Thứ Ba, 03/12/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

18/09/2018 13:57 3270
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Văn hóa Phùng Nguyên thuộc cuối hậu kỳ thời đại đá mới - sơ kỳ thời đại kim khí, kết thúc một chặng đường dài hàng vạn năm của thời đại đồ đá và mở ra một thời đại mới chuyển biến về chất với sự hoàn thiện về kỹ thuật chế tác đồ đá và đỉnh cao của kỹ thuật chế tạo đồ gốm.

Văn hóa Phùng Nguyên thuộc cuối hậu kỳ thời đại đá mới - sơ kỳ thời đại kim khí, kết thúc một chặng đường dài hàng vạn năm của thời đại đồ đá và mở ra một thời đại mới chuyển biến về chất với sự hoàn thiện về kỹ thuật chế tác đồ đá và đỉnh cao của kỹ thuật chế tạo đồ gốm.

Các di tích văn hóa Phùng Nguyên phân bố trên không gian rộng, từ vùng trung du đến đồng bằng Bắc Bộ, dọc hai bên tả ngạn và hữu ngạn các con sông Thao, sông Hồng, sông Lô. Bên cạnh đó có các khu di chỉ nằm ngoài phạm vi địa bàn gốc, lan tỏa ra phía biển - ở vùng đồng bằng cao trước biển, vùng chân núi đá vôi như Tràng Kênh (Hải Phòng), Bồ Chuyến, Đầu Rằm, Châm Chát, Mả Chuông, Hang Song (Quảng Ninh), Mán Bạc (Ninh Bình) [Trịnh Hoàng Hiệp và nnk 2011, tr.146 - 150].

Đồ đá và đồ gốm những di tích này có nhiều nét tương đồng với đồ đá và đồ gốm văn hóa Phùng Nguyên khu vực địa bàn gốc. Đồ gốm các di tích Tràng Kênh, Đầu Rằm, Bồ Chuyến, Mán Bạc bên cạnh những yếu tố giống gốm các di tích Phùng Nguyên địa bàn gốc như gốm trang trí hoa văn khắc vạch chấm dải các mô típ đẹp, gốm trang trí miết láng, chất bột trắng phủ lên các rãnh hoa văn... còn mang một số yếu tố khác. Ngoài gốm mịn kiểu Phùng Nguyên còn có một số lượng lớn gốm xốp. Gốm xốp ở đây không phải là gốm xốp truyền thống (gốm xốp xương lỗ rỗ do pha nhiều vụn vỏ nhuyễn thể trong văn hóa Hạ Long) mà là loại gốm xốp cứng, xương pha vụn vỏ nhuyễn thể và bã thực vật. Đồ gốm khá nhiều loại hình hiện vật có miệng loe, mép miệng dày có trang trí ở phần trong mép miệng, miệng mái có trang trí hoa văn...

Gốm xốp Tràng Kênh, Đầu Rằm, Bồ Chuyến, Mán Bạc… không giống gốm xốp Hạ Long về chất liệu và hoa văn, hoa văn điển hình là văn đắp nổi hình sóng nước hay hình chữ S dễ dàng phân biệt với văn kỹ thuật và văn trang trí ở đây.Theo kết quả phân tích thạch học, mẫu gốm xốp Đầu Rằm, Tràng Kênh giống nhau, chúng được làm từ loại nguyên liệu chứa nhiều các-bon-nát, khi soi kính hiển vi phân cực các hạt vụn màu sắc sặc sỡ, nổi bật [Phạm Lý Hương 1998, tr.314 - 316].

Gốm xốp các di chỉ Tràng Kênh, Đầu Rằm, Bồ Chuyến, Mán Bạc tuy có cùng đặc điểm cơ bản là trong thành phần cấu tạo có đất sét pha lẫn vụn vỏ nhuyễn thể. Tuy nhiên gốm xốp ở mỗi di chỉ lại có những nét khác biệt. Đó chính là tính địa phương trong kỹ thuật sản xuất đồ gốm. Và đây cũng là một minh chứng chứng minh đồ gốm được sản xuất tại chỗ.

Khi nghiên cứu di chỉ Tràng Kênh qua các đợt khai quật, Nguyễn Kim Dung đã có ý định xếp Tràng Kênh thành một văn hóa khác, không thuộc văn hóa Phùng Nguyên [Nguyễn Kim Dung 1994, tr.28 - 37].

Hà Văn Tấn đã từng đặt câu hỏi “Di chỉ Tràng Kênh ở Hải Phòng có thuộc văn hóa Phùng Nguyên hay không còn là vấn đề đang bàn cãi. Nếu di chỉ này không thuộc văn hóa Phùng Nguyên thì cũng là chịu ảnh hưởng rất đậm của văn hóa Phùng Nguyên [Hà Văn Tấn 1997, tr.476].

Và sau đó, ông nhận định “Di chỉ Tràng Kênh ở Hải Phòng đánh dấu sự lan rộng của văn hóa Phùng Nguyên ra phía biển” [Hà Văn Tấn 1997, tr.510].

