Thứ Năm, 05/12/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

23/08/2024 10:01 1120
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Ở Ai Cập cổ đại, cá sấu từng được ướp xác với số lượng lớn để dâng lên Sobek, chúa tể sông Nile.

 

Một xác ướp cá sấu được trưng bày trong Bảo tàng Anh quốc. Ảnh: Mer Services
Khi nghe đến cụm từ “xác ướp Ai Cập cổ đại", chúng ta thường hình dung ra xác ướp của những Pharaoh bên trong lăng mộ bí ẩn giữa sa mạc hoang vắng. Bởi vậy, nhiều người có thể ngạc nhiên khi biết rằng người Ai Cập cũng ướp xác của các loài động vật .
Trong một nghiên cứu gần đây, TS Lidija M. Mcknight, chuyên gia về Y sinh Ai Cập học, Đại học Manchester (Anh), và các đồng nghiệp đã phát hiện những chi tiết về giờ phút cuối đời của một con cá sấu được ướp xác bởi những người Ai Cập cổ đại. Sử dụng máy quét CT, họ xác định được con vật đã chết như thế nào và cơ thể được xử lý ra sao sau khi chết.
Đối với người Ai Cập, động vật giữ một vị trí quan trọng trong tôn giáo, chúng có thể di chuyển giữa thế giới trần gian và thế giới thần thánh. Diều hâu gắn liền với thần Mặt trời Horus vì chúng bay cao, gần Mặt trời hơn (và do đó cũng gần với chính vị thần). Mèo gắn liền với nữ thần Bastet, vị thần bảo vệ tổ ấm của mỗi gia đình trước quỷ dữ và bệnh tật.
Động vật ướp xác hầu hết sẽ được dùng làm vật cúng hoặc quà tặng.
Xác ướp động vật có thể mở ra cho các nhà khoa học cánh cửa khám phá thế giới tự nhiên thời cổ đại, vào khoảng năm 750 trước Công nguyên đến năm 250 sau Công nguyên. Một số loài được ướp xác nay không còn được tìm thấy ở Ai Cập.
Chẳng hạn, người Ai Cập cổ đại có thể nhìn thấy loài ibis (cò quăm) thiêng liêng, loài chim lội nước với đôi chân dài và chiếc mỏ cong, dọc theo bờ sông Nile mỗi ngày. Hàng triệu con cò quăm đã được ướp xác để dâng lên Thoth, vị thần của sự thông thái, trí tuệ và chữ viết. Loài chim này ngày nay không còn ở Ai Cập nữa vì biến đổi khí hậu và tác động của sa mạc hóa đã khiến chúng di chuyển về phía nam đến Ethiopia.
Một loài động vật được ướp xác phổ biến khác là cá sấu. Mặc dù cá sấu sống ở sông Nile trong thời cổ đại, song công trình Đập Aswan được xây vào năm 1970 đã khiến chúng không thể di chuyển về phía bắc đến vùng đồng bằng ở hạ Ai Cập.
Cá sấu gắn liền với Sobek - chúa tể sông Nile - và là vị thần báo hiệu cơn lũ hằng năm của dòng sông này. Chúng được ướp xác với số lượng lớn để dâng lên Sobek. Trên khắp Ai Cập, người dân mặc quần áo bằng da cá sấu hoặc treo một con cá sấu trước cửa nhà như bùa hộ mệnh.
Hầu hết xác ướp cá sấu đều là những con nhỏ, điều này cho thấy người Ai Cập có phương tiện để ấp và nuôi dưỡng cá sấu con sống cho đến khi cần sử dụng. Một số bằng chứng khảo cổ học đã củng cố giả thuyết này, với việc các nhà khoa học phát hiện những khu vực chuyên dùng để ấp trứng và nuôi cá sấu con.
Khi cá sấu bắt đầu lớn, chúng bị chuyển đến nơi khác để ướp xác. Nghiên cứu về xác ướp cho thấy những dấu vết chấn thương sọ não ở cá sấu do con người gây ra nhằm giết chúng.
Để làm rõ quá trình ướp xác sau đó, TS Lidija M. Mcknight đã nghiên cứu xác ướp cá sấu dài 2,23m được lưu giữ trong bộ sưu tập của Bảo tàng và Phòng trưng bày nghệ thuật Birmingham, Vương quốc Anh. Vào tháng 5/2016, xác ướp cá sấu đã được chuyển đến Bệnh viện Nhi Hoàng gia Manchester để các nhà khoa học tiến hành chụp X-quang.
Các kỹ thuật chụp ảnh y khoa giúp nhóm nghiên cứu hiểu hơn về các hiện vật cổ đại mà không cần mổ xẻ chúng, vốn là cách mà các nghiên cứu xác ướp trước đây từng làm.
 
