Thứ Ba, 03/12/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

07/11/2018 15:18 4434
Điểm: 5/5 (1 đánh giá)
Bức tượng hiện đang được trưng bày tại một số Bảo tàng quốc gia như Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Cách mạng Việt Nam (nay là Bảo tàng Lịch sử quốc gia), Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam và Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Bến cảng Nhà Rồng. Vì sao vậy?. Cùng tìm hiểu nội dung và ý nghĩa về tác phẩm điêu khắc đặc biệt này.

Bức tượng hiện đang được trưng bày tại một số Bảo tàng quốc gia như Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Cách mạng Việt Nam (nay là Bảo tàng Lịch sử quốc gia), Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam và Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Bến cảng Nhà Rồng. Vì sao vậy?. Cùng tìm hiểu nội dung và ý nghĩa về tác phẩm điêu khắc đặc biệt này.

1.- Tác phẩm ra đời năm 1956, phản ánh một sự kiện lịch sử không thể quên của dân tộc. Tác giả bức tượng là nhà điêu khắc Phạm Xuân Thi, giải Nhất Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc lần thứ nhất.

 Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Hiệp nghị Giơnevơ về Đông Dương được ký kết. Các nước tham gia Hiệp nghị đã thông qua Bản tuyên bố chung thừa nhận: Tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, Campuchia và Lào; quy định đế quốc Pháp phải rút khỏi các nước Đông Dương và ở mỗi nước Đông Dương sẽ tổ chức tổng tuyển cử tự do để thống nhất đất nước. Bản tuyên bố ghi rõ ở Việt Nam “đường ranh giới quân sự chỉ có tính chất tạm thời, không thể coi như một biên giới chính trị hoặc lãnh thổ.” Tuyên bố cũng quy định rõ thời hạn dứt khoát về việc tổ chức tổng tuyển cử thống nhất đất nước Việt Nam vào tháng 7 năm 1956.

   Thực hiện Hiệp nghị, quân đội nhân dân Việt Nam chuyển ra miền Bắc trong thời gian từ tháng 9 năm 1954 đến tháng 7 năm 1955. Từ các vùng tập kết tạm thời ở Đồng Tháp Mười, Cà Mau, đến vùng rừng núi Kon Tum, Bình Định, Quảng Ngãi, Bến Hải, các cán bộ, chiến sỹ trong lực lượng vũ trang, cán bộ chính quyền các cấp, một số nhân sỹ… đã ra đi tập kết. Họ ra đi với niềm tin là để năm sau đó hai miền sẽ thực hiện tổng tuyển cử thống nhất đất nước. Nhưng đế quốc Mỹ và tay sai đã vi phạm hiệp nghị và cuộc tổng tuyển cử đã không được diễn ra trên đất nước ta. Ngày 6 tháng 7 năm 1956 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư gửi đồng bào cả nươc, Người nêu rõ: “Nước Việt Nam ta nhất định thống nhất. Đồng bào Nam và Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà…Thống nhất nước nhà là con đường sống của nhân dân ta. Đại đoàn kết là một lực lượng tất thắng…”.

Trong thời điểm lịch sử ấy của dân tộc, nhà điêu khắc Hà Nội Phạm Xuân Thi đã phản ánh trong một tác phẩm mỹ thuật sống mãi với thời gian, bức tượng “Nắm đất miền Nam”.

Bức tượng “Nắm đất miền Nam”. Ảnh: BTMT

2.- Đây là một tác phẩm phản ánh ý chí quyết tâm thống nhất Nam - Bắc, khát vọng độc lập, tự do, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của nhân dân ta.

Trên cơ sở một sự kiện có thật một bà má ở Năm Căn, Cà Mau khi tiễn con trai ra Bắc tập kết, má gửi con một nắm đất miền Nam với lời nhắn : “…Con ra thưa với Bác Hồ/ Đất này chỉ một ngọn cờ vàng sao.” Hình ảnh này đã lay động hàng chục triệu người Việt Nam và đã là nguồn cảm hứng cho nhiều sáng tác nghệ thuật. Nhà thơ Xuân Diệu trong bài “Bà má Năm Căn” đã viết: “…Ôi! Má Năm Căn tóc ngả màu/ Vẫn còn giữ chốt mũi Cà Mau/ Ruột liền của má ôm Nam- Bắc/ Lại những đêm ngày cực xót đau…”.

Với lối tạo hình độc đáo và sâu sắc, Phạm Xuân Thi đã miêu tả hình ảnh bà mẹ miền Nam tiễn con bằng ngôn ngữ riêng của mình. Ông đã miêu tả một bà má miền Nam thật thà, chất phác nhưng đầy nhiệt thành yêu nước, cách mạng. Má tiễn đưa người con ra miền Bắc tập kết và gửi con một món quà là “một nắm đất miền Nam”. Với mẹ, đất là quê hương, là hình ảnh của miền Nam, là tình cảm và tấm lòng của tất cả các bà mẹ miền Nam. Nắm đất mà đứa con đem theo ra Bắc sẽ là kỷ vật nhắc con không khi nào được quên miền Nam, cũng như là thông điệp nhắn gửi miền Nam không bao giờ quên miền Bắc. Đó cũng là niềm tin vào sự khẳng định đất này Nam- Bắc là một nhà, một cội nguồn, không ai có thể chia cắt.

