Khi Đế quốc La Mã bành trướng lãnh thổ, nó mang theo các đồ dùng tắm rửa phức tạp cùng các vật dụng chăm sóc cá nhân mới – từ đồ chăm sóc móng tay, móng chân cho tới dụng cụ lấy ráy tai.
Các bộ dụng cụ vệ sinh cổ đại. Hơn 50 chiếc nhíp. Và gần đây nhất là dụng cụ làm sạch móng được tìm thấy ở Gloucestershire có niên đại hơn 1.500 năm. Các món đồ này nằm trong những hiện vật mà các nhà khảo cổ đã khai quật được ở Vương quốc Anh khi nước này còn là một phần thuộc Đế chế La Mã.
Bắt đầu từ cuộc xâm lược của người La mã vào năm 43 sau Công nguyên và kết thúc vào thế kỷ V, giai đoạn này đánh dấu văn hóa La Mã được truyền bá vào nước Anh. Một trong những mặt hàng xuất khẩu văn hóa đáng chú ý nhất của người La Mã là nhà tắm và thói quen chăm sóc cá nhân – những thứ này cũng đã lan rộng ra khắp các vùng lãnh thổ khác nằm dưới sự cai trị của đế chế lừng danh.
“Chính những nhà tắm công cộng khổng lồ của thành phố đã mang theo những hoạt động này khi chúng được xây dựng trên khắp đế quốc. Những chiếc nhíp dùng để nhổ lông cơ thể không tồn tại ở Anh trước khi người La Mã đến”, Cameron Moffett cho biết. Ông là nhà giám tuyển tại tổ chức English Heritage quản lý hơn 400 di tích, tòa nhà và địa điểm lịch sử, bao gồm các địa điểm thời tiền sử, lâu đài thời trung cổ, pháo đài La Mã và nhà ở nông thôn.
Khi người La Mã xâm lược nước Anh, những chiếc nhíp dường như xuất hiện khắp nơi. Nhíp, cùng các hiện vật khác, mang lại một cái nhìn đau đớn về các công cụ và thói quen làm đẹp của người La Mã lan truyền theo sự bành trướng của Đế chế La Mã sau khi thành lập vào năm 27 trước Công nguyên. Hẳn các độc giả hiện đại chẳng xa lạ gì với chiếc nhíp, nhưng chắc chắn các bạn chưa bao giờ nghe tới strigil – các công cụ bằng đồng được người La Mã sử dụng để cạo da.
Dụng cụ cạo da (strigil)
Dụng cụ cạo da là công cụ làm sạch (thường có chất liệu đồng) được người La Mã tiếp nhận từ người Hy Lạp. Tại các nhà tắm công cộng, đàn ông và phụ nữ La Mã làm sạch cơ thể bằng cách bôi dầu lên người rồi dùng dụng cụ cạo sạch lớp dầu cùng với bụi bẩn và mồ hôi trên làn da. Trước tiên, người La Mã có thể tập thể dục tại sân rộng của khu phức hợp nhà tắm để ra mồ hôi, trước khi tẩy sạch cơ thể với dụng cụ cạo da.
Bốn dụng cụ cạo da và bát được xâu thành chuỗi cùng một chiếc bình nhỏ, tất cả đều làm bằng đồng. Nguồn: Bảo tàng Khoa học Anh quốc
Các nhà khảo cổ đã phát hiện “bộ đồ vệ sinh cá nhân” là các dụng cụ cạo da nối với bình đựng dầu. Họ thậm chí còn tìm được dụng cụ cạo da trong các ngôi mộ ở thành phố Rome và Bulgaria, biên giới phía Đông mở rộng của Đế chế La Mã. Các ngôi mộ ở Bulgaria tại thế kỷ III sau Công nguyên có một chiếc bình độc đáo với hình dạng giống đầu người mà chủ mộ có thể đã dùng để đựng dầu, gắn kèm dụng cụ cạo da.
Hiện chưa rõ nguyên nhân vì sao mà dụng cụ cạo da lại xuất hiện trong các ngôi mộ. Nhưng các học giả đều biết rằng dụng cụ cạo da có liên quan tới các hoạt động thể thao, vì vận động viên sử dụng chúng để cạo cơ thể sau khi tập luyện. Vì lẽ đó, các nhà khảo cổ đã đặt biệt danh cho một ngôi mộ ở thế kỷ thứ IV trước Công nguyên, chôn bốn thi thể cùng hai dụng cụ cạo da là “Ngôi mộ của Vận động viên”.
