Bình gốm Hoàng Tân được phát hiện tại núi Đầu Rằm, xã Hoàng Tân, huyện Yên Hưng, tỉnh Quảng Ninh vào năm 1998 do đoàn cán bộ Viện Khảo cổ học (Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn Quốc gia, nay là Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) tìm thấy trong nhà dân địa phương trong chuyến điều tra, khảo sát di tích Đầu Rằm. Sau đó bình gốm được sưu tầm và lưu giữ tại Bảo tàng tổng hợp Quảng Ninh và được đặt tên theo địa danh phát hiện là bình gốm Hoàng Tân. Hiện bình gốm Hoàng Tân được trưng bày tại Phòng Tiền sử - Sơ sử của Bảo tàng tỉnh Quảng Ninh. Đây là hiện vật gốc độc bản, có hình thức độc đáo, là một tác phẩm nghệ thuật gốm nổi tiếng với những mô típ hoa văn trang trí tiêu biểu, sặc sắc của văn hóa Phùng Nguyên, nền văn hóa đạt tới đỉnh cao của kỹ thuật chế tác đồ đá và đồ gốm.
Bình gốm Hoàng Tân được phát hiện tại núi Đầu Rằm, xã Hoàng Tân, huyện Yên Hưng, tỉnh Quảng Ninh vào năm 1998 do đoàn cán bộ Viện Khảo cổ học (Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn Quốc gia, nay là Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) tìm thấy trong nhà dân địa phương trong chuyến điều tra, khảo sát di tích Đầu Rằm. Sau đó bình gốm được sưu tầm và lưu giữ tại Bảo tàng tổng hợp Quảng Ninh và được đặt tên theo địa danh phát hiện là bình gốm Hoàng Tân. Hiện bình gốm Hoàng Tân được trưng bày tại Phòng Tiền sử - Sơ sử của Bảo tàng tỉnh Quảng Ninh. Đây là hiện vật gốc độc bản, có hình thức độc đáo, là một tác phẩm nghệ thuật gốm nổi tiếng với những mô típ hoa văn trang trí tiêu biểu, sặc sắc của văn hóa Phùng Nguyên, nền văn hóa đạt tới đỉnh cao của kỹ thuật chế tác đồ đá và đồ gốm.
- Hình dáng:
Bình gốm Hoàng Tân còn tương đối nguyên vẹn, phần miệng đã bị vỡ và chân đế có một số vết sứt nhỏ. Mặt ngoài bị vôi hóa 2/5 diện tích bề mặt. Bình gốm Hoàng Tân có hình dáng độc đáo, giống như một chiếc gùi tre, gồm 3 phần, phần miệng và vai bình hình chóp nón cụt, thân bình hình chóp cụt, bên trên lớn hơn bên dới, chân bình hình thang có đáy là một hình vuông. Cả 3 phần trên được gắn chắp với nhau một cách hài hòa. Gần miệng bình có một vòi nhỏ, đường kính lỗ khoét khoảng 3cm.
Toàn bộ thân bình có màu đỏ sẫm, 2/5 thân bình (đây là phần lộ ra ngoài mặt đất khi bình nằm trong hang đá) có màu trắng xám, do bị vôi hóa bở nước trong hang đá vôi, xương gốm màu xám đen.
Miệng, vai và thân bình được tạo dáng bằng phương pháp dải cuộn kết hợp với sử dụng phương pháp chải, phương pháp bàn xoay. Chân đế được tạo dáng bằng phương pháp bàn dập để tạo chân hình vuông. Sau khi chế tác, ba phần miệng và vai, thân bình và chân đế được gắn chắp với nhau rất hài hòa, uyển chuyển.
- Chất liệu:
Bình gốm Hoàng Tân có chất liệu bằng đất nung, thuộc loại gốm cứng, hay còn gọi là gốm chắc. Xương gốm gồm đất sét pha vụn vỏ nhuyễn thể, áo gốm màu đỏ sẫm, bằng đất sét pha bột thổ hoàng, nung nhẹ lửa, trong nhiệt độ khoảng 700°C - 800°C.
- Kỹ thuật chế tạo chất liệu:
Kỹ thuật tạo xương gốm: xương gốm màu xám đen, được làm bằng cách dùng đất sét mịn, nhào kỹ, trộn với vụn vỏ nhuyễn thể. Do đất được nhào kỹ, vỏ nhuyễn thể được nghiền nhỏ, trộn đều với tỷ lệ vụn vỏ nhuyễn thể với đất sét phù hợp, nên thân bình gốm gần như không có các biến dạng như nứt, rạn, vênh méo, xương gốm chắc, bề mặt bình ít nốt rỗ do sự phân hủy của vụn vỏ nhuyễn thể.
Kỹ thuật tạo áo gốm: áo gốm mỏng, màu đỏ sẫm, khác hẳn với xương gốm màu xám đen. Áo gốm bằng đất sét mịn, pha với bột thổ hoàng, sau đó được nghiền và lọc kỹ, tráng đều trên bề mặt của bình gốm bằng kỹ thuật nhúng nên tạo ra một lớp áo mỏng đều, màu đỏ sẫm đặc trưng của bình gốm Hoàng Tân.
Kỹ thuật tạo áo gốm: áo gốm mỏng, màu đỏ sẫm, khác hẳn với xương gốm màu xám đen. Áo gốm bằng đất sét mịn, pha với bột thổ hoàng, sau đó được nghiền và lọc kỹ, tráng đều trên bề mặt của bình gốm b ằng kỹ thuật nhúng nên tạo ra một lớp áo mỏng đều, màu đỏ sẫm đặc trưng của bình gốm Hoàng Tân.
Kỹ thuật tạo xương gốm và áo gốm của cư dân Đầu Rằm, Hoàng Tân tương tự như kỹ thuật chế tác xương gốm và áo gốm của cư dân văn hóa Hạ Long, tiêu biểu là gốm trong di tích Ba Vũng, di tích hang Bái Tử Long, di tích hang Đông Trong....
- Kỹ thuật nung:
Bình gốm Hoàng Tân được nung bằng phương pháp thủ công, nung ngoài trời. Người thợ xếp phôi gốm xem lẫn nguyên liệu và đốt. Nhiên liệu thường là những cành củi gỗ nhỏ, khi cháy cho nhiệt độ cao nhưng nhanh tàn. Đây là kiểu nung gốm phổ biến trong thời Tiền sử và Sơ sử. Hiện nay người Chăm ở Bầu Trúc, tỉnh Ninh Thuận vẫn nung gốm theo kiểu tương tự.
- Kích thước
Chiều cao của bình (chỉ tính phần còn lại) là 25,3cm, đường kính vai bình 14cm. Thân bình được chia thành 3 phần gồm: miệng rộng 6,5cm và vai bình cao 2,3cm, thân bình cao 16,2cm chân bình vuông có kích thước là 6,8cm. Thân bình có 01 lỗ nhỏ (3cm) gần vai, khả năng đây là lỗ của vòi bình đã bị vỡ. Xương gốm dày trung bình từ 0,5cm đến 0,7cm.
- Hoa văn trang trí:
Nét độc đáo của bình gốm Hoàng Tân không chỉ thể hiện ở hình dáng mà còn thể hiện ở hoa văn trang trí.
a. Các loại hình hoa văn trang trí trên bình gốm Hoàng Tân:
Hoa văn đắp nổi: Trang trí trên phần vai, thân và chân đế bình. Trên phần vai bình có một đường gờ nổi chạy vòng quanh. Dọc thân bình có 4 đường gờ nổi đắp thêm chạy dài từ phần vai đến hết phần chân đế, chia thân bình và chân đế thành 4 mặt. Những đường hoa văn đắp nổi ngoài tính chất trang trí còn mang tính chất kỹ thuật, như một bộ khung, tạo ra sự vững chắc cho xương gốm và phân bố các mảng trang trí trên bình gốm một cách hợp lý.
Hoa văn đường chỉ chìm: Là những đường chỉ dài được khắc chìm, miết láng trở thành đường viền bao quanh miệng bình và tạo ra một hình vành khuyên để trang trí các họa tiết hoa văn hình chiếc lá trên phần vai gần miệng bình.
Hoa văn đường chấm dải: Trang trí trên thân bình, là những đường chấm dải kết hợp với hoa văn đường chỉ chìm tạo ra hai băng trang trí. Những hoa văn chấm dải là hình tượng phản ánh sự đông đúc và tính liên kết cộng đồng của cư dân Đầu Rằm.
Hoa văn hình chiếc lá: Họa tiết hoa văn hình chiếc lá được trang trí chạy vòng quanh phần vai bình. Những họa tiết hoa văn hình chiếc lá trang trí kết hợp với đường khắc vạch song song và những ô chấm dải.
