Chủ Nhật, 06/10/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

13/02/2019 09:06 9767
Điểm: 5/5 (3 đánh giá)
Cách ngày nay hàng chục vạn năm, loài người đã biết đến lửa và sử dụng lửa để phục vụ đời sống của mình. Họ đã biết cách tạo ra lửa, giữ lửa, duy trì ngọn lửa. Một trong những bước tiến quan trọng trong việc kiểm soát và chế ngự lửa là khi đèn được phát minh. Ở Việt Nam, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy những chiếc đèn có niên đại từ hàng ngàn năm trước. Với bàn tay tài hoa và sự sáng tạo, các thế hệ người Việt Nam đã tạo ra những chiếc đèn đa dạng về chất liệu, kiểu dáng, kích thước mang giá trị sử dụng và giá trị thẩm mỹ, nghệ thuật cao. Đèn không chỉ dùng để giữ lửa phục vụ đời sống sinh hoạt mà còn đóng vai trò quan trọng trong đời sống tôn giáo, tín ngưỡng, gắn bó với các không gian tâm linh của người Việt Nam.

Để góp phần giúp khách tham quan có thêm những hiểu biết về cấu tạo, kỹ thuật chế tác, cách thức, chức năng sử dụng đèn dầu ở Việt Nam cũng như những giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật ẩn chứa trong mỗi chiếc đèn, xin được giới thiệu đến khách tham quan những chiếc đèn đang được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia, có niên đại từ khoảng 2500 năm cách ngày nay tới đầu thế kỷ 20, bao gồm: đèn, đĩa đèn, chân đèn, đèn lồng với các chất liệu như: gốm, sắt, đồng, gỗ…

Trước tiên là sưu tập đèn thuộc văn hóa Đông Sơn, đây là sưu tập được đánh giá là phong phú và đa dạng nhất thời sơ sử. Những cây đèn này được chôn theo người chết sang thế giới bên kia, nay được tìm thấy trong các ngôi mộ táng, thuộc tầng lớp giàu có của xã hội đương thời. Hầu hết những cây đèn ở thời kỳ này được làm bằng đồng nhưng lại rất đa dạng hình thức, được chế tạo công phu, tinh tế và rất sinh động, tiêu biểu là cây đèn hình người quỳ ở Lạch Trường, một trong những hiện vật đã được nhà nước công nhận là Bảo vật quốc gia đang được trưng bày tại đây. Năm 1935, Olov Janse, một nhà khảo cổ học người Thụy Điển đã phát hiện cây đèn hình người trong khu mộ Hán ở Lạch Trường (Thanh Hóa), với nhiều yếu tố nhân học khiến ông liên hệ tới nguồn gốc khá xa vắng của thần thoại Hy Lạp với biểu tượng của thần Rượu Nho và bản thân cây đèn đã đi vào những văn liệu khảo cổ học trong nước và thế giới như một hiện tượng độc nhất vô nhị của Việt Nam. Cây đèn là hiện vật độc đáo không chỉ ở hình dáng đặc biệt của cây đèn mà còn bởi những điều ẩn chứa bên trong nó.

Cây đèn được làm theo tư thế hình người quỳ. Hai vai và trên lưng có 3 giá đỡ đèn chữ “S” được nâng đỡ bởi một người. Ở giữa mỗi giá đỡ đèn được trang trí một hình người nhỏ đang quỳ với đôi tay chắp trước ngực hướng vào nhau; cử chỉ đang chơi nhạc cụ của những người này cho thấy họ là những nhạc  công. Trên phần chân và hông của pho tượng còn được trang trí 4 nhạc công trong tư thế quỳ.

 

Cây đèn hình người - văn hóa Đông Sơn

(nguồn: dangconsan.vn)

Phần tượng được thể hiện dáng một người quỳ, thân để trần, quấn dải khố với diềm yếm chảy dài ngang đùi trên đó trang trí những bông hoa, mái tóc cuộn hình xoắn ốc. Đây là đặc điểm thường thấy đối với các tượng Phật (Buddha) ở Ấn Độ và vùng Viễn Đông và rất tiêu biểu cho nghệ thuật Gandhara Hy Lạp cổ đại. Xung quanh trán trang trí một vành khăn mà theo Olov Janse thì đây là dấu hiệu của những bậc vương giả trong nền văn hóa Địa Trung Hải cổ điển. Đôi mắt mở to làm cho chúng ta liên tưởng đến vị thần sắc đẹp Hera (trong văn học cổ điển Hy Lạp) với đôi mắt tròn, to. Hàng ria mép mỏng, bộ râu mỏng chia đôi phần cằm. Cằm xẻ là một đặc điểm trong nghệ thuật điêu khắc đá Champa (ảnh hưởng văn hóa Ấn Độ), mang đặc điểm nhân chủng học rõ nét.  