Hình ảnh chia tay với người con của má đã không còn là của một người mẹ và một người con, mà là hình ảnh của nhiều bà mẹ, nhiều người con, của người mẹ - Tổ quốc với các chiến sỹ cách mạng. Hình ảnh má thật sự là hình ảnh của một bà mẹ Việt Nam anh hùng. Còn người con không còn là con củariêng má, mà là một chiến sỹ sẵn sàng cho một cuộc chia ly, sẵn sàng lên đường với niềm tự hào và niềm tin vững chắc vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc.

Nội dung của bức tượng còn phong phú hơn, sâu sắc hơn bởi hình tượng một em bé - hình tượng về thế hệ thứ ba, thế hệ tương lai của đất nước. Chứng kiến cuộc tiễn đưa của các thế hệ đi trước, em bé như hiểu được rằng đây là một cuộc tiễn đưa lịch sử, cho nên trên nét mặt vui tươi và hồn nhiên vẫn hiện lên ý chí lạc quan, tin tưởng. Với cách miêu tả nét mặt em bé nhìn lên người bà và người cha của mình, muốn nói một điều rằng  bà,  cha, chú hãy tin vào thế hệ tương lai sẽ tiếp sức xứng đáng truyền thống của cha anh. Đây cũng là thông điệp mà tác giả muốn nói lên rằng, trong hoàn cảnh khó khăn, các thế hệ người Việt Nam vẫn tin vào thắng lợi của cách mạng và sự trường tồn vững chắc của dân tộc.

Năm 1957, Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc lần thứ nhất được tổ chức tại Khu triển lãm Vân Hồ, Hà Nội, cùng với một số tượng khác bức tượng “Nắm đất miền Nam” được tặng giải Nhất về điêu khắc. Với nội dung và ý nghĩa đặc biệt của tác phẩm, bức tượng đã được sao chép thành nhiều phiên bản.

Tác giả Phạm Xuân Thi đã mất năm 1998 (ông sinh năm 1917), trong cuộc đời sáng tác của mình ông đã để lại nhiều tác phẩm quý như: Tượng Đánh bom ba càng, tượng Bà mẹ Việt Nam anh hùng…Cùng với những bức tượng để đời đó, tượng “Nắm đất miền Nam” là một tác phẩm tác phẩm nghệ thuật đẹp cả về nội dung và hình thức, đồng thời mang ý nghĩa thời đại sâu sắc, đúng như nó đã được trưng bày ở nhiều nơi trên đất nước ta

TS Nguyễn Thị Tình

 

http://thegioidisan.vn

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Loại hình chân chạc trong đồ gốm văn hóa Phùng Nguyên

Loại hình chân chạc trong đồ gốm văn hóa Phùng Nguyên

  • 11/06/2019 08:28
  • 4472

Là loại hình di vật độc đáo xuất hiện từ văn hóa Phùng Nguyên và tồn tại qua các giai đoạn văn hóa tiếp sau (Đồng Đậu, Gò Mun, Đông Sơn). Đến nay vẫn chưa có sự thống nhất về tên gọi cũng như chức năng của loại hình hiện vật này. Chúng được gọi bằng nhiều tên khác nhau như hòn kê, ông đầu rau, vật hình cốc, vật hình phễu, vật hình sừng bò, vật giữ lửa, chân giò, chân chạc, vật có liên quan đến tôn giáo tín ngưỡng nguyên thủy... Đến nay tên gọi chạc gốm được nhiều nhà nghiên cứu sử dụng hơn cả. Chạc gốm được tạo bằng tay, chất liệu gốm thô pha nhiều cát sạn sỏi nhỏ, đa số có văn thừng, một số ít trang trí văn khắc vạch. Chạc gốm chia thành hai phần: Phần cốc loe ở trên và phần chân ở dưới. Kích thước to nhỏ khác nhau.

Bài viết khác

Về những bàn đập gốm phát hiện trong các di chỉ ở Việt Nam

Về những bàn đập gốm phát hiện trong các di chỉ ở Việt Nam

  • 05/11/2018 16:07
  • 3340

Bàn đập gốm là loại hình công cụ sản xuất trong nghề làm gốm thủ công thời Tiền sử. Cho đến nay, số lượng di vật này phát hiện được không nhiều trong các di chỉ Mán Bạc (Ninh Bình), Cồn Chân Tiên (Thanh Hóa), Phù Mỹ (Lâm Đồng), Rạch Bà Giá, Rạch Lá, Suối Linh (Đồng Nai).