Lần đầu tiên, các nhà khảo cổ hình dung ra những thanh âm do con người tạo ra từ 12.000 năm trước khi tái tạo một cây sáo mà họ tìm thấy ở Bắc Israel. Thứ âm nhạc kỳ lạ này đã góp phần hé mở cho chúng ta thấy một phần về nền văn hóa Natufia ở vùng Levant cổ xưa.
Có khi nào bạn tò mò về việc tổ tiên của chúng ta có thích nghe nhạc không? Trong thời gian rảnh hoặc lúc thời tiết không thuận lợi cho săn bắt hái lượm, họ thường làm đồ trang sức, vẽ nguệch ngoạc bằng than hoặc đá màu những dấu hiệu bí ẩn, những tô tem, hoặc cảnh săn bắn… lên tường các hang động. Còn âm nhạc? Có phải là hoạt động giải trí này có phần xa lạ với đời sống của họ?
TS. Hamoudi Khalaily cầm chiếc sáo cổ 12.000 năm tuổi ở một làng thuộc nền văn hóa Natufia ở Bắc Israel.
Mới đây, một nhóm nghiên cứu Israel và Pháp đã xuất bản bài báo về một chiếc sáo bằng xương chim được tái tạo theo hình mẫu các mảnh vụn khai quật được “Bone aerophones from Eynan-Mallaha (Israel) indicate imitation of raptor calls by the last hunter-gatherers in the Levant” (Các nhạc cụ hơi bằng xương từ Eynan-Mallaha (Israel) biểu thị sự mô phỏng tiếng kêu của loài chim săn mồi do những người săn bắt hái lượm cuối cùng tạo ra ở vùng Levant). Kết quả nghiên cứu của họ đã mở ra một cánh cửa trong việc tìm hiểu vai trò của âm thanh vào cuộc sống con người thời kỳ sơ khai, sống trong giai đoạn chuyển tiếp từ săn bắn hái lượm sang các khu định cư ở Trung Đông. Đây sẽ là một trong những nhạc cụ cổ xưa nhất từng được phát hiện ở vùng đất này.
Những thanh âm nguyên thủy
Câu chuyện thú vị này bắt đầu khi các nhà khoa học khai quật di chỉ Eynan/Ain Mallaha, một làng nhỏ cách biển Galilee khoảng 35 km. Laurent Davin, một postdoct tại trường Đại học Hebrew, đã kiểm tra một số mảnh xương chim mới được tìm thấy ở di chỉ có niên đại từ 12.000 đến 8000 năm trước Công nguyên và nhận thấy những chiếc lỗ bé xíu dọc theo một số mảnh xương. Lúc đầu, các chuyên gia đã bác bỏ những chiếc lỗ này như sự tác động của môi trường bên ngoài lên đám xương chim mỏng mảnh. Khi nhìn gần những mảnh xương kỳ lạ này, anh chợt nhận ra là những chiếc lỗ xuất hiện khá đều đặn và rõ ràng là được tạo ra từ bàn tay con người. “Một trong những chiếc sáo này đã được phát hiện trong trạng thái lành lặn và cho đến giờ được biết như một cây sáo cổ nhất trên thế giới ở trạng thái này”, Davin cho biết trong một thông cáo báo chí.
Một khi con người sống cố định hơn thì nền văn hóa của họ thực sự nếm trải sự chuyển biến xã hội dữ dội, bao gồm sự xuất hiện của các thực hành chôn cất, nghệ thuật và các cấu trúc xã hội khác mang tính lâu bền hơn.
Tiến sĩ Hamoudi Khalaily, một nhà nghiên cứu chính tại Cơ quan Quản lý Cổ vật Israel (IAA), đã dành 10 năm khai quật tại di chỉ Eynan và là người tham gia vào việc tạo ra một bản sao cây sáo cổ xưa này. “Có những nghi ngờ dấy lên về khả năng có thể tái tạo được cây sáo, nhưng rút cục thì nó được làm ra một cách chính xác theo cùng cách tạo ra cây sáo nguyên thủy và cho phép chúng ta nghe thấy những gì mà con người cách đây 12.000 năm trước đã nghe”, Khalaily nói với The Times of Israel.