Trên cánh tay tượng được trang trí những trang sức khá đẹp, vòng bụng đầy đặn, bắp chân khuỳnh ra, toàn thân trong tư thế nâng đỡ. Đây là những đặc điểm mang đậm nét nghệ thuật Ấn Độ (nghệ thuật của những vũ công).

Với những đặc điểm khác lạ, pho tượng đã được giới nghiên cứu quan tâm, phân tích và đưa ra những giả thuyết về nguồn gốc. Chẳng hạn, O.Janes cho rằng bức tượng đồng hình người quỳ là hình ảnh của thần Dyonysos được xuất hiện từ những người chết. Những chiếc đèn trên tượng có thể được xem để thờ thánh trong sự luân hồi của tạo hóa.

Sau O.Janes, cũng có một số ý kiến cho đó là đèn của người Đông Hán. Họ là những tù binh Hung Nô bị người Hán bắt làm nô lệ trong cuộc chiến biên giới phía Tây Bắc Trung Quốc cách đây 20 thế kỷ, để sau đó, họ trở thành người hầu đội đèn do các quý tộc Hán đương thời và khi những chủ nhân của nó sang làm quan tại Giao Chỉ đã đưa cây đèn theo hầu.

Song một số nhà nghiên cứu Việt Nam lại cho rằng pho tượng thể hiện sự giao thoa văn hóa Đông Sơn với văn hóa Ấn Độ vào những thế kỷ đầu Công nguyên. Hình ảnh tượng người quỳ gợi lại cho người xem liên tưởng đến những tượng phỗng Chàm trong văn hóa Champa và Đại Việt thời kỳ sau này với những đặc điểm văn hóa Ấn Độ rất đặc trưng thể hiện trên pho tượng.

Cây đèn đồng Lạch Trường là hiện vật độc bản, đại diện cho nghệ thuật cổ tiêu biểu, độc đáo không chỉ thể hiện sự giao lưu với văn hóa Hán và văn hóa Ấn Độ vào thời kỳ Hậu Đông Sơn (Những thế kỷ đầu Công nguyên), mà còn thể hiện tư duy thẩm mỹ, kỹ thuật đúc đồng tài khéo léo của cư dân cổ giai đoạn này. Đến nay, cây đèn vẫn còn ẩn chứa những giá trị bí ẩn thu hút nhiều nhà khoa học quan tâm, nghiên cứu.

Cùng niên đại với văn hóa Đông Sơn, di chỉ đầu tiên thuộc văn hóa Sa Huỳnh được phát hiện là một cồn cát của vùng biển Sa Huỳnh thuộc tỉnh Quảng Ngãi vào năm 1909. Các di chỉ văn hóa Sa Huỳnh phân bố chủ yếu dọc các tỉnh miền Trung và Nam Trung bộ từ Quảng Bình cho tới Đồng Nai và một số đảo như Lý Sơn, Côn Đảo, Thổ Chu.

Trong nhiều di chỉ của Văn hóa Sa Huỳnh, các nhà khảo cổ học đã phát hiện được số lượng đồ tùy táng rất đồ sộ trong những ngôi mộ chum với loại hình phong phú về kiểu dáng, đa dạng về chất liệu như: công cụ lao động, đồ trang sức, đồ dùng sinh hoạt,…Trong những đồ dùng sinh hoạt, loại hình đèn gốm chiếm khá phổ biến và thường có cấu tạo: phần miệng rộng loe hoặc khum; có gờ cao và rãnh có thể để đựng dầu; phần đế choãi giống bình hoặc bát bồng được trang trí hoa văn khắc vạch. Ở đây, Bảo tàng trưng bày ba chân đèn thuộc văn hóa Sa Huỳnh. Những chiếc đèn này có phần chân được trổ lỗ hình tam giác, chân vững chãi chính vì vậy mà nhiều nhà khoa học còn cho rằng những chân đèn tròn, loe rộng này có thể đã được cư dân Hòa Diêm sử dụng rất phổ biến, gắn liền với tập quán sinh hoạt và không thể thiếu trong việc dùng để thắp sáng mỗi khi đi biển.

