. Trung đoàn 102 tiến công cứ điểm Pú Chạng (tức Nghĩa Lộ đồi), nơi đặt Sở chỉ huy phân khu của địch. Sau hơn 3 giờ chiến đấu ác liệt, quân ta đã hoàn toàn làm chủ cứ điểm này, tiêu diệt và bắt sống 400 tên địch, trong đó có tên quan tư Tirillon, chỉ huy trưởng phân khu, thu toàn bộ vũ khí, quân trang, quân dụng. 3 giờ 5 phút sáng 18-10, Trung đoàn 88 nổ súng tiến công cứ điểm Nghĩa Lộ. Địch dựa vào hầm ngầm, lô cốt kiên cố kháng cự quyết liệt, nhưng với sức tiến công mạnh mẽ, áp đảo, chỉ sau 2 giờ 20 phút chiến đấu, quân ta đã tiêu diệt và bắt sống toàn bộ binh lính địch, thu nhiều vũ khí, chiến lợi phẩm, làm chủ hoàn toàn cứ điểm kiên cố nhất của địch ở phân khu Nghĩa Lộ.

Sự chỉ đạo mưu lược và quyết đoán của Đại đoàn trưởng Vương Thừa Vũ

Tháng 2-1954, sau khi hoàn thành nhiệm vụ chiến dịch Thượng Lào, Đại đoàn 308 được lệnh quay về tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Đồng chí Vương Thừa Vũ được Bộ Chỉ huy Mặt trận giao nhiệm vụ chỉ huy Đại đoàn 308 khẩn trương bao vây quân địch ở Điện Biên Phủ, phối hợp với các đơn vị bạn và dân công mở rộng đường Tuần Giáo - Điện Biên. Cùng với đó, Đại đoàn 308 còn phải đảm nhiệm mở gấp một con đường cho lựu pháo 105 ly cơ động vào chiếm lĩnh trận địa đánh địch ở Điện Biên Phủ.

 

Cán bộ Đại đoàn 308 giải thích chính sách cho hàng binh ở Bản Kéo vừa ra hàng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. Ảnh tư liệu

Trong đợt 1 của chiến dịch, Đại đoàn 308 được giao nhiệm vụ tiến công cứ điểm Độc Lập. Nắm vững phương châm “Đánh chắc, tiến chắc”, đồng chí Vương Thừa Vũ chỉ huy đơn vị xây dựng trận địa tiến công nhằm tiêu diệt từng cứ điểm, từng cụm cứ điểm của địch, tạo điều kiện tiến tới tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm của địch. Đúng 17 giờ ngày 14-3, dưới sự chỉ đạo của Đại đoàn trưởng Vương Thừa Vũ, Đại đoàn bắt đầu nổ súng tiến công địch. Do trời mưa rất to nên đến 1 giờ ngày 15-3, bộ đội mới vào hết vị trí và đến 2 giờ sáng cuộc tiến công của bộ binh mới bắt đầu. Ngày 17-3, Đại đoàn đã làm chủ cứ điểm Độc Lập. Tuyến ngoại vi của địch ở phía Đông Bắc và Tây Bắc bị phá toang. Quân Pháp đóng ở phân khu trung tâm lâm vào tình thế khó khăn, sườn phía Bắc bị hở, tinh thần binh sĩ địch hoang mang, viên Trung tá Piroth, chỉ huy pháo binh của Tập đoàn cứ điểm đã dùng lựu đạn tự sát. Toàn bộ tiểu đoàn địch được tăng cường, đa số là lính Âu - Phi bị tiêu diệt và bị bắt. Địch phải điều thêm 3 tiểu đoàn cơ động nhảy dù xuống Điện Biên Phủ.

Đợt 2 của chiến dịch, nhiệm vụ của Đại đoàn là đánh chiếm các điểm cao phía Đông của Phân khu Trung tâm, nhanh chóng thắt chặt vòng vây bằng hệ thống giao thông hào, chiến hào, khống chế đánh chiếm sân bay chính, hạn chế và triệt hẳn đường tiếp viện của địch, tích cực tiêu diệt và tiêu hao sinh lực địch, tạo điều kiện chuyển sang tổng công kích tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Đại đoàn 308 đảm nhiệm toàn bộ mặt trận phía Tây Mường Thanh, thu hút sự chú ý của địch.

Thực hiện kế hoạch, từ ngày 30-3 đến ngày 7-4, dưới sự chỉ huy trực tiếp của Đại đoàn trưởng Vương Thừa Vũ, các đơn vị của Đại đoàn đồng loạt nổ súng tiến công các cứ điểm 106, điểm cao 311 và đồi A1. Sau 10 ngày chiến đấu, đêm 16 tháng 4, cứ điểm 105 bị tiêu diệt. Đợt tiến công thứ 2 tuy không đánh chiếm được tất cả các mục tiêu đề ra nhưng đã gây tác động lớn đến tinh thần của địch và phá vỡ hệ thống phòng thủ của chúng. Qua chiến đấu, Đại đoàn rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm về lãnh đạo, chỉ huy tác chiến. Trung đoàn 36 được biểu dương trước toàn mặt trận về thành tích tiêu diệt cứ điểm 106.