“Lần đầu tiên nghe những âm thanh ấy, nó đem lại cho chúng tôi cảm giác là chúng tôi đã thực sự làm được điều gì đó cho lịch sử, nghĩa là nó giống cây sáo mà người xưa đã tạo ra”, Khalaily chia sẻ suy nghĩ của mình. Cây sáo ‘mới’ có âm thanh như tiếng rít chói tai, điều này khiến Khalaily và nhóm nghiên cứu tin rằng nó có thể là một mô phỏng tiếng kêu của những con chim săn mồi, bao gồm những con chim ưng chuyên săn mồi những con chim nước nhỏ. “Âm thanh này có thể là để thu hút những con chim săn mồi, bằng việc tạo ra sự hỗn loạn với tiếng những loài chim khác, và sau đó thì chủ nhân của các cây sáo này có thể dễ dàng bắt chúng, ngay cả bằng tay không”, anh giải thích.
Thung lũng Hula vẫn là một bãi đáp lớn cho chim di cư trên đường từ châu Âu sang châu Phi.
Những người săn bắt hái lượm sống nay đây mai đó thường dồn sức lực vào những “cuộc chơi lớn” như săn bắt linh dương, thỏ hay cáo nhưng kể từ khi bắt đầu chuyển sang định cư ở thung lũng Hula, họ đã có những chiến lược sinh tồn mới với những nguồn thức ăn mới, bao gồm cá và những loài chim nước nhỏ ở trên hồ ở thung lũng này.
Ngày nay, thung lũng Hula vẫn là một bãi đáp lớn cho chim di cư vào cuối mùa thu khi hàng chục ngàn con chim bay qua Israel, trên đường từ châu Âu sang châu Phi. Thung lũng Hula từng bị nước bao phủ khắp với một hồ nước rộng 13 km2 và những dải đầm lầy ngập nước rộng 47 km2. Những người theo phong trào Phục quốc Do Thái đầu tiên đã đến đây, tháo nước làm khô đầm lầy vào đầu thế kỷ 20 trong một dự án lớn về cơ sở hạ tầng nhằm tạo ra một vùng đất có nhiều diện tích trồng trọt hơn và mặt khác, chiến đấu với lũ muỗi mòng.
Một túm xương chim cổ
Tại di chỉ Eynan, các nhà khảo cổ đã khai quật đúng một làng thuộc về Natufia, một nền văn hóa khảo cổ Thời đại đồ đá giữa tại Levant và Tây Á, có niên đại khoảng 15.000 đến 11.500 năm trước. Đây là khoảng thời gian độc nhất vô nhị bởi lẽ nền văn hóa này xuất hiện khi con người bắt đầu sống một cuộc sống bán định cư, trước khi xuất hiện cuộc cách mạng nông nghiệp. Điều này có nghĩa là họ phải tìm được nguồn thức ăn thường xuyên ở cùng khu vực trước khi họ biết cách trồng trọt rau củ hay ngũ cốc. Một khi con người sống cố định hơn thì nền văn hóa của họ thực sự nếm trải sự chuyển biến xã hội dữ dội, bao gồm sự xuất hiện của các thực hành chôn cất, nghệ thuật và các cấu trúc xã hội khác mang tính lâu bền hơn.
Di chỉ Eynan lần đầu tiên được một nhóm nghiên cứu người Pháp khai quật vào năm 1955 và sau đó từ 1996–2005 là một nhóm nghiên cứu hợp tác giữa Israel và Pháp do François Valla của Trung tâm Nghiên cứu Quốc gia Pháp (CNRS) và Khalaily của IAA dẫn dắt.
Âm thanh từ chiếc sáo mở ra một cánh cửa vào một điểm cuốn hút trong quá trình phát triển của con người, sự phức hợp của xã hội và năng lực của họ trong việc làm ra các công cụ cho cuộc sống của mình.