 

Đèn gốm trong văn hóa Sa Huỳnh

Với sự phổ biến của loại hình đèn trong văn hóa Sa Huỳnh, đặc biệt trong những ngôi mộ táng đã phần nào thể hiện chắc hẳn đây là một trong những vật dụng quan trọng trong đời sống sinh hoạt thường ngày cũng như trong các nghi lễ mai táng của cư dân văn hóa Sa Huỳnh. Cũng như bao cư dân khác trên đất nước ta như Đông Sơn, Đồng Nai, Óc Eo…có lẽ lúc bấy giờ, cư dân văn hóa Sa Huỳnh đã biết dùng đèn dầu để thắp sáng phục vụ đời sống trên trần gian cũng như khi sang thế giới bên kia. Vì thế, nó đã trở thành đồ tùy táng không thể thiếu trong những ngôi mộ.

Bên cạnh những cây đèn thời sơ sử, bảo tàng còn trưng bày đèn thời kỳ mười thế kỷ đầu Công nguyên

Trong 10 thế kỷ đầu Công nguyên, nước ta chịu sự cai trị của các triều đại phong kiến Trung Hoa. Nhà Hán chia nước ta thành các quận và đặt chức thái thú để cai trị. Trong quá trình cai trị, sinh sống trên đất nước ta họ đã dần thiết lập, xây dựng các trung tâm kinh tế, chính trị và truyền bá văn hóa trên đất nước ta mà để lại dấu ấn lịch sử còn mãi đến nay như: trung tâm Luy Lâu, đền thờ Sĩ Nhiếp (Bắc Ninh), đặc biệt là những mộ cũi, “mộ Hán” với những đồ tùy táng được phát hiện ở nhiều tỉnh vùng châu thổ Bắc Bộ như: Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Quảng Ninh... Qua kết quả khai quật một số “mộ Hán”, các nhà khảo cổ đã phát hiện được rất nhiều đồ tùy táng như tiền đồng, bình đồng, gương đồng…đặc biệt là những cây đèn với chất liệu bằng gốm và bằng đồng. Ở đây, Bảo tàng trưng bày đĩa đèn ba chân bằng gốm. Có thể nói với những dấu tích lò gốm được khai quật như: lò Đương Xá (Bắc Ninh); Tam Thọ (Thanh Hóa) cho thấy thời kỳ này người Việt đã nhanh chóng tiếp thu kỹ thuật làm gốm tráng men và đưa gốm vào lò nung từ người Trung Hoa để cho ra đời những sản phẩm gốm bền và đẹp hơn.

Từ đó, tạo tiền đề cho gốm Việt Nam phát triển với những dòng gốm mang đặc trưng riêng của dân tộc. Một số dòng gốm men tiêu biểu như men trắng, men ngọc, men nâu ra đời và phát triển, đặc biệt cuối thế kỷ 15, gốm men hoa lam hình thành và phát triển. Đồ gốm thời kỳ này phát triển với nhiều loại hình gốm như: liễn, ấm, thạp, hũ, bát, bình,…đặc biệt là những chiếc chân đèn gốm thời Lý - Trần (thế kỷ 13 – 14) được trưng bày ở đây. Đó là những chiếc đèn, đĩa đèn, chân đèn gốm men trắng,…Màu trắng của men thường mang sắc trắng đục hay trắng ngà, phủ bên ngoài xương gốm. Nhìn chung, những sản phẩm này đều được tạo dáng khá thanh thoát nhờ sự cân đối tỷ lệ giữa chiều cao - độ nở phần vai - độ thu dần xuống đế. Người thợ làm gốm dùng cách khắc trực tiếp lên phần xương gốm gần giống như chạm trổ nhỏ kết hợp với việc dán ghép hay đắp nổi các họa tiết như cánh sen ở diềm ngoài, tạo nên những sản phẩm vô cùng tinh tế.