Các nhà khoa học tiến hành chụp CT xác ướp cá sấu. Ảnh: Lidija McKnight/ The Conversation
Chụp X-quang và chụp CT cho thấy đường tiêu hóa của động vật chứa đầy những viên sỏi nhỏ được gọi là “gastrolith”. Cá sấu thường nuốt những viên sỏi nhỏ để giúp quá trình tiêu hóa thức ăn dễ dàng hơn và điều chỉnh độ nổi dưới nước. Các gastrolith chỉ ra rằng những người ướp xác không thực hiện bước moi ruột - một bước nhằm loại bỏ các cơ quan nội tạng để trì hoãn quá trình thối rữa.
Ngoài những viên đá, hình ảnh cũng cho thấy sự tồn tại của một lưỡi câu bằng kim loại và một con cá mà người xưa đã dùng làm mồi để bắt cá sấu. Thông tin này khiến lời kể của nhà sử học Hy Lạp, Herodotus, trở nên đáng tin cậy hơn. Ông đã đến thăm Ai Cập vào thế kỷ 5 trước Công nguyên và viết rằng người dân dùng những con lợn trên bờ sông Nile để dụ cá sấu đến, sau đó họ bắt cá sấu bằng những lưỡi câu gắn mồi.
Các đồng nghiệp của TS Lidija M. Mcknight từ Trường Trang sức Birmingham đã giúp tái tạo một phiên bản chiếc móc bằng đồng để trưng bày cùng với xác ướp cá sấu trong Bảo tàng. Kết quả nghiên cứu cũng đã được các nhà khoa học công bố trong bài báo "Seeing is believing – The application of Three-Dimensional modelling technologies to reconstruct the final hours in the life of an ancient Egyptian Crocodile" trên Digital Applications in Archaeology and Cultural Heritage.
Bên cạnh nghiên cứu của TS Lidija M. Mcknight, vào năm 2019, các nhà khảo cổ học từ Đại học Jaén ở Tây Ban Nha đã phát hiện năm xác ướp cá sấu trong một ngôi mộ ở Qubbat al-Hawā, một địa điểm gần thành phố Aswan ở miền nam Ai Cập. Người ướp xác đã không sử dụng bất kỳ loại nhựa thông nào - một nguyên liệu cần có trong phương pháp ướp xác tiêu chuẩn của Ai Cập. Những tấm vải lanh quấn quanh thân cá sấu phần lớn đã bị côn trùng làm hư hại.
Các xác ướp được bảo quản rất tốt. Ta có thể thấy hình dạng, và thậm chí là màu sắc, vảy của chúng. Răng của chúng nhô ra từ chiếc mõm dài. Một con còn nguyên vẹn đến mức ngay cả da cũng còn nguyên.
Bên trong bụng cá sấu, nhóm nghiên cứu tìm thấy phần còn lại của vỏ trứng - có thể là của rắn và thằn lằn - và những viên đá nhỏ gastrolith.
Các nhà nghiên cứu đưa ra giả thuyết rằng những con cá sấu được ướp xác bằng cách chôn trong cát nóng và để khô tự nhiên trước khi bị chôn vùi.
Cũng trong nghiên cứu, họ tìm thấy vết tích của sợi dây thừng. Alejandro Jiménez-Serrano, nhà Ai Cập học thuộc Đại học Jaén và là đồng tác giả của nghiên cứu, cho rằng "những con cá sấu đã bị trói, có thể cho đến khi chúng chết vì mất nước".
 
Nguồn:
Thu Phương tổng hợp


 

 

 

https://khoahocphattrien.vn

Chia sẻ: