Thứ Ba, 03/12/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

24/10/2018 15:26 6152
Điểm: 4/5 (1 đánh giá)
1.“Khuyên tai hình hai đầu thú” là loại trang sức cổ độc đáo, được coi là đặc trưng của “văn hóa Sa Huỳnh” vào thời đại kim khí ở ven biển miền Trung Việt Nam. Việc tìm thấy cổ vật này trong các di tích khảo cổ học Đông Nam Á như ở Đài Loan, Philippin, Thái Lan… là dấu hiệu đáng tin cậy cho biết những mối giao lưu và sự lan tỏa của nền văn hóa nổi tiếng này. Tuy nhiên cho đến nay, sưu tập khuyên tai hình hai đầu thú trong “di tích mộ chum” khu vực rừng Sác Cần Giờ – TP.Hồ Chí Minh có số lượng lớn nhất và độc đáo nhất, cung cấp cho các nhà nghiên cứu những hiểu biết mới về loại trang sức cổ này cũng như về táng tục mộ chum ở Việt Nam và Đông Nam Á.

Khuyên tai hai đầu thú. Đá. Văn hóa Sa Huỳnh, khoảng 2500-2000 năm cách ngày nay (Hiện vật BTLSQG)

1.“Khuyên tai hình hai đầu thú” là loại trang sức cổ độc đáo, được coi là đặc trưng của “văn hóa Sa Huỳnh” vào thời đại kim khí  ở ven biển miền Trung Việt Nam. Việc tìm thấy cổ vật này trong các di tích khảo cổ học Đông Nam Á như ở Đài Loan, Philippin, Thái Lan… là dấu hiệu đáng tin cậy cho biết những mối giao lưu và sự lan tỏa của nền văn hóa nổi tiếng này. Tuy nhiên cho đến nay, sưu tập khuyên tai hình hai đầu thú trong “di tích mộ chum” khu vực rừng Sác Cần Giờ – TP.Hồ Chí Minh có số lượng lớn nhất và độc đáo nhất, cung cấp cho các nhà nghiên cứu những hiểu biết mới về loại trang sức cổ này cũng như về táng tục mộ chum ở Việt Nam và Đông Nam Á.

 

Khuyên tai hai đầu thú, đá nephrit - Văn hóa Đồng Nai, khoảng 2500-2000 năm cách ngày nay (Hiện vật BTLSQG)

Huyện Cần Giờ nằm ở phía đông nam Thành phố Hồ Chí Minh, là vùng đồng bằng cửa sông – vịnh biển mới được thành tạo từ khoảng 6000 – 5000 năm cách ngày nay. Bề mặt đồng bằng thấp trũng bao phủ bởi thảm thực vật rừng ngập mặn, lại bị chia xẻ do một hệ thống sông rạch chằng chịt. Trên vùng địa hình

phức tạp này, một hệ thống các di tích khảo cổ học đã được phát hiện, khai quật và nghiên cứu bước đầu. Dấu vết cư trú của con người từ rất sớm tại những giồng đất này đã làm cho môi trường sinh thái – nhân văn ở vùng ven biển Đông Nam bộ trở nên độc đáo, khác hẳn những khu rừng ngập mặn khác, nơi đơn thuần chỉ có quá trình lấn biển của tự nhiên.

Tại hai di tích khảo cổ học Giồng Cá Vồ và Giồng Phệt đã phát hiện được khu mộ chum khá lớn. Hầu hết trong mộ chum di cốt được bảo tồn khá nguyên vẹn cho biết phương thức mai táng là chôn người chết với tư thế ngồi bó gối trong chum. Trong mộ chum còn có hàng ngàn di vật là đồ tùy táng bằng đá, thủy tinh, kim loại, vỏ nhuyễn thể, gốm… vô cùng đa dạng về loại hình, kiểu dáng, màu sắc, trong đó nổi bật là sưu tập những chiếc khuyên tai hình hai đầu thú được người xưa chế tác từ đá ngọc Nephrite và thủy tinh. Qua hai đợt khai quật và nhiều lần khảo sát, cho đến nay tại đây đã tìm thấy 30 chiếc khuyên tai này.  Có thể nhận thấy khuyên tai hình hai đầu thú ở khu vực Cần Giờ có 3 kiểu:

- Kiểu 1: Được tạo dáng uốn lượn mềm mại, móc đeo thường tròn, ngắn – có chiếc khoét ngay sát thân. Mặt thú nở, sừng thường ngắn hơn móc đeo. Hầu hết các tiêu bản là thuộc kiểu này.