Hoa văn hình chữ S: Là những họa tiết trang trí hoa văn chính trên bình gốm Hoàng Tân. Mô típ hoa văn chữ S ngược được trang trí kín cả 4 mặt của phần thân bình và phần chân đế. Hoa văn được tạo ra bằng cách dùng que gỗ có đầu tròn, trơn miết láng xuống thân bình tạo đường bao quanh hình chữ S ngược, bên trong dùng hoa văn khắc vạch song song để làm nền, tạo một sự cách biệt và nổi hẳn cho hoa văn hình chữ S. Hoa văn chữ S ngược trên bình gốm Hoàng Tân được tạo dáng cân đối, mềm mại, có kích thước dài khoảng 9,5cm, rộng lớn nhất khoảng 3,5cm, nghiêng một góc khoảng 45°, các chữ S ngược được bố cục như đang tựa vào nhau. Điều đặc biệt là nghệ nhân gốm Hoàng Tân đã biến thể một nửa chữ S thành một hình gãy góc, nhìn giống như một số 2. Đây là sự sáng tạo độc đáo của nghệ nhân gốm Hoàng Tân, tạo ra những nét độc đáo, dấu ấn riêng của bình gốm Hoàng Tân trong thời đại Kim khí Việt Nam. Mô típ hoa văn hình chữ S là một loại hình hoa văn truyền thống, có tính đặc trưng và điển hình cho hoa văn trang trí của đồ gốm thuộc văn hóa Phùng Nguyên. Điều đó chứng tỏ mối quan hệ chặt chẽ giữa bình gốm Hoàng Tân với gốm thuộc văn hóa Phùng Nguyên.
Hoa văn khắc vạch song song: Trang trí phần bên trong của chữ S, tạo ra sự khác biệt giữa bên trong và bên ngoài hoa văn chữ S ngược. Đây là những đường khắc vạch được tạo bằng những que nhọn có đầu tù vì vậy những nét khắc vạch có hình dáng như lòng máng nhỏ, tạo cảm giác mềm mại, hài hòa.
Hoa văn khắc vạch chéo hình ô trám: Sử dụng để trang trí hoa văn hình chữ S biến thể ở phần chân đế của bình gốm. Hoa văn này tạo ra sự khác biệt, cảm giác vững chắc cho phần chân đế của bình gốm. Kỹ thuật tạo hoa văn khắc vạch cũng tương tự như kỹ thuật tạo hoa văn khắc vạch song song.
Hoa văn chải: Đây là hoa văn kỹ thuật, được tạo ra ở phần đáy của bình gốm. Về kỹ thuật hoa văn này làm cho đáy bình được tròn đều, xương gốm cứng hơn, về ý nghĩa mỹ thuật, nó thể hiện sự mong muốn được khai phá, lan tỏa của con người. Đây cũng là một loại hình hoa văn truyền thống của cư dân văn hóa Phùng Nguyên.
Họa tiết đệm: Là những hình tam giác, được trang trí bổ sung vào các khoảng trống của những họa tiết chính, hoa văn hình chữ S. Cùng với những họa tiết hoa văn chính, các họa tiết đệm tạo cho các mảng trang trí trên thân và chân đế bình gốm một bố cục chặt chẽ, độc lập cho từng mảng, khối và sự thống nhất hài hòa, phong phú.
b. Bố cục hoa văn trên bình gốm Hoàng Tân:
Bố cục hoa văn theo vành tròn: Trên phần vai của bình gốm Hoàng Tân trang trí họa tiết chính là văn khắc vạch những hình chiếc lá chạy nối nhau, chạy vòng quanh. Phía trên và dưới của những chiếc lá đó là những đường chỉ chìm chạy ngang song song nhau. Bên ngoài những chiếc lá trong khung những đường chỉ chìm là các ô chấm dải mịn.
Bố cục hoa văn theo băng dải: Trên phần thân bình và phần chân đế bình trang trí hoa văn khắc vạch hình chữ S đối xứng nhau. Các băng dải chữ S trang trí trên phần thân bình có phần đầu hình tròn, các băng dải chữ S trang trí trên phần chân đế bình có đầu hình tam giác, phần trong khung chữ S trang trí khắc vạch chéo, ngắn song song nhau với họa tiết đệm đi kèm là những hình tam giác.
c. Kỹ thuật trang trí hoa văn trên bình gốm Hoàng Tân:
Nghiên cứu kỹ thuật tạo hoa văn trên bình gốm Hoàng Tân giúp chúng ta hiểu thêm về trình độ kỹ thuật sản xuất gốm của người cổ Hoàng Tân nói riêng và người thợ gốm Phùng Nguyên nói chung. Kỹ thuật tạo hoa văn trên bình gốm Hoàng Tân được phản ánh ở các khía cạnh sau: Phương tiện hay dụng cụ trang trí, các thủ pháp hay kỹ thuật sử dụng công cụ trang trí và cách bố cục các họa tiết trang trí.
