Theo Giáo sư Christian Leitz, trưởng nhóm nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu Cận Đông Cổ đại, cổng chính của ngôi đền được cho là nằm sâu hơn trong núi, phía sau các đống đổ nát chưa được khai quật.
Khu di tích Athribis. (Nguồn: Artnet News)
Các nhà khảo cổ từ Đại học Tübingen (Đức) vừa phát hiện một cổng đền cổ (pylon) tại khu di tích Athribis của Ai Cập. Phát hiện này được cho là manh mối dẫn đến một ngôi đền cổ Ai Cập còn ẩn giấu trong lòng núi.
Cổng đền được tìm thấy bao gồm hai tháp lớn bao quanh lối vào chính. Theo Giáo sư Christian Leitz, trưởng nhóm nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu Cận Đông Cổ đại, cổng chính của ngôi đền được cho là nằm sâu hơn trong núi, phía sau các đống đổ nát chưa được khai quật.
Khu di tích Athribis trải rộng trên diện tích 30 hecta, phần lớn vẫn chưa được khai quật. Khu vực này bao gồm một quần thể đền chính, cổng đền mới phát hiện, dấu tích của một khu định cư, nghĩa trang cổ và các mỏ đá cổ.
Tại tháp phía bắc của cổng đền, các nhà nghiên cứu tìm thấy phù điêu mô tả cảnh một vị vua dâng lễ vật cho nữ thần đầu sư tử Repit và con trai bà là Kolanthes.
Các chữ tượng hình cho thấy vị vua này có thể là Ptolemy VIII - một vị vua triều đại Ptolemaic cai trị Ai Cập vào thế kỷ 2 trước Công Nguyên.
Nhóm nghiên cứu cũng phát hiện một căn phòng bất ngờ trong tháp phía bắc, rộng khoảng 6m và dài 3m, được cho là nơi cất giữ các vật dụng trong đền./.
Đào Lâm (TTXVN/Vietnam+)