- Kiểu 2: Được tạo dáng gãy góc vuông vắn, móc đeo vuông cạnh, vươn cao. Mặt thú thường nhỏ gay, sừng dài xấp xỉ móc đeo. Không thấy tiêu bản nào bằng thủy tinh ở kiểu này.

- Kiểu 3: Chỉ có 1 chiếc duy nhất. Hình dáng mỏng dẹt, khắc họa một bên mặt thú với thân rộng thon dần lên trên, làm bằng đá ngọc Nephrite, trông giống như một chiếc “khánh đá”. Đây là kiểu dáng lần đầu tiên được phát hiện.

Nếu trong các di tích thuộc văn hóa Sa Huỳnh và những nơi khác, khuyên tai hình hai đầu thú thường chỉ được tìm thấy đơn lẻ từng chiếc trong mộ chum, thì tại khu mộ táng Giồng Cá Vồ có đến 6 mộ chum tìm thấy 1 cặp (2 chiếc) trong mỗi mộ. Khuyên tai hình hai đầu thú được chôn trong cả mộ huyệt đất – một hiện tượng chưa từng có. Đặc biệt trong một mộ chum phát hiện được một

khuyên tai hai đầu thú bằng đá ngọc màu xanh nằm ốp sát vào vị trí tai trái của di cốt sọ còn khá nguyên vẹn, rất ngay ngắn và đúng tư thế khuyên tai khi đeo vào tai.

Tuy được chia làm 3 kiểu nhưng tất cả những chiếc khuyên tai này không có chiếc nào hoàn toàn giống nhau, kể cả những cặp chôn trong cùng một mộ. Tuy vẫn tuân thủ hình dáng cơ bản nhưng do sản xuất thủ công đơn chiếc nên mỗi sản phẩm người thợ đã để lại một dấu ấn riêng ở sự khác nhau về kích thước hay khác biệt nhỏ về chi tiết như mắt, miệng, trán, sừng, móc đeo… Vì vậy đã tạo nên sự phong phú và độc đáo hơn cho sưu tập khuyên tai hai đầu thú ở khu vực này. Điển hình cho sự sáng tạo là chiếc “khuyên tai hình khánh”. Từ một phiến đá ngọc mỏng dẹt, người thợ đã chế tạo ra một tiêu bản khuyên tai trông giống một tác phẩm hội họa hơn là tác phẩm điêu khắc: toàn bộ thân và hai đầu thú đặt trên một mặt phẳng, mỗi đầu chỉ có một sừng hơi cong ra trước. Ở giữa thân, thay chỗ gắn móc đeo là đoạn thân được kéo dài lên phía trên, thu nhỏ dần và bất ngờ có hai sừng cách điệu ở sát móc đeo hình tròn. Chính hai sừng giả này đã mang lại cảm giác về hình khối của chiếc khuyên tai, làm nó trở nên cân đối và độc đáo. Nếu không, đoạn thân thú thon nhỏ cũng chỉ là dạng móc đeo mà thôi.

Chất liệu làm khuyên tai hai đầu thú ở các di tích mộ chum Cần Giờ là đá ngọc và thủy tinh. Khuyên tai đá ngọc thường có màu trắng ngà có hoặc không có vân màu xám, vài chiếc màu màu xanh “cẩm thạch”. Cùng chất liệu đá ngọc còn có những chiếc khuyên tai tròn có ba mấu nhọn, các kiểu vòng, hạt chuỗi hình ống… và hai khối đá nguyên liệu đã được mài nhẵn và cưa cắt gần bằng kích thước những chiếc khuyên tai. Ở chất liệu thủy tinh khuyên tai thường có màu xanh rêu (màu ve chai) và một chiếc màu xanh nước biển, một loại thủy tinh màu lần đầu nhìn thấy ở khuyên tai hai đầu thú. Thủy tinh còn được chế tạo những chiếc khuyên tai 3 mấu, khuyên tai hình vành khăn, nhiều vòng đeo và vô số hạt chuỗi nhỏ li ti. Chất lượng thủy tinh ở khuyên tai tốt hơn vòng tay hạt

chuỗi, nhưng chưa phải là thủy tinh có chất lượng cao vì còn bọt và ít thấu quang, khi vỡ thành dạng sợi chứ chưa phải là dạng vảy sắc cạnh.

Ỏ di tích Giồng Cá Vồ đã tìm thấy những dấu tích của việc chế tạo tại chỗ loại khuyên tai hai đầu thú và nhiều loại đồ trang sức khác. Ở những chất liệu khác nhau đã có những kiểu dáng đồ trang sức giống nhau, đáng lưu ý là trong sưu tập hơn 200 khuyên tai bằng gốm đã có 3 khuyên tai 3 mấu nhọn giống hệt chiếc khuyên tại ba mấu bằng đá ngọc cả về hình dáng, kích thước, thậm chí cả độ bóng láng. Riêng về loại khuyên tai hình hai đầu thú, có thể nhận ra mô típ “hai đầu thú” độc đáo trên những tượng gốm hình chim có 2 hoặc 3 – 4 đầu. Tượng hình chim nhiều đầu thường được gắn lên đỉnh những mô hình tháp bằng đất nung, đầu chim có mỏ dài, hơi quặp, mào dài vuốt ngược ra sau, mắt lồi tròn trông tinh anh và dữ tợn. Những đầu chim gắn đối xứng qua một thân nên nhìn từ phía nào cũng thấy như chim đang dang cánh bay lên, trông rất cân đối và mạnh mẽ và sinh động (1).

2. Cho đến nay có khoảng 70 chiếc khuyên tai hai đầu thú được tìm thấy trong 15 địa điểm khảo cổ học ở Đông Nam Á (2). Riêng tại  khu vực Cần Giờ số lượng khuyên tai hai đầu thú đã chiếm gần 1/2 (30/70 chiếc), nhiều hơn hẳn số lượng loại hình hiện vật này được tìm thấy và sưu tầm tại di tích Đại Lãnh (Quảng Nam): khoảng 20 chiếc thành phẩm và bán thành phẩm. Đại Lãnh là di tích tiêu biểu cho giai đoạn văn hóa Sa Huỳnh và được coi là một trung tâm chế tác khuyên tai hai đầu thú (3). Trong khi đó, các di tích mộ chum Cần Giờ với nhiều đặc trưng văn hóa riêng biệt về sự phân bố, về táng thức và tổ hợp đồ tùy táng, về các mối quan hệ của nó… hiện được phân lập thành một nhóm di tích riêng hay một văn hóa khảo cổ mới “văn hóa Giồng Phệt”. Văn hóa này phân bố ở khu vực rừng ngập mặn ven biển Đông Nam bộ, có mối quan hệ chặt chẽ với văn hóa Đồng Nai vùng phù sa cổ, khác biệt văn hóa Sa Huỳnh tuy vẫn có những mối liên hệ giao lưu. Như vậy, khuyên tai hai đầu thú không chỉ có một xuất xứ từ di tích Đại Lãnh thuộc văn hóa Sa Huỳnh, mà với những phát hiện

mới ở Cần Giờ, ta đã biết thêm (ít nhất) một xuất xứ nữa của nó là từ di tích Giồng Cá Vồ thuộc văn hóa Giồng Phệt. Từ hai “trung tâm sản xuất” này, khuyên tai hai đầu thú đã được trao đổi đi nhiều nơi khác ở cả Đông Nam Á hải đảo và Đông Nam Á lục địa.

Tuy nhiên, cả trong văn hóa Sa Huỳnh và văn hóa Giồng Phệt, ngoài những bằng chứng về một nơi chế tạo, ta vẫn chưa tìm thấy loại hình hiện vật nào có thể được xem là “tiền thân” của khuyên tai hai đầu thú. Đây là một trở ngại khi muốn lý giải về nguồn gốc thật sự của loại trang sức cổ này.