Chúng tôi cũng đồng quan điểm với Hà Văn Tấn, các di chỉ Tràng Kênh, Đầu Rằm, Bồ Chuyến, Mán Bạc và một số di chỉ mới phát hiện xung quanh khu vực di chỉ Đầu Rằm như núi Châm Chát, Mả Chuông, Hang Song… không phải là những văn hóa khác đồng niên đại với văn hóa Phùng Nguyên mà đây là sự lan tỏa của văn hóa Phùng Nguyên ra hướng biển. Đây là những nhóm cư dân văn hóa Phùng Nguyên từ đồng bằng cao di cư xuống và chiếm lĩnh những vùng đất phù sa màu mỡ ven biển. Các di chỉ này có tính chất đồng đại và giữa chúng có mối quan hệ giao lưu trao đổi về truyền thống kỹ thuật trong nghề chế tác đồ gốm.

Thông qua nguồn tư liệu đồ gốm trong hệ thống các di tích vùng ven biển, chúng ta có thể thấy ở miền Bắc Việt Nam, khi bước vào thời đại kim khí, các nhóm cư dân đã có những mối quan hệ, giao lưu đa chiều với nhau, đó là các nhóm cư dân văn hóa Phùng Nguyên khu vực địa bàn gốc và các nhóm cư dân vùng duyên hải.

Nhóm các cư dân văn hóa Phùng Nguyên vùng ven biển duyên hải là những cư dân văn hóa biển, tiếp xúc với môi trường biển và sinh sống chủ yếu nhờ vào nguồn tài nguyên phong phú của biển. Môi trường biển đã có tác động mạnh mẽ vào đời sống của họ, ngoài săn bắt các loài thủy hải sản, họ đã sử dụng một lượng lớn những vỏ các loài nhuyễn thể pha trộn vào đất sét để tạo ra những đồ gốm xốp mang đặc trưng của biển, mang tính địa phương, khác biệt so với đồ gốm chắc trong các di chỉ đồng đại vùng nội địa.

Một số hình ảnh về Văn hóa Phùng Nguyên:

Bản đồ phạm vi phân bố các di chỉ văn hóa Phùng Nguyên

Di chỉ Tràng Kênh (Hải Phòng)

Di chỉ Đầu Rằm (Quảng Ninh)

Di chỉ Mán Bạc (Ninh Bình)

TS.Bùi Thị Thu Phương

Tài liệu dẫn:

1.Nguyễn Kim Dung 1994, “Bình tuyến Phùng Nguyên với cội nguồn của những đặc điểm văn hoá thời dựng nước”, Thông báo Khoa học, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, tr.28 - 37.

2.Trịnh Hoàng Hiệp và nnk 2011, Kết quả thăm dò, khai quật di tích Đầu Rằm (Quảng Ninh) lần thứ ba năm 2009, trong NPHMVKCH năm 2011, tr.146 - 150.

3.Phạm Lý Hương 1998, Phân tích thạch học một số mẫu gốm xốp, trong NPHMVKCH năm 1997, tr. 314 - 316.

4.Hà Văn Tấn 1997, Văn hóa Phùng Nguyên, nhận thức mới và vấn đề, trong Theo dấu các văn hoá cổ, Nxb. KHXH, Hà Nội, tr.510.

Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Loại hình chân chạc trong đồ gốm văn hóa Phùng Nguyên

Loại hình chân chạc trong đồ gốm văn hóa Phùng Nguyên

  • 11/06/2019 08:28
  • 4472

Là loại hình di vật độc đáo xuất hiện từ văn hóa Phùng Nguyên và tồn tại qua các giai đoạn văn hóa tiếp sau (Đồng Đậu, Gò Mun, Đông Sơn). Đến nay vẫn chưa có sự thống nhất về tên gọi cũng như chức năng của loại hình hiện vật này. Chúng được gọi bằng nhiều tên khác nhau như hòn kê, ông đầu rau, vật hình cốc, vật hình phễu, vật hình sừng bò, vật giữ lửa, chân giò, chân chạc, vật có liên quan đến tôn giáo tín ngưỡng nguyên thủy... Đến nay tên gọi chạc gốm được nhiều nhà nghiên cứu sử dụng hơn cả. Chạc gốm được tạo bằng tay, chất liệu gốm thô pha nhiều cát sạn sỏi nhỏ, đa số có văn thừng, một số ít trang trí văn khắc vạch. Chạc gốm chia thành hai phần: Phần cốc loe ở trên và phần chân ở dưới. Kích thước to nhỏ khác nhau.

Bài viết khác

Đồ gốm men ngọc thời Nguyên trong tàu cổ Bình Châu (Quảng Ngãi)

Đồ gốm men ngọc thời Nguyên trong tàu cổ Bình Châu (Quảng Ngãi)

  • 05/09/2018 10:44
  • 8332

Cuộc khai quật khảo cổ học tàu đắm cổ Bình Châu tại vùng biển Vũng Tàu, thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi được diễn ra từ ngày 04/6 đến ngày 23/6/2013. Theo thống kê, công trường đã thu được 91 thùng hiện vật nguyên và 177 thùng hiện vật vỡ, tổng số là 268 thùng.