Trong đợt 3 của chiến dịch, Đại đoàn 308 được giao nhiệm vụ tiến công địch ở khu vực phía Tây. Tất cả những trận đánh này nhằm “bóc” hết cả hai mạng sườn địch, khiến chúng phải “phơi bày ruột gan” ra, và tất cả phải hoàn thành trong đêm 6-5, để hôm sau toàn bộ mặt trận chuyển sang tổng công kích, kết thúc nhiệm vụ lịch sử của chiến dịch này. Đây là một tính toán rất khoa học và chính xác của Bộ Chỉ huy mặt trận, đòi hỏi đơn vị phải triệt để chấp hành và hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ quan trọng này.

 

Cắm cờ giải phóng trên nóc hầm De Castries tại Điện Biên Phủ, chiều 7-5-1954. Ảnh tư liệu 

Dưới sự chỉ đạo mưu lược và quyết đoán của Đại đoàn trưởng Vương Thừa Vũ, đêm 1-5, Trung đoàn 88 diệt cứ điểm 311A; đêm 2-5, Trung đoàn 36 làm chủ cứ điểm 311B tiêu diệt và bắt trên 100 địch. Tiếp đó, đêm 6-5, Trung đoàn 102 tiến công vị trí cứ điểm 310, hoàn thành việc “đánh bóc sườn” phía Tây. Trận địa vây lấn của Đại đoàn chỉ còn cách sở chỉ huy của tướng De Castries khoảng 400m.

Với những trận đánh trong đêm 6-5, các cánh quân của ta ở phía Đông và phía Tây đã hoàn thành nhiệm vụ của giai đoạn vây lấn, bề ngang trận địa địch bị ép chặt. Đêm mùng 6 rạng ngày 7-5, mọi cán bộ, chiến sĩ của Đại đoàn đều thao thức, hồi hộp. Trên tấm bản đồ, đồng chí Vũ Yên, Tham mưu trưởng Đại đoàn, căn cứ vào quyết tâm của Bộ Chỉ huy, đã vạch 3 mũi tên đỏ thể hiện ba mũi tham gia “Tổng công kích” của Đại đoàn 308 nhằm vào khu trung tâm Mường Thanh. Trong đó, mũi thứ nhất được triển khai từ cứ điểm 311B, mũi thứ hai từ cứ điểm 310 và mũi thứ ba là từ Nà Nọong. Các bàn đạp tấn công này đã bố trí đầy đủ hầm hào để triển khai các loại hỏa lực, kể cả pháo 75mm, cách tuyến phòng ngự ngoài cùng của trung tâm Mường Thanh hơn 200 mét, cách hầm Sở chỉ huy địch 500 - 600 mét.

Trưa 7-5, quân ta diệt tiếp các vị trí 507, 508 và 509 bên bờ sông Nậm Rốm, địch đối phó yếu ớt. Nắm chắc thời cơ, đúng 15 giờ ngày 7-5-1954, Bộ Chỉ huy mặt trận ra lệnh tổng công kích. Từ phía Tây, Đại đoàn 308 đánh thẳng vào sở chỉ huy địch ở Mường Thanh, phối hợp cùng các đơn vị bạn ở phía Đông tiêu diệt các vị trí cuối cùng của địch. Mặc dù địch còn khoảng 10.000 quân nhưng tinh thần đã hoàn toàn rệu rã nên khi quân ta đánh đến đâu, địch đầu hàng đến đó. Đến 17 giờ 30 phút, quân ta đánh chiếm sở chỉ huy địch, bắt sống tướng De Castries, Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng. Sau 56 ngày đêm chiến đấu anh dũng, dưới sự chỉ huy của Đại đoàn trưởng Vương Thừa Vũ, Đại đoàn 308 cùng với các đơn vị bạn đã tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. (còn nữa)

LÊ MẠNH TIẾN (Viện Lịch sử quân sự)



[1] Trung tướng Vương Thừa Vũ: Trưởng thành trong chiến đấu, Nxb.Hà Nội, H.2006, tr.181.

[2] Bộ Quốc phòng – Viện Lịch sử quân sự Việt Nam: Tóm tắt các chiến dịch trong kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 – 1954), Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, H.2000, tr.329.

 

 

https://www.qdnd.vn

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Nhà văn, nhà viết kịch Hoàng Công Khanh (1922-2010)

Nhà văn, nhà viết kịch Hoàng Công Khanh (1922-2010)

  • 08/07/2019 14:36
  • 4416

Duyên nghiệp sử sách cho tôi nhiều dịp may hiếm có, ví như bỗng một ngày, tôi được gặp nhà văn, nhà viết kịch Hoàng Công Khanh ở tọa đàm về cuộc đấu tranh của những người yêu nước và cộng sản ở nhà tù Sơn La do cụ Nguyễn Văn Trân tổ chức vào hè năm 2007. Không thể hình dung được ông nhà văn, nhà viết kịch nổi tiếng, dáng cao manh mảnh, đôi mắt tinh anh, lại đã từng bị tù ở Sơn La cùng với bí thư chi bộ nhà tù Trần Huy Liệu.

Bài viết khác

Trung tướng Vương Thừa Vũ: Vị tướng tài ba, người con ưu tú của Thủ đô - Bài 1: Người chiến sĩ cách mạng kiên trung

Trung tướng Vương Thừa Vũ: Vị tướng tài ba, người con ưu tú của Thủ đô - Bài 1: Người chiến sĩ cách mạng kiên trung

  • 24/09/2024 14:40
  • 157

"Trung tướng Vương Thừa Vũ là một nhà lãnh đạo chỉ huy ưu tú… là con người trung thực, tính tình nghiêm nghị với tấm lòng nhân hậu, cương trực thẳng thắn nhưng coi trọng đoàn kết thống nhất…, rất mực dân chủ và yêu thương chiến sĩ…".