Phương tiện và các thủ pháp trang trí: Phương tiện là những dụng cụ sử dụng tạo ra các loại hoa văn khác nhau. Trên bình gốm Hoàng Tân hoa văn trang trí có nhiều kiểu loại, tương ứng với mỗi kiểu loại hoa văn thường có những dụng cụ khác nhau để tạo ra các loại hoa văn đó. Những dụng cụ để tạo hoa văn trên đồ gốm tìm được trong các di chỉ khảo cổ học là rất ít, có chăng còn lại chỉ là một số dụng cụ dùng để tạo hình đồ đựng như bàn đập - hòn kê. Tuy nhiên, bằng việc khảo sát mặt âm trên hoa văn gốm, có thể loại suy các dụng cụ tương ứng mà người Hoàng Tân xưa đã sử dụng để tạo hoa văn trang trí trên bình gốm đặc biệt này.
Phương tiện và thủ pháp đai đắp nổi: Người thợ gốm Hoàng Tân vê đất thành từng sợi nhỏ đắp lên xương bình gốm khi còn ướt, đắp thêm vào mối ghép giữa phần vai bình và thân bình, 4 dải đất đắp thêm vào phần thân và phần chân đế, sau đó dùng 4 dải đất đắp thêm đã chia phần thân bình và phần chân đế thành 4 mặt. Hệ thống phần đai đắp nổi như một bộ khung của bình gốm, tạo cho bình gốm có hình dáng độc đáo như một chiếc gùi tre. Về kỹ thuật, hoa văn đắp nổi đã làm cho xương gốm thêm vững chắc trong quá trình tạo dáng, quá trình nung và khi sử dụng. Các dải đai đắp nổi này thường được dán lên phôi gốm trước khi nung nên rất dễ bị bong. Hoặc người thợ gốm miết lõm phía trên và dưới chỗ có ý định trang trí văn đắp nổi, tạo cho quanh vai hiện vật có một đường gờ nổi nhẹ (chỉ cao khoảng 1cm so với toàn bộ bề mặt hiện vật) và rộng khoảng 1cm - 1,5cm, trên gờ mỏng đó thường có dấu vết thừng.
Phương tiện và thủ pháp tạo hoa văn khắc vạch: Hoa văn khắc vạch chiếm vị trí chủ đạo trong hoa văn trang trí trên bình gốm Hoàng Tân. Các họa tiết hoa văn khắc vạch được tạo ra bằng dụng cụ que một đầu nhọn hoặc tù. Các dụng cụ này được làm từ tre và gỗ, có khả năng cả công cụ xương? Tre và gỗ là những nguyên liệu có sẵn trong tự nhiên nhưng đây lại là những vật liệu dễ bị phá huỷ nhất nên đến nay không còn tồn tại trong các di chỉ khảo cổ học. Với những chiếc que này, người thợ gốm Hoàng Tân đã vạch lên các họa tiết hoa văn hình chữ S. Bên cạnh đó, họ sử dụng que nhiều răng như răng lược ấn theo hướng tiến để tạo ra các băng chấm dải bên trong khung khắc vạch. Theo Hà Văn Tấn và Hán Văn Khẩn, các họa tiết hoa văn và sự phối trí hoa văn có đều, có đẹp hay không phụ thuộc rất nhiều vào bàn tay tài hoa của người thợ gốm. Việc bố trí và vạch họa tiết đòi hỏi một trình độ tay nghề cao và phải được tiến hành trong một thời gian ngắn. Nếu đồ đựng đã chuốt xong và đã khô đến độ cần vạch hoa văn mà người thợ trang trí còn loay hoay chưa biết sắp xếp bố cục các họa tiết như thế nào thì sẽ không thể tiến hành khắc vạch trang trí hoa văn được nữa vì phôi gốm đã khô mất rồi (Hà Văn Tấn, Hán Văn Khẩn 1973: 223 - 240).