Cùng với dòng gốm men trắng, dòng gốm men nâu cũng được phát triển vào thời Lý (thế kỷ 11 - 13) và phổ biến hơn ở thời Trần (thế kỷ 13 – 14). Trang trí trên gốm men nâu thường giản dị hơn so với gốm men trắng vì sắc nâu làm mờ những họa tiết khắc chìm. Một số hiện vật tiêu biểu như: chân đèn gốm hình đài sen, chân đèn (phần dưới) gốm men trắng vẽ nâu và lam thuộc triều Trần – Lê Sơ (thế kỷ 14 – 15) được phát hiện ở chùa Cói, tỉnh Vĩnh Phúc đang được trưng bày tại đây.

Trong sưu tập đèn thời Lê sơ – Mạc (thế kỷ 15 – 16): thời kỳ này, dòng gốm hoa lam đã có tiến bộ vượt bậc với nét vẽ linh hoạt, phóng khoáng theo cảm xúc tạo ra độ dày, mỏng đậm nhạt của màu men sinh động, mềm mại, tự nhiên quyến rũ. Trang trí hoa văn được tập trung vào đề tài hoa cúc, hoa sen với nét vẽ dài, uốn lượn, buông lơi tạo nét mềm mại như hoa cúc dây, hoặc sen với sóng nước hay cánh sen mây xoắn. Đây là công đoạn mà thợ gốm có điều kiện thể hiện sự thăng hoa, cảm xúc sáng tạo, để làm ra những chân đèn gốm kiểu dáng mới, nghệ thuật và kỹ thuật trang trí theo phong cách riêng, mộc mạc nhưng không kém phần tinh tế với những loại hình mang tính mỹ thuật cao như chân đèn, lư hương. Đây là loại hình gốm mỹ thuật đặc sắc về tạo hình, màu men, để lại nhiều tên tuổi nghệ nhân giỏi như Đặng Huyền Thông ở Hùng Thắng (Nam Sách, Hải Dương), Nguyễn Phong Lai, Hoàng Ngưu ở Bát Tràng (Hà Nội).

Chân đèn gốm khá phong phú về kiểu dáng, được nghệ nhân tạo tác với hầu hết các kỹ thuật như: chuốt, tạo dáng trên bàn xoay. Sản phẩm được thực hiện trên nhiều công đoạn khác nhau, phức tạp và tỉ mỉ. Những chân đèn này thường gồm nhiều phần khác nhau lắp ghép lại (đĩa đèn, phần thân trên, phần dưới chân đèn), với hoa văn trang trí được kết hợp các kỹ thuật: nặn, chạm, đắp nổi, vẽ. Đặc biệt, trên loại sản phẩm gốm này còn được thể hiện rất nhiều minh văn đã đem lại cho chúng giá trị lịch sử, nghệ thuật cao.

Để thể hiện các bài minh trên gốm, các nghệ nhân xưa thường sử dụng kỹ thuật khắc chữ, viết bằng men lam dưới men trắng, đắp nổi hoặc kết hợp giữa các phương pháp này với nhau. Nếu là kỹ thuật khắc hoặc đắp nổi thì thường là khắc chữ sau khi đã phủ men, đôi khi cũng có trường hợp khắc chữ dưới men (có nghĩa là chữ được khắc trên xương gốm sau đó phủ men). Kiểu chữ dù viết, khắc hay đắp nổi đều dùng lối chữ chân phương. Đối với chân đèn, minh văn thường được thể hiện trước đầu rồng ở thân trên của phần dưới các chân đèn và kéo dài dọc các cánh sen đứng ở thân dưới. Còn với loại hình lư hương thì minh văn thường được khắc ở các dải quai, quanh miệng hoặc chân đế, khắc xung quanh cổ hoặc khắc quanh đế.

Minh văn trên đồ gốm là những dòng tư liệu quý, cung cấp cho chúng ta thông tin về họ tên, quê quán của người thợ sản xuất; họ tên của những người đã đặt hàng (từ những tầng lớp quý tộc, cung đình như Công chúa, Phò mã tới tầng lớp bình dân) và nơi cung tiến (chùa, đền,…). Đề tài trang trí chủ yếu là rồng, phượng, lá đề, hoa sen.                                                                                                                                         

Bảo tàng trưng bày chân đèn gốm hoa lam đắp nổi, niên hiệu Diên Thành 3 (1580). Đây là chân đèn do Nguyễn Phong Lai và Hoàng Ngưu ở xã Nghĩa Lư, Cẩm Giàng, Hải Dương chế tạo theo đặt hàng của Đại sĩ Ngạn Quận Công Mạc Ngọc Liễn (đại thần nhà Mạc) và công chúa trưởng Phúc Thành cùng các phật tử để cúng tiến vào Quán Linh Tiên, xã Đức Thượng, Hoài Đức, Hà Nội.

