Một phân tích mới cho thấy đầu mũi tên được tìm thấy ở Thụy Sĩ cách đây hơn 100 năm không phải là vật bình thường.
Cuối những năm 1800, các nhà khảo cổ phát hiện một mũi tên tại khu cư trú thời đồ đồng ở Mörigen, Thụy Sĩ. Kể từ đó, hiện vật 3.000 tuổi này nằm trong bộ sưu tập tại Bảo tàng Lịch sử Bern.
Giờ đây, một phân tích mới cho thấy đó không phải một đầu mũi tên bình thường: nó được tạo thành từ một thiên thạch rơi xuống Trái đất cách đây 3.500 năm.
Nhìn qua, nó trông giống như một đầu mũi tên rỉ sét bình thường, nặng 2,9gr và dài khoảng 3cm. Nhưng các nhà nghiên cứu đã sử dụng một số phương pháp, bao gồm chụp cắt lớp X quang (chụp ảnh vi tính) và đo quang phổ gamma (để dò ra các chất phát xạ gamma) và phát hiện nó không chỉ chứa đồng vị nhôm 26, một chất không xuất hiện tự nhiên trên Trái đất, mà còn có các dấu vết của hợp kim sắt và niken, phù hợp với các thành phần của thiên thạch.
Phân tích cũng cho thấy các vết mài khi thiên thạch được làm thành đầu mũi tên, cũng như những vết hắc ín còn sót lại. Hắc ín có thể là chất được dùng để gắn đầu mũi tên vào phần cán.
Mũi tên tìm thấy ở Thụy Sĩ được làm từ thiên thạch. Ảnh: Thomas Schüpbach
Lúc đầu, các nhà khoa học cho rằng hiện vật này liên quan đến địa điểm Twannberg, nơi có thiên thạch rơi cách đây 17.000 năm, cách khu cư trú của người xưa chưa đến 8km. Tuy nhiên, nghiên cứu sau đó cho thấy hàm lượng nikenvà gecmani (một nguyên tố hóa học) trong mũi tên không khớp với thiên thạch tại địa điểm này.
Khi tra cứu một cơ sở dữ liệu địa chất, nhóm nghiên cứu phát hiện địa điểm thiên thạch Kaalijary ở Estonia, cách đó hơn 2.250km, có chứa các kim loại tương tự như hiện vật trên, và mũi tên đến từ một thiên thạch nặng 2 tấn. Điều này khiến nhóm nghiên cứu kết luận rằng có khả năng cao là mũi tên đã được dùng trong trao đổi hàng hóa.
Nhóm nghiên cứu cho biết thêm, việc trao đổi hàng hóa từ những nơi xa xôi rất phổ biến trong thời đồ đồng. Những người cổ đại có lẽ đã biết rằng thiên thạch - rơi xuống vào năm 1.500 TCN - là thứ vật liệu quý giá.
Các đầu mũi tên làm từ thiên thạch rất hiếm, đến nay chỉ có 55 cái được tìm thấy ở 22 địa điểm trên lục địa Á-Âu và châu Phi.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Journal of Archaeological Science.
Anh Thơ