Chăm sóc móng tay
Người La Mã có thể làm sạch và cắt móng tay ở nhà, ở nhà tắm công cộng, hoặc tại tiệm hớt tóc nếu họ là nam giới. Moffett cho biết người dân ở thành Rome thường sử dụng dao hoặc kéo để chăm sóc móng. Nhưng thú vị là dụng cụ làm sạch móng được khai quật tại Gloucestershire, được Tổ chức Khảo cổ Oxford Cotswold công bố tháng 5/2024, “khá đặc trưng cho khu vực này của nước Anh”, Alex Thomson, Giám đốc Dự án của tổ chức, cho biết. Loại dụng cụ làm sạch móng có hình chữ V này (cũng có thể dùng làm giũa móng tay) chỉ xuất hiện tại các địa điểm ở Anh thời La Mã.
Tẩy lông cơ thể
Một trong những trào lưu làm đẹp cá nhân tại Rome trong thời đế chế (hay ít nhất là trong giới thượng lưu giàu có) là tẩy lông trên cơ thể. Cả đàn ông lẫn phụ nữ đều sẽ dùng nhíp nhổ bỏ những sợi lông không mong muốn, hoặc là nhờ người hầu hoặc nô lệ làm cho ở nhà hay ở nhà tắm công cộng. Tuy nhiên, không phải người La Mã nào cũng chấp nhận phong trào chú ý tới ngoại hình tới vậy.
Triết gia Seneca, sống ở Rome vào thế kỷ I sau Công nguyên, đã than phiền trong một bức thư về việc phải chịu đựng những tiếng ồn ào khi ở trọ gần nhà tắm: “Ngoài những người có giọng nói lớn, hãy tưởng tượng người nhổ lông nách gầy gò kêu chói tai để mọi người chú ý tới mình, anh ta không bao giờ ngậm miệng trừ phi có công ăn việc làm và khiến người khác la hét thay cho mình”.
Chúng ta khó mà biết được mức độ phổ biến của việc nhổ lông nách từ lá thư của Seneca – theo Jerry Toner, Giám đốc Nghiên cứu về kinh điển tại Đại học Churchill – vì thói quen làm đẹp này dường như là một phần của vấn đề lớn hơn mà vị triết gia gặp phải với người La Mã đương thời.
“Seneca là một nhà đạo đức lớn, và rõ ràng ông ấy đang lên án tất cả sự mềm yếu, xa xỉ và thư giãn đang diễn ra trong nhà tắm”, Toner nói. “Ông ấy hơi cường điệu hóa một chút – về những người la hét khi bị nhổ lông. Nhưng chắc chắn là việc này diễn ra khá phổ biến”.
Bộ dụng cụ làm đẹp gồm nhíp, công cụ làm sạch móng và cái lấy ráy tai. Nguồn: Bảo tàng Khoa học Anh quốc
Làm sạch tai
Nếu bạn thích cảm giác nhồn nhột khi ngoáy tai, vậy thì có thể bạn sẽ muốn cho dụng cụ lấy ráy tai của người La Mã vào bộ vật dụng của mình. Các nhà khảo cổ đã phát hiện nhiều dụng cụ lấy ráy tai với một đầu thuôn nhọn và một đầu có hình dạng như chiếc thìa nhỏ; có những chiếc cả hai đầu của chiếc ngoáy tai đều xoáy theo hình xoắn ốc. Chúng có thể được làm bằng đồng, xương, hoặc thậm chí là thủy tinh. Không chỉ dùng để làm sạch tai, người La Mã còn dùng các dụng cụ này cho nhiều mục đích khác. Ví dụ, Moffett cho rằng người La Mã còn dùng chúng để lấy dầu và nước hoa từ những chiếc bình nhỏ.
Các nhà khảo cổ thường phát hiện các công cụ như nhíp, dụng cụ làm sạch móng và lấy ráy tai được xâu thành một chuỗi, cho thấy chúng là đồ dùng vệ sinh và làm đẹp phổ biến – món phụ kiện hoàn hảo cho các chàng trai và cô gái La Mã.
Nguồn: nationalgeographic
Phương Anh dịch