Loài sứa mới được tìm thấy trong hóa thạch hơn nửa triệu năm tuổi ở Canada, trong tình trạng bảo quản rất tốt.
Các nhà khoa học Canada cho biết các hóa thạch 505 triệu năm tuổi này được tìm thấy tại vùng đá phiến sét Burgess, một khu vực nổi tiếng có nhiều hóa thạch trong tình trạng nguyên vẹn.
Một tiêu bản sứa Burgessomedusa phasmiformis được tìm thấy tại vùng đá phiến sét Burgess, Canada. Ảnh: Desmond Collins
Loài sứa mới được đặt tên là Burgessomedusa phasmiformis, có thân hình đĩa hoặc hình chuông dài 20cm. Với khoảng 90 xúc tu ngắn, nó có thể bắt những con mồi tương đối lớn.
Sứa thuộc một phân nhóm trong ngành Gai chích gọi là Medusozoa. Ngành Gai chích là nhóm động vật cổ nhất còn tồn tại tới ngày nay. 95% cơ thể sứa là nước và nhanh phân hủy, cho nên ít có tiêu bản hóa thạch nào được tìm thấy. Tuy nhiên, các tiêu bản kể trên lại ở trong trạng thái nguyên vẹn hiếm có, được tìm thấy cuối những năm 1980, đầu 1990.
Hình vẽ minh họa loài sứa cổ. Ảnh: Christian McCall
Do ít khi có được hóa thạch sứa nên lịch sử tiến hóa của chúng chủ yếu được tìm hiểu qua các hóa thạch ấu trùng nhỏ li ti cũng như từ các nghiên cứu phân tử trên những con sứa hiện nay.
Theo các nhà khoa học, khó có thể xác định sứa cùng các loài họ hàng của chúng trong lưu trữ hóa thạch kỷ Cambri, cho dù đây là một trong những nhóm động vật đầu tiên trên Trái đất.
Việc phát hiện loài Burgessomedusa phasmiformis cho thấy chuỗi thức ăn trong kỷ Cambri phức tạp hơn nhiều so với tưởng tượng trước đây và chắc chắn rằng loài sứa đã có mặt trong kỷ Cambri.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Proceedings of the Royal Society B.
Ngọc Huyền