Các cuộc khai quật tại di chỉ này đang được tiến hành và có thể mất nhiều năm để sàng lọc một cách cẩn thận tất cả những gì lấy ra khỏi hố đào và tìm kiếm những mảnh công cụ, xương động vật và những mảnh vụn có trong đời sống hằng ngày của hàng ngàn năm trước. Qua hơn hai thập kỷ, những đợt sàng sẩy như vậy giúp họ thu về 1.112 mảnh xương chim từ di chỉ Eynan.
Cây sáo từ xương chim do chính nhóm chuyên gia Pháp và Israel tìm thấy, bao gồm những nhà khảo cổ và nhà khảo cổ học động vật, âm nhạc dân tộc học, cổ thực/động vật học và chuyên gia kỹ thuật để có thể tìm được các cách hợp lý cho tái tạo chính xác vị trí của các lỗ trên thân sáo.
Những cây sáo nguyên bản, hay còn gọi là các nhạc cụ hơi bởi vì chúng đều là một thứ nhạc cụ phát ra thanh âm do những luồng không khí rung động đi qua, đều được làm từ phần xương cánh rỗng của chim mòng biển Á Âu và sâm cầm Á Âu. Cây sáo do các nhà khoa học làm ra được làm từ xương cánh hai con vịt trời cái “bởi vì thật khó trong việc tìm được sâm cầm Á Âu (Fulica atra) sống giống như thời người Natufia”, các nhà khoa học viết trong công bố.
“Chúng có lẽ thuộc về những nhạc cụ thời tiền sử nhỏ nhất mà chúng ta biết ngày nay”, Lauren Davin, tác giả thứ nhất của nghiên cứu, một postdoc khảo cổ tại Trung tâm nghiên cứu Pháp ở Jerusalem trao đổi với Live Science qua email. “Bởi vì có bã của màu đỏ son, chúng ta biết rằng có thể chúng được sơn màu đỏ. Do quá trình sử dụng nên chúng tôi nghĩ rằng chúng có thể được luồn vào một cái dây và bị mòn đứt”.
Nhưng do những mẩu xương nhỏ hơn nên thật khó mà thổi được bằng cây sáo đặc biệt này. Các nhà nghiên cứu tin là nó được tạo ra một cách đặc biệt để bắt chước tiếng kêu của loài Cắt hỏa mai hay còn gọi là bồ cắt Á Âu và Cắt lưng hung, hai loài chim phổ biến từng sống ở thung lũng Hula.
Cây sao “sao chép” đã làm tái hiện thứ nhạc cụ cổ nhất được tìm thấy ở Israel nhưng không phải là nhạc cụ bộ hơi cổ nhất từng được phát hiện. Phần lớn những nhạc cụ có thể phát ra âm thanh thời kỳ Đồ đá cũ đều được tìm thấy ở châu Âu, chiếc cổ nhất có niên đại 40.000 năm, được tìm thấy ở Tây Nam Đức, cũng được làm từ xương chim và ngà voi ma mút.
Trước khi có được phát hiện này, thứ duy nhất được biết là ‘âm nhạc’ hay âm thanh được tạo ra trong suốt thời Đồ đá cũ và thời kỳ Đồ đá mới ở Levant mới chỉ từ một số nghiên cứu đề xuất là con người có thể đã phát triển một dạng đai bằng xương có thể phát ra tiếng kêu lách cách hoặc lạch cạch, hoặc thậm chí đó có thể là một cái còi bằng xương (một dạng sáo không cần lỗ bấm).
Tuy cái sáo này là một phát hiện quan trọng nhưng âm thanh nó tạo ra không phải là thứ âm nhạc vừa cho mọi cái tai. “Lần đầu tiên nghe qua YouTube, tôi thấy nó thực sự mang một âm thanh khủng khiếp, nó quá cao và quá rít, nói chung là không đẹp một chút nào”, giáo sư Rivka Rabinovich, giám đốc khoa học phụ trách các bộ sưu tập khảo cổ học động vật tại Bảo tàng Lịch sử tự nhiên, ĐH Hebrew, nhận xét. Rabinovich, một chuyên gia về nghiên cứu và diễn dịch những mảnh xương động vật có vú cổ đại, đã từng nghiên cứu về phát hiện ở di chỉ Eynan trong nhiều năm.