Từ trước tới nay, cổ vật này vẫn được gọi là “khuyên tai hình hai đầu thú”, căn cứ vào móc đeo trên lưng con vật. Tuy nhiên, với lý do là thường chỉ tìm thấy một chiếc trong mộ, mà “với một cư dân đã có ý niệm về sự đối xứng khá rõ ràng như người Sa Huỳnh thì họ không thể dùng loại khuyên tai chỉ có một chiếc”, có nhà nghiên cứu đã đặt lại vấn đề, cho rằng đây là chiếc bùa hình hai đầu trâu, chỉ được đeo trong dịp lễ hội nông nghiệp chứ không phải loại trang sức dùng hàng ngày (4). Ngoài ra ta có thể nhận thấy, trong trường hợp ngoài ý nghĩa làm đẹp thông thường, đồ trang sức còn mang một ý nghĩa thiêng liêng thì chúng chỉ được sử dụng như một chiếc, như chiếc nhẫn cưới chẳng hạn. Vì vậy, vật trang sức hai đầu thú cũng có thể là một loại bùa mang ý nghĩa quan trọng về tín ngưỡng của người xưa. Tuy nhiên, sưu tập khuyên tai hai đầu thú tại Cần Giờ đã cho chúng ta những bằng chứng về chức năng chính của “vật đeo” này là khuyên tai. Đồ trang sức nói chung, bên cạnh ý nghĩa góp phần xác định vị thế con người trong xã hội (giàu hay nghèo, địa vị cao hay thấp…) còn giúp chúng ta phân biệt được một cá nhân cụ thể, một cá tính riêng biệt trong cộng đồng chung, vì đồ trang sức đã phản ánh sở thích, khiếu thẩm mỹ và phần nào cả tâm lý của người sử dụng chúng. Khuyên tai hai đầu thú ở các mộ chum Cần Giờ đã thể hiện được các ý nghĩa đó. Chủ nhân của loại trang sức quý này thường là người giàu có hoặc là người có địa vị cao trong xã hội vì nó thường được tìm thấy trong những ngôi mộ có rất nhiều đồ tùy táng quý giá. Khuyên tai hai đầu thú được cư dân cổ Cần Giờ sử dụng khá đa dạng: đeo một hoặc cả hai bên tai – hầu hết là một bên (như vậy hiện tượng đeo khuyên tai một bên đã có từ xưa),  cả người nam và người nữ, cả người chôn trong mộ chum và người chôn trong mộ huyệt đất (loại mộ táng ngoại lệ ở khu mộ chum Cần Giờ). Ngoài ra ở đây có kiểu khuyên tai cũng chỉ tìm thấy một chiếc trong mộ như khuyên tai ba mấu làm bằng đá ngọc, bằng mã não, khuyên tai hình khối bằng thủy tinh, khuyên tai bằng gốm hình hoa thị … Nhưng cũng có kiểu có một hay nhiều chiếc trong mộ như khuyên tai vành khăn bằng thủy tinh, khuyên tai gốm. Có lẽ việc đeo loại khuyên tai nào, đeo một hay hai bên, đối với cư dân cổ Cần Giờ tùy thuộc vào “khả năng tài chính”, vào địa vị xã hội và cả vào sở thích thẩm mỹ.

Nói đến khuyên tai hai đầu thú cho đến nay các nhà nghiên cứu vẫn chưa nhất trí hoàn toàn với nhau đây là con thú gì. Dựa vào hình thù của nó, nhất là phần đầu có cặp sừng, người gọi nó là con trâu hay con dê, người thì cho rằng nó là con lừa hay con ngựa, có người lại gọi nó là con hươu, thậm chí là con sao la… Trong khi chưa có ý kiến nào đủ sức thuyết phục thì nó vẫn được gọi là khuyên tai “hai đầu thú” . Tuy vậy mọi người đều thừa nhận đây là một con vật linh thiêng, biểu tượng tín ngưỡng của chủ nhân loại trang sức này. Tư liệu dân tộc học cho biết một hiện tượng khá phổ biến trong văn hóa nhiều tộc người ở Việt Nam và Đông Nam Á, đó là hình tượng đầu trâu – sừng trâu thường được gắn bó hòa hợp với hình tượng con chim trong các kiến trúc hay trong những biểu tượng và quan niệm tín ngưỡng về cái chết, người chết. Con trâu là biểu tượng về sự cân bằng và hòa hợp âm dương, sức khỏe và sự dũng mãnh của đàn ông, cho sự giàu sang của người sống đồng thời là con vật có thể đưa người chết về với tổ tiên. Con chim – hay được thể hiện bằng đường xoáy ốc, là biểu tượng sự vận động của vũ trụ, liên tục và có chu kỳ, đồng thời là biểu tượng của sự phồn thực gắn với phụ nữ. Con chim còn gắn với hình tượng chiếc thuyền đưa người chết sang thế giới bên kia (5).

Như ở trên đã nói đến, đồ tùy táng tại các di tích mộ chum ở Cần Giờ khá phổ

biến các tượng gốm hình chim cũng với mô típ độc đáo “hai – nhiều đầu”. Phối hợp hai biểu tượng này với nhau ta có thể hiểu được hình tượng con thú trên khuyên tai chính là biểu tượng của con trâu: con trâu và con chim là những con vật tiễn đưa người chết về thế giới bên kia. Đây là những đồ tùy táng đặc biệt, thể hiện tín ngưỡng của cư dân cổ Cần Giờ, cũng là của cư dân cổ Đông Nam Á. Mang theo đồ tùy táng quý giá khuyên tai hình hai đầu thú là hành động của người sống thể hiện tình cảm thương tiếc và cầu mong cho người chết sớm được về với thế giới tổ tiên.