 

Chân đèn gốm thời Mạc, niên hiệu Diên Thành

Bảo tàng còn trưng bày một số hiện vật như: chân đèn gốm hoa lam niên hiệu Hưng Trị 2 (1589) được nghệ nhân Đỗ Xuân Vi ở xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, phủ Thuận An chế tạo…Nhìn hình dáng bề ngoài thì chân đèn gốm này giống như những chiếc bình cắm hoa nhưng thực tế lại dùng để đặt đĩa đèn dầu lạc hay đĩa hoa trên miệng bình phục vụ cho cúng lễ. Do đó, chân đèn gốm thời Mạc thường có kích thước lớn, dáng cao, bề thế, thớt trên xòe rộng, thân giữa phình to, bụng tròn dẹt, chân đế cao, toàn thân phủ men trắng ngà, thân, chân và cổ vẽ hoa lam với các vành hoa lá chuối, cúc dây…một vẻ đẹp thô mộc nhưng không kém phần tinh tế. Chân đèn gốm thời Mạc đẹp hơn các thời khác, nó trở thành chuẩn mực để đánh giá phần nào phong cách của mỹ thuật thời Mạc.

Như vậy, qua sưu tập gốm thời Lê - Mạc thế kỷ 15 - 16 cho ta thấy sưu tập gốm minh văn là dòng gốm mang nét riêng độc đáo góp phần làm phong phú kho tàng gốm cổ Việt Nam. Hơn nữa, những thông tin trên đồ gốm có minh văn đã bổ sung tài liệu cho việc nghiên cứu về các ngôi chùa và sự phát triển của đạo phật thời kỳ này. Với số lượng chân đèn chiếm chủ yếu, chứng tỏ đây là vật dụng quan trọng trong đồ thờ cúng.

Tiếp nối truyền thống làm gốm thời Lê - Mạc, gốm thời Lê Trung Hưng tiếp tục được phát triển, mở rộng và phong phú về loại hình đồ gốm như: chân đèn, lư hương, tượng nghê, tượng hổ, mô hình nhà, đỉnh,...với nhiều dòng men như: men nhiều màu, men trắng và xanh, hoa lam, men rạn,...Tiêu biểu trong số đó là chân đèn gốm men rạn, thời Lê Trưng Hưng được trưng bày, giới thiệu ở đây. Men rạn là một loại men độc đáo được tạo ra do sự chênh lệch về độ co giữa xương gốm và men khi nung. Gốm men rạn thường có sắc ngà vàng, xám, các vết rạn chạy dọc và ngang chia ra nhiều hình tam giác, tứ giác, cốt gốm xốp có màu xám nâu. Với những đường nét rạn tự nhiên càng làm cho đồ gốm thời kỳ này có những nét khác biệt so với đồ gốm cùng thời. Dòng gốm men có một không hai này chỉ xuất hiện ở làng gốm Bát Tràng từ khoảng thế kỷ 16 kéo dài đến đầu thế kỷ 20. Gốm men rạn triều Lê Trung Hưng thế kỷ 17 - 18 không chỉ thể hiện cho sự phát triển mạnh mẽ của làng gốm cổ Việt Nam, còn thể hiện được tài năng cũng như thẩm mỹ của nghệ nhân tài hoa.

Bên cạnh đó, Bảo tàng còn trưng bày đèn hình phỗng với chất liệu bằng đồng. Tượng phỗng dâng đèn thường được trang trí trong đền, chùa. Tư thế dâng đèn thể hiện sự tôn kính với đức Phật, tạo cho không gian đền, chùa thêm linh thiêng.