Rabinovich cho biết thêm là chưa rõ liệu người cổ đại có phản ứng tương tự khi họ nghe thấy thanh âm này không? Liệu nó thường dùng để đi săn, liên lạc hay thậm chí là tạo ‘tác phẩm’ âm nhạc?
Nhưng nó mở ra một cánh cửa vào một điểm cuốn hút trong quá trình phát triển của con người, sự phức hợp của xã hội và năng lực của họ trong việc làm ra các công cụ cho cuộc sống của mình. Những cái lỗ nhỏ trên chiếc sáo này đã được khoan bằng móng của một con chim lớn hơn, dường như là một con chim ưng. Các nhà khảo cổ tin là các móng vuốt này cũng mang một ý nghĩa tâm linh nào đó đối với con người thời kỳ sơ khai, Khalaily nói.
“Điều này vô cùng thú vị bởi thời kỳ đó chỉ là điểm khởi đầu của những người mà sau đó có cuộc sống trở nên tĩnh tại hơn”, Rabinovich nói. “Đó cũng là một thời kỳ đầy lý thú bởi người ta hiểu về cuộc sống đời thường và đặt ra những câu hỏi ở tầm khái quát hơn, nằm ngoài phạm vi cuộc sống hằng ngày, và có thể là những câu hỏi như tại sao mình lại làm một số điều nhất định như vậy”.
Bà cho rằng cuộc khám phá này có thể thực hiện được là nhờ nhóm nghiên cứu Pháp – Israel gồm nhiều chuyên gia ở nhiều lĩnh vực khác nhau, có thể bổ trợ cho nhau để tái cấu trúc các công cụ xương và diễn dịch được ý nghĩa của nó từ vô số mảnh xương động vật. “Thông điệp từ đó là anh thực sự cần cứu lấy mọi thứ được khai quật từ một di chỉ bởi vì anh luôn luôn thấy những những điều đó bằng những cặp mắt mới và công cụ mới”, bà nói. “Phải mất nhiều thời gian để sàng lọc mọi thứ và khi anh nhìn với cách nhìn mới thì anh có thể thấy cái khác biệt. Sở dĩ có điều này là bởi liên tục có cái mới, công nghệ mới và cách tiếp cận mới để tìm ra thông tin mới. Và khi tất cả làm việc cùng nhau thì có thể tạo ra một bức tranh phức hợp về những gì đã diễn ra ở đây”.
Di chỉ Eynan là nơi liên tục có bóng dáng con người trong vòng 4.000 năm, với những người sống trong những ngôi nhà tròn được xây từ đá, phủ da động vật hoặc cành cây. Vào quãng 8.000 năm trước Công nguyên, khi cuộc cách mạng nông nghiệp đã diễn ra một cách tốt đẹp, con người đã bất ngờ từ bỏ nơi này, chuyển đến khu vực cách hồ Hula chừng 500 mét và tạo ra những đường bao hồ thay đổi theo thời gian.
Một trong những thử nghiệm quan trọng nhất đối với chiếc sáo này đã được lên kế hoạch: vào cuối mùa thu, khi lũ chim di cư theo năm xuyên qua thung lũng Hula, Khalaily sẽ đặt chiếc sáo mô phỏng vào di chỉ Eynan và thử thổi nó ở đó, tại chính điểm mà con người tạo ra nó 12.000 năm trước.
“Tôi muốn tới đó để xem là liệu chúng tôi có thể cất lên âm thanh đó, với hy vọng thu hút được chim ưng hay chim cắt không”, anh nói. “Tôi là một người rất lạc quan và tôi nghĩ là nó sẽ có tác dụng thật sự Nếu chúng tôi có thể tái tạo đúng âm thanh này, tôi sẽ có thể thu hút được một số con chim”. □
Thanh Hương tổng hợp