Nhân đây cũng xin nói thêm, trong nhiều chuyến điền dã của tác giả tại vùng dân tộc ít người  ở Tây Nguyên và Đông Nam bộ, khi tham dự một lễ hội mà nhiều người quen gọi là “lễ đâm trâu”, tác giả được biết đồng bào ở đây gọi là “lễ ăn trâu”, với ý nghĩa: Con trâu là con vật duy nhất có thể thay thế con người đi đến thế giới thần linh và tổ tiên, mang về cho con người những gì mà con người cầu xin và được thần linh tổ tiên ban tặng, như sức khỏe, lòng dũng cảm, sự may mắn, niềm hạnh phúc… Vì vậy, “ăn thịt trâu” chính là hành động tiếp nhận sự ban tặng đó. Nghi thức “ăn trâu” cũng quan trọng như nghi thức “đâm trâu”, hai nghi thức này nối tiếp nhau, thống nhất với nhau để thể hiện trọn vẹn ý nghĩa của lễ hội. Chỉ xem trọng nghi lễ “đâm trâu” (như những tour du lịch thường giới thiệu với du khách) mà bỏ qua nghi lễ “ăn trâu” là làm sai lệch, thậm chí làm méo mó ý nghĩa linh thiêng của lễ hội này. Ý nghĩa chính là “phần hồn” của lễ hội, là giá trị văn hóa “phi vật thể”.  Nhờ những giá trị này mà những lễ hội cổ truyền còn được bảo tồn cho đến ngày nay.

TS. Nguyễn Thị Hậu

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Viện Bảo tàng Lịch sử VN và Bảo tàng lịch sử VN.TPHCM. Khảo cổ học tiền sử và sơ sử TP. Hồ Chí Minh. Nhà xuất bản Trẻ, 1998.
  2. A. Reinecke: Khuyên tai hai đầu thú ở Đông Nam Á. Beitrăge Zur allgemeinen und vergleichenden Archăologie, Band 16, 1996.
  3. Vũ Công Quý: Văn hóa Sa Huỳnh. NXB Văn hóa Dân tộc, Hà Nội, 1991.
  4. Trần Kỳ Phương – Hồ Xuân Tịnh: Về vật trang sức hai đầu thú trong văn hóa Sa Huỳnh. Tạp chí khảo cổ học số 3/ 1987.
  5. Tạ Đức: Nguồn gốc và sự phát triển của kiến trúc, biểu tượng và ngôn ngữ Đông Sơn. Hội Dân tộc học Việt Nam, 1999.
Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Loại hình chân chạc trong đồ gốm văn hóa Phùng Nguyên

Loại hình chân chạc trong đồ gốm văn hóa Phùng Nguyên

  • 11/06/2019 08:28
  • 4472

Là loại hình di vật độc đáo xuất hiện từ văn hóa Phùng Nguyên và tồn tại qua các giai đoạn văn hóa tiếp sau (Đồng Đậu, Gò Mun, Đông Sơn). Đến nay vẫn chưa có sự thống nhất về tên gọi cũng như chức năng của loại hình hiện vật này. Chúng được gọi bằng nhiều tên khác nhau như hòn kê, ông đầu rau, vật hình cốc, vật hình phễu, vật hình sừng bò, vật giữ lửa, chân giò, chân chạc, vật có liên quan đến tôn giáo tín ngưỡng nguyên thủy... Đến nay tên gọi chạc gốm được nhiều nhà nghiên cứu sử dụng hơn cả. Chạc gốm được tạo bằng tay, chất liệu gốm thô pha nhiều cát sạn sỏi nhỏ, đa số có văn thừng, một số ít trang trí văn khắc vạch. Chạc gốm chia thành hai phần: Phần cốc loe ở trên và phần chân ở dưới. Kích thước to nhỏ khác nhau.

Bài viết khác

Mảnh gốm trang trí hoa văn khắc vạch đặc biệt trong đồ gốm văn hóa Phùng Nguyên

Mảnh gốm trang trí hoa văn khắc vạch đặc biệt trong đồ gốm văn hóa Phùng Nguyên

  • 09/10/2018 15:09
  • 2422

Đồ gốm văn hóa Phùng Nguyên, đặc biệt là hoa văn được tạo ra bởi bàn tay khéo léo của người thợ gốm cộng với tư duy sáng tạo của họ đã tạo ra những nét độc đáo riêng biệt mà những người thợ gốm các giai đoạn văn hoá sau đó hầu như không thể.