Phương tiện và thủ pháp tạo các băng chấm dải: Để tạo các băng chấm dải có phần phức tạp hơn, Hà Văn Tấn và Hán Văn Khẩn đã tiến hành các thực nghiệm khác nhau như: dùng băng vải thô dán vào phôi gốm ngay sau khi vừa chuốt xong và để đó cho đến lúc khô vải tự bong ra, dùng que một răng hoặc nhiều răng để tạo văn chấm dải (Hà Văn Tấn, Hán Văn Khẩn 1973: Sdd).
Phương tiện và thủ pháp miết bóng: Kỹ thuật miết bóng của bình gốm Hoàng Tân chủ yếu thực hiện trên nền khắc vạch. Đây cũng là một cách trang trí khá phổ biến trên đồ gốm Phùng Nguyên (đặc biệt đồ gốm giai đoạn sớm). Kỹ thuật miết bóng thường được kết hợp với các kỹ thuật tạo hoa văn khác như khắc vạch, chấm dải. Hà Văn Tấn và Hán Văn Khẩn đã tạo ra những khoảng miết bóng trên đồ gốm bằng dụng cụ là cật tre và những chiếc rìu đá nhỏ, xinh xắn (Hà Văn Tấn, Hán Văn Khẩn 1973: Sdd). Đến giai đoạn Phùng Nguyên điển hình, kỹ thuật này được sử dụng khá phổ biến. Khi quan sát trực tiếp trên hoa văn gốm chúng tôi nhận thấy các băng miết bóng này thường được thực hiện trên nền thừng hay nền chấm dải. Theo một quy trình tạo ra một băng dải hoa văn thì bước đầu tiên người thợ gốm thực hiện tạo văn thừng hoặc chấm dải trên toàn bộ phần chủ định trang trí hoa văn (đối với văn thừng có thể được tạo ra do yếu tố kỹ thuật), tiếp đến tiến hành khắc vạch những họa tiết hoa văn. Sau khi tạo hoa văn trang trí bằng que vạch, ít nhiều có những sơ xuất, những nét vẽ thừa chút ít, nên họ đã dùng que tre, rìu đá kích thước nhỏ để miết xoá đi những nét thừa đó. Lúc đầu kỹ thuật miết nhẵn chỉ nhằm mục đích khắc phục những lỗi kỹ thuật trong tạo hoa văn, sau đó nó trở thành một kỹ thuật trang trí hoa văn. Những chỗ có lỗi đó càng được miết đi miết lại nhiều lần càng trở lên bóng láng và càng đẹp, thậm chí trở nên sẫm màu.
Đây là các kỹ thuật trang trí hoa văn theo truyền thống trong chế tác đồ gốm của cư dân văn hóa Phùng Nguyên, được cư dân Hoàng Tân tiếp thu và phát triển lên đỉnh cao.
d. Kỹ thuật bố cục các họa tiết trang trí: Hoa văn đồ gốm văn hóa Phùng Nguyên trang trí theo nguyên tắc băng dải, vành tròn, trục dọc. Trên nhiều đồ gốm, sự kết hợp nhiều hoạ tiết tạo thành nhiều băng dải khác biệt nhau chạy quanh thân bình thể hiện một trình độ kỹ thuật cao. Các họa tiết chính thường được trang trí trong những khung chạy ngang quanh hiện vật. Khi trang trí những họa tiết chính không thể tránh được những khoảng trống trên khung băng dải, ở những chỗ đó, người thợ gốm Phùng Nguyên đã bằng những sáng tạo của mình tạo ra các họa tiết đệm nhằm lấp đi những khoảng trống và tạo ra sự đa dạng cho hoa văn chính. Những họa tiết đệm đó kết hợp cùng các hoa văn chính tạo cho các băng dải hoa văn sự hài hòa, cân xứng.
Và hoa văn trang trí trên bình gốm Hoàng Tân cũng không nằm ngoài những nguyên tắc đó. Hoa văn chính trang trí trên bình gốm Hoàng Tân là những mô típ hoa văn hình chữ S, hình chiếc lá chạy theo vành tròn ngang hiện vật kết hợp những họa tiết đệm là những hình tam giác tạo sự cân đối, hài hòa. Các mô típ hoa văn khắc vạch hình chữ S, hình chiếc lá kết hợp chấm mịn theo băng dải tạo thành các họa tiết rất phức tạp nhưng rất chặt chẽ. Những đồ án hoa văn đã thể hiện trình độ khéo léo và tư duy khoa học của người thợ gốm Hoàng Tân. Qua quá trình quan sát các hiện tượng đối xứng trong thế giới động, thực vật như chiếc lá, đôi cánh chim, mắt mũi chân tay của con người và động vật, hình bóng trên mặt nước, dần dần hình thành khái niệm đối xứng và được thể hiện lên các họa tiết và đồ án hoa văn trên gốm. Trình độ tư duy của người thợ gốm còn thể hiện trong việc xếp hoa văn thành các băng dải và sự tiếp nối cùng một họa tiết quanh đồ gốm. Sự lặp lại nhiều lần của một họa tiết hoa văn theo vành tròn trên đồ gốm, đặc biệt loại bát bồng dường như là sự phản ánh nhận thức của con người về những chu kỳ luân chuyển mùa trong năm, sự thay đổi ngày và đêm, nóng và lạnh, trăng khuyết trăng tròn, sự đâm chồi, sinh trưởng, đơm hoa kết quả của cây trái... (Hà Văn Tấn 1969: 16 - 27).