 

Đèn hình tượng phỗng bằng đồng thời Lê Trung Hưng

Trong bộ sưu tập đèn thời Nguyễn, Bảo tàng còn trưng bày đèn lồng sơn thếp,... với chất liệu là đồ gỗ sơn son thếp vàng. Đây là những tác phẩm được trang trí  theo kiểu “ô”, “hộc” là một đặc điểm thường thấy và rất độc đáo của đồ gỗ thời Nguyễn. Các ô này thường thể hiện theo cách đăng đối, cân bằng giữa các ô cũng như đề tài trang trí. Ở nước ta, kỹ thuật sơn được người Việt biết từ rất sớm. Trong thời kỳ văn hóa Đông Sơn đã xuất hiện dấu vết của sơn trên chiếc mộc da (tấm chắn) trong mộ Việt Khê (Hải Phòng), mộ thuyền Châu Can (Phú Xuyên, Hà Nội) và một số mộ khác ở Hà Nam cũng phát hiện nhiều đồ sơn như: chén, muôi,... Trải qua các triều Ngô - Đinh - Tiền Lê, Lý, Trần,…cho đến triều Nguyễn, từ cung điện cho đến đền, chùa, đình, miếu đều được tu bổ thêm rất nhiều công trình kiến trúc, đồ thờ, tượng thờ. Công cuộc kiến tạo kinh đô, chùa tháp lộng lẫy bằng gỗ sơn son thếp vàng chính là yếu tố kích thích nghề sơn trở nên hưng thịnh tạo nên một đội ngũ thợ sơn tài hoa. Kế thừa truyền thống đó, nghề sơn tiếp tục được người Việt nối đời gìn giữ và phát triển, chính những tác phẩm sơn son thếp vàng thế kỷ 19 - 20 là kết quả của sự kế thừa ấy. Thời Nguyễn, sản phẩm sơn thếp đã phát triển mạnh mẽ, phổ biến trong nhân dân. Tuy nhiên, đồ gỗ chạm khắc, cẩn ốc, sơn thếp chủ yếu vẫn là đồ thờ, trang trí kiến trúc nơi cung điện, đình chùa, dinh thự… Cũng như sản phẩm cẩn ốc, sản phẩm gỗ sơn thếp là loại đẹp, quý, đắt tiền không phải gia đình nào hoặc nơi thờ tự nào cũng có được. Tiêu biểu cho nghệ thuật sơn son thếp vàng là cây đèn được trang trí đề tài mai, sen, rồng, phượng. Đây là những đề tài luôn luôn được người nghệ nhân Việt quan tâm. Vào thế kỷ 19,  rồng là đề tài thường được trang trí trên nhiều loại hình, đặc biệt trên chân đèn và lư hương. Trong bộ tứ linh, rồng là con vật huyền thoại, linh thiêng, đầy quyền uy. Rồng còn là biểu tượng cho cội nguồn dân tộc. Chính vì vậy mà phần dưới của cây đèn được trang trí hình rồng. Bên cạnh hình rồng là những bông hoa sen vươn cao. Đặc biệt nhất có lẽ là phần đĩa đèn được tạo hình một chiếc lá sen. Hoa sen luôn có vị trí và vai trò đặc biệt trong đời sống văn hóa. Từ bao đời nay, hoa sen đã đi vào lòng người, đi vào cuộc sống và văn hóa của người Việt. Sự hình thành của hoa sen diễn ra theo quy luật nhân quả luân hồi với những bông sen có cả nụ, đài và hạt sen. Hoa nở tượng trưng cho quá khứ, đài sen tượng trưng cho hiện tại và hạt sen tượng trưng cho tương lai. Vì vậy hoa sen trở thành biểu tượng trong nghệ thuật Phật giáo. Từ ý nghĩa tâm linh ấy, hoa sen còn đi vào tâm thức con người và trở thành hình tượng trong kiến trúc điêu khắc, văn học của người Việt Nam. Trong bộ Tứ quý, cây mai tượng trưng cho sự thanh cao và khí tiết của người quân tử. Hoa mai luôn mang lại điềm lành, hạnh phúc và mùa xuân. Chính vì vậy mà ở cây đèn này, cây mai được tạo dáng mềm mại nhưng cũng không kém phần rắn rỏi. Đề tài hạc đang cắp cuốn thư được trang trí trên ngọn cây mai - là nơi cao nhất của cây đèn, biểu tượng cho phúc lộc, sự sang quý, hiền đức và báo hiệu điềm lành. Sự kết hợp của bốn đề tài trang trí trên cây đèn càng làm tăng thêm ý nghĩa về hạnh phúc, sự sum vầy và phát triển.

Bên cạnh những chân đèn được làm bằng gỗ, gốm khá phổ biến, thời Nguyễn, loại hình chân đèn rất đa dạng về chất liệu kể cả chất liệu tưởng chừng như khô cứng như chất liệu sắt nhưng với bàn tay khéo léo cùng tư duy thẩm mỹ của người nghệ nhân đã làm chúng sống động hơn. Một trong những tác phẩm tiêu biểu đó cũng hiện diện trong không gian trưng bày, đó chính là chân đèn hình tòa cửu long bằng sắt thuộc thời Nguyễn, thế kỷ 19 - 20.

 

Chân đèn thời Nguyễn

Chân đèn này được làm theo mẫu hình chung của tòa Cửu Long thờ Thích Ca sơ sinh trong các Phật điện đó là: một tòa hình vòng cung trên đó trang trí 9 con rồng phun nước mà theo Phật thoại là để tắm cho Thích Ca lúc mới sinh ra. Hình ảnh rồng phun nước còn thể hiện ước mong cầu mưa của cư dân nông nghiệp. Chân đèn được trang trí 9 rồng chầu nhật ẩn hiện trong mây. Rồng còn là biểu tượng của vương quyền, sức mạnh và sự trường tồn của các triều đại phong kiến. Xen kẽ là 28 đĩa đèn dầu tượng trưng cho 28 vì tinh tú (ngôi sao sáng) mà theo các nhà thiên văn học thì bầu trời được chia ra 4 hướng: Đông, Tây, Nam, Bắc. Mỗi hướng gồm có 7 chùm sao và được gọi là Nhị Thập Bát Tú. Các nhà thiên văn còn dựa vào vị trí các sao để tính thời tiết bốn mùa. Với cách trang trí trên cây đèn cũng như ánh sáng được tỏa ra từ nhiều đĩa đèn khi nó được sử dụng chắc hẳn đã tạo cho cây đèn như một tác phẩm nghệ thuật rực rỡ trong một không gian lung linh, huyền ảo.

Như vậy, sưu tập đèn đang được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia không chỉ giúp khách tham quan hiểu một cách khái quát đời sống con người, những nét đặc trưng văn hóa qua từng thời kỳ mà mỗi hiện vật trong sưu tập cũng là một tác phẩm độc đáo mang giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, góp phần tạo nên bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam.        

Nguyễn Thảo (Phòng GDCC)
Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Loại hình chân chạc trong đồ gốm văn hóa Phùng Nguyên

Loại hình chân chạc trong đồ gốm văn hóa Phùng Nguyên

  • 11/06/2019 08:28
  • 4278

Là loại hình di vật độc đáo xuất hiện từ văn hóa Phùng Nguyên và tồn tại qua các giai đoạn văn hóa tiếp sau (Đồng Đậu, Gò Mun, Đông Sơn). Đến nay vẫn chưa có sự thống nhất về tên gọi cũng như chức năng của loại hình hiện vật này. Chúng được gọi bằng nhiều tên khác nhau như hòn kê, ông đầu rau, vật hình cốc, vật hình phễu, vật hình sừng bò, vật giữ lửa, chân giò, chân chạc, vật có liên quan đến tôn giáo tín ngưỡng nguyên thủy... Đến nay tên gọi chạc gốm được nhiều nhà nghiên cứu sử dụng hơn cả. Chạc gốm được tạo bằng tay, chất liệu gốm thô pha nhiều cát sạn sỏi nhỏ, đa số có văn thừng, một số ít trang trí văn khắc vạch. Chạc gốm chia thành hai phần: Phần cốc loe ở trên và phần chân ở dưới. Kích thước to nhỏ khác nhau.

Bài viết khác

Đồ gốm hoa lam Việt Nam thế kỷ 15-16

Đồ gốm hoa lam Việt Nam thế kỷ 15-16

  • 28/01/2019 10:02
  • 39108

Từ những năm 70 của thế kỷ 20, chúng ta đã biết đến những đồ gốm sứ Việt Nam qua các phát hiện tàu cổ bị chìm ở vùng biển Đông Nam Á. Những đồ gốm sứ Việt Nam cũng thường được tìm thấy cùng đồ gốm sứ Trung Quốc và Thái Lan. Tuy nhiên, chúng t­­­a lại chưa thấy có một con tàu nào chỉ chuyên chở đồ gốm sứ Việt nam riêng biệt. Trong khi đó, nhiều bảo tàng trong khu vực Đông Nam Á và Đông Á công bố những sưu tập đồ gốm sứ Việt Nam xuất khẩu có chất lượng cao. Điều đó chứng minh rằng đã có nhiều đồ gốm Việt Nam được xuất khẩu ra khu vực này từ những thế kỷ trước.