Với cách thức trang trí như thế, về phương diện kỹ thuật, người thợ gốm Hoàng Tân nói riêng và người thợ gốm Phùng Nguyên nói chung là những bậc thầy về kỹ thuật bố cục các họa tiết hoa văn trang trí trên đồ gốm.
***
Bình gốm Hoàng Tân là một hiện vật có giá trị đặc biệt về khoa học, lịch sử. Với hình dáng độc đáo, hoa văn trang trí đặc biệt, bình gốm Hoàng Tân là một nguồn sử liệu rất quan trọng về khoa học để chúng ta nhận biết về đời sống vật chất, ngành nghề truyền thống, khoa học kỹ thuật, đời sống tinh thần, tâm linh của người Việt cổ sống trên vùng đất Quảng Ninh cách ngày nay 3.100 năm. Đây cũng là một di vật tiêu biểu, thể hiện cho mối quan hệ chặt chẽ giữa cư dân thuộc văn hóa Hạ Long với cư dân thuộc văn hóa Phùng Nguyên ở Hoàng Tân nói riêng và ở Quảng Ninh nói chung.
Qua các giá trị đã được nghiên cứu, có thể khẳng định bình gốm Hoàng Tân là một trong những thành tố góp phần tạo nên sự đa dạng và phong phú của đồ gốm văn hóa Phùng Nguyên. Đồ gốm văn hóa Phùng Nguyên (đặc biệt là hoa văn trang trí), góp phần quan trọng minh chứng tính bản địa của văn hóa Đông Sơn. Những mô típ hoa văn trên đồ đồng Đông Sơn, có một phần không nhỏ kế thừa và phát huy sáng tạo của người thợ gốm Phùng Nguyên. Hoa văn trên đồ gốm Phùng Nguyên là một trong những yếu tố góp phần tạo nên nghệ thuật đỉnh cao của văn hóa Đông Sơn. Đồ gốm văn hóa Phùng Nguyên, đặc biệt là hoa văn được tạo ra bởi bàn tay khéo léo của người thợ gốm cộng với tư duy sáng tạo của họ đã tạo ra những nét độc đáo riêng biệt mà những người thợ gốm các giai đoạn văn hoá sau đó hầu như không thể. Hoa văn trang trí trên đồ gốm không những mang tính chất làm tăng thêm vẻ đẹp của hiện vật mà còn khẳng định tư duy thẩm mỹ của chủ nhân sáng tạo ra chúng. Hoa văn trang trí trên đồ gốm Phùng Nguyên mãi mãi là đỉnh cao trong kỹ thuật và thủ pháp trang trí hoa văn trên đồ gốm thời Tiền - Sơ sử Việt Nam, một tiền đề quan trọng cho sự nảy sinh mỹ thuật trang trí đồ đồng văn hóa Đông Sơn sau này.
Bình gốm Hoàng Tân là một hiện vật độc bản, có hình thức độc đáo, giá trị khoa học, thẩm mỹ to lớn quan trọng, tiêu biểu cho đồ gốm thời Tiền sử - Sơ sử Việt Nam.
TS. Bùi Thị Thu Phương
TÀI LIỆU DẪN :
Hà Văn Tấn, 1969, Người Phùng Nguyên và đối xứng, KCH 3 - 4, tr. 16 - 27
Hà Văn Tấn, Hán Văn Khẩn 1973, Kỹ thuật chế tạo đồ gốm văn hoá Phùng Nguyên, Thông báo khoa học, Đại học Tổng hợp Hà Nội, tập VI , tr. 223 - 240.
Nguồn Bản ảnh và bản vẽ Scan: Bảo tàng tổng hợp tỉnh Quảng Ninh